Giai thoại về tài chơi piano của Franz Liszt

(Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Franz Liszt, 22/11/1811)

Chân dung Franz Liszt. Ký họa của hoạ sĩ Pháp Jean Auguste Dominique Ingres (1780 – 1867)

1) Khi Liszt lên 11 tuổi, có lần Liszt chơi fugue Đô thứ của Bach cho Beethoven nghe. Beethoven hỏi liệu cậu bé có chơi được bản nhạc đó, nhưng ở gamme khác không. Liszt trả lời là được và chơi đổi gamme luôn. Nhiều năm sau, mắt rưng rưng lệ, Liszt đã kể lại câu chuyện này cho các học trò của mình.

2) Khi Liszt lên 14 tuổi, có lần người ta nhờ ông đệm cho một nghệ sĩ thổi flute, nhưng flute của ông này bi chênh lên nửa cung so với piano. Liszt đã đọc toàn bộ bản nhạc tại chỗ và dịch lên một nửa cung trong khi đệm cho ông ta.

3) Trong khi nghe Liszt thị tấu etudes của Chopin từ bản thảo viết tay của Chopin, chính Chopin đã viết: “Tôi ước gì mình có thể thuổng được cách Liszt chơi các etudes của tôi.”

4) Edvard Grieg kể lại Liszt đã thị tấu Sonata cho violin và piano của Grieg như thế nào. “Các vị phải nhớ rằng, trước hết, Liszt chưa từng được nhìn thấy hay được nghe bản sonata này. Sau đó, đây là một bản sonata cho violin và piano, với hai phần viết riêng cho violin và piano. Liszt đã làm gì? Ông ta đã chơi tất, cả gốc lẫn ngọn, violin và piano. Còn hơn thế, ông chơi đầy đủ hơn, rộng rãi hơn, toàn bộ bằng piano, không mất một note. Và ông ta chơi mới kinh chứ, với sự hùng vĩ, vẻ đẹp, thiên tài, sự hiểu biết sâu sắc có một không hai. Tôi nhớ là tôi đã bò ra cười, cười như một thằng ngốc.”

5) Nghệ sĩ violin người Hungary Joseph Joachim[1] không bao giờ quên lần Liszt đệm cho ông chơi chương kết của concerto cho violin của Mendelssohn: Liszt thị tấu trong khi bàn tay phải vẫn kẹp một điếu xì-gà bằng ngón tay trỏ và ngón tay giữa. Linda Raman có lần nói với Liszt rằng L. Boehner, tuy hai ngón tay bị què, vẫn chơi fugues trên đàn orgue. Liszt nghĩ một lát rồi ngồi vào piano chơi một fugue khó của Bach mà chỉ dùng mỗi bàn tay 3 ngón tay.

6) Có lần, trước khi trình diễn một sáng tác rất khó của mình, Liszt nói với thính giả: “Trên thế giới chỉ có hai người có thể chơi bản nhạc này. Đó là Hans von Bülow và tôi.” Georges Bizet, khi đó cũng ngồi nghe, bèn đứng lên, tiến tới piano, ngồi xuống và thị tấu toàn bộ bản nhạc của Liszt. Liszt không hề ngạc nhiên, nói: “Như vậy chúng tôi có ba người.”

7) Nhà soạn nhạc người Mỹ Otis Boise mang tổng phổ giao hưởng của mình đến Weimar (Đức) cho Liszt xem. Boise kể lại: “Liszt liếc nhìn kết cấu các nhạc cụ, lật từng trang để nắm bắt các chủ đề và quá trình, sau đó chơi toàn bộ giao hưởng bằng piano với một cách trình bày kinh ngạc mà tôi chưa từng được nghe từ trước tới giờ, cũng không bao giờ được nghe sau này từ những nghệ sĩ khác. Những người từng thử sức trong việc này hiểu rằng mười ngón tay không thể nào diễn tả được tất cả các chi tiết, mà phải biết lựa ra những nét chính và giọng rõ ràng từ một đống các bè phức tạp. Liszt đạt được điều đó ngay lập tức. Mọi đặc tính về tài nghệ của tác giả, của đối âm, của nhạc cụ đều được ông để ý tới. Ngoài ra ông còn vừa chơi vừa nhận xét bằng lời.

Biếm hoạ Franz Liszt trình diễn piano đăng trên tạp chí hài hước Borsszem Jankó của Hungary ngày 6/4/1873

8 ) Khi về già, Liszt hầu như bị lòa, và ông bỏ hết các trò diễn thị tấu. Mẹ của thủ tướng Anh Winston Churchill kể lại có lần bà đã được ngồi cạnh Liszt tại một dạ tiệc và bà đã phải giúp Liszt định vị đồ ăn trên đĩa.

(Đăng tại website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngày 24/2011)

Chú giải:

[1] Joseph Joachim (1831 – 1907) được coi là một trong những nghệ sĩ violin quan trọng nhất thế kỷ 19.

Năm lên 8 tuổi ông được Felix Mendelssohn bảo trợ. Sau khi Mendelssohn qua đời vào năm 1847, Joachim dạy tại nhạc viện Leipzig. Năm 1848, nghệ sĩ 17 tuổi Joachim gia nhập nhóm các nghệ sĩ trẻ do Franz Liszt khởi xướng tại Weimar, công khai chống đối trường phái bảo thủ của giới âm nhạc Leipzig. Joachim làm concertmaster cho Liszt và lúc đầu rất say sưa với “âm nhạc tâm lý” của Liszt. Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau Joachim bỏ Weimar đi Hanover, xa lánh “Trường phái Đức mới” do Liszt, Wagner, Berlioz cầm đầu, và ngả về phe của Robert Schumann, Clara Schumman và Brahms. Năm 1857 Joachim (26 tuổi) đã viết một bức thư cho Liszt (46 tuổi), người đỡ đầu trước kia của mình, trong đó có câu:

Em hoàn toàn không đồng tình với âm nhạc của thầy; nó trái với tất cả những gì em đã nhận từ nhỏ như thức ăn tinh thần từ khí chất của các bậc thầy vĩ đại.”

Joseph Joachim là nghệ sĩ violin đầu tiên có thu âm (1903). Xin mời nghe Joseph Joachim chơi Vũ khúc Hungary No 1 của Brahms.