Lin Yutang*)
Mục đích của giáo dục hoặc văn hóa chỉ đơn thuần là sự phát triển thị hiếu tốt trong kiến thức và thể thức tốt trong ứng xử. Người có văn hóa hoặc người có giáo dục hoàn thiện không nhất thiết phải là người đọc nhiều hay học nhiều, mà là người ưa và không ưa những điều phải. Biết yêu cái gì và ghét cái gì tức là có thị hiếu trong kiến thức. Chẳng có gì bực mình hơn gặp một người tại một bữa tiệc mà tâm trí người đó chật cứng với những ngày tháng và những con số lịch sử, người biết cực kỳ tường tận các vụ việc hiện nay ở Nga hoặc Tiệp Khắc, nhưng thái độ hoặc quan điểm hoàn toàn sai. Tôi đã gặp những nhân vật như vậy, và thấy chẳng có chủ đề nào có thể nảy sinh trong đối thoại mà họ lại không sản sinh ra một vài sự việc hoặc con số, nhưng quan điểm của họ thật tệ hại. Những nhân vật như thế có học thức nhưng không có sự sáng suốt, hoặc thị hiếu. Học thức chỉ đơn thuần là nhồi nhét các sự việc hoặc thông tin, trong khi thị hiếu hoặc sự sáng suốt là một vấn đề của sự suy xét mang tính nghệ thuật. Khi nói về một học giả, người Trung Hoa nói chung thường phân biệt giữa sự uyên bác, cách ứng xử, và thị hiếu hoặc sự sáng suốt của người đó. Điều này đặc biệt đúng với các sử gia; một cuốn sách về lịch sử có thể được viết với một sự uyên bác khó tính nhất, mà vẫn hoàn toàn thiếu sự thấu đáo hoặc sáng suốt, và trong việc suy xét hoặc diễn giải các nhân vật và sự kiện trong lịch sử, tác giả có thể tỏ thiếu độc đáo hoặc thiếu hiểu biết sâu sắc. Chúng tôi gọi một người như vậy là không có thị hiếu trong kiến thức. Để có được thông tin đầy đủ, hoặc để tích lũy các sự kiện và chi tiết là thứ dễ nhất trong mọi thứ. Nhiều sự kiện trong một thời kỳ lịch sử có thể được nhét vào đầu chúng ta, song sự sáng suốt trong việc tuyển chọn các sự kiện quan trọng là một việc vô cùng khó hơn và phụ thuộc quan điểm của người tuyển chọn.
Một người có học, vì thế, là người có những sự yêu và ghét đúng đắn. Chúng ta gọi cái đó là thị hiếu, và cùng với thị hiếu là cái duyên. Bây giờ để có thị hiếu hoặc sự sáng suốt đòi hỏi một khả năng suy nghĩ sự vật đến tận gốc rễ, một sự độc lập trong suy xét, và một sự không bằng lòng khi bị đàn áp bởi bất kỳ hình thức bịp bợm nào, về xã hội, chính trị, văn chương, nghệ thuật hoặc khoa bảng. Không nghi ngờ gì rằng chúng ta bị bao vây trong cuộc đời trưởng thành của chúng ta bởi một lô các trò bịp bợm: bịp bợm về danh tiếng, bịp bợm về sự giàu sang, bịp bợm về lòng ái quốc, bịp bợm chính trị, bịp bợm tôn giáo và các thi sỹ bịp bợm, các nghệ sỹ bịp bợm, các tên độc tài bịp bợm và các nhà tâm lý học bịp bợm. Khi một nhà phân tâm học nói với chúng ta rằng sự hoạt động của các chức năng của ruột trong thời niên thiếu có một liên hệ nhất định với tham vọng và tính hung hăng và cảm giác về bổn phận trong cuộc sống sau này, hoặc táo bón dẫn đến sự bủn xỉn trong tính cách, thì tất cả những gì một người có thị hiếu có thể làm là cảm thấy buồn cười. Khi một người sai tức là người đó sai, và chẳng cần phải chịu ấn tượng hoặc quá kính nể bởi một cái danh to hay số sách vở mà y đã đọc còn chúng ta thì chưa.
Thị hiếu có liên quan mật thiết với lòng can đảm, cũng như người Trung Hoa luôn gắn “thức” (識) với “đảm” (胆), và lòng can đảm hoặc tính độc lập trong suy xét (đảm thức), như chúng ta biết, là đức tính hiếm có trong nhân loại. Chúng ta thấy sự can đảm về trí tuệ hoặc tính độc lập trong thời niên thiếu của tất cả các nhà tư tưởng và văn sỹ sau này thành đạt trong đời. Một người như vậy từ chối thích một thi sỹ nào đó ngay cả nếu thi sỹ này được ưa chuộng nhất trong thời của y; và khi người đó thật sự thích một thi sỹ, y có khả năng nói vì sao y thích thi sỹ đó, và đó là một sự hấp dẫn cho tính suy xét nội tại của y. Đó là cái chúng ta gọi là thị hiếu trong văn học. Y cũng từ chối chấp nhận trường phái hội hoạ đang thịnh hành nếu nó bất hòa với bản năng nghệ thuật của y. Đó là thị hiếu trong nghệ thuật. Y cũng từ chối chịu ấn tượng bởi thứ triết học thời thượng hoặc một lý thuyết hợp thời ngay cả khi nó được một danh to chống lưng. Y không sẵn lòng chịu bị thuyết phục bởi bất kỳ tác giả nào cho đến khi nào y bị thuyết phục từ trong tim; nếu tác giả thuyết phục được y, thì tác giả đó đúng, nhưng nếu tác giả không thể thuyết phục y, thì y đúng còn tác giả sai. Đó là thị hiếu trong kiến thức. Dĩ nhiên sự can đảm trí tuệ hoặc tính độc lập trong suy xét như vậy đòi hỏi một sự ấu trĩ nhất định, một sự tự tin ngây thơ vào bản thân, song cái bản thân này là thứ duy nhất một người có thể bám vào, và lúc một học trò từ bỏ quyền suy xét cá nhân của mình là lúc y đã sẵn sàng chấp nhận mọi sự bịp bợm của cuộc đời.
Khổng Tử dường như đã cảm thấy rằng sự uyên bác thiếu tư duy còn nguy hiểm hơn tư duy thiếu sự uyên bác; ông nói: “ Học mà không suy nghĩ thì mê muội, suy nghĩ mà không học thì nguy hại.” Chắc ông đã phải thấy đủ nhiều học trò loại đầu trong thời của ông để thốt lên câu cảnh tỉnh đó, rất cần thiết trong các trường học hiện đại. Ai cũng biết rằng giáo dục hiện đại và hệ thống nhà trường hiện đại nói chung có xu hướng khuyến khích sự uyên bác với giá của sự sáng suốt và coi việc nhồi nhét thông tin là một mục đích bất chấp tất cả, như thể một lượng uyên bác lớn có thể tạo ra một người có học rồi. Nhưng vì sao tư duy lại không được khuyến khích trong nhà trường? Vì sao hệ thống giáo dục làm chệch và bóp méo việc theo đuổi kiến thức một cách thú vị thành một sự nhồi nhét kiến thức một cách máy móc, đắn đo, đồng nhất, và thụ động? Vì sao chúng ta đặt tầm quan trọng lên kiến thức nhiều hơn lên tư duy? Làm sao chúng ta có thể coi một sinh viên tốt nghiệp đại học là một người có học đơn thuần chỉ vì y đạt đủ điểm cần thiết hoặc đã học đủ giờ hàng tuần về tâm lý, lịch sử trung cổ, logic, hay “tôn giáo”? Vì sao có điểm số và bằng cấp, và làm thế nào mà điểm số và bằng cấp, trong tư tưởng của sinh viên, đã chiếm chỗ mục đích thật sự của giáo dục?
Lý do thật đơn giản. Chúng ta có hệ thống này bởi vì chúng ta giáo dục con người theo số lượng lớn, như trong một nhà máy, và bất cứ cái gì xảy ra trong một nhà máy phải tuân theo một hệ thống máy móc chết cứng. Để bảo vệ danh tiếng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, nhà trường phải cấp bằng chứng nhận cho sảm phẩm. Cùng với bằng tốt nghiệp, là sự cần thiết của xếp hạng, và cùng với xếp hạng là điểm số học tập, và để đạt điểm số thì phải học thuộc lòng, phải thi cử, kiểm tra. Toàn bộ điều này tạo nên một trình tự hoàn toàn hợp lý không thể thoát ra được. Nhưng hậu quả của thi cử và kiểm tra máy móc tai hại hơn chúng ta tưởng, bởi nó lập tức chú trọng việc ghi nhớ các sự kiện hơn là phát triển thị hiếu hay suy xét. Bản thân tôi đã từng làm thày giáo và biết rằng làm một bộ câu hỏi về các ngày tháng lịch sử thì dễ hơn là về các quan điểm mơ hồ đối với những vấn đề mơ hồ. Nó khiến việc chấm bài cũng dễ hơn.
Mối nguy hiểm là ở chỗ, sau khi thiết lập hệ thống này, chúng ta có khả năng quên mất rằng chúng ta đã nao núng, hoặc có khả năng chao đảo chệch khỏi lý tưởng đích thực của giáo dục, mà như tôi nói là sự phát triển của thị hiếu trong kiến thức. Vẫn có ích để nhớ lại điều Khổng Tử đã nói: “Sự học dựa trên ghi nhớ các sự kiện không làm nên người thầy.” Chẳng có thứ gì là các môn học bắt buộc, chẳng có cuốn sách nào, thậm chí cả của Shakespeare, mà người ta buộc phải đọc. Nhà trường dường như vận hành theo một tư tưởng điên rồ là chúng ta có thể hoạch định một mớ tối thiểu kiến thức về lịch sử hay địa lý mà chúng ta có thể coi là tuyệt đối cần thiết cho một người có học. Tôi là người khá có học, mặc dù tôi cực kỳ bối rối về thủ đô của Tây Ban Nha, và có lúc đã từng cho rằng Havana là tên một hòn đảo gần Cuba. Mối hiểm nguy của việc kê ra một khóa học các môn bắt buộc là ở chỗ nó hiểu ngầm rằng một người đã học qua khóa học đó biết tất cả những gì một người có học cần biết đơn thuần chỉ vì đã học qua khóa học đó. Vì thế hoàn toàn hợp lý là một sinh viên tốt nghiệp ngừng học bất cứ thứ gì hoặc ngừng đọc sách sau khi rời ghế nhà trường, bởi vì y đã học hết tất cả những gì cần biết rồi.
Chúng ta phải từ bỏ ý tưởng rằng kiến thức của một người có thể được kiểm tra hoặc đo đếm dưới bất cứ một hình thức nào. Trang Tử (莊子, t.k. IV – III TCN) đã nói rất hay: “Đời sống con người hữu hạn, còn tri thức vô hạn!” Việc theo đuổi kiến thức, rốt cuộc, cũng như việc thám hiểm một lục địa mới, hoặc “một cuộc phiêu lưu của tâm hồn,” như Anatole France nói, và nó sẽ vẫn là một khoái lạc, thay vì trở thành một cực hình, nếu vẫn giữ được tinh thần khám phá với một tâm trí thoáng đãng, nghi vấn và mạo hiểm. Thay vì một sự nhồi nhét thông tin một cách đắn đo, đồng nhất, và thụ động, chúng ta phải đề cao lý tưởng của một khoái lạc tích cực, không ngừng tăng lên của cá nhân. Một khi bằng cấp và điểm số bị bãi bỏ, hoặc được xử lý theo đúng giá trị thật của chúng, việc theo đuổi kiến thức sẽ trở nên tích cực, bởi lẽ ít nhất sinh viên sẽ buộc phải tự hỏi mình vì sao rốt cuộc y lại học. Hiện tại, câu hỏi này đã được trả lời đối với sinh viên, bởi y không hề có chút nghi ngờ trong tâm trí rằng y học như một sinh viên năm thứ nhất để trở thành sinh viên năm thứ hai, và học năm thứ hai để lên năm thứ ba. Mọi mối quan tâm không liên quan như vậy phải được gác sang bên, bởi việc thu nhận kiến thức không phải là việc của bất kỳ ai khác ngoài chính mình. Còn hiện nay, tất cả sinh viên học cho người giữ sổ điểm, và nhiều học sinh giỏi học vì bố mẹ hoặc thày giáo mình hoặc vì người vợ tương lai của mình để họ không mang tiếng vong ân với cha mẹ đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho họ đi học đại học, hoặc vì họ muốn tỏ ra tử tế với người thày đã tử tế và tận tâm với họ, hoặc để có thể rời nhà trường và kiếm việc được trả lương cao để nuôi gia đình. Tôi cho rằng tất cả những suy nghĩ như vậy là đồi bại. Việc theo đuổi kiến thức phải là việc chẳng của ai khác ngoài của chính mình, và chỉ khi đó việc học mới trớ thành một thú vui và tích cực.
Nguyễn Đình Đăng trích dịch từ Lin Yutang, The Importance of Living (John Day, Reynal & Hitchcock, 1937), trang 362 – 366.
__________
*) Lin Yutang (林語堂, phiên âm Hán-Việt: Lâm Ngữ Đường, 1895 – 1976) là nhà sáng chế, nhà ngôn ngữ học, văn sỹ, triết gia và dịch giả Trung Quốc, nổi danh vì biên dịch các tác phẩm văn học và thi ca cổ điển Trung Hoa sang tiếng Anh. Bốn mươi năm cuối đời, ông sống tại Mỹ, nơi ông nổi danh vì phổ cập triết học và cách sống Trung Hoa. “The Importance of Living” (Sự quan trọng của sinh hoạt) là một trong hai cuốn sách bán chạy nhất đầu tiên của ông.
_________
© Nguyễn Đình Đăng, 2021 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.
30/03/2021 lúc 6:29 chiều |
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả