Tạ Duy và Nguyễn Đình Đăng trao đổi về tranh Nhật

Theo đề nghị của HS Nguyễn Đức Hòa, tôi đăng lại thành một bài riêng các trao đổi giữa Tạ Duy (TD) và tôi (NĐĐ) dưới bài “Beethoven ‘thuổng’ của Mozart. Brahms ‘thuổng’ của Beethoven”.Tôi thêm phần Phụ lục tóm tắt hội hoạ cổ điển Nhật Bản để độc giả tiện theo dõi.           

*

TD

Trong hội họa cổ điển Trung quốc, việc một họa sĩ không mang bóng dáng của thầy mình hay một bậc thầy quá khứ sẽ bị coi như một thứ vô giống vô nòi, một thứ con hoang không được xã hội thừa nhận.

NĐĐ

Nếu xã hội là đại chúng thì xã hội chỉ thừa nhận những anh thợ chép tranh ở làng Dafen [1] vì họ copy tranh bán giá rẻ, tuy rất xấu, nhưng nói chung chẳng ai nhìn thấy. Xã hội chưa bao giờ thừa nhận thiên tài khi họ còn sống vì đa số không nhận ra họ và đủ trí tuệ để hiểu họ.

Thời Phục Hưng, Leonardo, Raphael, Michelangelo sống được và sáng tạo được là nhờ một số cá nhân trí tuệ, thông thái, giàu có và quyền lực tài trợ như gia đình Medici, giáo hoàng. Ngày nay hoạ sĩ sống được cũng là nhờ các nhà sưu tập giàu có, hay một số dự án tư bản lẻ tẻ tài trợ, chứ đâu có ai “được xã hội thừa nhận”.

TD

À, cái “xã hội thừa nhận ” cháu nói thực chất là là giới văn nhân học giả đương thời, vì chú cũng biết hội họa cổ điển Trung Quốc và cả Nhật Bản đều chỉ là đối tượng của một số ít tầng lớp có học thuộc giai cấp trên, chứ nói thỏa mãn cả xã hội đủ mọi giai tầng thì chắc chưa có một họa sĩ nào làm nổi. À nhân tiện cháu muốn hỏi chú về các danh họa Phù thế như Hokusai, Utamaro… họ được giai cấp thượng tầng đương thời đánh giá thế nào ạ?

NĐĐ

Giới văn nhân học giả của Nhật nói chung khá bảo thủ và khép kín. Họ lập ra các hội nghệ thuật, có tới hàng trăm, và chỉ thừa nhận các hội viên. Có trường hợp như hoạ sĩ Tanaka Isson, khi còn sống luôn bị các hội này loại tranh, tức khí bỏ về đảo Amami vẽ tranh một mình, sống rất nghèo khổ, khi chết chẳng được ai biết để thừa nhận. Mãi sau này Tanaka Isson mới được một nhà báo đài NHK phát hiện ra, làm một chương trình TV phát toàn quốc thì danh tiếng mới được biết đến. Bây giờ ông là niềm tự hào của đảo Amami, nơi có một bảo tàng lớn mang tên ông và trưng bày các tác phẩm của ông.

Tranh của Tanaka Isson (1908 - 1977)

Tranh của Tanaka Isson (1908 – 1977)

Hokusai khá nổi danh ngay từ khi sinh thời. Ông cũng sống khá lâu, 89 tuổi. Ông từng thắng một cuộc thi vẽ với một hoạ sĩ vẽ theo phong cách Tàu. Cuộc thi diễn ra trong triều đình shogun Tokugawa Ienari, ngay trước mặt shogun, khoảng năm 1804, năm ông 46 tuổi. Nhưng chỉ từ khoảng 60 tuổi ông mới thực sự vẽ nên những tác phẩm quan trọng. Hokusai sống chủ yếu nhờ vẽ các sách bình dân manga, thậm chí cả shunga (truyện tranh khiêu dâm), và dạy vẽ, khắc gỗ. Vào những năm 1820 ông xuất bản bộ tranh in 36 cảnh núi Fuji. Bộ tranh trở nên nối tiếng tới mức sau đó ông vẽ thêm 10 tranh nữa.

Utamaro lúc đầu cũng kiếm sống bằng minh hoạ sách báo. Đến năm 40 tuổi, 1793, ông bắt đầu nổi danh như một bậc thầy về tranh ukiyo-e. Trong chim, hoa, cá, gái thì Utamaro nổi danh vì vẽ gái. Ông cũng làm tranh in shunga, tức tranh khiêu dâm, để kiếm sống. Năm 1804, 51 tuổi, Utamaro bị bỏ tù, bị cùm tay 50 ngày, vì minh hoạ truyện cấm. Sự nghiệp hoạ sĩ của ông tiêu tan. Ông qua đời 2 năm sau đó.

TD

Trước cháu cứ cho rằng chỉ có những họa sĩ xuất thân từ những lò đào tạo như Rimpa hay Kano mới được coi như những họa sĩ chính thống và được tầng lớp cao để mắt đến, còn các hoạ sĩ Phù thế chỉ là thứ họa sĩ dân gian.

NĐĐ

Đúng thế. Các hoạ sĩ trường phái Kano, Rinpa như Sanraku (Kano), Ogata Korin (Rinpa) là các hoạ sĩ cung đình, thời thượng. Rinpa và Kano là những trường phái lâu đời, có từ t.k. XVI – XVII bắt nguồn từ phong cách Tàu, và vẽ các bình phong trang trí các lâu đài của giới lãnh chúa thượng lưu. Đó là các trường phái chính thống vì được vua chúa, shogun công nhận và tài trợ.

Còn Hokusai và Utamaro, như tôi đã viết, là các hoạ sĩ nổi tiếng vì ukiyo-e (浮世絵: tranh phù thế, tranh của thế giới trôi nổi) là chính, tức tranh khắc gỗ, phát hành hàng loạt giá rẻ cho bình dân. Ukiyo-e ra đời sau này, t.k. XVII- XIX, chủ yếu nhằm vào tầng lớp buôn bán thời Edo, vẽ gái, các nghệ sĩ kabuki, và sumo. Cũng như Tàu hay ta, Nhật Bản coi giới có học vấn, sĩ (士: samurai hay võ sĩ đạo) là nhất, sau đó đến giới ít học: nông (农), công (工), và hạng bét là dân vô học nhưng lắm tiền là giới buôn bán, thương mại (商: thương). Loại tranh ukiyo-e thời đó được coi là tranh bình dân, đại chúng, hạ đẳng. Chính vì thế mà Hokusai và Utamaro chủ yếu sống bằng xuất bản tranh in, vẽ manga là chính.

Chỉ sau khi người Pháp phát hiện ra Hokusai, Utamaro vào những năm 1860 (sau khi các ông đã qua đời) – và người Pháp thì không quan tâm đến chính thống với bình dân của Nhật, mà cứ thấy hay thấy lạ là họ xài – thì quan điểm chính thống của Nhật mới ồ à lên, coi Hokusai, Utamaro như những người mở đường cho Japonism và Art Nouveau của châu Âu. Thực ra đó cũng lại là một sự ngộ nhận nặng tính dân tộc chủ nghĩa.

Cá nhân tôi cho rằng, tâm lý nặng tính dân tộc chủ nghĩa, cũng là một trong những lý do khiến nhiều người Nhật có xu hướng thích hội hoạ Ấn tượng vì họ cho rằng hội hoạ Ấn tượng chịu ảnh hưởng của Nhật!

*

Phụ lục

Hội họa cổ điển Nhật Bản

Từ thời Heian (t.k. VIII – t.k. XII), hội họa Nhật Bản đi theo hai hướng là tranh Nhật (大和絵 yamato-e) và tranh Tàu (唐絵 kara-e). Yamato-e sinh ra từ tranh Tàu đời Đường (t.k. VII – X), nhưng từ thời Heian tập trung vào các đề tài Nhật Bản và được coi là tranh Nhật. Còn kara-e  là tên lúc đầu được dùng để chỉ tất cả các tranh nhập từ Tàu (kara là cách phiên âm Nhật từ 唐, tên nhà Đường ở Tàu). Sau khi tranh mực Tàu đời Tống (t.k. X – XIII) và Nguyên (t.k. XIII – XIV) được nhập vào Nhật, các tranh vẽ theo phong cách này được gọi chung là kara-e.

Theo hai hướng này có ba trường phái lớn là Tosa (土佐派: tosa-ha), Kano (狩野派: kanō-haRinpa (琳派: rimpa).

Phái Tosa được hình thành vào t.k. XV thuộc dòng tranh Nhật (yamato-e), sử dụng các kỹ thuật và hoạ phẩm Nhật Bản vẽ các đề tài Nhật Bản. Tên của phái được lấy từ nghệ danh của người sáng lập, Tosa Yukihiro.

Được cho là của Tosa Mitsuoki (1617 - 1691) Minh hoạ truyện Genji (phái Tosa)

Được cho là của Tosa Mitsuoki (1617 – 1691)
Minh hoạ truyện Genji (phái Tosa)

Phái Kano thuộc dòng tranh Tàu (kara-e). Kano Masanobu (1434 – 1530), người sáng lập phái này, là hoạ sĩ trưởng của mạc phủ (shogun) Ashikaga. Đôi khi còn được gọi là kanga 漢画 tức Hán hoạ, phái này thống trị hội họa Nhật Bản suốt từ cuối t.k. XV tới thời Minh Trị đầu t.k. XIX.

Kano Sanraku (1559 - 1635) Hổ và rồng (phái Kano)

Kano Sanraku (1559 – 1635)
Hổ và rồng (phái Kano)

Phái Rinpa ra đời vào t.k. XVII tại Kyoto, được cho là do Hon’ami Kōetsu (1558 – 1637) sáng lập, trong bối cảnh hai phái Tosa và Kano đã mở rộng phạm vi hoạt động, xích lại gần nhau, đôi khi khó phân biệt. Phái Rinpa nâng các phong cảnh rộng và đơn giản của dòng tranh Nhật (yamato-e) lên thành một phong cách. Tên Rinpa được đặt ra sau này, vào thời Minh Trị, rút từ tên của Ogata Korin (1658 – 1716) – hoạ sĩ nổi danh nhất của trường phái này. Trước đó phái này có nhiều tên khác nhau như phái Koestu, Koetsu-Korin, Sotatsu-Korin.

Ogata Korin Hoa diên vĩ (phái Rinpa)

Ogata Korin
Hoa diên vĩ (phái Rinpa)

Ba hoạ phái trên là những hoạ phái chính thống, được hoàng gia, giới lãnh chúa, có thế lực trong xã hội ủng hộ và tài trợ vì các hoạ sĩ này vẽ các bình phong tráng lệ trang trí cung điện, nội thất cho giới thượng lưu.

Tới thế kỷ XVIII Maruyama Ōkyo (1733 – 1795) sáng lập hoạ phái Maruyama ở Kyoto, kết hợp chủ nghĩa tự nhiên từ hội họa phương Tây với tính trang trí của hội hoạ phương Đông.  Các hoạ sĩ chống đối trường phái này mở hoạ phái nanga (南画 tranh phương nam), tự coi mình là giới văn nhân, vẽ theo truyền thống tranh Tàu.

Maruyama Ōkyo Quạ (1766)

Maruyama Ōkyo
Quạ (1766)

Ike no Taiga (1723 - 1776) Câu cá mùa xuân (1747) (phái Nam hoạ)

Ike no Taiga (1723 – 1776)
Câu cá mùa xuân (1747)
(phái Nam hoạ)

Dòng tranh Nihonga (日本画), tức tranh Nhật, ngày nay là một thứ kết hợp truyền thống của tất cả các hoạ phái trên với nhiều yếu tố từ hội họa phương Tây, được vẽ bằng hoạ phẩm truyền thống của Nhật.

Dòng tranh ukiyo-e (浮世絵 tức tranh của thế giới nổi trôi) là dòng tranh in mộc bản (khắc gỗ), nở rộ vào t.k. XVII – XIX, nhằm vào giới buôn bán giàu có mới nổi lên vào thời Edo. Các đề tài phổ biến của dòng tranh này là vẽ gái, nghệ nhân kabuki, lực sĩ sumo, minh hoạ các câu chuyện dã sử và dân gian, tranh truyện khiêu dâm (shunga). Tranh ukiyo-e được coi là tranh giải trí, hàng chợ, rẻ tiền, phục vụ tầng lớp dưới trong xã hội. Trong mắt giới quý tộc lãnh chúa, các hoạ sĩ tranh ukiyo-e không có các vị thế như các hoạ sĩ thời thượng của ba dòng tranh chính thống nói trên. Ukiyo-e là một trong những khởi nguồn của tranh truyện manga Nhật Bản ngày nay.

Katsushika Hokusai (1760 - 1849) Sóng lớn tại Kanagawa (tranh ukiyo-e)

Katsushika Hokusai (1760 – 1849)
Sóng lớn tại Kanagawa (tranh ukiyo-e)

Kitagawa Utamaro (1753 - 1806) Soi lụa (tranh ukiyo-e)

Kitagawa Utamaro (1753 – 1806)
Soi lụa (tranh ukiyo-e)

__________
Chú giải:
[1] Làng Dafen (大芬 Đại phân), thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là làng làm tranh chép. Tại đây có tới hàng ngàn thợ kiếm sống bằng cách chép lại các phiên bản tác phẩm sơn dầu của các bậc thầy đã chết trên 70 năm (trừ 2 ngoại lệ là Salvador Dalí và Andy Warhol) và bán giá rẻ cho khách hàng trên toàn thế giới. Các thợ này cũng vẽ tranh theo đơn đặt hàng với giá rẻ.

Nhãn: , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

Phản hồi của bạn:

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s


%d người thích bài này: