Một số lời khuyên của Leonardo Da Vinci

Nguyễn Đình Đăng trích dịch từ “Sổ ghi chép” của Leonardo Da Vinci

Leonardo Da Vinci Tự hoạ (1512) phấn đỏ trên giấy, 33.3 x 21.6 cm

Leonardo Da Vinci
Tự hoạ (1512)
phấn đỏ trên giấy, 33.3 x 21.6 cm

– Cái đẹp lụi tàn trong cuộc đời, nhưng không lụi tàn trong nghệ thuật.

– Hoạ sĩ ganh đua và cạnh tranh với tự nhiên.

– Nơi nào cảm xúc mạnh nhất, nơi đó có những người tử vì đạo vĩ đại nhất.

– Hội hoạ là con đẻ của tự nhiên. Nhưng nói cho đúng, nó là cháu của tự nhiên vì vạn vật mà ta nhìn thấy sinh ra từ tự nhiên, còn hội hoạ sinh ra từ vạn vật. Vì thế chúng ta có thể gọi chính xác hội hoạ là cháu của tự nhiên và có liên quan tới bản thân Chúa Trời.

– Bạn không thể trở thành một bậc thầy trừ khi bạn có một năng lực phổ quát cho phép bạn diễn tả bằng nghệ thuật tất cả các trạng thái khác nhau của mọi hình dạng sinh ra trong tự nhiên.

– Hoạ sĩ sẽ chỉ vẽ ra những bức tranh ít giá trị nếu lấy tác phẩm của các hoạ sĩ khác làm tiêu chuẩn của mình; nhưng nếu anh ta  chịu học từ các vật trong tự nhiên, anh ta sẽ tạo ra các kết quả tốt. Chúng ta thấy điều này đã xảy ra với các hoạ sĩ sau thời La Mã cổ đại, bởi họ liên tục bắt chước nhau, và từ thế hệ này sang thế hệ sau nghệ thuật của họ cứ thế mà suy tàn.

– Nhiều người có thị hiếu tốt và mê vẽ nhưng không có tài. Có thể thấy rõ điều này ở những cậu bé thiếu siêng năng và không bao giờ lên bóng để hoàn thành bức hoạ.

– Học sinh trẻ tuổi phải học luật viễn cận, sau đó học tỉ lệ các vật. Rồi sau đó cậu ta có thể chép tranh của một bậc thầy giỏi để làm quen với cách tạo hình đẹp. Sau đó vẽ từ thiên nhiên để thực hành các quy tắc đã học. Sau đó dành thời gian để nghiên cứu các tác phẩm của các danh hoạ. Rồi tạo thói quen vận dụng nghệ thuật của mình vào thực hành và làm việc.

– Đầu tiên hãy vẽ từ các dessin của các danh hoạ và từ thiên nhiên, chứ đừng vẽ theo trí nhớ. Sau đó vẽ từ các mẫu tượng dựa theo dessin, rồi mẫu người thật và đó là điều bạn phải thực hành.

Leonardo Da Vinci, Dessin nghiên cứu đầu của thiên thần cho bức hoạ Đức Mẹ trước núi đá (1483) silverpoint trên giấy nâu nhạt

Leonardo Da Vinci
Hình hoạ nghiên cứu đầu của thiên thần cho bức hoạ Đức Mẹ trước núi đá (1483)
silverpoint trên giấy nâu nhạt

– Chép (bắt chước) tranh cổ hơn là tranh đương thời.

– Chúng ta biết chắc rằng đưa mắt nhìn là một trong nhưng hành động nhanh nhất mà ta có thể làm. Trong một khoảnh khắc ta có thể nhìn thấy vô số hình dạng, tuy nhiên mỗi lần nhìn ta chỉ có thể thấy rõ một vật mà thôi. Giả sử bạn đọc liếc mắt nhìn nhanh toàn bộ trang viết này, bạn lập tức thấy nó được phủ kín chữ, nhưng bạn không thể nhìn rõ một lúc tất cả các chữ đó, hay nghĩa của chúng. Vì thế bạn phải nhìn từ này nối từ kia, dòng này nối dòng kia, để có thể hiểu được các chữ. Một lần nữa, nếu bạn muốn leo lên đỉnh tòa nhà bạn phải bước từng bậc một, nếu không bạn sẽ không đạt được tới đỉnh. Như vậy, tôi nói với các bạn, những ai trời xui khiến theo đuổi nghệ thuật, nếu bạn muốn có kiến thức vững chắc về hình khối của các vật thì hãy bắt đầu bằng các chi tiết của chúng, và đừng bước tiếp bước thứ hai khi chưa ghi nhớ và thực hành bước thứ nhất. Nếu bạn làm khác, bạn sẽ phí thời gian, hoặc chắc chắn sẽ kéo dài việc học của bạn. Và hãy nhớ phải đạt được sự siêng năng chứ không phải độ nhanh.

– Trò kém là người không vượt nổi thầy mình.

– Hoạ sĩ chỉ vẽ giỏi một thứ, như hình khỏa thân, đầu người, nếp vải, các con vật, phong cảnh, hay một thứ gì khác tương tự, thì không đáng khen, bởi không ai ngu tới mức không làm được một thứ gì thật tốt sau khi chỉ chuyên tâm vào làm mỗi thứ đó.

– Bây giờ đang có một loại hoạ sĩ, mới học được một tí, nhưng đã lấy vàng bạc và đá quý ra làm thước đo thẩm mỹ. Những người này tuyên bố cực kỳ tự phụ rằng họ không vẽ tác phẩm đẹp với giá bèo, và rằng họ có thể vẽ như bất cứ hoạ sĩ nào khác nếu họ được trả nhiều tiền. Một lũ ngốc! Liệu các hoạ sĩ này có thể vẽ vài bức tử tế, rồi nói: đây là bức tranh đắt tiền, đây là bức khá, còn đây là bức tầm tầm, và chứng tỏ rằng họ có thể vẽ tranh phù hợp mọi giá cả hay không?

– Đối với tôi, hoạ sĩ nào dám khoác lác mình có thể nhớ tất cả các hình khối vả hiệu ứng trong thiên nhiên là một kẻ cực kỳ ngu dốt vì những thứ đó là vô tận mà trí nhớ của chúng ta không đủ rộng lớn để chứa chúng. Vì thế, hỡi hoạ sĩ, hãy cẩn thận chớ để cho lòng hám lợi thế chỗ cho phẩm giá nghệ thuật trong bạn, vì đạt được vinh quang là thứ lớn lao hơn đạt được sự giàu sang. Cho nên, vì những lý do đó hoặc những lý do khác có thể dẫn ra, trong khi vẽ hãy cố diễn đạt ý định bằng các hình khối biểu cảm, và ý tưởng hình thành trong trí tưởng tượng của bạn; rồi tiếp tục thêm bớt cho đến khi thấy tự thỏa mãn. Sau đó vẽ người thực, mặc quần áo hoặc khỏa thân, chú ý giữ đúng kích thước theo luật viễn cận, không để bất cứ cái gì trong tác phẩm mà lại không hài hòa với lý trí và các hiệu ứng trong tự nhiên. Và đó là cách để đạt được thanh danh trong nghệ thuật của bạn.

Leonardo da Vinci, Đức Mẹ Đồng Trinh, Chúa Hài Đồng với Thánh Anne và John Baptist (1499 - 1500) than, phấn trắng trên giấy dán trên canvas

Leonardo da Vinci
Đức Mẹ Đồng Trinh, Chúa Hài Đồng với Thánh Anne và John Baptist (1499 – 1500)
than, phấn trắng trên giấy dán trên canvas

26.04.2014

_____________________

© Nguyễn Đình Đăng, 2014 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bản dịch được công bố trên internet với mục đích phổ biến kiến thức. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.

Nhãn: , ,

6 bình luận to “Một số lời khuyên của Leonardo Da Vinci”

  1. Yêu lại từ đầu Says:

    Cảm ơn anh đã chia sẻ kiến thức ❤

  2. nero17300812 Says:

    Cám ơn anh đã dành thời gian và tâm huyết. Wise words

  3. Hongngoc Says:

    Xin trân trọng tấm lòng, tâm huyết và trí tuệ của anh Đăng.

  4. hoanganhto Says:

    cảm ơn bạn đã dịch bài viết này! một bài viết hết sức bổ ích mình sẽ chia sẻ với mọi người! xin chân thành cảm ơn!

  5. Cổ Tự Ny Says:

    Reblogged this on Cổ Tự Ny and commented:
    quả thật là nói trúng tim đen mình quá trời… such wise words *_* phải reblog lại! Cảm ơn cả người dịch nữa!

  6. Bánh Cuốn Says:

    Không chỉ là những lời khuyên nữa, thay vào đó là những đúc kết rất thực tế và hữu ích cho những người theo hội họa như em. Em cảm ơn anh rất rất nhiều anh Đăng ạ !!

Gửi phản hồi cho nero17300812 Hủy trả lời