Sprezzatura

Nguyễn Đình Đăng

Baldassare Castiglione (1478 – 1529) là một triều thần, chính trị gia, đồng thời là một tác gia nổi tiếng thời Phục Hưng. Trong Il libro del Cortegiano (Sách của triều thần) [1] về lễ nghi và đạo đức của triều thần, xuất bản năm 1528, và có ảnh hưởng lớn trong các triều đình châu Âu t.k. XVI, Castiglione đã đưa ra quan niệm sprezzatura (phát âm: xprét-txa-tuu-ra). Trong Quyển I, mục 26 của cuốn sách này ông viết:

Tôi tìm ra một quy luật phổ quát, mà tôi thấy đối với tôi dường như hiệu nghiệm trong việc này hơn mọi thứ được con người làm hoặc nói ra: và đó là hết sức tránh sự giả tạo như một tảng đá sắc nhọn và nguy hiểm; và để dùng một từ có thể là mới, trong mọi việc cần thực hành một sprezzatura (sự thờ ơ, hờ hững, vô tình) nhất định, để che giấu ý đồ và cho thấy cái được làm hoặc được nói đã được thực hiện không có bất cứ một cố gắng nào và hầu như không suy tính. Tôi tin rằng vẻ duyên dáng kiều diễm chủ yếu là từ đó mà ra, bởi ai cũng biết sự khó khăn của những thứ hiếm có và được làm tốt. Vì thế sự khéo léo dễ dàng trong chúng gây nên sự khâm phục ngưỡng mộ cao nhất; mặt khác, trong khi đó, gắng sức, như châm ngôn thường nói, nắm tóc xềnh xệch lôi đi, là cực kỳ vô duyên, kém thanh nhã, và khiến chúng ta coi nhẹ mọi thứ, cho dù có lớn lao đến mấy.

Do đó chúng ta có thể khẳng định cái được gọi là kỹ năng đích thực là cái trông như chẳng phải kỹ năng; hay bất cứ thứ gì cần quan tâm nhiều hơn là che giấu kỹ năng; bởi nếu nó bị lộ ra, nó sẽ làm hỏng đáng kể uy tín của chúng ta và khiến chúng ta bị đánh gíá thấp.

Trong nghệ thuật, quan niệm sprezzatura của Castiglione được hiểu như sự nhẹ nhàng điêu luyện trong kỹ thuật và cách thể hiện. Tác phẩm phải không bộc lộ “mồ hôi nước mắt” của hoạ sỹ, phải có cảm giác được vẽ như sự bột phát tự nhiên, không có bất cứ cố gắng nào, cho dù bất cứ ai cũng hiểu rằng để đạt tới cảnh giới này hoạ sỹ đã phải trải qua một quá trình tư duy rèn luyện phi thường. Đó cũng chính là lý do vì sao Michelangelo đã bảo cộng sự đốt hết các dessin chuẩn bị cho bích hoạ Sistine để người đời sau không biết ông đã lao tâm khổ tứ như thế nào, mà chỉ chiêm ngưỡng kiệt tác này như kết quả của một ánh chớp của thiên tài. Áp dụng vào dessin, một trong những điều tối kỵ cần tránh là cảm giác mệt mỏi, nặng nề, cứng nhắc, cố gắng giả tạo, chỉ có thể khắc phục sau nhiều năm quan sát và luyện tập.

_____

[1] The book of the courtier by count Baldesar Castiglione (1528), translated from the Italian and annotated by L.E. Opdycke (C. Scribner’s sons, New York, 1901).

______

Trích từ Nguyễn Đình Đăng, Nghệ thuật dessin (2021, đang viết)

4 bình luận to “Sprezzatura”

  1. thanhtan3k Says:

    Sao chú không viết một bài về contemporary art nhỉ? Cháu theo dõi mấy channel nước ngoài thiên về hội họa cổ điển, người ta chê quá trời, nhất là giá trị mấy bức abstract bị thổi phồng một cách quá đáng. Chẳng hạn có bức chỉ mỗi canvas trắng bán được vài chục nghìn USD, có bức chỉ có quả chuối dán bằng cái băng dính lên tường bán mười mấy triệu USD, có bức chỉ một đường kẻ đen giữa canvas xanh ultramarine bán được vài chục triệu USD…
    Thành thực mà nói, đa số chẳng hiểu những họa sĩ đó họ muốn diễn tả cái gì và giá trị bức tranh ở chỗ nào.

  2. Vinh khoa Says:

    Có những tranh tôi phác họa nhanh mà tỏa ra một nét đẹp bất ngờ ; có tranh lại chăm chút qua nhiều tuần nhiều tháng mà vẫn chưa hài lòng. Đôi khi, đôi khi thôi, tôi cũng thoáng nghĩ là mình phải cho người khác cảm tưởng là tranh mình vẽ rất dể dàng mau chóng để vẻ đẹp của nó càng tăng lên.
    Nhưng cảm tưởng ” mau, dể, đẹp ” mình có hoặc muốn gợi cho người khác , là ảo tưởng. Có gì xung quanh mình, trong vủ trụ đựơc hình thành trong 1 thoáng ? Mọi vẻ đẹp, dù sáng tác qua bàn tay mình, đều hình thành qua một tiến trình rất lâu rất dài không phải bắt đầu từ ngày mình sinh ra, cũng như không bắt đầu từ Big Bang mà thôi.

    • nguyendinhdang Says:

      Sự dễ dàng phải toá ra môt cách tự nhiên. Bạn chỉ có thể đạt được điều đó khi bạn vẽ rất điêu luyện, khiến dessin trở thành như tiếng nói hay hơi thở của bạn. Hãy nghe và xem các nghệ sỹ nhạc cụ trứ danh chơi đàn thì bạn sẽ hiểu sprezzatura trong hội hoạ cũng tựa như vậy. Renoir từng nói: “Tôi vẽ dessin này mất 5 phút nhưng tôi đã mất 50 năm để đạt được điều đó.”

Phản hồi của bạn:

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s


%d người thích bài này: