Hơn một thế kỷ sau khi cuộc tranh luận về giá trị của dessin và màu tại Họa viện Paris bắt đầu và hơn bảy thập niên sau khi nó kết thúc, triết gia vĩ đại kỷ nguyên Khai sáng người Đức Immanuel Kant (1724 – 1804) đã công bố cuốn “Phê phán năng lực phán đoán”. Trong mục 14 của cuốn sách này, Kant khẳng định ưu thế của dessin đối với màu.
Kant cho rằng đặc trưng của năng lực phán đoán thị hiếu trong hội hoạ là khả năng đánh giá hình khối thuần khiết của nó. Trong khi có thể bàn về hình lý tưởng, ta không thể bàn về màu lý tưởng bởi lẽ màu và tương phản sáng-tối (chiaroscuro) không có mục đích. Màu chỉ đơn thuần đóng vai trò hỗ trợ đối với hình, nêu bật vẻ đẹp của hình, tăng thêm sinh lực thể hiện, và thu hút sự chú ý của khán giả. Màu sắc gây hưng phấn nhưng đồng thời cũng lừa dối, tương tự sự quyến rũ làm sao nhãng sự chú ý của chúng ta vào hình thuần khiết.
Kant viết:
“Trong hội hoạ, điêu khắc, và tất cả các nghệ thuật tạo hình – trong kiến trúc, viên nghệ (nghệ thuật làm vườn), chừng nào đó là những ngành mỹ thuật – dessin là thứ cốt yếu; và ở đây, không phải sự thỏa mãn cảm giác mà cái gây thích thú bằng hình mới là nền tảng của thị hiếu. Các màu sắc làm rạng ngời bức hoạ thuộc về sự quyến rũ; chúng đúng là có thể khiến đối tượng của cảm giác trở nên sinh động, nhưng chúng không thể làm cho nó đáng được chiêm ngưỡng và đẹp. Trong hầu hết các trường hợp, chúng bị hạn chế bởi những đòi hỏi của hình đẹp; và ngay cả khi sự quyến rũ có chấp nhận được đi chăng nữa, nó cũng chỉ trở nên cao quý nhờ hình.
Mọi hình thức của những đối tượng của tri giác (cả tri giác bên ngoài cũng như gián tiếp bên trong) đều là hình vẽ hoặc cuộc chơi. Trong trường hợp sau, đó hoặc là cuộc diễn hình (trong không gian, như kịch câm và múa), hoặc là cuộc chơi của cảm giác (theo thời gian). Sự quyến rũ của màu hoặc các âm hưởng thú vị của một nhạc khí có thể được thêm vào; song dessin trong trường hợp thứ nhất và bố cục trong trường hợp thứ hai mới cấu thành đối tượng thực sự của năng lực phán đoán thuần khiết. Nói rằng sự thuần khiết của màu sắc và âm hưởng, hoặc sự đa dạng và sự tương phản của chúng, dường như làm tăng thêm vẻ đẹp, không có nghĩa chúng cung cấp một bổ trợ đồng nhất vào sự thỏa mãn của chúng ta về hình do bản thân chúng là thú vị, mà chúng cung cấp một bổ trợ như vậy bởi lẽ chúng làm cho hình chính xác hơn, xác định hơn, và trọn vẹn hơn trong trực giác, và ngoài ra, bằng sự quyến rũ của mình, khơi gợi và duy trì sự chú ý của chúng ta vào bản thân đối tượng.
Thậm chí cái mà chúng ta gọi là những đồ trang trí, tức những thứ không thuộc hình dung trọn vẹn của đối tượng như các phần tử bên trong, mà chỉ là những phần bổ sung bên ngoài, làm tăng sự thỏa mãn của thị hiếu, cũng chỉ làm được như vậy nhờ hình của chúng, ví dụ như khung của các bức tranh, áo quần của các pho tượng, hoặc những dãy cột quanh các các cung điện. Song nếu đồ trang trí bản thân nó không có hình đẹp, và nếu nó được dùng như một chiếc khung bằng vàng, đơn thuần chỉ để tiến cử bức tranh nhờ sự quyến rũ của chiếc khung, thì nó được gọi là sự tô son điểm phấn và làm tổn thương vẻ đẹp thứ thiệt.
Cảm xúc, tức cảm giác trong đó sự thích thú sinh ra nhờ một khoảng lặng nhất thời kéo theo một sự tuôn trào mạnh mẽ hơn của sức sống, hoàn toàn không thuộc cái đẹp. Nhưng sự cao siêu, mà việc nhận biết cảm xúc được gắn liền với nó, đòi hỏi một chuẩn mực khác với cái nằm ở nền tảng của thị hiếu, và vì thế một năng lực phán đoán thuần khiết về thị hiếu không có cả sự quyến rũ lẫn cảm xúc trong cơ sở của nó, hay nói ngắn gọn, không có cảm giác làm nguyên liệu cho năng lực phán đoán thẩm mỹ.”
Lời bàn của Nguyễn Đình Đăng:
1. Khẳng định trong khổ cuối cùng trong đoạn văn trên của Kant có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó chỉ ra rằng cảm xúc hoàn toàn không thuộc phạm trù cái đẹp và do đó không phải là chuẩn mực để đánh giá vẻ đẹp thuần khiết.
2. Một trong nhiều thiếu sót lớn của việc gíáo dục mỹ thuật ờ Việt Nam là không dạy triết học và lịch sử mỹ thuật thế giới trong trường mỹ thuật. Vì thế gần một thế kỷ đã qua, kể từ khi mỹ thuật ra đời ở Việt Nam, tư duy của không ít hoạ nhân và người hâm mộ mỹ thuật ở ta vẫn bị bó trong cái vòng kim cô nhầm lẫn của chủ nghĩa cảm xúc, mà tôi tạm gọi là camsuckism.
_________
Nguyễn Đình Đăng bình luận và trích dịch từ Immanuel Kant, The critique of judgement, translated by J.H. Bernard (Macmillan, London, 1914), có tham khảo bản dịch tiếng Pháp I. Kant, Le critique du jugement, trad. par J. Auxenfants (Les Classiques des sciences sociales, Chicoutimi, 2019) và bản dịch tiếng Nga trong bộ И. Кант, Сочинения в шести томах (Мысль, Москва, 1966) (Философ. наследие), Том 5, с. 228 – 229.
_________
© Nguyễn Đình Đăng, 2021 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.
23/03/2021 lúc 6:08 chiều |
Nội dung này rất hấp dẫn bạn đọc, xin cảm ơn