Posts Tagged ‘hội hoạ’

Đỏ thần sa

05/01/2016

Nguyễn Đình Đăng

Trong buổi giao lưu ngày 9.11.2006 tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại, được tổ chức nhân triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản” (7 – 14.11.2006, nhà triển lãm 16 Ngô Quyền), một nhà phê bình tên tuổi, khi so sánh màu đỏ sơn dầu với đỏ son của sơn mài, có ý chê sơn dầu mà nói rằng: “Màu đỏ son của sơn mài nó sâu xa lắm, bí hiểm lắm.

Thực ra màu đỏ son (son trai, son tươi, son thắm, son nhì) của sơn mài cũng được chế từ bột màu (pigment) thần sa (辰砂, cinnabar hay sulfide thủy ngân HgS), còn được gọi là vermilion (pigment red 106 hay PR106). Đó chính là pigment làm nên màu đỏ đẹp nhất trong lịch sử hội họa, được dùng rộng rãi trong nhiều chất liệu như màu gốc nước vẽ bích hoạ, tempera, sơn dầu, chứ không chỉ riêng trong lacquer của Trung Hoa, Nhật Bản hay sơn mài của Việt Nam.

3707_1654253001500260_8660449781211990357_n

Các giọt thủy ngân đọng trên đá thần sa

“Cinnabar” (thần sa) trong tiếng Ba Tư có nghĩa là “máu rồng”. Đá thần sa được cho là có thần lực vì được sinh ra từ núi lửa. Nhiệt năng tạo nên đá thần sa sinh ra từ trong lòng đất. Màu đỏ của thần sa vừa thắm như máu, tượng trưng cho sự sống, vừa chói lọi như lửa, tượng trưng cho hủy diệt. Vì thế đỏ thần sa là sự hòa hợp của cả sinh lẫn hủy, cả dương lẫn âm. Nó được gán cho ma lực tạo ra những vận may và xua tan mọi rủi ro.

Người ta tìm thấy bằng chứng vermilion được dùng lần đầu tiên vào khoảng năm 7000 – 8000 tr CN ở Çatalhöyük thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Tại Tây Ban Nha đá thần sa được khai thác từ khoảng năm 5300 tr CN. Như vậy vermilion đã được dùng tại châu Âu rất lâu trước khi xuất hiện trong các đồ sành sứ của nền văn hóa Ngưỡng Thiều (仰韶文化) ở Trung Hoa cổ đại (kh. 4000 tr CN), và dĩ nhiên trước khi lacquer được phát triển vào thời nhà Thương (1600 – 1046 tr CN). Người Tàu đi đầu trong việc chế ra vermilion tổng hợp (công thức có từ t.k. VIII ở Trung Quốc, tuy có tài liệu cho rằng người Tàu tổng hợp được vermilion từ t.k. IV tr CN). Tại Nhật Bản đá thần sa được khai thác, sản xuất và dùng vào thời đại Jomon, khoảng 4000 – 300 tr CN.

945488_1654266878165539_7909964181720458401_n

Đĩa gỗ sơn vermilion lacquer 5500 tuổi được tìm thấy tại Aomori, Nhật Bản (sau khi đã được phục chế)

Vermilion trong sơn dầu cũng chính là đỏ thần sa trong sơn mài, vì đều từ sulflide thủy ngân mà ra cả. Tính chất của vermilion đã được nhiều học giả phương Tây nghiên cứu [1]. Trong chương IX cuốn VII của “Mười cuốn sách về kiến trúc” [2] viết từ t.k. I tr CN, Vitruvius đã cảnh báo rằng vermilion có thể đổi màu khi bị phơi ngoài trời. Ông khuyên, nếu không tránh được việc phải dùng vermilion vẽ bích họa trên tường ngoài trời, cần láng bức tranh bằng sáp Pontic trộn với dầu, sau đó hơ nóng cho sáp dàn đều và nhẵn, để khô, rồi dùng sáp nến đánh bóng.

Vì thế, không nên vì quá đề cao chất liệu “quốc hồn quốc túy” sơn mài mà đặc cách cho nó những phẩm chất thực ra không phải của riêng nó, mà là từ cùng một pigment được dùng trong nhiều chất liệu khác, kể cả sơn dầu.

Việc tạo ra hòa sắc kỳ ảo không chỉ đơn thuần được quyết định bởi tính năng của chất liệu mà còn bằng hiểu biết, trình độ kỹ thuật và tài nghệ của hoạ sĩ. Những màu đỏ và màu da thịt rực rỡ và huyền bí trong các bức hoạ của Masaccio, Raphael, Titian, Rembrandt, Vermeer, v.v. đều được tạo nên nhờ vermilion từ sulfide thủy ngân, mà không màu đỏ nào khác có thể thay thế được.

12487217_1654234791502081_4698128735022526737_o

Titian
Tình yêu linh thiêng và trần tục (kh. 1514)
sơn dầu trên canvas, 118 x 279 cm.
Xét nghiệm trên mẫu từ chân trái của Venus cho thấy màu da được vẽ bằng cinnabar trộn trắng chì theo tỉ lệ cinnabar : trắng chì = 1 : 13 [3].

2.1.2016

_________

[1] Xem tóm tắt trong Nguyễn Đình Đăng, Vẽ láng.

[2] Vitruvius, The ten books on architecture (c. 15 BC) (trans. by M.H. Morgan, Cambridge, Harvard University Press, 1914).

[3] R. Klockenkamper, A. von Bohlen and L. Moens, Analysis of Pigments and Inks on Oil Paintings and Historical Manuscripts Using Total Reflection X-Ray Fluorescence Spectrometry, X Ray Spectrometry 29 (2000) 119 – 129.