Sau khi đọc bài Trao đổi về dessin (I), bạn Nguyễn Ngọc Quân có một số comment và đề nghị tôi cho biết ý kiến. Dưới đây tôi đăng lại các comment của Nguyễn Ngọc Quân (N.N.Q.) kèm trả lời của tôi (N.Đ.Đ.).
N.Đ.Đ.
N.N.Q.
Thưa bác Đăng
Đọc bài trao đổi về dessin của bác cháu xin có một vài ý kiến như sau. Rất mong bác cho cháu ý kiến ạ.
Giáo dục cơ bản là phổ cập nên phương pháp tiếp cận cấu trúc là cấn thiết cho giai đoạn nhập môn.
N.Đ.Đ.
Hàng trăm năm trước, các hoạ sĩ thời Phục Hưng và Baroque như Luca Cambiaso, Albrecht Dürer và Peter Paul Rubens đã hiểu rằng các vật thể trong tự nhiên có thể được biểu diễn gần đúng bằng các hình khối đơn giản.
Đến năm 1834 Alexandre Dupuis đề ra phương pháp dạy vẽ dessin bắt đầu từ các khối khái quát. Phương pháp này được Dupuis diễn giải trong cuốn sách “Về dạy dessin theo quan điểm công nghiệp” (De l’enseignement du dessin sous le point de vue industriel) xuất bản năm 1836. Phương pháp của Dupuis đã được Bộ trưởng giáo dục cộng hòa Pháp khuyến cáo áp dụng cho tất cả các trường lycée, sau đó được đưa vào giảng dạy tại các hoạ viện ở Pháp.
Những quan điểm và phương pháp đó đã tạo nền móng cho tiếp cận cấu trúc (construction approach) trong hình hoạ.
Phương pháp này ở Nga có tên là “vẽ tạo dựng khối” (объемно-конструктивное рисование). Lối vẽ này được Dmitry Kardovsky (1866—1943) (Дмитрий Николаевич Кардовский) khởi xướng tại trường cao đẳng nghệ thuật – kỹ thuật (Trường đại học mỹ thuật công nghiệp Stroganov ngày nay) vào những năm 1920, trong bối cảnh đấu tranh giữa hai xu hướng hiện thực truyền thống và cách tân. Kardovsky và những người ủng hộ nghệ thuật hàn lâm thuộc phe truyền thống. Phe cách tân là những người như Kandinsky, Tatlin, Konchalovsky. Khi đó các trào lưu mới trong hội hoạ Pháp có ảnh hưởng mạnh đến giới sinh viên mỹ thuật và hoạ sĩ trẻ ở Nga sau cách mạng tháng 10. Truyền thống hội hoạ hàn lâm bị xao nhãng, nhường chỗ cho cảm hứng, cảm xúc, trực giác, thử nghiệm, v.v. Những người cách tân cho rằng các quy tắc, chuẩn mực của nghệ thuật hàn lâm khô khan, kìm hãm sáng tạo. Còn những người theo phái truyền thống cho rằng các hoạ sư không còn dạy sinh viên nữa mà để mặc họ vẽ như họ nhìn thấy và cảm thấy.
Trong phương pháp dạy dessin của mình, Kardovsky cho rằng đường nét không tồn tại mà chỉ có khối. Ông buộc học trò phải phân tích hình thành các mặt phẳng phản chiếu ánh sáng nhiều và ít, hoặc không có ánh sáng chiếu vào, và gọi đó là cắt (phạt) hình (обрубить форму). Học sinh chỉ được vẽ chi tiết sau khi đã “phạt” ra các khối, mặt tổng thể.
Theo Kardovsky, người mới học vẽ khó nhìn ra hình khối vì thế phương pháp này giúp họ giải quyết được khó khăn trên. Ví dụ khi vẽ mũi thì phải hiểu cái mũi được ngoại tiếp bởi hình hộp được xác định bằng 4 mặt phẳng v.v. Kardovsky yêu cầu học sinh đơn giản hoá hình người bằng các hình trụ, cầu, nón v.v. Ông tin rằng không thể dạy dessin trên quan điểm sáng tạo nghệ thuật bởi điều này phụ thuộc cảm nhận chủ quan về cái đẹp, nhưng có thể dạy dessin như các bài tập vẽ.
Tuy nhiên, do chạy theo cắt và phạt khối, phương pháp của Kardovsky thường xem nhẹ những yếu tố quan trọng của dessin là nhấn đặc điểm của hình, tỉ lệ, v.v. Kardovsky khẳng định “nhiệm vụ cơ bản của hình hoạ là nghiên cứu cách dựng hình trên mặt phẳng bằng các phương tiện đồ hoạ, tuân theo các quy luật tự nhiên, như chúng ta cảm nhận bằng thị giác. Tất cả những mục tiêu khác như tỉ lệ, đặc điểm cũng cần học, nhưng chỉ là thứ yếu khi mới bắt đầu.” Ông còn sai lầm khi bỏ qua việc chép tranh, tượng v.v. Ông cấm tiệt việc cho học sinh vẽ tượng thạch cao, tượng cổ đại, và copy các dessin cũng như tranh của các bậc thầy. Phương pháp của Kardovsky thực chất đã đi ngược truyền thống hàng trăm năm của hội hoạ hàn lâm, ngược hẳn giáo huấn của Leon Alberti, Leonardo da Vinci, Albrecht Dürer, những bậc thầy rất coi trọng chi tiết trong các kiệt tác của mình. Kề cả Pavel Chistyakov, thày của Repin, Surikov, Vrubel, Serov, Vaznetsov, cũng nói: “Trong quá trình vẽ, khi vẽ từ chỗ này sang chỗ khác, phải luôn nhìn toàn cục, nhưng không được khái quát hóa, mà phải đi sâu vào chi tiết, đừng sợ rối rắm, lòe loẹt, khái quát hoá thì dễ nếu có gì đó để khái quát hóa.”
Lối vẽ tạo dựng khối đã đóng vai trò quan trọng trong hội hoạ Xô Viết. Ngày nay nó được coi là cơ sở trong chương trình dạy hình hoạ tại các trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Stroganov, Đại học kiến trúc, Trung cấp kỹ thuật kiến trúc-xây dựng, v.v. Tôi chắc từ đó nó đã được du nhập vào Việt Nam qua những người từng tu nghiệp tại ĐHMTCN Stroganov.

Các bước đầu tiên trong trình tự vẽ đầu tượng Apollo theo cách tiếp cận tạo dựng khối (Trích từ В.И. Денисенко, Г.А. Базик, Методика освоения объемно-кноструктивного рисунка гисовой головы студентами архитектурного техникума, УДК 75.022.81)
Như tôi đã viết trong Trao đổi về dessin (I), tôi cho rằng lối vẽ tạo dựng khối là một phương pháp có ích nếu như nó giúp được người học có một cách nhìn hình học về mẫu. Nhưng sẽ là sai lầm nếu đưa nó đến cực đoan, coi đó là phương pháp duy nhất đúng. Người học có thể dùng nó như một phương tiện hỗ trợ việc dựng hình khối khi vẽ dessin, tạo nên cái khung, nhưng không thể bỏ qua các yếu tố quan trọng của dessin như đường nét, đặc điểm, tỉ lệ, giải phẫu, chi tiết, là những thứ cần được coi trọng đặc biệt.
Theo tôi, điều quan trọng hàng đầu khi dạy dessin là phải gây cảm hứng cho học sinh, đặc biệt là những người mới nhập môn, trước vẻ đẹp của dessin, làm cho họ hiểu và say mê dessin của các bậc thầy như Leonardo da Vinci, Botticelli, Michelangelo, Dürer, Holbein, Rembrandt, Ingres v.v., chứ không phải chỉ chăm chăm luyện họ thành thợ vẽ. Nếu họ chỉ thuộc phương pháp mà không hiểu dessin, họ sẽ chỉ vẽ ra những đường nét, hình khối vô hồn, không có bất cứ giá trị nào vể mặt thẩm mỹ.
N.N.Q.
Dessin của các bậc thầy là tuyệt vời nhưng ở Việt nam hiện tại không có giảng viên nào có kiến thức về nó.
N.Đ.Đ.
Giải quyết việc này vô cùng dễ. Nếu thiếu giảng viên, trường mỹ thuật có thể mở các buổi giảng ngoại khóa, mời các chuyên gia không phải giảng viên trong trường tới thỉnh giảng.
N.N.Q.
Trường Mỹ thuật Việt nam được coi là cái nôi hàng đầu của nền mỹ thuật nước nhà nhưng cháu không thấy tính academy, hình hoạ của họ ảnh hưởng nặng từ lối vẽ của Egon Schiele & Lucian Freud. Tất nhiên cháu thấy 2 vị này vẽ đẹp, nhưng đó là sáng tác.
N.Đ.Đ.
Nhận xét này có phần giống những gì tôi thấy về hội hoạ sơn dầu. Đó là cho đến giờ, tức sau 90 năm kể từ khi thành lập, trường Mỹ thuật Việt Nam vẫn chưa có một giáo trình về kỹ thuật vẽ sơn dầu. Phải chăng tình trạng dạy dessin cũng tương tự? Dạy vẽ như vậy thì có khác gì thầy bói xem voi?
Mặt khác đặc thù của trường MTVN và MTCN khác nhau. Trường MTVN là trường mỹ thuật thuần túy, trong khi trường MTCN là trường mỹ thuật ứng dụng. Cho nên phương pháp dạy hình hoạ ở hai trường không nhất thiết phải như nhau, như chính cháu cũng nhận xét ở câu dưới.
N.N.Q.
Lối vẽ của Kiến trúc & Mỹ thuật công nghiệp là để phục vụ thiết kế nên chỉ dừng ở phương pháp tiếp cận cấu trúc.
N.Đ.Đ.
Xuất phát điểm của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Stroganov, nơi sinh ra phương pháp tạo dựng khối của Kardovsky, là trường nghệ thuật ứng dụng. Trường này được bá tước Sergei Stroganov (1794 – 1882) thành lập năm 1825 với tên “Trường dạy vẽ liên quan tới nghệ thuật và các nghể thủ công” (Школа рисования в отношении к искусствам и ремеслам). Đây là trường dạy vẽ miễn phí đầu tiên của nước Nga, thu nhận mọi thiếu niên có tài, không phân biệt giai cấp xuất thân. Đích thân bá tước Stroganov đã lãnh đạo trường này trong 12 năm đầu tiên.
Trường Mỹ thuật Công nghiệp của ta chắc cũng được thành lập theo mô hình này (trừ việc nhận các thiếu niên tài năng không phân biệt giai cấp trước kia và việc miễn học phí). Theo nghĩa đó, cháu có thể nói trường MTCN chỉ cần và chỉ có trách nhiệm dạy như vậy.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, người học cần hiểu rằng đó chỉ là phần nhập môn của nghệ thuật dessin. Đối với những người muốn giỏi về dessin thì lối vẽ tạo dựng khối hoàn toàn chưa đủ. Các khối hình học đơn giản có thể giúp dựng lên hình người. Nhưng để thổi cái hồn vào đó, người vẽ cần hiểu giải phẫu cơ thể người, tỉ lệ, đường nét, đặc điểm của mẫu, chuyển động của bộ xương, bắp thịt v.v.
Mặt khác, người học vẽ có thể bắt đầu hoàn toàn bằng những phương pháp truyền thống, có từ một tới hàng thế kỷ trước lối vẽ tạo dựng khối của Kardovsky.
Rốt cuộc, dù học theo phương pháp nào, cuối cùng người học phải có khả năng nhìn mẫu thực, hoặc tưởng tượng mà vẽ được hình người bằng nét cho chỉnh, không xộc xệch, đúng tỉ lệ, đúng giải phẫu, mà không cần phải “cắt” hay “phạt” như khi còn học dựng hình hoạ. Điều này cũng tương tự như việc học sinh có thể phải dùng que đo hoặc khung cắt bố cục, nhưng hoạ sĩ phải có khả năng ước lượng chính xác và cắt bố cục bằng mắt, không cần mấy thứ dụng cụ kia.

Ngay cả khi vẽ chân dung người mặc quần áo (hình dưới), Ingres cũng dùng kiến thức giải phẫu cơ thể người của mình để hiểu cơ thể dưới áo.
(1848) bút chì
N.N.Q.
Định kiến của giới mỹ thuật Việt nam quá lớn dẫn đến sự không công bằng với những người theo khuynh hướng hiện thực & lấy dessin làm chủ đạo.
N.Đ.Đ.
Định kiến là quan điểm đã được hình thành từ trước mà không dựa trên cơ sở của lý trí hoặc trải nghiệm cụ thể. Như vậy định kiến là thứ không nên mất thì giờ để ý đến. Lại càng không nên bận tâm khi định kiến đến từ những người có thể còn chưa phân biệt được sơn dầu trong và đục, hay sự khác nhau giữa màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp và màu cho học trò.
Tôi chưa thấy một trường mỹ thuật nào ở Việt Nam có một chương trình dạy dessin hay hội họa thực sự được gọi là hàn lâm. Vì thế nếu cháu say mê dessin và hội hoạ hiện thực, cháu cứ chuyên tâm về dessin, tự tin với hiện thực, đẩy nó lên đến đỉnh điểm bằng khả năng của mình. Đó mới là cái mà một hoạ sĩ đích thực cần để ý. Một người không vẽ được dessin hiện thực cho ra hồn thì khó có thể tự gọi mình là hoạ sĩ, bất kể xuất xứ từ đâu.
Cách đây hơn 130 năm, Charles Blanc đã nhận định: “Sự kết giao giữa dessin và màu là cần thiết để sinh ra hội hoạ, tương tự như sự kết giao giữa đàn ông và đàn bà sinh ra nhân loại; nhưng dessin cần giữ ưu thế so với màu. Nếu không hội hoạ sẽ sụp đổ; nó sẽ sa ngã vì màu như nhân loại từng sa ngã vì bà Eva.” Hội hoạ từ t.k. XX tới nay là minh chứng rõ ràng cho thấy Charles Blanc đã nói đúng.