Những bích hoạ đầu đời

Nguyễn Đình Đăng

Năm lên 8 tuổi tôi học lớp 2 ở nơi sơ tán thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Tôi chỉ phải đến lớp hàng ngày vài tiếng vào buổi chiều. Thời gian còn lại tôi ở nhà đọc sách và vẽ, hoặc theo tụi trẻ con trong làng đi chăn trâu. Hồi đó tôi rất mê Tam Quốc. Ngoài bộ “Tam Quốc diễn nghĩa” 13 tập của La Quán Trung do cụ Phan Kế Bính dịch và cụ Bùi Kỷ hiệu đính, tôi còn một bộ truyện tranh Tam Quốc nhiều tập, khổ chừng 12 x 15 cm, bằng tiếng Tàu, do các hoạ sĩ Trung Quốc minh hoạ. Tôi chép lại các hình trong bộ truyện tranh nhiều đến thuộc lòng các nhân vật, dựa vào đó tôi sáng tác ra các Quan Công, Trương Phi, Triệu Tử Long của mình. Trẻ con trong lớp và hàng xóm đều biết tài vẽ của tôi.

Ba cuốn trong bộ truyện tranh Tam Quốc Chí: 1- Tam cố mao lư (三顧茅廬), tức ba lần anh em Lưu - Quan- Trương tới lều tranh vời Gia Cát Khổng Minh, 2 - Xích Bích đại chiến (赤壁大战), 3 - Thiên lý tẩu đơn kỵ (千里走单騎), tức truyện Quan Công một mình một ngựa hộ tống xe chở hai vợ Lưu Bị rời nơi ở của Tào Thào, vượt ngàn đặm để đoàn tụ với Lưu Bị (Ảnh từ internet)

Ba cuốn trong bộ truyện tranh Tam Quốc Chí: 1- Tam cố mao lư (三顧茅廬), tức ba lần anh em Lưu – Quan- Trương tới lều tranh vời Gia Cát Khổng Minh, 2 – Xích Bích đại chiến (赤壁大战), 3 – Thiên lý tẩu đơn kỵ (千里走单騎), tức truyện Quan Công một mình một ngựa hộ tống xe chở hai vợ Lưu Bị rời nơi ở của Tào Thào, vượt ngàn đặm để đoàn tụ với Lưu Bị (Ảnh từ internet)

Truyện tranh Tam Quốc Chí, đoạn Quan Công tha Tào Tháo tại trận Xích Bích (Ảnh từ internet)

Truyện tranh Tam Quốc Chí, đoạn Quan Công tha Tào Tháo tại trận Xích Bích (Ảnh từ internet)

Một lần ông hàng xóm sau nhà xây nhà gạch hay lợp lại ngói gì đó. Lúc tôi sang chơi với con ông ấy, ông bảo tôi vẽ Triệu Tử Long lên bức tường nhà vừa được quét vôi trắng toát trước sân ngay cạnh bậc thềm vào nhà. Tôi nhặt một viên gạch non, bắc ghế đứng lên vẽ. Không đo đạc, vẽ phác gì hết, tôi cứ thế vẽ từ mũ Triệu Tử Long xuống mặt, vai, khăn quàng cổ, giáp trụ, tay cầm giáo, giáp che đùi, chân cho vào bàn đạp, yên ngựa, bờm ngựa, tai ngựa, đầu ngựa, cổ ngựa, hai chân trước, hông, hai chân sau, bụng, đuôi, dây cương, hàm thiếc v.v. Vẽ bằng gạch non lên tường không giống như vẽ bằng bút chì lên giấy vì hỏng không tẩy được. Thực ra có thể dùng nước vôi trắng quét lên chỗ hỏng, nhưng phải đợi vôi khô thì nó mới trắng ra và mới tiếp tục vẽ được. Tôi nhớ có vẽ vài chỗ hỏng và ông hàng xóm chủ nhà đã dùng chổi nhúng vôi quét để xóa giúp. Sau vài tiếng tôi hoàn thành bức bích hoạ, có lẽ cao gấp đôi tôi hồi đó. Hôm sau ông hàng xóm làm mấy mâm cơm khao làng nhân nhà mới. Tôi được ông gọi sang ăn để thưởng công vẽ. Tôi còn nhớ bữa ăn hôm đó có thịt lợn được sắt thành những miếng to, đầy mỡ. Sau đó tôi còn được ăn bánh trôi tráng miệng. Bánh được làm từ bột nếp, vê thành từng viên nhỏ, bên trong có nhân đường đen.

Mười ba năm sau tôi vẽ bức tranh tường thứ hai. Lần này không phải bằng gạch non mà bằng sơn dầu.

Hồi đó tôi chưa tròn 21 tuổi, là sinh viên đại học quốc gia Moskva, sống trong ký túc xá số 3 của khoa vật lý tại khu nhà 31 đại lộ Lomonosov. Mỗi tòa nhà trong khu này có 4 tầng. Phòng của các nam sinh viên ở ba tầng dưới. Tầng trên cùng là các phòng của nữ sinh viên. Mỗi tầng có một gian khá rộng ở giữa, gọi là hall, một mặt mở ra hành lang, mặt đối diện là cửa kính trông xuống phố, hai mặt còn lại là hai bức tường vuông góc với hành lang. Sinh viên thường ra hall ngồi tán gẫu, hút thuốc. Vào tối thứ Bảy hoặc Chủ nhật thường có nhảy disco tại hall.

Một hôm bà quản lý tòa nhà tôi ở và chàng chủ tịch hội sinh viên khoa lý tới phòng tôi gạ tôi vẽ trang trí cho hall tầng 3. Tôi đã từng triển lãm cá nhân trong tòa nhà mình ở và trong Cung văn hóa trường nên không ít người biết. Bà quản lý nói sẽ trả công tôi 78 rubles (Học bổng sinh viên tôi được cấp để sinh sống là 70 rubles mỗi tháng). Lúc họ đề nghị tôi hơi ngại vì tôi phải học và cũng không muốn vẽ theo yêu cầu của người khác. Nhưng học kỳ đó tôi thi xong trước kỳ thi chính thức tới một tháng, nên khá rảnh. (Nói chung hầu như học kỳ nào tôi cũng thi trước, và sung sướng chơi trong khi các bạn cắm đầu học thi.) Lúc đó tự dưng nổi hứng, tôi tới gặp chàng chủ tịch hội sinh viên và nhận lời trang trí hall tầng 3.

Ký túc xá sinh viên 3 năm đầu tiên của Đại học Quốc gia Moskva tại khu nhà 31 Đại lộ Lomonosov. Hình bên phải là tòa nhà số 3 - nơi ở của sinh viên khoa vật lý (Ảnh từ internet)

Ký túc xá sinh viên 3 năm đầu tiên của Đại học Quốc gia Moskva tại khu nhà 31 Đại lộ Lomonosov. Hình bên phải là tòa nhà số 3 – nơi ở của sinh viên khoa vật lý (Ảnh từ internet)

Hành lang bên trong ký túc xá (Ảnh từ internet)

Hành lang bên trong ký túc xá (Ảnh từ internet)

Đề tài tranh tường là từ “Romeo và Juliet” của Shakespeare. Tôi không còn nhớ ai đã đề xuất đề tài đó, nhưng tôi được hoàn toàn tự do nghĩ bố cục. Trên bức tường bên trái từ phía hành lang nhìn vào hall, tôi vẽ một thiếu nữ đang ngồi trên tay ghế sofa với cuốn sách mở đặt trên đùi, mắt mơ màng nhìn ra phía trước. Trên bức tường bên phải tôi vẽ hai ô như cửa sổ trong nhà thờ, nền đen. Trong ô thứ nhất, gần cửa kính nhìn xuống phố, tôi vẽ Romeo đang ôm Juliet. Trong ô thứ hai, gần hanh lang, lúc đầu tôi dùng than phác ông cố đạo, người đã làm lễ đính hôn bí mật cho đôi trẻ. Nhưng sau đó ông giám đốc khu học xá nhìn thấy, bắt xóa đi, với lý do là không được vẽ bất cứ cái gì liên quan tới tôn giáo. Tôi bèn thay ông cố đạo bằng chàng Tybalt, anh họ Juliet, người bị Romeo đâm chết lúc hai người đánh nhau. Trên cái cột ngăn đôi lối vào hall, tôi vẽ chân dung Shakespeare ở trên, bên dưới viết câu cuối cùng trong vở kịch Romeo và Juliet: “Trên thế gian này không có câu chuyện nào buồn thảm hơn câu chuyện về Romeo và Juliet.” (Но нет печальней повести на свете, чем повесть о Ромео и Джульетте.) Dưới hàng chữ đó tôi còn vẽ một thần Ái tình cầm cung tên ngước mắt nhìn lên.

Romeo và Juliet trong phim cùng tên năm 1968 của Anh và Ý - một trong những bộ phim đẹp nhất tôi được xem ở tuổi 20.

Romeo và Juliet trong phim cùng tên năm 1968 của Anh và Ý – một trong những bộ phim đẹp nhất tôi được xem ở tuổi 20.

Tybalt trong phim

Tybalt trong phim “Romeo và Juliet” (1968)

Tôi nhờ một sinh viên Ba Lan tên là Norbert Smyrak làm mẫu vẽ Tybalt. Chàng ta chống cái que giả vờ làm kiếm đứng như tượng cho tôi nhìn vẽ thẳng lên tường bằng sơn dầu. Romeo và Juliet do tôi bịa ra. Cô bạn gái Nga 18 tuổi làm mẫu cô sinh viên đọc sách. Các người mẫu đều làm mẫu khoảng 1 – 2 tiếng buổi tối vì ban ngày và cả đêm họ phải học thi. Tôi lấy cái đèn bàn học, lắp bóng 100 W để chiếu sáng một bên vào người mẫu. Các sinh viên khác thỉnh thoảng ghé qua xem, bình phẩm, nhưng tất cả đều reo lên vì tôi vẽ giống người mẫu. Chàng Norbert Smyrak tuyên bố: “Từ nay hall này sẽ là chỗ yêu thích nhất của tớ. Tớ sẽ thường xuyên ra đây để ngắm mình trong trang phục thời Phục Hưng.”

Gay go nhất là chân dung Shakespeare. Tôi chỉ nhớ mang máng khuôn mặt Shakespeare từ những cuốn sách tôi đọc khi còn ở Việt Nam. Theo những chân dung đó, Shakespeare trông khá giống Hernandez Sanchez, một sinh viên Equador cùng năm. Lúc đầu tôi nhờ Hernandez làm mẫu để vẽ phác chân dung lên tường, nhưng các sinh viên khác trông thấy đều cực lực phản đối. Họ bảo: “Đó là thằng Hernandez, không phải Shakespeare”. Thế là bắt đầu chiến dịch săn lùng chân dung Shakespeare. Không một sinh viên nào trong ký túc xá có Shakespeare! Cả gia đình cô bé hàng xóm mà tôi từng vẽ chân dung ở gần ký túc xá cũng không có Shakespeare. “Chúng tôi không chứa chấp Shakespeare” (Мы Шекспира не держим) là câu trả lời tôi nhận được từ bố mẹ cô bé. Cuối cùng tôi nhớ ra anh bạn Lansana người Congo ở phòng đối diện. Anh ta có một cuốn bách khoa toàn thư Petit Larousse. Tôi nhớ đã từng nhìn thấy chân dung Shakespeare trong cuốn Petit Larousse của bố tôi. Và tôi đã không nhầm. Sau khi mượn được cuốn Petit Larousse từ Lansana, tôi vừa nhìn chân dung Shakepeare từ đó vừa vẽ lên tường.

Tôi đã vẽ chân dung Shakespeare từ bức hình như thế này trong bách khoa toàn thư Petit Larousse

Tôi đã vẽ chân dung Shakespeare từ bức hình như thế này trong bách khoa toàn thư Petit Larousse

Các khoảng trống giữa ba bức tranh trong ba khuôn cửa đen được tôi lấp bằng những hòn đá giả vẽ lên tường. Vẽ xong bộ tranh tường, tôi phải vất vả mới nhận được non nửa số tiền người ta đã hứa vì chẳng có hợp đồng giao kèo gì hết.

Năm 1984 – 1985, khi vợ tôi (lúc đó còn chưa cưới) sang Moskva học, tôi có dẫn vợ tôi tới thăm ký túc xá khi xưa. Bộ tranh tường vẫn còn ở đó tuy có vài chỗ bị trát vì người ta thay ổ cắm điện. Tôi hơi tiếc đã không chụp vài bức ảnh dù là đen trắng của bộ tranh này. Thời đó chụp ảnh không dễ dàng và đẹp như ngày nay.

Cách đây vài hôm, khi định kể lại câu chuyện này, tôi tìm ra trang web và facebook của hội sinh viên khoa vật lý trường đại học quốc gia Moskva. Tôi đã gửi cho họ một message hỏi về bộ tranh tường tôi vẽ khi xưa và nhờ họ nếu thấy nó còn ở đó thì chụp gửi cho tôi vài bức ảnh [1]. Đến nay tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Có thể chẳng ai buồn đọc message của tôi. Nhưng có nhiều khả năng mấy bức tranh đó không còn nữa. Sau hơn 30 năm khu nhà chắc đã được sửa sang, sơn phết lại vài lần, và những bức tranh tôi vẽ có lẽ đã bị cạo đi hoặc bị vùi lấp dưới nhiều lớp sơn tường đặc quánh.

Đến bích hoạ của Leonardo cũng bị thất lạc kia mà. Rốt cuộc cái duy nhất mà người ta thực sự sở hữu chỉ còn là ký ức.

3.7.2015

_____________

[1] Nguyên văn message bằng tiếng Nga:

Дорогие друзья,

Я выпускник физфака МГУ 1982 года. В периоде с 1976 г по 1979 г жил в обшежитии МГУ на Ломоносовском проспекте 31, кор. 3. Там в 1979 году декорировал маслом стены холла 3-его этажа сюжетом о Ромео и Джульетте Шекспира. В 1985 году мои картины там еще видел. Не знаю сохраняются ли они до сих пор. К сожалению ни одного снимка так и не снимал. Если вы знаете об их нынешнем существовании не могли ли вы мне прислать несколько снимков?
Заранее большое вам спасибо.

Нгуен Динь Данг

URL: http://ribf.riken.go.jp/~dang/
Живопись: http://ribf.riken.go.jp/~dang/page1.html
FB: https://www.facebook.com/ng.dinhdang
Blog: https://nguyendinhdang.wordpress.com

Nhãn: ,

Phản hồi của bạn:

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s


%d người thích bài này: