Posts Tagged ‘dessin’

Silverpoint

21/04/2014

Nguyễn Đình Đăng

Nguyễn Ngọc Quân hỏi:

Thưa bác Đăng,
Cháu xem kỹ thuật vẽ cổ điển có nhắc đến kỹ thuật Silverpoint. Xin phép bác giải thích để cháu được mở mang kiến thức.

Dưới đây là trả lời của tôi.

Silverpoint (tiếng Pháp: pointe d’argent, tiếng Ý: punta d’argento, có nghĩa là mũi nhọn bằng bạc, tiếng Nga: серебрянный карандаш, tức bút chì bạc) là tên của một thứ dụng cụ, chất liệu và kỹ thuật vẽ dessin dùng lõi là một que bằng bạc hay kim loại mềm có đầu nhọn (metalpoint) để vạch nét lên nền đã được bồi. Chất liệu và kỹ thuật vẽ bằng mũi nhọn kim loại từng rất phổ biến vào thời Phục Hưng và được dùng tới thế kỷ XVIII, trước khi bút chì (graphite pencil) ra đời. Kỹ thuật này cho phép vẽ những đường nét rất mảnh, chi tiết tinh xảo, nhưng không thể tẩy đi được, vì thế đòi hỏi người vẽ phải có kỹ năng dessin tốt.

Dessin bằng silverpoint của các bậc thầy cổ điển như Jan Van Eyck, Rogier van der Weyden, Leonardo Da Vinci,  Albrecht Dürer, Rembrandt v.v. là các kiệt tác của mọi thời đại.

Rogier

Rogier van der Weyden
Thánh nữ Mary Magdalena
Trái: silverpoint trên giấy, 17.6 x 13 cm (~ 1450).
Phải: sơn dầu trên ván gỗ sồi, 41 x 34.5 cm (~ 1452), Louvre

1665.graphic%203.jpg-550x0

Dessin bằng silverpoing (khoảng 1483 – 1485) của Leonardo Da Vinci. 
Leonardo vẽ tay trái nên các nét gạch bóng của ông được vạch chéo từ trên bên trái xuống dưới bên phải.

Self-portrait_at_13_by_Albrecht_Dürer

Chân dung tự hoạ năm 13 tuổi (1484) của Albrecht Dürer bằng silverpoint

rembrandt_saskia_in_a_straw_hat

Ký hoạ silverpoint chân dung Saskia (vợ) của Rembrandt (1633)

1) Dụng cụ vẽ

Tất cả các kim loại khi vạch trên nền đã bồi mà để lại vệt sẫm đều có thể được dùng để vẽ. Bạc (silver) là kim loại thường được dùng nhất, vì thế kỹ thuật vẽ bằng mũi nhọn kim loại cũng thường được gọi là silverpoint. Ngoài ra người ta còn dùng vàng, đồng, thau, thiếc, kẽm, chì và hợp kim. Bạc có nhược điểm là đen theo thời gian, khiến các nét vẽ trở nên sẫm. Que bạc có nhiều kích thước. Có thể dùng sợi dây bạc đường kính 0.9 mm để vẽ các nét mảnh và que bạc đường kính 2 mm một đầu nhọn, một đầu vát 45 độ để vẽ các nét có độ rộng khác.

Vàng cho nét màu xám ấm và không đổi màu theo thời gian, nhưng ít được dùng vì giá thành cao. Đồng cho nét xám nhưng theo thời gian bị rỉ chuyển sang màu lục. Thau là hợp kim đồng và thiếc, rẻ tiền, màu xám, nhưng nhạt và hơi vàng. Chì là kim loại duy nhất có thể được dùng để vẽ lên giấy mà không cần bồi nền và nét vẽ có thể xoá được, tương tự như bút chì ngày nay. Chì mềm nên khi vẽ hay bị cùn đi vì thế người ta thường trộn chì với kim loại khác cho mũi kim loại cứng hơn. Tuy nhiên chì độc nên ít được dùng. Hợp kim thiếc đồng được dùng thay chì, vì không độc.

Que kim loại thường được cắm trong lõi gỗ hoặc ống trúc. Ngày nay có thể dùng bút chì bấm (mechanical pencil) để giữ que kim loại.

img_2952

Các loại metalpoint cắm trong ống trúc (từ trên xuống, trái sang phải):
vàng, hợp kim vàng 80% – bạc 20%, bạc, hợp kim bạc 76% – đồng 24%, hợp kim bạc 50% – đồng 50%, hợp kim chì – đồng, đồng, chì, hợp kim chì – thiếc, thiếc.

Screen Shot 2014-04-21 at 1.42.26 PM

Metalpoint cắm trong cán gỗ
(Ảnh của drawingacademy.com)

Sliverpoint đường kính 1.5 mm trong cán gỗ (từ rueckertART)

Sliverpoint từ lõi bạc 99.99% đường kính 1.5 mm cắm trong vỏ gỗ
(Ảnh của rueckertART)

silverpoint.1

Từ trái: bút chì HB 2mm, lõi chì-thiếc bọc trong băng dính, lõi chì bọc trong băng dính, silverpoint 2mm trong vỏ bút chì bấm
(Ảnh của http://www.jacksonart.com)

silverpoint.2

Búy chì bấm và lõi silverpoint 2mm, cứng tương tự bút chì 3H
(Ảnh của http://www.jacksonart.com)

2) Vật liệu đỡ

Vật liệu đỡ phổ biến trong kỹ thuật vẽ bằng que kim loại gồm ván gỗ, ván gỗ phủ gesso, gạch gốm, bìa cứng, giấy da chưa thuộc (vellum), bìa cứng, giấy, v.v. Ván gỗ có ưu điểm là bền, nhẵn, cứng nhưng rất cồng kềnh vì chiếm nhiều chỗ khi bảo quản. Gạch gốm cứng và bền nhưng nặng, và kích thước rất hạn chế. Ván gesso bán sẵn và da có nhược điểm là giá thành cao. Chất liệu khá bền và rẻ tiền nhất là giấy dày. Nhiều dessin của các bậc thầy Phục Hưng được vẽ bằng silverpoint trên giấy còn trường tồn đến ngày nay.

14911-group-5-3ww-l

Ván phủ acrylic gesso có khung lót ở mặt sau (cradled gessobord) của hãng Ampersand

pro9

Vellum bằng da bê thuộc
(Ảnh của http://www.tgosling.com)

3) Bồi nền

Vật liệu đỡ cần được bồi thì mới giữ được nét vạch từ que kim loại. Đối với giấy và da chỉ cần quết hai lượt bồi nền để giấy và da vẫn mềm dẻo sau khi bồi. Nếu dùng ván gỗ và ván gesso thì có thể phủ nhiều lớp bồi hơn. Chỉ quét lượt sau lên trên lượt trước đã khô hẳn.

Các bậc thầy thời xưa thường trộn bột xương, bột vỏ trứng hay vỏ sò, bột trắng chì với dung dịch keo da làm chất bồi nền.

Theo Cennino Cennini (1370 – 1440) xương tốt nhất để làm bột bồi nền là xương sườn và cánh của chim hay gà, càng già càng tốt. Xương chân và vai của cừu cũng tốt. Xương này được nung lên đến khi trắng ra thì đem nghiền thành bột.

Ngày nay có thể trộn bột đá, phấn trắng, bột trắng titanium với dung dịch gum arabic. Thực chất đó là gouache. Vì thế có thể dùng ngay gouache bán sẵn ở hiệu. Có thể pha gouache màu khác, như sepia hay nâu Van Dyke vào gouache trắng để được nền có màu, dùng để làm tone trung, trong khi tone sẫm được vẽ bằng silverpoint còn chỗ sáng được vẽ bằng gouache trắng.

*

Từ t.k. XVII công nghệ phát triển sản xuất ra bút chì (graphite pencil, tức bút chì thường được dùng để vẽ ngày nay) chất lượng ngày càng tốt và giá rẻ, dễ dùng, linh hoạt hơn, sắc độ đa dạng hơn, nét vẽ có thể được tẩy xóa dễ dàng, và có thể dùng để vẽ thẳng lên giấy không cần bồi. Vì thế bút chì dần dần thay thế silverpoint. Tới t.k. XVIII hầu như không còn ai dùng silverpoint để vẽ nữa. Ngày nay một số hoạ sĩ chủ trương khôi phục lại kỹ thuật này trong các hoạ viện vì nó đòi hỏi kỷ luật và kỹ năng cao, do đó rất có ích cho việc luyện kỹ thuật dessin.

21.04.2014

____________

Các bài trong series này:

Nền móng của tranh sơn dầu

Màu trắng của sơn dầu

Trao đổi về pha mầu vẽ

Bí mật của màu sắc

Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

Chất kết dính và dung môi của sơn dầu

Một giáo trình dạy nhiều cái sai

Hội họa sơn dầu: thịnh và suy

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp

Các công thức bí mật

Bút vẽ sơn dầu

Màu sơn dầu

Silverpoint

Đóng gói tranh sơn dầu