Nguyễn Đình Đăng
Năm tôi học lớp 1, cô giáo dạy tôi, Nguyễn Thị Bạch Ngọc, đã tặng tôi hai cuốn sách. Cuốn thứ nhất là bộ sách dạy xếp hình bằng 7 miếng gỗ có tên “Trò chơi Trí Uẩn” do cha cô, ông Nguyễn Trí Uẩn là tác giả, gồm 2 tập có tên quyển giảng và quyển đố [1]. Cuốn thứ hai là một tập truyện ngắn của Oscar Wilde có tên “Cậu bé sao băng”.
“Cậu bé sao băng” là một câu chuyện tuyệt hay về một hoàng tử bị bỏ cho rừng, được một gia đình tiều phu nhặt về nuôi. Lớn lên cậu rất xinh đẹp nhưng ích kỷ và tàn nhẫn. Khi mẹ cậu, một hoàng hậu có phép thuật, cải trang thành một bà già ăn mày tới tìm được cậu, cậu đã chê mẹ xấu xí rách rưới và đuổi mẹ đi. Cậu bị trừng phạt trở nên xấu xí, bị bạn bè xa lánh. Khi hiểu ra nguyên nhân, cậu vô cùng hối hận, đi khắp thế gian tìm mẹ. Cậu tới một kinh thành và bị bắt đem bán làm nô lệ cho một tay phù thủy. Một hôm tên phù thủy bảo cậu phải vào rừng 3 lần đề tìm cho y 3 thỏi vàng màu trắng, vàng và đỏ. Cậu vào rừng không tìm được, nhưng thấy một con thỏ sa bẫy, cậu đã cứu nó. Thỏ trả ơn, chỉ chỗ có thỏi vàng cho cậu. Hai lần đầu, khi cậu mang vàng về tới cổng thành đều có một người ăn mày xin tiền cậu. Cậu thương và cho ông vàng. Cậu bị tên phù thủy đánh đập nhừ tử. Lần thứ ba y nói nếu không mang về thỏi vàng màu đỏ y sẽ giết cậu. Lần này người ăn mày ở cổng thành lại xin và nói nếu không có tiền ông sẽ chết đói. Cậu lại động lòng cho ông ta và buồn rầu nói ông chủ sẽ giết tôi. Nhưng ngay sau đó cậu thấy lính canh và toàn dân trong thành cúi chào cậu, gọi cậu là quân vương, rước cậu vào thành. Nhìn vào tấm khiên sáng như gương của lính gác, cậu thấy mình lại xinh đẹp như xưa. Trong đám đông cậu nhận ra bà già ăn mày mẹ cậu đứng cạnh ông già ăn mày mà cậu từng cho vàng ở cổng thành. Cậu chạy tới bà già, quỳ xuống khóc, xin mẹ tha lỗi. Nước mắt của cậu nhỏ xuống làm các vết thương trên chân bà già ăn mày liền lại. Khi cậu ngửng lên thì trước mặt cậu là vua và hoàng hậu. Vua nói con đã cứu ta khỏi chết đói và đã rửa chân cho mẹ con bằng nước mắt của con. Cậu nối ngôi vua cha. Cậu gửi vàng bạc và tặng vật tới gia đình người tiều phu để đền ơn họ và phong tước cho con cái họ. Cậu cấm tên phù thủy hành nghề. Cậu trị vì bằng tình thương nên được toàn dân yêu quý. Tiếc rằng vì những đau khổ từng phải chịu đựng, cậu chỉ giữ ngôi được 3 năm rồi qua đời. Sau cậu một tên bạo chúa lên ngôi.
Tên Oscar Wilde đã in vào trí nhớ của tôi từ đó.
Nhưng chỉ mãi sau này, khi đã có internet, tôi mới có dịp đọc về quan điểm nghệ thuật và triết học của Wilde, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Chân dung của Dorian Gray”. Tôi tìm thấy một sự đồng cảm khi đọc ông, đặc biệt là quan điểm về nghệ thuật và nghệ sĩ của ông.
*
Oscar Fingal O’Flahertie Wills Wilde sinh ngày 16.10.1854 tại Dublin (Ireland hay Ái Nhĩ Lan), là con thứ hai trong một gia đình trí thức có 3 con. Cha ông là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng, được Ái Nhĩ Lan phong hiệp sĩ năm 1864 khi Oscar mới lên 10. Cha ông cũng là người say mê khảo cổ, văn hoá dân gian, và các hoạt động từ thiện. Ông đã mở bệnh viện cho người nghèo, tiền thân của bệnh viện tai và mắt Dublin ngày nay. Mẹ ông là người dân tộc chủ nghĩa và thi sĩ với bút danh Speranza (Tiếng Ý có nghĩa là hy vọng), từng sáng tác thơ ủng hộ phong trào Những người Ái Nhĩ Lan Trẻ đòi hủy bỏ điều luật năm 1800 hợp nhất vương quốc Anh và Ái Nhĩ Lan. Bà còn là một người mê mỹ thuật tân cổ điển. Bà đã gieo vào con trai tình yêu thơ văn và mỹ thuật từ nhỏ.
Oscar Wilde được giáo dục cẩn thận. Cho tới năm 9 tuổi ông được cha mẹ thuê gia sư người Đức và vú em người Pháp dạy học và chăm sóc tại nhà. Sau đó ông vào học tại Portora Royal school do vua James I của Ái Nhĩ Lan sáng lập năm 1618. Các kỳ nghỉ hè ông về nghỉ tại biệt thự của gia đình ở phía tây Ái Nhĩ Lan. Ông học đại học từ 1871 tới 1874 tại Trinity College ở Dublin. Ông học rất giỏi, năm nào cũng thi đứng đầu khoá, và tới năm cuối thì đoạt huy chương cao nhất của trường, huy chương vàng Berkeley về tiếng Hy Lạp. Nhờ đó ông đoạt học bổng học văn chương Hy Lạp tại Magdalen College thuộc Đại học Oxford.
Thời học tại Magdalen College Wilde trở thành huyền thoại của trường vì quan điểm mỹ học và vai trò của ông trong các trào lưu suy đồi, tức tên các nhà phê bình gán cho các trào lưu văn chương chịu ảnh hưởng truyền thống tiểu thuyết Gothic và thơ của Edgar Poe vào cuối t.k. XIX. Những người theo các trào lưu này thường đề cao kỹ xảo trong văn học hơn các tiền bối Lãng mạn như Victor Hugo, Théophile Gautier, hay Charles Beaudelaire. Ông thường để tóc dài, ăn mặc khiêu khích, trang hoàng phòng ở bằng lông công, hoa và lọ lục bình Trung Hoa. Câu nói “Càng ngày tôi càng thấy khó sống ngang tầm cái lọ sứ Trung Hoa” của ông thời đó đã bị chỉ trích dữ dội là rỗng tuếch một cách khủng khiếp.
Năm 24 tuổi Wilde đoạt giải thưởng Newdigate nhờ tập thơ Ravenna. Cũng năm đó ông tốt nghiệp đại học Oxford đỗ đầu hai môn về tiếng Latin – Hy Lạp cũng như về lịch sử La Mã – Hy Lạp và triết học.
Những năm 1880 Wilde sống và làm thơ tại London, Paris và sang Mỹ diễn thuyết, truyền bá ý tưởng mang cái đẹp của nghệ thuật vào cuộc sống. Wilde tin rằng nghệ sĩ phải hướng tới các lý tưởng cao cả. Ông cho rằng cái đẹp và khoái lạc phải thế chỗ cho luân lý tầm thường. Wilde và quan điểm của ông đã bị các nhà phê bình đương thời tại Anh công kích kịch liệt, cho rằng ông gây ảnh hưởng xấu tới thanh niên. Ngược lại ở Mỹ ông được hoan nghênh nồng nhiệt khắp nơi, từ các phòng khách thượng lưu tới khu công nhân mỏ ở Colorado, khiến chuyến đi sang Mỹ năm 1882 của ông đã kéo dài tới 1 năm thay vì 4 tháng như dự định ban đầu.
Năm 1884 Wilde cưới Constance Lloyd, con gái một luật gia giàu có của Nữ hoàng Anh.
Năm 1886 – 1891 Wilde chuyên tâm viết văn xuôi, biên tập và chủ bút tờ Thế giới Đàn bà (1887 – 1889). Nhờ đó ông hiểu được cách thao túng thị trường văn chương.
Năm 1890 Wilde xuất bản cuốn thiểu thuyết duy nhất và nổi tiếng nhất của mình “Chân dung Dorian Gray”. Khi cuốn tiểu thuyết bị chỉ trích là suy đồi, đầu độc, Wilde trả lời: “Nếu một tác phẩm nghệ thuật là phong phú, sinh động và hoàn thiện thì những người có bản năng nghệ thuật sẽ nhìn thấy vẻ đẹp của nó, còn những người thích luân lý sẽ rút từ nó ra những bài học đạo đức.” Sau đó Wilde sửa lại cuốn tiểu thuyết, thêm 6 chương mới và viết thêm lời tựa. Lời tựa này đã trở thành tuyên ngôn nổi tiếng của nghệ thuật vị nghệ thuật. Đến khi các nhà phê bình đương thời ra sức tìm xem Wilde đã vay mượn cốt truyện từ đâu, Wilde trả lời: “Ý tưởng chẳng có gì mới, nó cũ như lịch sử văn chương vậy, nhưng tôi đã trình bày lại nó dưới một hình thức mới.”
Wilde còn là tác giả của 4 vở kịch, trong đó nổi tiếng nhất là vở “Sự quan trọng của việc làm người nghiêm túc” (The importance of being earnest) viết năm 1894.
Tháng 2 năm 1895 Wilde bị hầu tước Queensberry là John Douglas kiện ra tòa vì tội đồng tính luyến ái với một số người, trong đó có huân tước Alfred Douglas, con trai hầu tước Queensberry, và cả một số trai điếm. Alfed Douglas kém Oscar Wilde 16 tuổi, là thi sĩ và dịch giả người Anh. Phiên tòa trở thành một sự kiện lớn vì tiếng tăm của Wilde. Kết quả Wilde thua kiện và phải nộp phạt một khoản tiền lớn khiến ông phá sản. Chưa hết, sau phiên tòa này ông còn bị tịch thu tư trang, giấy tờ, và bị tạm giam vì tội quan hệ tình dục đồng giới. Phiên tòa thứ 2 diễn ra sau đó hơn 2 tháng. Wilde tuyên bố mình vô tội. Khi công tố viên hỏi: “Thứ tình yêu không dám nói ra tên thật của nó là gì?“, Wilde trả lời:
“Tình yêu không dám nói ra tên thật của nó trong thế kỷ này là lòng yêu thương của một người đàn ông đối với một người đàn ông khác trẻ tuổi hơn mình như đã từng có giữa David và Jonathan, từng được Plato dùng làm nền tảng cho triết học của ông, và là tình yêu mà ngài thấy trong các bài thơ của Shakespeare và Michelangelo, cũng như trong hai bức thư tôi đã viết. Tình yêu đó đã bị hiểu lầm trong thế kỷ này, bị hiểu lầm tới mức nó được gọi là tình yêu không dám nói ra tên thật của nó, và vì thế mà tôi bị đặt vào chỗ mà tôi đang đứng hiện nay. Đó là thứ tình yêu đẹp đẽ, tinh tế, là hình thức cao thượng nhất của lòng yêu thương. Chẳng có gì phản tự nhiên trong nó cả. Nó rất trí tuệ, và nó thường tồn tại giữa một người đàn ông và một người đàn ông khác ít tuổi hơn, khi người nhiều tuổi hơn có hiểu biết rộng, còn người trẻ tuổi hơn có tất cả niềm sung sướng, hy vọng, và say đắm của cuộc đời trước mặt. Nó phải như vậy, và thế giới này không hiểu. Thế giới chế nhạo nó và đôi khi gông cùm nó.”
Phiên tòa kết thúc không tuyên án. Wilde được một linh mục hảo tâm nộp tiền thế chấp để được tại ngoại.
Phiên toà thứ 3 diễn ra sau đó một tháng. Wilde và một người bạn bị kết án 2 năm tù lao động khổ sai. Chế độ hà khắc của nhà tù khiến sức khỏe của Wilde giảm sút nhanh chóng. Tháng 11 năm đó, ông bị kiệt sức vì ốm và đói nên đã gục ngã bất tỉnh, đập thái dương xuống sàn, chấn thương màng nhĩ, phải nhập viện 2 tháng.
Ra tù năm 1897, Wilde bỏ nước Anh sang lục địa châu Âu. Ông nối lại với người tình cũ Alfred Douglas, trong khi bị vợ cự tuyệt không cho gặp các con, nhưng vẫn gửi tiền nuôi ông. Nhưng vài tháng sau ông và Douglas đã buộc phải chia tay vì gia đình hai phía doạ cắt viện trợ nếu họ tiễp tục dan díu. Những tháng cuối đời ông trọ tại khách sạn Alsace ở Paris trong cảnh túng thiếu, không viết lách gì nữa, chỉ uống rượu và lang thang trên các đại lộ. Khi Wilde hấp hối vì viêm màng não, ông đã gửi thư gọi các bạn cũ nhưng chỉ có nhà văn Reginal Turner tới, người đã ở bên ông cho tới khi ông nhắm mắt.
Oscar Wilde qua đời ngày 30 tháng 11 năm 1900 ở tuổi 46. Ông được mai táng tại nghĩa trang Bagneux tại ngoại ô Paris. Năm 1909 hài cốt của ông được đưa về an táng tại nghĩa trang Père Lachaise tại Paris. Mộ của ông phủ đầy vết môi son của các fan tới viếng hôn lên. Tới năm 2011 người ta mới tẩy rửa hết các vết son đi và dựng tấm chắn bằng kính bảo vệ.
*
Để tưởng nhớ tới Oscar Wilde nhân kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh của ông, tôi trích dịch lại dưới đây một số nhận định của ông vể nghệ thuật và nghệ sĩ.
1) Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả duy nhất của một khí chất duy nhất. Vẻ đẹp của nó xuất phát từ một thực tế rằng tác giả của nó chính là anh ta. Nó không liên quan gì tới việc người khác mong muốn cái họ muốn. Thật vậy, một khi nghệ sĩ ghi nhận những gì người khác muốn, và cố gắng đáp ứng nhu cầu của người khác, anh ta đã không còn là một nghệ sĩ nữa, mà đã trở thành một gã đần độn hoặc một thợ thủ công làm trò giải trí, một gã lái buôn thật thà hoặc gian manh. Từ khoảnh khắc đó trở đi anh ta không còn có thể tự cho mình là nghệ sĩ được nữa.
2) Nghệ sĩ đích thực không mảy may để ý tới công chúng. Đối với anh ta công chúng không tồn tại.
3) Nếu một người tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật với mong muốn áp chế quyền lực lên nó và lên nghệ sĩ, y tiếp cận nó với một tinh thần khiến y hoàn toàn không thể nhận được bất kỳ một ấn tượng nghệ thuật nào từ nó. Tác phẩm nghệ thuật phải chế ngự người xem: Người xem không được chế ngự tác phẩm nghệ thuật. Người xem phải đón nhận. Y phải là cây violin để nghệ sĩ tấu lên khúc nhạc. Và càng biết kìm nén các quan điểm ngớ ngẩn, các thành kiến điên rồ, các ý tưởng ngu xuẩn của mình rằng nghệ thuật phải là thế này hoặc không được là thế kia thì y càng có cơ may hiểu được và đánh giá được tác phẩm nghệ thuật y đang xem.
4) Không một người thưởng thức nghệ thuật nào cần một tâm trạng tiếp nhận hoàn hảo hơn tâm trạng của một khán giả xem kịch cả. Lúc y tìm cách chứng tỏ quyền uy cũng là lúc y trở thành kẻ thù công khai của Nghệ thuật và của chính mình. Nghệ thuật chẳng để tâm tới chuyện đó. Chính y mới là kẻ chịu thất thiệt.
5) Các ý tưởng của một người có học thường được rút ra từ Nghệ thuật đã từng là cái gì, trong khi một tác phẩm mới là đẹp vì Nghệ thuật chưa bao giờ từng như vậy; và đo đạc nó bằng thước đo của quá khứ tức là đo đạc nó bằng tiêu chuẩn phủ nhận sự hoàn hào đích thực của nó. Khí chất có khả năng tiếp nhận những ấn tượng mới và đẹp, thông qua một chất liệu tưởng tượng, và trong các điều kiện tưởng tượng, là khí chất duy nhất có thể hiểu được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật.
6) Đôi khi người ta đặt câu hỏi liệu một hình thái nhà nước như thế nào sẽ là thích hợp nhất để nghệ sĩ sống trong đó. Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này. Hình thái nhà nước thích hợp nhất cho nghệ sĩ là không có nhà nước nào hết. Quyền lực là nực cười đối với nghệ sĩ và nghệ thuật của anh ta. Người ta khẳng định rằng nghệ sĩ đã từng sản sinh ra các tác phẩm đáng yêu dưới chế độ chuyên quyền. Không hẳn như vậy. Nghệ sĩ từng ghé thăm các bạo chúa không phải với tư cách là các chủ thể bị áp chế, mà như những người lang thang tạo nên các kỳ quan, như những nhân cách đầy quyến rũ nay đây mai đó, để được nghênh tiếp, bị mê hoặc, và phải chịu đau khổ để được sống yên ổn, và để được phép sáng tạo. Một vài kẻ chuyên quyền cũng có ưu điểm là những cá nhân có văn hóa, trong khi đám đông là một con quái vật vô văn hóa. Một hoàng đế hay một quân vương có thể cúi xuống nhặt cây bút vẽ cho hoạ sĩ, nhưng khi đám đông cúi xuống thì chỉ để vốc bùn ném mà thôi. Và tuy vậy đám đông vẫn chưa từng cúi xuống như hoàng đế. Thật vậy, khi cần ném bùn họ chẳng hề phải cúi xuống. Nhưng chẳng cần phải tách biệt vua chúa khỏi đám đông; mọi thứ quyền lực đều xấu như nhau.
7) Lời tựa tiểu thuyết “Chân dung Dorian Gray”
Nghệ sĩ là người sáng tạo ra cái đẹp.
Mục đích của nghệ thuật là để bộc lộ nghệ thuật và che giấu nghệ sĩ.
Nhà phê bình nghệ thuật là người có thể diễn dịch ấn tượng của mình trước cái đẹp bằng một cách khác hoặc dùng một chất liệu khác.
Phê bình hay nhất cũng như thấp kém nhất là một dạng tự truyện (tức là nó bộc lộ về người phê bình nhiều hơn là về đề tài phê bình. N.D.). Những người nào tìm thấy ý nghĩa xấu xí trong cái đẹp là những người đồi bại, không có sức quyến rũ.
Đó là một lỗi lầm.
Những người nào tìm thấy ý nghĩa đẹp đẽ trong cái đẹp là những người có học thức. Đối với những người này thì còn có hy vọng.
Họ là những người được chọn lựa mà đối với họ cái đẹp chỉ có nghĩa là cái đẹp mà thôi.
Không có cuốn sách có đạo đức hay vô đạo đức. Các cuốn sách được viết hay hoặc dở.
Đó là tất cả.
Thế kỷ thứ 19 ghét chủ nghĩa hiện thực cũng như Caliban nổi giận khi nhìn thấy khuôn mặt của mình trong gương.
Thế kỷ thứ 19 ghét chủ nghĩa lãng mạn cũng như Caliban nổi giận khi không nhìn thấy khuôn mặt của mình trong gương.
Cuộc sống đạo đức của con người góp phần tạo nên đề tài cho nghệ sĩ, nhưng đạo đức của nghệ thuật nằm trong việc sử dụng hoàn hảo một chất liệu không hoàn hảo. Không nghệ sĩ nào muốn chứng minh bất cứ điều gì. Ngay cả những sự thật có thể chứng minh được.
Không nghệ sĩ nào có cảm tình với đạo đức.
Một sự đồng cảm đạo đức trong nghệ sĩ là thói làm bộ không thể tha thứ được về phong cách. Nghệ sĩ càng không bao giờ bệnh hoạn.
Nghệ sĩ có thể biểu hiện mọi thứ.
Tư tưởng và ngôn ngữ đối với nghệ sĩ là các công cụ của nghệ thuật.
Đồi bại và đức hạnh đối với nghệ sĩ là các tư liệu của nghệ thuật.
Trên quan điểm hình thức, nghệ thuật của nhạc công là hình mẫu của mọi nghệ thuật.
Trên quan điểm của cảm xúc, kỹ năng của diễn viên là hình mẫu của mọi nghệ thuật.
Toàn bộ nghệ thuật vừa là bề mặt vừa là biểu tượng.
Những người đi bên dưới bề mặt, có sao thì ráng chịu.
Những người đọc biểu tượng, có sao thì ráng chịu.
Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu người xem, chứ không phải phản chiếu cuộc sống.
Sự đa dạng của ý kiến về một tác phẩm nghệ thuật chứng tỏ đó là một tác phẩm mới, phức tạp, và quan trọng.
Khi các nhà phê bình không đồng ý với nhau là lúc nghệ sĩ hoà hợp với chính mình.
Chúng ta có thể tha thứ một người làm ra một vật hữu dụng chừng nào người đó không say mê nó. Biện hộ duy nhất cho việc làm ra một thứ vô dụng là vì người ta say mê nó sâu sắc.
Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng.
28.11.2014
____________
[1] Ông Nguyễn Trí Uẩn không phải là người đầu tiên nghĩ ra trò chơi này. Nó đã xuất hiện ít nhất từ t.k. XIX, ví dụ tại Đức từ năm 1898 trong quyển “Kreuzpiel Problem Book” của F.Ad. Richter.