Posts Tagged ‘Jean-Auguste Dominique Ingres’

Cuộc đụng độ giữa hai người khổng lồ

30/09/2016

Nguyễn Đình Đăng

14195968_1752271155031777_1229178875255028078_o

Trái: Jean-Auguste-Dominique Ingres, Tự hoạ, 1858. Phải: Eugène Delacroix, Tự hoạ, kh. 1837

Đối đầu giữa hai đại danh hoạ Pháp t.k. XIX, Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780 – 1867) và Eugène Delacroix (1798 – 1863), được coi như hiện thân cho mâu thuẫn giữa trào lưu Tân Cổ điển, mà Ingres là đại diện, và trào lưu Lãng mạn, mà Delacroix là một trong những người tiên phong. Cuộc đối đầu này tiếp nối cuộc tranh cãi giữa phe Poussin đề cao dessin và phe Rubens đề cao màu sắc do Philippe de Champaigne khởi xướng tại hoạ viện Paris từ năm 1671.

Tôn thờ nghệ thuật Hy Lạp cổ đại và Raphael, Ingres đề cao đường nét và hình khối. Có biệt tài vẽ dessin cực kỳ chính xác, ông xem nhẹ hòa sắc và chuyển động. Ingres dạy học trò: “Dessin không chỉ gồm các đường nét, nó còn là sự biểu hiện, là hình thức bên trong, là lớp, là tạo hình. Hãy xem những gì còn lại sau dessin nhé! Dessin bao gồm bảy phần tám những gì tạo nên bức tranh. Nếu phải trương một tấm biển trên cửa nhà tôi, tôi sẽ viết: Trường dạy vẽ dessin, và tôi chắc chắn sẽ đào tạo ra các hoạ sĩ.” Ngược lại, Delacroix hy sinh sự chặt chẽ và tao nhã của dessin để thả sức cho hòa sắc rực rỡ và chuyển động đầy bi kịch. Ông coi phẩm chất đầu tiên của một bức hoạ đó là nó phải như “một bữa tiệc của trí tuệ”.

Mâu thuẫn giữa Ingres và Delacroix được cho là đã bùng phát tại Salon 1827, nơi Ingres trình làng bức “Phong thánh Homère”, còn Delacroix cho ra mắt bức “Cái chết của Sardanapale”. Hai bức tranh trái ngược hẳn nhau về phong cách, quan niệm. Bức “Phong thánh Homère” là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của Ingres về niềm tin vào thang các giá trị cổ điển.

14138695_1752478505011042_3398561146230134615_o

Ingres
Phong thánh Homère, 1827

Trong khi đó, bức tranh của Delacroix đã gây “sốc” mạnh và hứng một trận bão chỉ trích. Báo Le Quotidien năm đó viết: “Các quy tắc hội hoạ đã bị vi phạm.” Hoạ sĩ và nhà phê bình Étienne-Jean Délecluze (1781 – 1863), nguyên học trò cưng của Jacques-Louis David, viết trong Le Journal des Débats: “Đó là một nhầm lẫn của hội hoạ.” Người ta còn mượn tên bức tranh của Ingres để gọi bức tranh của Delacroix là “sự phong thánh cho cái ác”. Triển lãm kết thúc, Delacroix đã giấu biệt bức tranh suốt 20 năm trước khi bán cho một nhà sưu tập Mỹ. Ba thập niên sau, năm 1861, thi hào cách tân Charles Baudelaire mới tái phát hiện bức tranh của Delacroix tại một cuộc triển lãm. Baudelaire đánh giá bức Sardanapale “tuyệt vời như một giấc mơ”. Vỗ tay theo ông, công chúng cũng đã nhìn nhận lại bức hoạ của Delacroix.

14124251_1752912878300938_3738114697066289552_o

Delacroix
Cái chết của Sardanapale, 1827

Tờ Journal pour rire (Báo cười) số ra ngày 28.07.1849 có đăng bức biếm hoạ của Bertall, (bút danh của hoạ sĩ biếm Charles Albert d’Arnoux) vẽ Ingres và Delacroix như hai hiệp sĩ đang giao chiến. Ingres cầm cây bút kẹp than làm giáo, đeo khiên có dòng chữ: “La couleur est une utopie. Vive la ligne!” (Màu là điều không tưởng. Đường nét muôn năm!) Còn cây giáo của Delacroix là chiếc bút lông, trên cán treo một thùng sơn với dòng chữ: “La ligne n’est qu’une couleur.” (Đường nét cũng chỉ là một màu mà thôi.). Trên tấm vải phủ ngựa của Delacroix có dòng chữ “La nuit seulement, tous les chats sont gris.” (Chỉ trong đêm tối tất cả các con mèo mới xám.)

Bãi chiến trường của họ trong bức biếm hoạ là sân trước toà nhà nhang nhác giống Institut de France – tổ chức gồm 5 viện hàn lâm, trong đó có viện hàn lâm hội hoạ. Bertall như muốn nói kháy cố gắng của Delacroix trở thành viện sĩ viện Hàn lâm Hội hoạ. Ingres đã 8 lần bỏ phiếu chống. Riêng trong năm 1849 Delacroix bị rớt 2 lần. Đồng thời hoạ sĩ biếm này cũng chửi xéo viện Hàn lâm Hội hoạ khi ghi tên toà nhà là “Institut – Hôtel des Invalides de l’Art” (Viện những người tàn tật của Nghệ thuật) [1].

14207777_1752453585013534_2851466829047084796_o

Bertall
Cộng hòa nghệ thuật (1849). Biếm hoạ Ingres và Delacroix giao chiến trước Institut de France.

Ingres căm ghét Delacroix đến mức người ta đồn có lần, tình cờ gặp Delacroix trong một gian phòng tại Louvre nơi Ingres đang vẽ bích hoạ, sau khi Delacroix đi khỏi, Ingres đã yêu cầu người gác mở toang các cửa sổ gian phòng để thông gió cho bay hết uế khí (của Delacroix).

Tờ New York Times ngày 17.06.1883 có thuật lại giai thoại về cuộc đụng độ giữa Ingres và Delacroix tại một dạ tiệc do một chủ nhà băng tổ chức. Tiệc đến giữa chừng, Ingres tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi biết Delacroix cũng có mặt trong số khách mời. Ingres, ánh sáng của chính thống, lại phải ngồi chung bàn tiệc với Delacroix, người ông coi như kẻ tà giáo! Ông cố trấn tĩnh nhưng cuối cùng đã không chịu được. Ăn xong, tay cầm một ly cà phê đầy, ông tiến tới nói với Delacroix, lúc đó đang đứng cạnh lò sưởi:

– Dessin, thưa ngài, là sự trung thực! Dessin, thưa ngài, là danh dự!

Trong lúc kích động, tay ông run lên khiến chiếc ly lật nghiêng, đổ đầy cà-phê vào áo sơ-mi trắng và áo gilet của ông.

– Thật quá đáng! Ta về đây. Ta không cho phép bị sỉ nhục hơn nữa.

Khách khứa cố trấn an Ingres nhưng vô ích. Ra tới cửa, ông quay lại và nói:

– Đúng, thưa ngài, đó là danh dự! Đúng, thưa ngài, đó là sự trung thực!

Delacroix vẫn im lặng. Narcisse Virgilio Díaz (1807 – 1876), hoạ sĩ trường phái Barbizon, tức giận nện cái chân gỗ của mình xuống sàn, nói với nữ gia chủ:

– Thưa bà, đừng để ý tới lão già nhà quê đó. Nếu không vì kính trọng bà, tôi đã đâm xuyên thấu lão ta bằng cái chân gỗ này. (Diaz bị tai nạn, cụt một chân từ nhỏ)

Sau khi Ingres bỏ về, Delacroix mới phân tích cho khách khứa các phẩm chất làm nên danh hoạ Ingres kiệt xuất, và kết luận:

– Tài năng đôi khi là thứ độc nhất vô nhị. Tính nhỏ nhen thường là điều kiện cần cho sự hiện hữu của tài năng.

Tuy nhiên, cũng chính Delacroix đã chấm dứt cuộc tranh cãi này khi ông tuyên bố:

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong một bức tranh là đường viền (contour). Ngay cả nếu mọi thứ khác có bị bỏ qua đi chăng nữa, miễn là có đường viền, bức tranh vẫn sẽ khỏe và được hoàn thành. Tôi luôn phải chú ý điều này nhất: hãy suy nghĩ thường trực về điều này và luôn bắt đầu bằng đường viền.”

Có thể hiểu rõ hơn vì sao Ingres căm ghét Delacroix qua so sánh vài bức tranh cùng đề tài của hai danh hoạ này dưới đây.

14196124_1752728064986086_616679195034301153_o

Ingres,
Roger cứu Angelica, 1819

 

14138002_1752731984985694_6158403949886011500_o

Delacroix
Thánh George đánh rồng, 1847

 

14231861_1752735154985377_6255368001869122514_o

Ingres
Odalisque lớn, 1814

 

14142054_1752729638319262_3576803081286935219_n

Delacroix
Odalisque nằm trên divan, 1827 – 1828

 

14124888_1752874091638150_841009974808479267_o

Ingres
Chân dung ông Bertin, 1832

 

14195905_1752875361638023_917371388169484772_o

Delacroix
Chân dung Frédéric Chopin, 1838

Delacroix đã là nguồn cảm hứng cho các hoạ sĩ Ấn tượng Pháp. Còn Ingres cho tới ngày hôm nay vẫn vô địch về dessin. Cả Salvador Dalí và Pablo Picasso đều tôn thờ và ngấm ngầm thi đua với Ingres về tài vẽ dessin nhưng chưa bao giờ đạt được phẩm chất như của ông.

14138690_1753145988277627_4254877785390027836_o

Ingres,
Chân dung Niccolò Paganini
1819, ký hoạ chì

14238354_1753149278277298_4007515249991852582_n

Delacroix
Thủ lĩnh Arab nằm trên thảm
1832, ký hoạ chì điểm màu nước

Sự ra đời của hội hoạ Ấn tượng Pháp cuối t.k. XIX đánh dấu sự thắng thế của phe màu sắc. Song Charles Blanc đã đúng khi cảnh báo từ 1881: “Sự kết giao giữa dessin và màu là cần thiết để sinh ra hội hoạ, tương tự như sự kết giao giữa đàn ông và đàn bà sinh ra nhân loại; nhưng dessin cần giữ ưu thế so với màu. Nếu không hội hoạ sẽ sụp đổ; nó sẽ sa ngã vì màu như nhân loại từng sa ngã vì bà Eva” [2]. Trào lưu Ấn tượng đã mở đầu mạt kỳ của hội hoạ. Việc bỏ bê hình hoạ hàn lâm và không học kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp đã khiến các hoạ sĩ dần dần đánh mất hẳn kỹ năng nghề nghiệp. Từ chỗ là một trong những tháp ngà của hội hoạ thế giới, sang thế kỷ XXI, trường mỹ thuật Paris đã không coi hội hoạ là môn học bắt buộc trong chương trình cho sinh viên mỹ thuật nữa. Bản thân từ “mỹ thuật” (E: fine arts, F: beaux arts) cũng dần dần biến mất, được thay thế bằng từ “nghệ thuật” (E, F: arts), còn hoạ sĩ (E: painter, F: peintre) nay được gọi là nghệ sĩ (E: artist, F: artiste).

2.09.2016

____________

[1] “Hôtel des Invalides” được xây từ năm 1670, tại quận 7 thành phố Paris làm nhà dưỡng lão và bệnh viện quân đội. Hiện nay tòa nhà là bảo tàng lịch sử quân sự, bảo tàng lịch sử đương đại, và nơi bảo quản hài cốt của các anh hùng quốc gia như Napoléon Bonaparte.
Từ “de l’art” (của nghệ thuật) trong tên “Hôtel des invalides de l’art” ghi trên tòa nhà trong bức biếm hoạ là một lối chơi chữ xỏ xiên mượn từ thành ngữ “C’est du lard ou du cochon” (Đó là mỡ hay lợn) khi không rõ một điều là đúng hay sai. Người xem có thể ngầm hiểu đây là nhà cho “những người tàn tật của nghệ thuật” hay cho “những con lợn tàn phế”.
[2] Charles Blanc, Quy tắc của các nghệ thuật hình họa (Grammaire des arts du dessin) (1867). Xem trích dịch của Nguyễn Đình Đăng trong Charles Blanc, Dessin và màu.