Posts Tagged ‘Nghệ thuật dessin’

Sách mới: Nghệ Thuật Dessin

12/12/2022

Tác giả: Nguyễn Đình Đăng

Do Dân Trí & Đông A xuất bản tại t/p HCM năm 2022,

Sách được thiết kế khổ 30 x 24.2 cm, 760 trang, in 1200 bản đánh số từ NDD 0001 đến NDD 1200 dành cho người sưu tầm và chơi sách, bìa cứng bọc vải buckram, có bìa áo và hộp, trọng lượng 5.7 kg (cả hộp), giá bìa: 1,400,000 VNĐ.

Đặt mua tại

Trong nước:

https://sachdonga.vn/products/nghe-thuat-dessin
https://www.netabooks.vn/nghe-thuat-dessin-bia-cung

Nước ngoài:

https://tiemmot.com/

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này không phải là một trong nhiều giáo trình dạy vẽ dessin thực hành như đã từng được xuất bản từ trước tới nay. Theo hiểu biết của tôi, đây là lần đầu tiên các kiến thức về nghệ thuật và chất liệu vẽ dessin, kể từ t.k. XIII – XV, được tổng hợp và hệ thống hóa trong mối liên hệ mật thiết với lịch sử mỹ thuật, triết học và khoa học trong cùng một cuốn sách.

Nghệ thuật dessin là nền tảng của hội họa. Vì thế người chưa vững dessin chưa thỏa mãn điều kiện cần để có thể xứng đáng được gọi là Họa Sỹ. Chỉ từ khi trào lưu Hiện đại ra đời, việc dân chủ hóa nghệ thuật và “hóa giải” kỹ năng mới tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người yếu dessin, thậm chí không biết vẽ dessin, trở thành “họa sỹ”. Không ít người trong số họ tuyên xưng cái đẹp trong dessin của các thiên tài cổ điển là sáo mòn, phải đi tìm cái mới, cái độc đáo, cái riêng, v.v. Nếu bạn là một trong những người như vậy, thì đừng đọc cuốn sách này.

Cuốn sách này được viết trong mười tháng. Song, để đạt được kết quả đó, tôi đã trải qua sáu thập niên vẽ dessin, xem, đọc và suy ngẫm về những tinh túy các bậc thày cổ điển để lại cho chúng ta trong các kiệt tác cũng như các khảo luận và ghi chép của họ. Trong cuốn sách này, bằng khả năng, hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân mình, tôi cố gắng trình bày và diễn giải lại, dưới dạng cô đọng và trong sáng nhất, những gì cá nhân tôi đã lĩnh hội được về nghệ thuật dessin.

Một thế kỷ trước, trong một bức thư từ Hà Nội gửi sư phụ mình là Maurice Denis ở Paris, họa sỹ Alix Aymé đã viết về việc bà dạy vẽ cho các học trò An Nam mà bà nhận xét là “khá có năng khiếu” tuy “về màu thì thua xa học trò Trung Hoa, nhưng khá về dessin, bố cục, và sắp xếp”[1]. Tuy nhiên, thực tế của nền mỹ thuật Việt với tuổi đời gần một thế kỷ, kể từ khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập đến nay, đã cho thấy một sự thật ngược lại. Khoảng một thập niên trước, một nhà phê bình mỹ thuật có tiếng trong nước đã bộc bạch: “Tôi từng hỏi đại diện một trường mỹ thuật là có ai đủ trình độ vẽ một cái tay, cái chân cho chuẩn, các anh ấy bảo khó đấy!” Như vậy, dường như vấn đề chủ yếu nằm ở cách dạy dessin. Hậu quả là, sau 5 năm học ở trường, không ít bạn trẻ vốn khá có năng khiếu khi vào trường lại vẫn chưa vững về dessin khi tốt nghiệp.

Một số thày dạy vẽ cho rằng sinh viên lười, trong khi không ít sinh viên lại nói rằng, lúc mới vào trường ai cũng hào hứng, nhưng chỉ sau chưa đầy một năm mọi hào hứng với dessin nguội lạnh hết. Một họa sỹ trẻ, tốt nghiệp một đại học mỹ thuật danh tiếng trong nước, cho biết quan niệm “Vẽ giống là công việc của thợ vẽ truyền thần, của họa sỹ chợ đêm, là thứ sao chép khéo tay, còn bóp hình mới là bản lĩnh của họa sỹ” đã tồn tại trong tư duy không ít người, từ thày đến trò. “Thế nên ở trường một thời gian dài các sinh viên vẽ hình họa theo lối Egon Schiele luôn đạt điểm ưu, không ít được lưu lại bài,” họa sỹ này nói.

Vì sao lại có một hiện trạng như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất nằm trong những quan niệm nhầm lẫn về dessin của không ít người, từ các họa sỹ, thày dạy mỹ thuật, sinh viên mỹ thuật, tới những họa nhân nghiệp dư, những người sưu tập và yêu thích mỹ thuật. Nhầm lẫn này được bộc lộ ngay từ việc dùng từ “hình họa” để dịch thuật ngữ dessin. Hậu quả là nghệ thuật dessin đã bị giảm thiểu xuống chỉ còn là cách dựng hình. Thậm chí có thày dạy mỹ thuật còn khuyến cáo “nên bỏ hình họa vì chủ yếu sau này sáng tác tranh không cần đúng hình, quan trọng là sáng tạo.” Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ thấy những quan niệm như vậy phát sinh từ sự thiếu hiểu biết về lịch sử mỹ thuật, hội họa nói chung và dessin nói riêng.

Bên cạnh niềm sung sướng do việc truyền bá kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm đem lại, mong muốn của tôi là cuốn sách này có thể giúp độc giả có một thay đổi căn bản trong cách nhìn nhận, hiểu và tiếp cận dessin. Tuy không có ảo tưởng thuyết phục được tất cả mọi người, ít nhất tôi tin rằng những người có đủ đam mê và không để cảm xúc lấn át lý trí sẽ tìm thấy trong cuốn sách này nhiều điều bổ ích, như một thứ la bàn xác định phương hướng trong cuộc hành trình đi tới tuyệt đỉnh nghệ thuật dessin, để cuối cùng có thể dễ dàng thể hiện chân thực và chuẩn xác bằng tay trên giấy hoặc canvas tất cả những gì mình muốn.

Cuốn sách này có 6 chương:

Chương 1 trình bày các vấn đề lịch sử, triết học, nền tảng lý thuyết liên quan tới bản chất của nghệ thuật dessin, được các bậc thày Phục Hưng coi là cha đẻ của nghệ thuật hội họa, điêu khắc và kiến trúc.

Chương 2 mô tả chi tiết hầu hết các dụng cụ và chất liệu được dùng để vẽ dessin từ thời Phục Hưng đến nay.

Chương 3 tóm tắt lịch sử và nguyên lý các phương pháp dạy và học dessin, bắt đầu từ những cuốn sách mẫu thời Trung Cổ cho tới các phương pháp tạo dựng khối và cấu trúc giải phẫu ở t.k. XX.

Chương 4 tóm lược tiểu sử liên quan tới nghệ thuật dessin của một số danh họa tiêu biểu nhất trong nghệ thuật này từ t.k. XV tới t.k. XX.

Chương 5 sưu tập một số giai thoại liên quan tới dessin trong cuộc đời một số danh họa.

Chương 6 kể về những hồi ức trong nghiệp vẽ dessin của bản thân tôi từ khoảng 3 – 4 tuổi tới nay.
lời nói đầu

Các chương này được viết để độc giả có thể đọc chúng một cách độc lập, không nhất thiết phải theo trình tự từ chương 1 đến chương 6.

Sưu tập một số dessins chọn lọc của tôi được giới thiệu sau Lời kết.

Ngoài ra, một số dessins khác của tôi và các bức copies tôi vẽ theo dessin của các bậc thày cổ điển cũng được trích dẫn rải rác trong toàn bộ cuốn sách cùng nhiều kiệt tác dessin của họ và các minh họa khác. Cuối sách là một sưu tập lời các danh họa, văn hào và phê bình gia nhận định về dessin và danh mục tài liệu tham khảo. Danh mục này bao gồm hơn 300 tài liệu, từ những tác phẩm cổ xưa, như Nhà nước của Plato và Thi luận của Aristotle (t.k. IV TCN), Lịch sử tự nhiên của Pliny the Elder (t.k. I), Cẩm nang nghệ thuật của Cennino Cennini (t.k. XV), Cuộc đời của các họa sỹ, điêu khắc gia và kiến trúc sư trứ danh của Giorgio Vasari (t.k. XVI), tới những nguyên tác về nghệ thuật dessin ở t.k. XVII – XIX cũng như các nghiên cứu và bình luận ở t.k. XIX – XXI. Một số trích đoạn trong các tài liệu này lần đầu tiên được tôi dịch ra tiếng Việt và được giới thiệu kèm nguyên gốc tiếng Anh, Pháp, Ý hoặc Nga để độc giả có thể đối chiếu. Cuối cùng là phần Chỉ mục, với hơn 1000 thuật ngữ và danh từ riêng, để tiện tra cứu.

Tôi muốn cảm ơn vợ tôi, Thùy Mai, người chẳng những đã gây cảm hứng và làm mẫu trong nhiều tranh và dessin của tôi trong suốt 36 năm, vót tất cả bút chì cho tôi vẽ nhiều dessins trong cuốn sách này, mà còn đọc đi đọc lại bản thảo cuốn sách để soát lỗi và có những nhận xét quý giá.

Tôi cũng cảm ơn giáo sư Akitsu Ikeda vì những thảo luận bổ ích về văn hóa và nghệ thuật Nhật Bản, trực tiếp liên quan tới một số nội dung trong cuốn sách.

Tôi đánh giá cao tầm nhìn của ông Trần Đại Thắng, người đã nhanh chóng nhận ra giá trị của cuốn sách này và ngay lập tức quyết định xuất bản cuốn sách dưới hình thức ấn bản giới hạn của Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A.

Bất kể được biên soạn công phu và cẩn thận đến mấy, một cuốn sách như thế này chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Tôi hy vọng nhận được nhiều phản hồi từ các độc giả để, nếu có tái bản, cuốn sách sẽ được bổ sung, chỉnh lý cho hoàn thiện hơn.

Wako – Saitama, 2021 – 2022
NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

[1] “J’ai un cours dans une école professionnelle. C’est très intéressant. Ce sont des élèves annamites qui sont assez bien doués, beaucoup moins que les Chinois au point de vue couleur mais assez au point de vue dessin, composition, arrangements.” P. Lacombe et G. Ferrer, Alix Aymé: Une artiste peintre en Indochine/A French painter in Indochina: 1920 – 1945 (Somogy Éditions d’Art, Paris, 2012) p 14.