Archive for the ‘art history’ Category

Về cái đẹp, sự siêu phàm và bản chất của nghệ thuật

15/11/2020

Charles Blanc

Sự siêu phàm giống như một vô tận thình lình thoáng thấy. Đó là vì sao nghệ thuật dessin, chỉ hiện hữu thông qua hình khối và bị giam hãm trong những giới hạn của hình, chỉ có thể trở thành siêu phàm nhờ năng lực của tư duy. Chẳng hạn như khi Poussin viết lên một nấm mồ mà các mục đồng cổ đại tìm thấy: Et in Arcadia ego (Ta cũng từng sống ở Arcadia)*), thì đó không phải hoạ sỹ mà là triết gia trong ông mới là siêu phàm, bởi lẽ nếu người ta đọc câu cảnh tỉnh đó phát ra từ những bí ẩn của nấm mồ hay như tiếng thở dài từ linh hồn một người đã khuất thì xúc cảm sẽ là như nhau … Trong điêu khắc, theo nghĩa mở rộng của từ này, người ta gọi các tác phẩm là siêu phàm khi vẻ đẹp của chúng lớn tới mức tuyệt đối, vĩnh hằng, luôn diệu kỳ khắp chốn. Kiến trúc đạt tới siêu phàm khi nó từ bỏ mọi sự hoa mỹ để gợi nhớ những cảnh tượng vĩ đại của tự nhiên, và khi, chỉ bằng những kích thước mênh mông, nó đánh thức trong chúng ta cảm giác về sự siêu phàm.

Nicolas Poussin, Et in Arcadia ego (Những mục đồng xứ Arcadia), 1628, sơn dầu, 85 x 121 cm

Đúng vậy, chính từ khi con người sống trên trái đất cùng với những bạn đồng hành của họ là các loài vật, mà cái đẹp đã xuất hiện, và cái đẹp thuộc về nhân loại; sự siêu phàm ở lại trong vũ trụ. Trật tự và tỉ lệ, những yếu tố cốt lõi của cái đẹp, chỉ thực sự lộ diện trong những cơ thể sống, tôi muốn nói, trong các con vật và con người. Phần còn lại của thế giới cho chúng ta một quang cảnh hỗn độn siêu phàm. Những tinh tú phân tán trong thinh không với một sự rời rạc khiến trí tượng tượng của chúng ta ghê sợ. Những ngọn núi dựng đứng tứ tung trên trái đất, và cây cối mọc lung tung trong rừng. Những con sông to nhỏ và biển cả tạo thành những đường kỳ dị, không hề có bất cứ một sự đều đặn rõ rệt nào… Nhưng, ngay sau khi cuộc sống có linh hồn xuất hiện trong các tạo vật, tức thì nảy ra sự đối xứng; đường nét trở nên cân bằng; các phần được nhắc lại, tương ứng với nhau và trở nên hài hòa. Đó là cái đẹp từ trong lòng của siêu phàm sinh ra.

Mọi mầm mống của cái đẹp nằm trong tự nhiên, nhưng chỉ có tinh thần con người mới khai phóng được chúng. Khi tự nhiên đẹp, hoạ sỹ biết rằng nó đẹp, còn tự nhiên chẳng biết gì cả. Như vậy cái đẹp chỉ hiện hữu với điều kiện là nó được hiểu, có nghĩa là có một cuộc sống thứ hai trong tư duy con người. Hoạ sỹ, người hiểu cái đẹp, vượt lên trên tự nhiên, nơi trưng ra cái đẹp.

Hiểu! Đó là sự vĩ đại của nghệ thuật. Toàn bộ phẩm giá của chúng ta, như Pascal nói, nằm trong tư duy của chúng ta. Lịch sử kể rằng Alexandre Đại Đế đã tặng nàng Campaspe xinh đẹp cho bạn mình là hoạ sỹ Apelles, bởi, ngài nói, chẳng ai có thể hiểu được vẻ đẹp tinh tế của nàng như hoạ sỹ vĩ đại nhất Hy Lạp.

Tuy nhiên, trước khi dịch một bài thơ, thì phải đọc nó; cũng vậy, trước khi hiểu được cái đẹp thì phải nhìn thấy nó.

Một khi đã thôi không còn một ngôn ngữ tượng trưng, hoạ sỹ tiếp cận tự nhiên để nhìn và vẽ nó, y bắt đầu bằng việc bắt chước ngây ngô các sự vật, và mô phỏng tất cả các phần của chúng, bởi thấy chúng tuyệt diệu như nhau.

Sau đó, nghiên cứu khiến y có khả năng phát hiện những vẻ đẹp và khiếm khuyết của tự nhiên; y thấy trong các mẫu của mình những nét đặc trưng và những phần thứ yếu; y khu biệt tổng thể thông qua các chi tiết; từ đó y lựa chọn trong khi mô phỏng.

Cuối cùng, một suy ngẫm sâu sắc hơn đã khai sáng cho y những quy luật của sáng tạo; trong các hình dạng của tự nhiên y biết nhận ra những gì tuyệt đẹp nhất; có nghĩa là phù hợp với các ý đồ của Thượng Đế.

Thế rồi, thoáng thấy một vẻ đẹp hơn cả vẻ đẹp đích thực, mà như cổ nhân đã nói, pulchritudinem quae est supra veram, y thanh lọc thực tại của những sự cố đã bóp méo nó, những pha trộn đã làm hỏng nó, y đãi ra vàng ròng từ vẻ đẹp ban sơ; y tìm lại ở đó vẻ đẹp lý tưởng.

Như vậy, hoặc mô phỏng, hoặc diễn giải, hoặc lý tưởng hóa mà nghệ thuật biến hóa.

Song, giữa hai thái cực, mô phỏng thuần túy và lý tưởng có một hiểm họa kép cần tránh; bởi lẽ, trong khi mô phỏng tự nhiên quá sát sao, hoạ sỹ có nguy cơ tái tạo cả những thứ xoàng xĩnh, còn trong khi quá xa rời tự nhiên, y có thể đánh mất dấu những giọng điệu của cuộc sống.

Cho nên, định nghĩa thích đáng của nghệ thuật nằm giữa sự thông dịch từng câu từng chữ và việc lý giải hùng hồn, và chúng ta nói: “Nghệ thuật là sự diễn giải TỰ NHIÊN”.

Nguyễn Đình Đăng trích dịch từ Charles Blanc, Grammaire des arts du dessin (Librairie Renouard, Paris, 1880).

Chú giải:

*) Arcadia là xứ sở hạnh phúc điền viên trong thơ của thi hào La Mã cổ đại Virgil. Nicolas Poussin đã vẽ hai bức tranh mô tả những mục đồng xữ Arcadia tìm ra một ngôi mộ có ghi dòng chữ Et in Arcadia ego (Ta cũng từng sống ở Arcadia), hàm ý cả những địa đàng như Arcadia người ta cũng không tránh khỏi cái chết.

_____________

© Nguyễn Đình Đăng, 2020 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.