Vai trò của dessin và màu

Nguyễn Đình Đăng

Lời giới thiệu:

Tiếp theo cuốn “Kỹ thuật vẽ sơn dầu”, tôi bắt đầu viết cuốn “Nghệ thuật dessin”, dự định sẽ có 5 chương. Chương I đã được viết xong, gồm 7 mục, trong đó mục 6 gồm 6 tiểu mục. Dưới đây là hai tiểu mục 6.2 và 6.3 trong mục 6 của chương I. Mục 6.3. là nội dung của bài báo nhan đề Role of drawing and colouring from Salvador Dalí’s comparative table of painters’ values”, trong đó tôi dùng công thức toán học thống kê để đánh giá định lượng vai trò của dessin và hòa sắc trong bảng chấm điểm các hoạ sỹ của Salvador Dalí.

6.2. Tranh luận về vai trò của dessin và hòa sắc cuối t.k. XVI – đầu t.k. XVII

Cuộc tranh luận này đã kéo dài hơn bốn thập niên tại Hoạ viện Paris (Académie royale de peinture et de sculpture), và thường được gọi là La querelle du coloris (Cuộc tranh luận về hòa sắc). Nó được xem như một sự tiếp tục paragone giữa dessin và hòa sắc từ thời Phục Hưng đã nêu trong mục 6.1.

Cuộc tranh luận được Philippe de Champaigne (1602 – 1674), một trong những người sáng lập Hoạ viện Paris, khơi mào trong một diễn từ tại hội thảo tại hoạ viện này vào ngày 12 tháng 6 năm 1671. Những người tham gia cuộc tranh luận chia làm hai phe. Phe coi dessin quan trọng hơn được gọi là phe Poussin (les Poussinistes), mượn tên danh họa Pháp Nicolas Poussin (1594 – 1665), người từng nói: “Màu sắc trong hội hoạ gần như là những phỉnh nịnh dụ dỗ đôi mắt, tương tự vẻ đẹp của vần trong thơ.[1]Phe thiên về màu sắc được gọi là phe Rubens (les Rubenistes), mượn tên danh hoạ Flemish Peter-Paul Rubens (1577 – 1640), nổi tiếng về hòa sắc.

Phe Poussin căn cứ vào triết học của Plato về các hình thức lý tưởng, cho rằng màu chỉ là sự trang trí thêm vào hình, và dessin, hay việc dùng đường nét để diễn tả hình, là kỹ năng cốt yếu của hội hoạ. Charles Le Brun (1619 – 1690), lãnh tụ của phe Poussin, đồng thời là giám đốc Hoạ viện Paris, chính thức tuyên bố: “Toàn bộ lãnh địa của màu là để thỏa mãn đôi mắt, trong khi dessin thỏa mãn tinh thần. Dessin mô phỏng tất cả các vật thực trong khi màu chỉ thể hiện cái ngẫu nhiên[2]

Phe Rubens tin rằng màu quan trọng hơn dessin vì chân thực với tự nhiên hơn. Họ lý luận rằng mục đích của hội hoạ là đánh lừa mắt người xem bằng cách mô phỏng tự nhiên. Dessin, tuy dựa trên lý trí, chỉ hấp dẫn một thiểu số các chuyên gia, trong khi ai cũng có thể thưởng thức màu sắc. Phe Rubens vô hình trung đã đề cao địa vị của những người bình thường, và thách thức quan điểm từ thời Phục Hưng rằng chỉ có những người có học mới hiểu được hội họa.

Roger de Piles (1635 – 1709), nhà phê bình mỹ thuật và hoạ sỹ nghiệp dư, thuộc phe Rubens, tiếp tục cuộc tranh luận bằng việc xuất bản “Dialogue sur le coloris” (Đối thoại về hòa sắc) năm 1673[3] và “Conversations sur la peinture” (Các đàm luận về hội hoạ) năm 1677. Vài tháng trước khi qua đời, ông công bố “Cours de peinture par principles” (Giáo trình hội hoạ theo các nguyên tắc) năm 1708[4]. Trong “Dialogue sur le coloris”, de Piles khiển trách Poussin đã bỏ qua hòa sắc, và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Rubens, Van Dyck, Correggio và Titian. Theo tinh  thần của các bậc thày Phục Hưng, thông qua nhân vật Pamphile, de Piles nêu khái niệm dessin là

  • ý chí muốn làm hoặc nói một điều gì đó;
  • ý đồ về một bức tranh mà hoạ sỹ vẽ lên giấy hoặc lên canvas để suy xét hiệu quả của tác phẩm đang suy nghĩ (primi pensieri, hay những ý nghĩ đầu tiên, như người Ý thường nói);
  • những kích thước chính xác, tỉ lệ, hình bên ngoài mà các vật thể phải có khi chúng được mô phỏng từ Tự nhiên.

Tiếp theo, de Piles nói, qua lời của Pamphile: “Và khi thêm ánh sáng và bóng tối vào các đường viền, ta không thể làm điều đó thiếu màu đen và màu trắng, hai màu chủ yếu mà hoạ sỹ thường dùng, mà trí tuệ của y hiểu rằng cái hàm chứa tất cả các màu đó chẳng có gì khác ngoài hòa sắc.” Nhận định này của de Piles khá quan trọng vì nó vừa cho thấy ranh giới cũng như sự gắn bó mật thiết giữa dessin và hòa sắc trong bức tranh đơn sắc (monochrome), mà tiếng Pháp gọi là en camaïeu. Vẽ lót đơn sắc (monochrome underpainting) là giai đoạn đầu, đặc biệt quan trọng, trong kỹ pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp của các bậc thày cổ điển, trước khi lên màu (overpainting) và láng (glazing), bởi nó giải quyết độ đậm nhạt, hình khối, tức quyết định sự thành công về hòa sắc của bức tranh. Gần ba thế kỷ sau, Salvador Dalí đã viết: “Hòa sắc của một hoạ sĩ giỏi được dựa hoàn toàn trên cách sử dụng các sắc độ ấm và lạnh một cách nhịp nhàng và êm ái. Hãy hiểu rằng người ta biết ngay liệu bạn có phải một đại cao thủ hòa sắc hay không, và đó chính là cách chắc chắn nhất để biết, qua việc cho bạn vẽ một bức tranh chỉ với đen và trắng, trong một màu, được gọi là vẽ đơn sắc, hoặc camaïeu.[5]

Nhận định này cũng cho thấy dessin và hòa sắc là hai phương diện gắn kết chặt chẽ của một thể thống nhất, bởi lẽ “thiếu ánh sáng thì mắt cũng chẳng nhìn thấy trong tự nhiên cả các tỉ lệ lẫn đường viền”[3]. De Piles khẳng định hòa sắc cũng là một phần trọng yếu khác của hội hoạ mà thiếu nó, đường viền sẽ không diễn tả được bất cứ vật thể nào như chúng ta thấy trong tự nhiên. Nó là bộ phận không thể tách rời, khiến tất cả trở nên hoàn toàn hơn, hoàn hảo hơn. Từ đó de Piles đưa ra định nghĩa hội hoạ là “một nghệ thuật dùng ngoại hình và màu để mô phỏng trên một bề mặt mọi đối tượng nằm trong tầm nhìn của thị giác.”[3]

Tại những trang cuối cùng (390 – 392) của cuốn “Cours de peinture par principles”[4], de Piles công bố la balance des peintres – bảng ông đánh giá mức độ xuất sắc theo 4 phẩm chất là bố cục (composition), dessin, hòa sắc (coloris), và biểu hiện (expression) của 56 hoạ sỹ theo thang điểm từ 0 (thấp nhất) đến 20 (cao nhất) [6]. Theo bảng bày, Raphael và Rubens có tổng số điểm cao nhất (65), trong đó, về hòa sắc, Raphael được 12 điểm, Rubens 17 điểm, về dessin Raphael 18 điểm, Rubens 13 điểm. Trong khi đó Leonardo da Vinci chỉ được tổng cộng 49 điểm, với 4 điểm về hòa sắc và 16 điểm về dessin, còn Michelangelo chỉ được tổng cộng 37 điểm với 4 điểm hòa sắc (như Leonardo) và 17 điểm về dessin (!) Bảng điểm này rõ ràng là rất chủ quan bởi ít nhất nó mâu thuẫn với đánh giá của Giorgio Vasari, người coi dessin của Raphael thua Leonardo và Michelangelo, và của bản thân Raphael, người từng tuyên bố “Michelangelo là Ý niệm của Dessin”.

Balance des peintres của Roger de Piles [6] có 57 tên nhưng có hai tên là của cùng một người (hoạ sỹ Paolo Veronese), với số điểm giống hệt nhau, là Calliari P. Ver. và Paul Veronese, vì thế tất cả chỉ có 56 hoạ sỹ.

Bảng điểm của một số bậc thày cổ điển theo Roger de Piles (theo Balance des peintres ở trên [6])

Trong bối cảnh Hoạ viện Paris nắm giữ vai trò thống trị trong các hoạt động nghệ thuật thời bấy giờ, cuộc tranh luận này đã nhuốm màu sắc chính trị bởi dessin là một trong những giáo lý chủ chốt của Hoạ viện Paris, vì thế bất kỳ một công kích nào đối với dessin cũng bị xem như công kích những gì Họa viện bảo vệ, kể cả vai trò chính trị của nó trong việc ủng hộ nhà vua.

Rốt cuộc, việc bầu Roger de Piles, một hoạ sỹ nghiệp dư (amateur), làm thành viên Hoạ viện Paris vào năm 1699 và chấp nhận bức tranh “L’embarquement pour Cythère” (Đáp tàu đi Cythera) của Jean-Antoine Watteau (1664-1721), một hoạ sỹ chưa từng học tại Hoạ viện song được coi là vĩ đại nhất của phe Rubens, làm tác phẩm gia nhập Hoạ viện Paris của ông vào năm 1717, đã kết thúc cuộc tranh luận kéo dài 46 năm này, với phần thắng thuộc về phe màu sắc.

Mặc dù vậy, đại đa số thành viên Hoạ viện Paris thời đó vẫn tiếp tục ủng hộ phong cách Tân Cổ điển (Neo-Classical style). Họ vẫn coi dessin là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật bởi lẽ hình của một vật được xác định bởi đường viền (contour). Màu chỉ là một sự thêm thắt, đóng vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật hiệu ứng cảm xúc của một tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải bản thân nghệ thuật. Phong cách tuyến tính hay đường nét (linear style) được coi là phong cách thuần khiết và tự nhiên nhất. Sự quan trọng của quan niệm đường viền trong nghệ thuật Tân Cổ điển thường được minh họa bởi truyền thuyết Pliny kể về nguồn gốc của hội hoạ, rất phổ biến vào thời đó, rằng hội hoạ khởi đầu bằng đường viền. Vì thế, một trong những điều quan trọng nhất đối với một hoạ sỹ là phải nắm được cách vẽ đường nét thật chuẩn xác. Và cách học tốt nhất là từ các tác phẩm điêu khắc của các bậc thày Cổ Đại. Đường viền của vật là cốt yếu để diễn tả vẻ đẹp lý tưởng. Nghệ thuật có thể tồn tại không cần màu sắc, là thứ phụ trợ đôi khi giúp tăng các hiệu quả thẩm mỹ, nếu biết cách dùng, nhưng có thể làm phân tán sự chú ý vào điều trung tâm, cốt lõi.

 6.3. Đánh giá định lượng vai trò của dessin và hòa sắc

Quan điểm đề cao hòa sắc của Roger de Piles đã được các nhà nghiên cứu t.k. XX và XXI kiểm nghiệm về mặt định lượng.

Trong công trình nghiên cứu năm 1999[7], Mairesse đã dùng công thức thứ hạng liên kết của Spearman để tính toán các hệ số tương quan (*) giữa tổng số điểm và điểm của từng phẩm chất, cũng như tương quan giữa các phẩm chất với nhau của 54 hoạ sỹ trong bảng chấm điểm của de Piles từ cuốn “Cours de peinture par principles”[4]. (Hai hoạ sỹ Le Guide, tức Guido Reni, 1575 – 1642, và Polid. de Caravage, tức Polidoro da Caravaggio, 1499 – 1543, không được tính vì có một phẩm chất không được đánh giá.) Kết quả cho thấy tương quan rất mạnh giữa điểm tổng số và điểm biểu hiện (hệ số tương quan: 0.83) cũng như giữa điểm tổng số và điểm bố cục (hệ số tương quan: 0.8). Hệ số tương quan giữa điểm tổng số và điểm dessin là 0.51. Trong khi đó tương quan giữa điểm tổng số và hòa sắc lại rất yếu (hệ số tương quan: 0.14). Điều này chứng tỏ hòa  sắc chỉ đóng một vai trò rất khiêm tốn trong tổng thể bốn phẩm chất là bố cục, dessin, hòa sắc, biểu hiện. Ngoài ra, giữa dessin và hòa sắc lại có mối tương quan nghịch biến vì có hệ số tương liên nhỏ hơn 0 (-0.54). Điều đó có nghĩa là de Piles, theo chủ quan của mình, đã tự động cho những hoạ sỹ giỏi dessin, như Leonardo và Michelangelo, điểm hòa sắc rất thấp (4 điểm).

Tiếp đó, vào năm 2002[8], Ginzburg và Weyers đã so sánh các hệ số tương quan giữa các tổng số dòng De Piles bình phẩm các danh hoạ ông lựa chọn trong 3 cuốn sách ông xuất bản vào các thời kỳ khác nhau, cuốn “Dialogue sur le coloris” (1673)[3], “Abrégé de la vie des peintres” (Lược sử cuộc đời các hoạ sỹ, 1699)[9] và “Cours de peinture par principles” (1708)[4]. Dựa trên kết quả tính toán thống kê trong bài báo, các tác giả kết luận rằng de Piles không nhất quán như người ta thường nghĩ. Bảng chấm điểm các hoạ sỹ của ông không nhất quán với những nội dung ông đã viết trong hai cuốn sách xuất bản gần một thập niên và hơn ba thập niên trước đó, và không cho thấy tầm quan trọng ông đặt vào hòa sắc. Bố cục, dessin, và biểu hiện cũng quan trọng như hòa sắc. Việc de Piles tách riêng và đề cao vai trò hòa sắc không nhất thiết có nghĩa là hòa sắc có trọng số lớn hơn ba phẩm chất còn lại.

Áp dụng phương pháp tính hệ số tương quan như trên, dưới đây tôi sẽ đánh giá định lượng vai trò của dessin và hòa sắc trong một bảng so sánh hiện đại hơn.

Trong cuốn “50 secrets of magic craftsmanship”[5], xuất bản 240 năm sau cuốn “Cours de peinture par principles”[4] của de Piles, Salvador Dalí có đưa ra một bảng so sánh giá trị của 11 hoạ sỹ, gồm 7 hoạ sỹ cổ điển là Leonardo da Vinci, Raphael, Velázquez, Vermeer, Ingres, Meissonier và Bouguereau, và 4 hoạ sỹ hiện đại là Manet, Mondrian, Picasso và Dalí, dựa trên 9 phẩm chất là tay nghề, cảm hứng, màu, dessin, thiên tài, bố cục, độc đáo, sự bí ẩn, và độ xác thực, cũng theo thang điểm từ 0 (thấp nhất) đến 20 (cao nhất) như của de Piles (Bảng 1).

Bảng 1. Bảng so sánh giá trị các hoạ sỹ của Salvador Dalí (chụp từ [5]). Chú ý: Bản gốc viết Bugnereau thay vì Bouguereau, Wermeer thay vì Vermeer.

Căn cứ số điểm trong bảng so sánh của Dalí, ta lập bảng xếp thứ hạng dưới đây (Bảng 2) của tất cả 11 hoạ sỹ theo 4 phẩm chất như của de Piles là dessin, hòa sắc, bố cục và biểu hiện, cũng như theo số điểm tổng cộng của 4 phẩm chất này, trong đó điểm biểu hiện được tính bằng tổng số điểm của cảm hứng, tính độc đáo, sự bí ẩn và tính xác thực cộng lại. Nếu số điểm của mọi người đều khác nhau, người có số điểm cao nhất được xếp thứ 1, tiếp theo là thứ 2, 3, … , cho tới thứ 11 là người có số điểm thấp nhất. Trong trường hợp một số người có số điểm trùng nhau, thứ hạng được tính bằng giá trị trung bình cộng các thứ hạng của họ nếu như các số điểm này khác nhau. Ví dụ, về dessin, Raphael và Vermeer đều có điểm cao nhất (20) nên, thay vì xếp thứ 1 hay 2, thứ hạng của hai ông này được tính bằng giá trị trung bình cộng của hạng 1 và 2, tức (1+2)/2 = 1.5; Leonardo da Vinci và Velázquez có điểm cao thứ nhì (19) nên thứ hạng của hai ông này là giá trị trung bình cộng của hạng 3 và 4, tức (3+4)/2 = 3.5; về bố cục Raphael, Vermeer và Velázquez đều có số điểm cao nhất (20), nên thay vì xếp thứ 1, 2 hay 3, thứ hạng của ba ông này đều bằng (1+2+3)/3 = 2, v.v.

Bảng 2.  Bảng xếp hạng hoạ sỹ

(dựa vào số điểm từ bảng so sánh các hoạ sỹ của Salvador Dalí)

 Toàn bộDessinHòa sắcBố cụcBiểu hiện
Leonardo da Vinci43.5 4.53   
Raphael21.5     3    2  1.5    
Vermeer11.5    1.5   2  1.5   
Velázquez33.5  1.5  4   
Ingres65  7  6   
Dalí56  6  4.55   
Picasso75   7  6  8   
Bouguereau10109.5  1110  
Meissonier899.5 9.5 7   
Manet989  
Mondrian111111 9.5 11   

Nếu không xét 4 hoạ sỹ hiện đại Dalí, Picasso, Manet và Mondrian, ta còn lại 7 hoạ sỹ cổ điển với thứ hạng như trong Bảng 3 dưới đây.

Bảng 3.  Bảng xếp hạng  hoạ sỹ cổ điển

(theo số điểm từ bảng so sánh các hoạ sỹ của Salvador Dalí)

 Toàn bộDessinHòa sắcBố cụcBiểu hiện
Leonardo da Vinci43.5 43   
Raphael21.5     3    2 1.5    
Vermeer11.5    1.5   2  1.5   
Velázquez33.5  1.5  4   
Ingres555  5  
Bouguereau776.5  7
Meissonier666.5 6  

Xếp hạng 4 hoạ sỹ hiện đại nói trên với nhau ta được bảng 4 dưới đây:

Bảng 4.  Bảng xếp hạng  hoạ sỹ hiện đại

(theo số điểm từ bảng so sánh các hoạ sỹ của Salvador Dalí)

 Toàn bộDessinHòa sắcBố cụcBiểu hiện
Dalí1111   
Picasso21     2 2 2    
Manet33    3   3  3   
Mondrian44  4  44   

Tương quan giữa hai phẩm chất, ví dụ toàn bộ – dessin, toàn bộ – hòa sắc, toàn bộ – bố cục, hoặc toàn bộ – biểu hiện, được đánh giá thông qua hệ số tương quan thứ tự (gọi tắt là hệ số tương quan) ρ của Spearman (Spearman’s correlation coefficient) theo công thức sau:

Trong công thức (1):

  • n là số bộ số liệu được xem xét, cụ thể là n =11 trong Bảng 2 và n = 7 trong Bảng 3;
  • dlà hiệu số giữa hai thứ hạng trong cùng một bộ số liệu i, ví dụ đối với hệ số tương quan giữa toàn bộ và dessin, ta có:

d1= 4 – 3.5 = 0.5 tại i = 1 (ứng với Leonardo da Vinci trong Bảng 2),

d2 = 2 – 1.5 = 0.5 tạ i = 2 (ứng với Raphael trong Bảng 2),

d3 = 1 – 1.5 = – 0.5 tại i = 3 (ứng với Vermeer trong Bảng 2),

d11 = 11 – 11 = 0 tại i = 11 (ứng với Mondrian trong Bảng 2).

  • Đại lượng δ  trong công thức là phần hiệu chỉnh cho các trường hợp có thứ hạng trung bình như nhau. Đại lượng này được tính theo công thức (2), trong đó L là số các liên kết, còn mi   là độ dài của liên kết thứ i (i = 1, …, L), bằng tổng số các trường hợp có hạng bằng nhau tại liên kết thứ i. Ví dụ, trong tương quan giữa toàn bộ và bố cục, viết tắt là Toàn bộ – Bố cục, trong Bảng 2 có 3 liên kết (L = 3), với m1 = 3 (hạng 2), m2 = 2 (hạng 4.5) và m3 = 2 (hạng 9.5).

Áp dụng công thức (1) và hiệu chỉnh (2) để tính hệ số tương quan của 4 tương quan: Toàn bộ – Dessin, Toàn bộ – Hòa sắc, Toàn bộ – Bố cục, và Toàn bộ – Biểu hiện, cho các bộ số liệu trong Bảng 2 – 4, ta thu được các kết quả ghi trong Bảng 5.

Bảng 5. Hệ số tương quan ρ giữa toàn bộ và dessin, hòa sắc, bố cục và biểu hiện của các hoạ sỹ được xếp hạng trong Bảng  2 (Tất cả các hoạ sỹ), Bảng 3  (Các hoạ sỹ cổ điển) và Bảng 4 (Các hoạ sỹ hiện đại)

Các kết quả trong Bảng 5 cho thấy các tương quan rất mạnh giữa phẩm chất của toàn bộ với các phẩm chất riêng rẽ là dessin, hòa sắc và biểu hiện, vì tất cả các hệ số tương quan ρ đều có các giá trị từ 0.8 tới 1. Điều thú vị ở đây là, nếu xét tất cả 11 hoạ sỹ cổ điển và hiện đại thì cả hai tương quan Toàn bộ – Dessin và Toàn bộ – Hòa sắc đều có hệ số tương quan bằng nhau ρ = 0.96, cho thấy hòa sắc và dessin có vai trò quan trọng như nhau. Song, nếu chỉ xét các hoạ sỹ cổ điển thì hệ số tương quan Toàn bộ – Hòa sắc giảm xuống còn ρ = 0.91, tức nhỏ hệ số tương quan Toàn bộ – Dessin ρ = 0.96 một chút. Điều đó có nghĩa là, đối với các hoạ sỹ cổ điển trong bảng so sánh của Dalí, dessin có vai trò quan trọng hơn hòa sắc một chút. Còn đối với 4 hoạ sỹ hiện đại trong bảng của Dalí, hệ số tương quan Toàn bộ – Dessin giảm xuống chỉ còn ρ = 0.8, trong khi 3 tương quan còn lại đều có hệ số tương quan bằng 1. Điều đó có nghĩa là, đối với các hoạ sỹ hiện đại, dessin không quan trọng bằng (trọng số chỉ bằng 80%) hòa sắc, bố cục và biểu hiện, âu cũng là một sự thật hiển nhiên đã được lịch sử kiểm nghiệm. Ngoài ra, có thể thấy tương quan Toàn bộ – Biểu hiện là mạnh nhất trong hai trường hợp đầu, tức khi xét tất cả các hoạ sỹ (ρ = 0.98) và xét riêng 7 hoạ sỹ cổ điển (ρ = 0.95), cho thấy biểu hiện có vai trò quan trọng nhất. Trong trường hợp với 4 hoạ sỹ hiện đại, biểu hiện, hòa sắc và bố cục có vai trò như nhau (ρ = 1), và đều quan trọng hơn dessin (ρ = 0.8).

Tất nhiên, cách cho điểm của de Piles và Dalí là chủ quan và không tránh khỏi thành kiến và thiên vị, thậm chí thiếu nhất quán. Ví dụ, như đã nói ở phần đầu mục này, de Piles đã cố tình cho những bậc thày giỏi dessin, như Leonardo da Vinci và Michelangelo, điểm rất thấp về hòa sắc. Còn Dalí, mặc dù từng thừa nhận “muốn vẽ như Ingres nhưng té ra chỉ được như Bouguereau[10], lại xếp thứ 5 về toàn bộ các phẩm chất trong Bảng 2, cao hơn Ingres, xếp thứ 6, và vượt xa Bouguereau, xếp thứ 10.  Trong bài báo năm 2012[11], Leigh cũng đã phân tích Picasso đã từng cố vẽ dessin như Ingres mà không được. Tuy vậy, theo bảng điểm của Dalí, Picasso lại xếp thứ 5 về dessin, cao hơn Ingres, xếp thứ 7, hai bậc. Ngoài ra, việc Dalí cho Mondrian điểm số rất thấp về mọi mặt cũng không đáng ngạc nhiên bởi Dalí đánh giá rất thấp hội hoạ trừu tượng (Xem trang 17 và 18 trong [5]).

Tuy vậy, cũng lại thật thú vị là, bất chấp các thành kiến và thiên vị, cũng như khoảng cách lớn về thời gian, 240 năm, giữa balance của de Piles và bảng so sánh giá trị các hoạ sỹ của Dalí, các kết quả định lượng nói trên vẫn cho thấy, trong hội hoạ cổ điển, dessin có vai trò quan trọng hơn hòa sắc, trong khi biểu hiện đóng vai trò quan trọng nhất.

Rõ ràng ta cần nhiều bộ số liệu hơn nữa mới có thể rút ra một kết luận khách quan. Song các kết quả trong bài báo của Mairesse, của Ginzburg và Wyers, cũng như các kết quả tôi vừa tính toán trên đây dựa vào bảng so sánh các hoạ sỹ của Dalí cho thấy việc đề cao tầm quan trọng của hòa sắc so với dessin trong hội hoạ cổ điển, như Dolce vào t.k. XV17 hay de Piles20 và phe Rubens trong t.k. XVII – XVIII đã cổ vũ, có thể chỉ đơn thuần là định kiến, nặng cảm tính và mang màu sắc “chính trị” (trong trường hợp của Dolce là nhằm khôi phục sự công bằng cho Titian và trường phái Venetian, đã bị Vasari và trường phái Florentine bỏ qua, còn trong trường hợp của de Piles và phe Rubens là phản ứng chống lại giáo điều của Hoạ viện Paris).


(*) Hệ số tương quan là đơn vị thống kê đo cường độ của quan hệ giữa các biến đổi tương đổi của hai biến số. Giá trị của hệ số này thay đổi trong khoảng từ -1 (tương quan nghịch biến hoàn toàn, tức biến số này tăng thì biến số kia giảm, và ngược lạ) đến 1 (tương quan đồng biến hoàn toàn, tức cả hai biến số đều biến đổi theo cùng một hướng tăng hoặc giảm). Giá trị bằng 0 có nghĩa là không có tương quan giữa hai biến số.

[1]I colori nella pittura sono quasi lusinghe per persuadere gli occhi, come la venustà dei versi nella poesia.” Giovanni Pietro Bellori, Vite dei pittori, scultori ed architetti moderni, Tomo II  (Presso Niccolò Capurro, Pisa, 1821) p.207.

[2]Tout l’apanage de la couleur est de satisfaire les yeux, au lieu que le dessin satisfait l’esprit. Le dessin imite toutes les choses réelles au lieu que la couleur ne représente que ce qui est accidentel.” Charles Le Brun, “Sentiments sur le discours du mérite de la couleur par M. Blanchard”, 9 janvier 1672, in Les Conférences de l’Académie royale de peinture et de sculpture au XVIIe siècle, dir. Alain Mérot, (Ensba, coll. Beaux-arts histoire, Paris, 1996) p. 221.

[3] Roger de Piles, Dialogue sur le coloris (N. Langlois, Paris, 1673).

[4]Roger de Piles, Cours de peinture par principles (Arkstée & Merkus, Amsterdam – Leipsick – Paris, 1708)

[5] Salvador Dalí, 50 secrets of magic craftsmanship (The Dial Press, New York, 1948).

[6] La balance des peintres của de Piles có 57 tên nhưng hai tên Calliari P. Ver. và Paul Veronese (với số điểm giống nhau) là của cùng một hoạ sỹ Paolo Caliari tức Paolo Veronese. 

[7] F. Mairesse, Réflexion sur la balance des peintres de Roger de Piles (1635 – 1709), Recherches poïétiques, No 8 (Hiver 1998/1999) 42.

[8] V. Ginzburg and S. Wyers, De Piles, Drawing and color: An essay in quantitative art history, Artibus and historiae, 23 (2002) 191.

[9] Roger de Piles, Abregé de la vie des peintres, avec des réfléxions sur leurs ouvrages, et un traité du peintre parfait, de la connaissance des dessins, et de l’utilité des estampes (F. Muguet, Paris, 1699).

[10] Xem trang 17 trong “50 secrets of magic craftsmanship” [5].

[11] C. Leigh, Could Picasso Draw Better than Raphael?, Standpoint Magazine:Art:Critique, 29 May 2012.

3 bình luận to “Vai trò của dessin và màu”

  1. Micro chuẩn Says:

    Nội dung bài viết rất tuyệt vời, xin cảm ơn

  2. Nhà phân phối loa line array chuẩn Says:

    Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả

  3. PHAN AN Says:

    Tuyệt quá ạ!…Cháu trông đợi cuốn sách của bác ạ!

Phản hồi của bạn:

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s


%d người thích bài này: