Giấc mơ nghệ sĩ

Nguyễn Đình Đăng

thiep

Nguyễn Đình Đăng
Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) (1990)
sơn dầu, 97 x 130 cm

Tôi vẽ “Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)” vào năm 1990 và đã viết về quá trình sáng tác bức tranh này trong bài “Nhà văn Việt Nam của tôi”.

Mười năm sau, để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại Nhật Bản, “Giấc mơ nghệ sĩ” đã lên đường sang Tokyo. Tôi cuộn bức tranh lại đem theo lên máy bay. Tới Tokyo, tôi mua một strainer mới căng bức tranh lên. Tôi cũng phủ lên mặt tranh một lớp varnish bảo vệ. Bức tranh đã chiếm vị trí trang trọng nhất tại phòng triển lãm, khai mạc ngày 5 tháng 10 năm 2001.

13233154_1712087515716808_2094731456366869770_n

GS Akito Arima – thượng nghị sĩ, nguyên bộ trưởng giáo dục khoa học công nghệ Nhật Bản – phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm cá nhân của Nguyễn Đình Đăng tại thành phố Wako, tỉnh Saitama (5.10.2001)

Triển lãm kết thúc, bức tranh lại quay về studio của tôi, được dựng úp mặt vào tường để giảm tác động của ánh sáng và tránh bụi 13 năm liền.

Vào một ngày đầu năm 2014, tôi nhận được một email nội dung như sau:

Chào ông Đăng,

Tôi là một công dân Pháp sống tại Hà Nội khoảng 20 năm nay với vợ người Việt và con gái 12 tuổi. Tôi say mê lịch sử lâu đời và văn hóa Việt Nam. Tôi thích mỹ thuật, văn học, thi ca và sưu tập tác phẩm của các hoạ sĩ và văn sĩ nước ông – những tác phẩm khiến tâm hồn tôi rung động.

Gần đây, tôi vào thăm trang web của ông, và lòng tôi thực sự xốn xang khi chiêm ngưỡng các bức tranh ông vẽ. Tôi đặc biệt thích bức có tên “Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)”. Vì sao? Vì tôi đã đọc nhiều truyện của nhà văn này được dịch sang tiếng Pháp như “Sói báo thù”, “Tướng về hưu”, “Truyện tình kể trong đêm mưa”, “Vàng lửa”, “Trái tim hổ”, “Quỷ ở với người”. Bức tranh của ông vẽ nhà văn này chứa đầy cảm xúc và luôn ở trong tâm trí tôi kể từ khi tôi nhìn thấy nó.

Bức tranh của ông khác tranh của nhiều hoạ sĩ khác. Nó đầy ắp cảm xúc và chất thơ. Tôi mê nó và muốn biết liệu ông có bán bức “Giấc mơ nghệ sĩ” không, vì nếu có, tôi muốn mua nó nếu giá cả nằm trong khả năng của tôi, bởi đối với tôi bức tranh này như một pho sách mà tôi có thể đọc mãi không bao giờ hết.

Trân trọng,
Lucien Forget

Sau bức thư đó là hơn 30 emails trao đổi giữa tôi và ông Forget. Ông không phải là người đầu tiên sưu tập tranh của tôi qua internet, nhưng là người đầu tiên sưu tập một bức tranh kích thước lớn như thế này (97 x 130 cm). Sau khi cân nhắc tất cả các phương án, tôi quyết định đích thân mang bức tranh về Hà Nội trao tận tay ông Forget. Ông đồng ý ngay và chịu phí vận chuyển.

Tôi đã từng gửi tranh, tự vận chuyển tranh nhiều lần trong đời nhưng tự mang một bức tranh khổ lớn nguyên chiếc căng trên strainer qua đường hàng không như thế này thì, với tôi, đây là lần đầu tiên.

Điều quan trọng hàng đầu là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bức tranh. Những điều tối kỵ khi vận chuyển tranh sơn dầu trên canvas là sốc do va đập, dao động bề mặt tranh, độ ẩm. Đó là những nguyên nhân gây ra gẫy, vỡ, bong nứt. Tôi bỏ ra hai ngày để đọc lại các tài liệu về bảo tồn tranh, đặc biệt là cuốn “Nghệ thuật trong khi dịch chuyển – Sổ tay hướng dẫn đóng gói và vận chuyển tranh” [1]. Bốn điểm quan trọng nhất tôi rút ra là:

1 – Khung tranh tăng độ bảo vệ cho bức tranh. Vì thế tốt nhất là vận chuyển bức tranh được lồng khung;

2 – Hộp carton hấp thụ chấn động tốt hơn hộp gỗ lót bọt biển;

3 – Sốc và dao động mạnh nhất xảy ra khi chuyển hộp tranh lên hoặc xuống xe, từ kho lên máy bay và từ máy bay xuống xe để nhập kho;

4 – Lót strainer bằng vải polyester giúp triệt tiêu hầu như hoàn toàn dao động bề mặt tranh.

stretcherbarlining

Cách lót strainer để giảm dao động bề mặt canvas

Trong 4 điểm đó, điểm thứ tư là phương pháp do Peter Booth tại Tate Museum ở London phát minh, nhằm giảm thiểu dao động của canvas [2]. Phương pháp rất hiệu nghiệm này đơn giản như sau: Lấy một mảnh vải polyester luồn dưới các thanh ngang của strainer, rồi căng ra, găm bằng đinh rập vào strainer. Phương pháp này tạo một đệm không khí giữa tấm lót và mặt sau của canvas, giảm hẳn dao động bề mặt canvas, đồng thời ngăn thanh ngang của strainer in hằn lên canvas. Sau khi tôi áp dụng phương pháp lót strainer, bề mặt bức “Giấc mơ nghệ sĩ” hoàn toàn ngừng rung.

Tôi làm một chiếc hộp bằng các tấm gỗ dán dày 4mm vừa khít bức tranh lắp nguyên cả khung. Để tránh ẩm ướt và quệt xước, tôi bọc bức tranh trong một tấm nylon trong và dày rồi dán kín trước khi cho vào hộp gỗ. Sau đó tôi đặt một hãng làm hộp carton thửa một chiếc dày 5mm bọc ngoài hộp gỗ đựng tranh.

img_0014

Kiện tranh đã được cột dây nhựa

Xong xuôi, tôi đặt vé máy bay và thông báo cho Vietnam Airlines tại Tokyo kích thước tổng cộng (270 cm) và trọng lượng của kiện tranh (20 kg). Cô nhân viên người Nhật, tên là Kayo, trả lời cực kỳ lịch sự nhã nhặn rằng cô sẽ liên lạc với sân bay Narita để hỏi, và nếu chuyến bay vẫn còn đủ chỗ trong khoang hành lý người ta sẽ nhận kiện tranh mà tôi không phải trả một yen nào cả. Và họ nhận thật. Cô Kayo còn cẩn thận dặn tôi nên ra sân bay check in sớm cho chắc ăn.

13235144_1712090975716462_837434710929304876_o

Hai cha con đưa kiện tranh vào xe

Tôi thuê một xe minivan và nhờ con trai tôi lái chở tranh ra sân bay vào chiều Chủ Nhật để gửi trước ở kho tại sân bay. Hôm đó trời mưa to, đường trơn, nhưng nhờ thâm niên 6 năm cầm lái của con trai tôi chúng tôi đã đến sân bay an toàn sau hai giờ đồng hồ.

13268536_1712091205716439_9011116687607132542_o

Trên xa lộ ra sân bay Narita (trái) và kho gửi đồ của hãng Global Port Agency (GPA) tại Narita Terminal I (phải).

Sáng sớm thứ Ba tôi đáp tàu cao tốc ra sân bay Narita từ rất sớm, lấy kiện tranh từ kho gửi đồ ở tầng 1, đẩy vào thang máy lên quầy check-in ở tầng 4. Tới nơi đã thấy một cô nhân viên ra nhận, đưa vào cân rồi hai nam nhân viên đẩy xe ra bê kiện tranh đặt lên đem đi để chuyển lên tàu bay.

13243691_1712091399049753_3719083302683583279_o

Tàu cao tốc ra sân bay Narita (trái) và hành lý đang được chuyển vào tàu bay của Vietnam Airlines tại sân bay Narita (phải)

Sáu tiếng đồng hồ sau khi cất cánh, tàu bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. Đẩy tranh ra tới tiền sảnh, tôi gặp ông Forget và vợ chạy tới, tay bắt mặt mừng. Ông hơn tôi 8 tuổi. Vợ ông trẻ hơn ông chừng ba chục tuổi. Cô nói: “Nhà em mấy hôm nay mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng nói đến bức tranh. Bây giờ chắc ông ấy sẽ ngủ được rồi.”

Xe của vợ chồng ông Forget chỉ có 2 chỗ ngồi phía trước, ghế phía sau phải gấp lại lấy chỗ đặt kiện tranh. Thành ra ông Forget phải co mình chui bên dưới, chống khuỷu tay phải xuống sàn xe, giơ tay trái nâng kiện tranh đặt nghiêng cho khỏi chạm vào người mình trong lúc vợ ông cầm lái, còn tôi thì ngồi ghế bên cạnh. Trong một email gửi tôi trước đó, ông thú nhận: “Đời tôi bây giờ chỉ có hai mối quan tâm. Thứ nhất là đó là gia đình tôi, thứ nhì đó là niềm đam mê nghệ thuật điên rồ của tôi.” Bây giờ tôi đã thấy tận mắt điều đó. Tôi ngạc nhiên và có phần cảm động khi thấy ông mê bức tranh đến vậy.

Gia đình ông Forget sống trong một ngôi biệt thự 3 tầng tuyệt đẹp, có tường và vườn bao quanh. Trong sân, trước cửa vào nhà, một con chó chủng labrador to lớn lông trắng, bị cột cạnh cũi sắt, cất tiếng sủa vang. Cô bé giúp việc chạy ra giúp chúng tôi cùng khuân kiện tranh vào nhà.

13268463_1712092775716282_2871231125869285572_o

Bức tranh đã đến tay nhà sưu tập

Sau khi bức tranh được tháo ra khỏi hộp và túi nylon được gỡ bỏ, ông Forget sung sướng ngắm nhìn còn tôi thì thở phào khi thấy bức tranh vẫn nguyên vẹn sau một chặng đường dài vận chuyển đầy rung lắc va đập. Ông Forget dự định sẽ treo bức tranh tại sảnh tầng hai.

Xong việc với bức tranh, ông Forget dẫn tôi tham quan ngôi biệt thự. Ba tầng nhà treo đầy tranh, chủ yếu là sơn mài và sơn dầu. Trong phòng khách một bức sơn mài khá lớn của một lão hoạ sĩ 88 tuổi, vẽ cảnh chợ vùng biên giới, ngự trên bức tường sau tràng kỷ. Trong sưu tập tranh của ông có nhiều sơn mài của lão hoạ sĩ này và một số bức sơn dầu của vài hoạ sĩ Việt Nam khác. Ông còn sưu tập nhiều đồ gốm sứ, tượng, và sách, trong đó các tuyển tập của nhiều nhà văn và thi sĩ Pháp, lịch sử Pháp, Việt Nam đóng bìa cứng gáy nổi rất đẹp.

13244222_1712529255672634_8671624663717914155_o

Trong phòng khách nhà ông Lucien Forget

Ông Forget mời tôi uống whisky khai vị kèm prosciutto. Chúng tôi nói chuyện về mỹ thuật, âm nhạc và văn chương. Tôi chuyện trò với ông được một lúc thì vợ ông đón con gái từ trường về. Cô bé mang trong người hai dòng máu Pháp và Việt, xinh đẹp thông minh, mới 12 tuổi nhưng đã cao 158 cm, hơn cả mẹ cô.

Bữa tối ông Forget mời tôi dùng cùng gia đình ông được chuẩn bị theo kiểu Pháp gồm gan ngỗng, cá hồi hun khói, rượu vang đỏ, tráng miệng bằng pho-mat và các loại bánh kem.

Trong bữa ăn tôi được chứng kiến con gái ông Forget nói trơn tru cả 3 thứ tiếng Việt, Pháp và Anh, chuyển từ tiếng này sang tiếng kia hoàn toàn tự nhiên như thể đang nói một ngôn ngữ duy nhất vậy. Tôi nói những người từ nhỏ đã được tiếp thu ít nhất hai nền văn hóa, có hình dung khoáng đạt về thế giới và cởi mở trong tư duy như cháu là của quý. Thế giới hiện đại rất cần những người như vậy. Cháu có vẻ phấn khởi nói chuyện với tôi. Cháu còn mang cả sáo ra thổi cho tôi nghe. Ông Forget nói hiếm khi cháu tỏ ra vui vẻ thoải mái như vậy với khách. Trước khi lên phòng đi ngủ, cháu chạy lại áp má chào khách theo đúng phong cách của người Pháp mà bố cháu dạy.

Tới khoảng 9 giờ tối vợ chồng Forget lái xe đưa tôi về nhà. Hai ngày sau tôi bay trở lại Tokyo.

Thế là sau 13 năm, “Giấc mơ nghệ sĩ” lại quay về nơi nó đã chào đời 24 năm trước. Ở trong sưu tập của ông Forget – một người Pháp có học vấn, mê nghệ thuật, một người chồng mê vợ và một người cha mê con, tôi hy vọng bức tranh của tôi sẽ được gìn giữ cẩn thận.

Vĩ thanh buồn

Tháng 3 năm 2016, được tôi thông báo kế hoạch về thăm Hà Nội vào tháng 5, ông Forget vui mừng nói sẽ ra sân bay đón chúng tôi ghé nhà ông chơi và dùng bữa tối. Cuộc hội ngộ đó tiếc thay đã không diễn ra: Mười ngày trước khi chúng tôi về Hà Nội, ông Forget đột ngột qua đời ở tuổi 66 sau một cơn đau tim.

Tới nhà viếng ông, tôi cúi đầu trước bức ảnh chụp ông đang mỉm cười lồng trong khung đặt trên án thờ. Tại tầng hai, tôi được thấy bức “Giấc mơ nghệ sĩ” ngự trên tường trong một chiếc khung chạm trổ công phu. Vậy là từ nay tôi đã mất một người bạn biết trân trọng nghệ thuật của tôi. Những người thực sự biết thưởng ngoạn nghệ thuật trên đời này cũng hiếm như những người thực sự biết vẽ.

13305243_1712530595672500_6880468271508045520_o

Bức “Giấc mơ nghệ sĩ” trong sưu tập của ông Lucien Forget

Tôi không rõ số phận sắp tới của bức tranh sẽ ra sao. Vợ ông có ý định nhượng lại bộ sưu tập gồm hơn 100 tác phẩm nghệ thuật cho các nhà sưu tầm trong và ngoài nước. Trước mắt bộ sưu tập sẽ được bảo quản trong một căn hộ có máy điều hòa và hút ẩm.

Bức “Giấc mơ nghệ sĩ” có thể vẫn được tiếp tục treo trên tường hoặc lại được dựng úp mặt vào tường trong khi chờ người chủ mới.

Hà Nội 25.05.2016

__________

[1] Art in transit – Handbook for packing and transporting paintings, eds. M. Richard, M.F. Mecklendburg, and R.M. Merrill, National Gallery of Art, Washington, 1991.

[2] Peter Booth, Stretcher Design: Problems and Solutions, The Conservator 13 (1989) 31-40.

Nhãn: , ,

Một bình luận to “Giấc mơ nghệ sĩ”

  1. bnhuongvmt@gmail.com Says:

    Một câu chuyện thật buồn và đẹp. Đẹp ở từng cử chỉ, ứng xử với bức tranh, với nghệ thuật. Và ở tình người với nhau. Tất cả thật trang trọng, nhân văn, và sâu sắc.

    >

Gửi phản hồi cho bnhuongvmt@gmail.com Hủy trả lời