Nguyễn Đình Đăng
Cuối cùng, sau 3 năm “tranh đấu”, công trình của chúng tôi đã được đăng hôm qua tại Physical Review C, tạp chí khoa học uy tín về vật lý hạt nhân của hội vật lý Mỹ (American Physical Society).
Cách đây 24 năm (1992), lần đầu tiên tôi được mời làm hợp đồng tại viện nghiên cứu hạt nhân Catania (trên đảo Sicily, Italy). Tại đây, cùng với Francesco Catara và Michelangelo Sambataro, tôi bắt tay vào việc tái chuẩn hóa lý thuyết gần đúng pha ngẫu nhiên (Renormalized Random-Phase Approximation, viết tắt là RRPA).
RPA là một trong những lý thuyết nền tảng trong nghiên cứu cấu trúc hạt nhân nguyên tử, nhưng nó vi phạm nguyên lý Pauli khi coi một cặp fermion như một hạt boson. Trong RRPA chúng tôi đã tái chuẩn hóa (renormalize) RPA để bảo toàn nguyên tắc Pauli một cách gần đúng.
Công trình năm 1993 này của chúng tôi đã được đăng tại Nuclear Physics A năm 1994 và trở thành bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong số hơn 120 công trình đã đăng của tôi.

Ngồi quanh bàn từ trái: GS F. Catara, và phu nhân, GS N. Văn Giai và phu nhân, N.Đ.Đ., GS L. Moretto, phu nhân của GS A. Viturri, GS A. Viturri (Ischia, 5/2014)
Hai năm sau, 1996, J.G. Hirsch, P.O. Hess và O. Civitarese phát hiện ra rằng, do tương tác trong ma trận của RPA được tái chuẩn hóa, lý thuyết RRPA không bảo toàn một quy tắc tổng gọi là Ikeda sum rule (mang tên nhà vật lý lý thuyết hạt nhân Nhật Bản K. Ikeda).
Trong suốt hai thập niên sau đó, nhiều tác giả đã đề xuất một số phương pháp để cải tiến lý thuyết RRPA nhằm khôi phục lại các quy tắc tổng nhưng chưa phương pháp nào thực sự triệt để.
Trong công trình vừa được đăng hôm qua chúng tôi đã đề xuất một phương pháp hữu hiệu khôi phục được quy tắc tổng lưỡng cực (energy-weighted dipole sum rules). Chúng tôi coi đây là bước chuẩn bị cho phương pháp triệt để mà chúng tôi đang nghiên cứu và hy vọng sẽ thu được kết quả khả quan trong tương lai gần.
Công trình này đã trải qua 3 lần gửi đăng với 5 phản biện kín của 2 tạp chí, bị từ chối 2 lần. Sau mỗi lần là những nghiên cứu tiếp tục để cải tiến, hoàn thiện.
Nhà vật lý lý thuyết hạt nhân Nhật Bản giáo sư Akito Arima, người đã hợp tác nghiên cứu trong 1 thập niên và đã đăng chung 35 bài báo khoa học với tôi, từng nói: “Nếu anh tin việc mình làm là đúng thì đừng bao giờ từ bỏ nó, kể cả khi bị người khác chỉ trích.”

GS Akito Arima trong buổi khai mạc triển lãm cá nhân của N.Đ.Đ. “Opus 7” tại Fazioli Show Room 3/4/2010
Điều thú vị là các đồng tác giả của công trình vừa được đăng này lại gồm 3 thế hệ lý thuyết vật lý hạt nhân: Nguyễn Quang Hưng, nguyên là nghiên cứu sinh tiến sĩ do tôi hướng dẫn, nay là phó giáo sư tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, và Lê Tấn Phúc, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ do Nguyễn Quang Hưng hướng dẫn.
Trong lý thuyết “Trạm xe buýt Helsinki” nhiếp ảnh gia Phần Lan Arno Rafael Minkkinen cũng khuyên các nghệ sĩ: “Stay on the bus. Stay on the f..king bus.” (Hãy ngồi yên trên xe buýt. Hãy ngồi yên trên cái xe buýt đậu xanh rau má đó.)
Đó là một trong những bí quyết của thành công.
13/12/2016