Phản hồi và tranh luận về Ivo Pogorelich và bê bối tại cuộc thi piano Chopin năm 1980

Sau khi các bài “Chơi tới trào nước mắt“, “Có thế nào chơi như thế“, “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt” được đăng, tại mục “Ý kiến bạn đọc” dưới bài “Chơi tới trào nước mắt” đăng tại vnmusic – trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – đã xuất hiện một số phản hồi (PH) của các độc giả Hoa Cải, Trang An (Ba Lan), LTrinh, yuan yuan, Trung Dung, Trần Ly Ly, Hoàng Ngọc Tuấn (Úc), và tranh luận (TL) giữa Đặng Hữu Phúc và N.Đ.Đ. Tôi đã đăng lại các PH và TL này ở cuối bài “Chơi tới trào nước mắt“, song để tiện theo dõi, tôi đăng lại dưới đây (theo thứ tự cũ trước mới sau) thành một bài riêng.

N.Đ.Đ

Ivo Pogorelich chơi Scherzo No 3 tại cuộc thi piano Chopin năm 1980

Ivo Pogorelich chơi Scherzo No 3 tại cuộc thi piano Chopin năm 1980
(Nhấn chuột vào hình để xem video)

Hoa Cải
Chơi tới mức trào… nước mắt ở lĩnh vực nhạc cổ điển không hiểu có ai nữa không??? Chứ còn ca sỹ của ta hát tới trào nước mất thì nhiều, nhiều đến phát sợ luôn…

Các cụ ta có câu “Trai khôn…Gái khôn lắm nước mắt”.

Và cái ông Ivo này có phải cứ lần nào chơi cũng trào như thế? Hay chỉ một lần duy nhất? Nếu trào cứ tái diễn thì sợ nhàm. Nếu sau lần trào ấy, ông biểu diễn không trào nữa thì có phải rằng cái lần “Chơi tới mức trào” ấy là hay nhất không?

Người đi nghe nhạc đang tập trung thưởng thức âm nhạc, mà thấy soliste chơi trào…nước mắt thì cũng ngài ngại thế nào, không hiểu có chuyện gì?

Trang An
Sau thời gian dài vắng bóng Ivo pogorelich đã trở lại Warsaw recital năm 2007. Nghệ sĩ tiếp tục biểu diễn ở đây vào tháng 8 và 9/2008 và năm 2009 cũng đến Warsaw trong tua biểu diễn nhiều nước. Ngày 27/10/2011 dự định có concert Ivo Pogorelich ở Zabrze ( Slaskie, Ba Lan). Chương trình gồm: Chopin Sonata No.2, Liszt Mephisto Walz, và 2 bài Chopin, Liszt khác. Vé đã được bán. Nhưng sau đó có thông báo hủy diễn với lý do có ít quan tâm của người hâm mộ (meloman- music lover), xin lỗi những người yêu mến tài năng Ivo Pogorelich và xin trả vé đã bán. ( Tin buồn cho những người hâm mộ Ivo ngoài Ba Lan !). Chưa rõ sau này Ivo Pogorelich có được chào đón nồng nhiệt ở Warsaw hay không. Nhất là thời nay nghệ sĩ piano tài năng đáng nể ngày càng nhiều. Vừa đoạt giải II và III Chopin 2010, Lukas Geniusas , Daniil Trifonov đã chơi rất xuất sắc các concerto Rachmaninov, Tchaicovski. Hôm trước recital 1 chương trình này, hôm sau đã recital chương trình khác, họ có thể chơi trọn bộ các Sonata của Chopin hoặc Skriabin… cùng lúc. Việc đánh lặp lại 1 vài tác phẩm như chương trình của Ivo thực ra đã có rất nhiều người làm được 1 cách xuất sắc. Cũng có thể có thêm lý do người yêu nhạc ở Ba Lan họ vẫn không chấp nhận kiểu chơi lạ của Ivo, không riêng tác phẩm của Chopin.

LTrinh
Tôi yêu DTSon.
Tôi yêu Pogorelich.
Yêu cả 2! Có phải là chọn vợ đâu mà không được quyền yêu nhiều người một lúc.

Tôi không nghĩ khi yêu người này thì phải chê bôi người kia, cũng như khen người này nghĩa là phản bội người kia.
Đáng ra tôi phải viết ý này ở bài dịch trước, nhưng đọc các phản hồi tự nhiên thấy ngay cả ở đây tôi cũng muốn nói rằng cả anh Sơn và Ivo đều đứng cao hơn thứ tình cảm ngưỡng mộ kiểu đó và họ xứng đáng được coi là duy nhất không cần phải so sánh với nhau hay với bất kì ai.

Cám ơn anh Đăng về bài dịch này.

yuan yuan
Đáng ra tôi phải viết ý này ở bài dịch trước, nhưng đọc các phản hồi tự nhiên thấy ngay cả ở đây tôi cũng muốn nói rằng cả anh Sơn và Ivo đều đứng cao hơn thứ tình cảm ngưỡng mộ kiểu đó và họ xứng đáng được coi là duy nhất không cần phải so sánh với nhau hay với bất kì ai.

“ anh Sơn và Ivo đều đứng cao hơn thứ tình cảm ngưỡng mộ kiểu đó” Bạn có là Anh Sơn hay Ivo không mà biết là họ đang đứng?. Sao bạn dám chắc rằng những phản hồi này là thứ tình cảm ngưỡng mộ? Nếu bạn phân biệt tình cảm ngưỡng mộ kiểu đó- thì những tình cảm ngưỡng mộ kiểu không đó là gì?

Họ xứng đáng được coi là duy nhất” tôi không hiểu bạn đang khen hay đang chửi nữa đây? Thế bạn có là duy nhất không? Làm sao bạn có thể rút ra kết luận họ là duy nhất nếu bạn chưa từng mang những người này so sánh với những người khác? Nếu bạn đã làm thế – tại sao bạn lại ngăn cấm người khác làm? Bạn đang đứng ở đâu để kết luận họ có xứng đáng hay không xứng đáng? Bạn đang muốn người khác không nên phân biệt giữa hai nhân tài này trong khi đó lại ra sức phân biệt họ với phần còn lại của thế giới. Rút cục thì những phát biểu của bạn không giúp bạn ra khỏi cái nhóm còn lại của thể giới đâu – cái nhóm mà bạn muốn họ cắm mặt cọ chuồng lợn để cho ai đó luôn luôn đứng cao hơn! Đọc xong phản hồi của bạn tôi chỉ ước ao trở thành lợn thôi- cho phù hợp với nơi mà bạn muốn phần còn lại của thế giới hướng tới. Cuộc đời và tiếng đàn của những con người này đâu có phải là để ngưỡng mộ. Họ giúp cho mọi người quên và vượt qua thân phận tôi đòi của mình, chịu đựng tốt hơn với nghịch cảnh, tìm cách sống sót thêm vài phút nữa trên cuộc đời mà ai cũng phân vân không hiểu nó có giành cho mình không? Chúc vui!

Nguyễn Đình Đăng
@LTrinh

Bạn có cách tiếp cận lành mạnh trong thưởng thức nghệ thuật. Nghệ thuật rất đa dạng và phong phú. Mỗi nghệ sĩ là một thế giới riêng.

Văn hào người Pháp Jean de La Bruyère (1645 – 1696) từng nói: “Sự khoái trá của chúng ta khi phê phán đã cướp đi khả năng khiến ta xúc động trước những gì đẹp đẽ.

Trung Dung
Hoàn toàn đồng ý với anh Đăng và LTrinh. Ngoài ra, theo tôi, bất cứ ai trong chúng ta, không nhất thiết phải là nghệ sĩ, cũng là thực thể duy nhất!

Nguyễn Đình Đăng
Tôi hiểu “duy nhất không cần phải so sánh với nhau hay với bất kì ai” của LTrinh là nói về phong cách và cá tính của nghệ sĩ trong biểu diễn hay sáng tác, chứ không phải về cá nhân con người (như đời tư, cách đi đứng, ăn ở, hay tính khí, đạo đức, v.v.). Đó là hai phạm trù không nên lẫn lộn (cho dù chúng có thể liên quan đến nhau).

Cá tính của nghệ sĩ trong biểu diễn hay/và sáng tác là phẩm chất khiến tranh của anh, lối chơi của anh không lẫn với tranh, lối chơi của người khác. Trong bài “Mỗi nghệ sĩ phải là một thế giới riêng” Arthur Rubinstein có nói: “Tôi cho rằng một nghệ sĩ, bất kể đó là hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trình diễn, nhà soạn nhạc, nhạc công, hay bất cứ người nào mang danh nghệ sĩ, phải là người có cá tính không bị trộn lẫn được, tức chỉ có một, mà không có người thứ hai. Anh ta là Joe Smith, và không có người nào như vậy.

Đối với tôi, nếu người ta nói với tôi: ‘Ông biết không, anh ta chơi như một Liszt thứ hai, một Paderewski thứ hai…’ ‘Một người thứ hai’ thì đã là hỏng rồi. Nếu anh ta là người thứ hai, anh ta không có giá trị gì hết, anh ta chỉ là kẻ bắt chước. Một nghệ sĩ, bằng bất cứ kiểu gì, phải là một thế giới riêng của chính anh ta.

Nguyễn Đình Đăng
Jan Popis – nhà phê bình âm nhạc Ba Lan, giám đốc nghệ thuật cuộc thi các nghệ sĩ piano trẻ mang tên Arthur Rubinstein, chuyên gia về piano, nhà báo chuyên mục âm nhạc của đài phát thanh Ba Lan, đã nhận định về buổi hòa nhạc của Ivo Pogoprelich ngày 15/8/2008 tại Wasaw (Pogorelich chơi Concerto No 2 của Rachmaninov cùng dàn nhạc Sinfonia Varsovia do nhạc trưởng Jacek Kaspszyk chỉ huy) như sau:

“Nhưng Pogorelich đã lại khiêu khích chúng ta một lần nữa. Ông cho chúng ta hiểu rằng ông không quan tâm đến bất kỳ thứ truyền thống nào. Liệu ông đang nhạo báng hay tìm con đường riêng của mình đây? Rachmaninov nhưng lại thiếu một tâm hồn lãng mạn ư? Mọi thứ đã bị lật ngược. Nhưng sau một trăm năm, liệu chúng ta có nên chơi nhạc y xì như như trước đây nữa không? Và đây là bản chất của Pogorelich. Ông vẫn chính là ông như khi ông chơi Chopin ở Warsaw vào năm 1980. Tôi đứng về phía ông bởi vì có lẽ đó là một điều tốt khi mà ngày nay, trong lúc đang có một xu hướng đè bẹp cá tính nghệ thuật, thì vẫn có những con người như Pogorelich – những người mang trong mình một niềm đam mê không ngừng nhằm khám phá các chân trời nghệ thuật mới.

Trên tất cả, ông là một nghệ sĩ phi thường trong danh sách ngắn ngủi của cá nhân tôi ghi tên các nghệ sĩ piano hàng đầu thế giới.”

[Nguồn: Jan Popis, “Thiên tài hay tên hề?” (Genius or Jest?), The Warsaw Voice, 3/9/2008]

Độc giả nào quan tâm, xin mời đọc tiếp 2 bài về Ivo Pogorelich tôi vừa dịch và đăng tại đường link dưới đây:

1) Có thế nào chơi như thế

2) Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt

Trang An
1 – Những nhà bình luận âm nhạc mà nhiều người trong số họ là nghệ sĩ, đã ngồi ghế giám khảo thường có cách nói rất khách quan. Nhận xét về cách chơi của 1 nghệ sĩ nào đó, họ nói thẳng, không vòng vo về chuyên môn ( đưa ra dẫn chứng về 1 tác phẩm cụ thể, chi tiết trong đó hoặc kỹ thuật xử lý của nghệ sĩ ) nhưng đồng thời rất tôn trọng cá tính, con người của nghệ sĩ biểu diễn. Công chúng gồm phần đông những người am hiểu âm nhạc( thực tế là số ít trong xã hội, những người yêu mến sân khấu âm nhạc ở Nhà Hát Lớn, Phòng Hòa Nhạc…) cũng không có”tâm lý đám đông” bởi họ có đôi tai của họ. Trong đời sống âm nhạc nói chung, người xem phần đông đến một buổi diễn nào đó để thưởng thức hơn là để thỏa mãn hiếu kỳ. Giới âm nhạc thính phòng thường có quan điểm cân bằng: mỗi nghệ sĩ mang trong mình những cái riêng, một số tài năng pianists có cách đánh cá tính, rất hay nhưng không ai bắt chước được. Họ là Krystian Zimerman, Ivo Pogorelich, Piotr Andersewski…Ngay cả những tài năng bậc thầy như Artur Rubinstein và Vladimir Horowitz cũng có cách chơi khác nhau. Chơi 1 số tác phẩm Chopin của Rubinstein gần với Chopin hơn là Horowitz. Các thế hệ pianists sau này chỉ có thể ảnh hưởng ít nhiều từ họ.Và ai mà biết được rằng: sẽ có bao nhiêu người chơi cá tính trong tương lai ; hay 100 năm, 200 năm sau liệu người ta có „chơi nhạc y xì như trước đây” không? Vấn đề ở chỗ thấy âm nhạc hay thì được vỗ tay, và hay thật sự chứ không phải người ta bảo là hay thì phải khen hay, và „bình loạn cao thấp” đúng không ạ?

2 – Về Ivo Pogorelich tôi thấy không cần thiết nói đến nhiều bởi phân tích là việc làm của các nhà chuyên môn. Các bài dịch của anh NĐĐ là tư liệu tốt, nếu quan tâm anh có thể xem thêm những bài viết khác về cả lời khen lẫn lời chê cách chơi của Nghệ sĩ này.

Nguyễn Đình Đăng
nếu quan tâm anh có thể xem thêm những bài viết khác về cả lời khen lẫn lời chê cách chơi của Nghệ sĩ này.” (sic)

Trả lời:
Tôi đã xem một số bài. Tôi không thể xem hết, lại càng không thể dịch hết, vì có quá nhiều bài viết (cả khen lẫn chê) về Ivo Pogorelich tràn ngập internet (Gõ “Ivo Pogorelich” để trong ngoặc kép, rồi search bằng Google, tôi được 542,000 kết quả. Làm như vậy với “Vladimir Horowitz”, tôi được 1,460,000 kết quả). Vì thế tôi chỉ dịch những bài nào mà quan điểm của cá nhân tôi cho là quan trọng.

Tôi thấy trong khi thế giới đã và đang, và chắc là sẽ còn nói rất nhiều về Ivo Pogorelich, ở Việt Nam có rất ít thông tin về ông và nghệ thuật piano của ông. Vì thế tôi chỉ làm một cố gắng rất nhỏ là bước đầu giới thiệu với độc giả vnmusic một số bài như vậy do tôi dịch ra. Tôi sẽ dịch tiếp nếu thấy bài hay và nếu thời gian cho phép. Tôi cũng rất muốn được thấy “việc làm của các nhà chuyên môn” trong nước qua các bài phân tích chuyên môn của họ về Ivo Pogorelich.

Dưới đây là một đoạn tôi trích dịch từ bài “Nghệ sĩ piano Nam Tư: người đã ‘giết Chopin‘” của Zdenko Antic, đăng ngày 11/11/1980, tức là ngay sau khi cuộc thi Chopin X kết thúc. Tôi tiếc là tôi – và có lẽ không chỉ riêng tôi – biết bài này quá muộn, sau 32 năm. Nhưng như ngạn ngữ Nga có câu “Thà muộn còn hơn không” (Лучше поздно чем никогда) (Các chỗ in đậm là của người dịch):

(Trích dịch):

Hội đồng giám khảo rõ ràng đã bị xúc phạm bởi phong cách bất kính của Pogorelic. Trong một lần ra sân khấu, anh mặc quần da và áo sơ-mi trắng. Anh chơi một sonata, đứng lên cho thính giả vỗ tay hoan hô, đi vào cánh gà, rồi lại quay ra sân khấu chơi tiếp 3 etudes bắt buộc, cứ như thể anh chơi một encore.

“Anh chơi dữ dội và say sưa, đánh các note thành cụm, phang mạnh các đoạn pianissimo (rất khẽ), và lướt nhẹ trên fortissimo (rất mạnh). Anh không để ý tới những gì viết trong tổng phổ và đã làm sai mọi thứ. Ngoại trừ một điều. Anh rõ ràng là một thiên tài.” (New York Times) Một nhạc sĩ theo dõi cuộc thi nói: “Anh ta có thể sánh với Horowitz. Anh chơi từng note một cách chính xác, đầy cảm xúc, đầy biểu cảm. Anh là toàn bộ dàn nhạc. Anh đã chơi vượt thời đại mình 200 năm.”

Trong khi đó, Ivo Pogorelic đã được biến thành một thần tượng, và khi anh bước ra chào khán giả, các TV camera đã bám theo anh từng bước. Đám đông hô vang “Ivo, Ivo!” trong khi anh ngẩng đầu lên, ném một cái nhìn lạnh lùng, khinh bỉ vào hội đồng giám khảo ngồi trên ban-công.

Trybuna Ludu – tờ nhật báo của Đảng Cộng sản Ba Lan – đã xúc động viết:
Ivo Pogorelich là một nghệ sĩ piano ở đẳng cấp như vậy và một nhân cách nghệ thuật tầm cỡ như vậy thì việc loại anh khỏi vòng chung kết phải được coi là một sai lầm“. (…)

Nhật báo Zycie Warszawy nhận xét rằng “Ivo là nghệ sĩ gây tranh cãi nhất trong toàn bộ các cuộc thi Chopin sau Đệ Nhị Thế Chiến. Cách trình bày của anh khác xa tất cả những gì mà chúng ta đã được học, từ truyền thống của chúng ta.” Điều này đã khiến hội đồng giám khảo băn khoăn bối rối và tranh cãi bùng lên. Eugene List, ủy viên giám khảo, nói: “Cậu ta rất tài năng, nhưng tôi đã cho cậu điểm rất thấp. Cậu ta không tôn trọng tổng phổ. Cậu ta đã dùng các thái cực tới mức biến dạng.” (…)

Tại cuộc họp báo sau cuộc thi ở Warsaw, Pogorelich đã bảo vệ cách diễn tấu của mình như sau:

“Đó không phải là ngẫu nhiên hay ngông cuồng, mà là kết quả của quan niệm riêng của tôi. Chopin đã sáng tác trong thế kỷ 19, và các buổi hòa nhạc của ông đã diễn ra trong các phòng khách nhỏ. Ngày nay chúng ta có các điều kiện khác. Tai chúng ta đã thay đổi duới tác động của các nhạc cụ điện tử; chúng ta chơi đàn trong các phòng hòa nhạc lớn, dùng các đàn piano hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi một cách diễn tấu mới mẻ và đánh giá lại âm nhạc mà Chopin đã sáng tác cho chúng ta.”

Căn cứ vào phản ứng của cả công chúng lẫn các nhà phê bình âm nhạc thì thông điệp của Pogorelich đã được mọi người hiểu và ủng hộ nhiệt liệt ở Warsaw. Tại lễ trao giải thưởng, Pogorelich đã được chào đón và hoan hô rất dài, và đã được tặng giải đặc biệt của các nhà phê bình vì là “nhân cách nghệ thuật độc đáo nhất và một tài năng ngoại hạng.”

Một ngày sau khi cuộc thi kết thúc, Pogorelich biểu diễn độc tấu tại phòng hòa nhạc Warsaw Philharmonic và anh đã nhận được một tặng phẩm của Liên đoàn Sinh viên Ba Lan với dòng chữ “Tặng Ivo Pogorelich – người chiến thắng của chúng tôi.”

(Hết trích dịch)

Đặng Hữu Phúc
Với âm nhạc của các thiên tài như Bach, Mozart, Beethoven, Chopin, Tchaikovsky, Debussy, Ravel… Các nhà biểu diễn sẽ có thể biểu diễn thay đổi theo ý mình những cái gì đây nhỉ?

Nốt nhạc thì chắc chắn không thể thay đổi cao độ rồi, thêm bớt nốt nhạc cũng vậy, nếu phạm vào những điều này thì là điều ngớ ngẩn rồi, nó sẽ thành những bản nhạc khác.

Vậy bản nhạc chủ yếu là nốt nhạc thì đã là bất biến rồi.

Vậy có thể theo ý mình cái gì nhỉ? Tất cả chỉ là vẹn vẹn một số điều sau: Có thể chơi nhanh hơn hoặc chậm hơn một chút, co dãn rubato một chút, có thể chơi nhỏ thành to, to thành nhỏ, có thể làm nổi rõ một vài bè phụ. Vậy thôi, hoàn toàn là chỉ vậy thôi, đâu có gì đáng kể so với tổng thể đâu!!!

Phải là chính các ông thiên tài như Bach, Mozart… mới thật sự hiểu được tác phẩm của họ. Họ đã có cái nhìn thấu suốt, bao quát, cái nhìn tổng thể mà ta không theo họ thì có thể làm hỏng bản nhạc, làm nó trở thành “lắt nhắt” bởi những “sáng tạo” tuỳ tiện theo tầm nhìn của ta..

Tôi còn nhớ một câu chuyện trong Tây du ký với nhiều biểu tượng như sau:

Tề thiên đại thánh rất hung hăng, rất tự tin vào tài năng đi mây về gió “Cân đẩu vân” của mình và coi thường Đức Phật.

Đức Phật thách đố Đại thánh dùng phép Cân đẩu vân bay ra khỏi lòng bàn tay của Ngài. Đại thánh cười khẩy cho là quá dễ và bắt đầu bay vút vào bầu trời… tới một nơi Đại thánh cho là cùng trời rồi, nhìn thấy một cái cột lớn, Đại thánh đắc chí đái vào đấy một bãi để đánh dấu. Rồi lại bay sang hướng ngược lại cho là cuối đất rồi, thấy một cái cột lớn, lại đái một bãi khác vào chân cột…

Yên chí lớn về tài năng của mình, Đại thánh bay trở về ra mắt Đức Phật và dương dương tự đắc lắm. Đức Phật hỏi “Mi đã bay tới tận đâu?” Đại Thánh nói đến tận cùng trời cuối đất rồi, nếu Phật không tin thì đã có 2 bãi nước đái đánh dấu để làm tin.

Đức Phật mỉm cười nói : “Mi ngửi hai ngón tay của ta xem có đúng là nước đái của mi không?”

Đại Thánh lúc này mới tỉnh ngộ, mới biết rằng : cái biết của mình còn nhỏ lắm

Beethoven nói “Bach là biển cả” (chơi chữ Bach trong tiếng Đức là Dòng suối). Đừng bao giờ nghĩ mình sẽ lớn hơn Biển cả, cố tình thêm hay bớt gì vào Biển cả, nếu ta cố tình “ sáng tạo” cũng đáng thương như Đại Thánh đánh dấu cột mà thôi!

Nguyễn Đình Đăng
Tôi thật sự ngạc nhiên khi được một nhạc sĩ chuyên nghiệp là anh Đặng Hữu Phúc, người nổi tiếng vì những sáng tác được nhắc tới không dưới một lần trên vnmusic, giáo huấn rằng

Vậy bản nhạc chủ yếu là nốt nhạc thì đã là bất biến rồi.

Thưa anh Phúc, vậy tất cả các chỉ dẫn trên và dưới note nhạc như adaggio, lento, moderato, allegretto, allegro, allegro ma non troppo, allegro con fuoco, presto, presto con fuoco, presto e non troppo legato, ritardando, ralentando, crescendo, decrescendo, diminuendo, staccato, legato, rubato, v.v. rồi p, f, mp, mf, sf, pp, ppp, pppp, ff, fff, ffff, các dấu đạp predal, thả pedal (chưa kể các kiểu đạp pedal một nửa), mắt ngỗng, v.v. là thứ yếu trong bản nhạc chăng?

Chính do xử lý những tempo và sắc thái này mà độ vang, âm sắc, kiến trúc v.v. của cùng một tác phẩm trở nên rất khác nhau ở các nghệ sĩ diễn tấu khác nhau. Chính do cách xử lý đầy cá tính – cái mà anh cho là “hoàn toàn vậy thôi, chỉ có vậy thôi” – đã làm nên một Vladimir Horowitz khác Arthur Rubinstein, một Ivo Pogorelich khác Vladimir Horowitz, cho dù cả ba đều chơi một Scherzo No 3 của Chopin, thậm chí còn phang sai vài note. Đó là toàn bộ bí mật của nghệ thuật biểu diễn – cái giúp phân biệt một nghệ sĩ piano “giỏi nhưng tầm thường” (trích lời Ivo Pogorelich) với một nghệ sĩ piano kiệt xuất, và một thiên tài piano.

Nếu bản nhạc chủ yếu chỉ là note nhạc thì computer, robot là thứ chơi các note nhạc đó chính xác nhất, đảm bảo 100% không sai một note, vì ta program cho nó thế nào nó sẽ nhái lại y như thế.

Bach, Mozart, Beethoven, Chopin, và các nhà soạn nhạc tài danh khác có thể hiểu được tình cảm, hoàn cảnh, sự thúc đẩy của chính họ khi họ sáng tạo nên các tác phẩm của họ. Nhưng có rất nhiều bí ẩn trong quá trình sáng tạo, của trực giác, mà chính người sáng tạo cũng không thể cắt nghĩa nổi. Họ không giải thích được tại sao họ lại làm thế này mà không làm thế kia. Khi có người đề nghị Picasso cắt nghĩa một bức tranh của ông, Picasso đã trả lời: “Làm sao tôi có thể cắt nghĩa cho bạn được khi chính tôi cũng không hiểu nó.”

Nghệ sĩ piano Murray Perahia có lần nói đại ý, theo ông, một nhạc phẩm vĩ đại cho phép người ta tìm thấy trong nó rất nhiều cách thể hiện khác nhau, như một mỏ vàng mà không bao giờ người ta khai thác hết được.

Hội hoạ cũng tương tự như vậy: Một kiệt tác hội hoạ gây ra những cảm xúc, tưởng tượng phong phú, rất khác nhau ở những người xem khác nhau (Khi đứng trước bức tranh “Đi tuần đêm” của Rembrandt trong Rijkmuseum ở Amsterdam, tôi thấy như lệ dâng lên trong mắt mình. Lần đầu tiên nghe “Toccata and Fugue” cung Ré thứ của Bach, tôi sởn gai ốc). Nếu một bức tranh vẽ một quả táo để rồi ai nhìn cũng chỉ thấy đó là một quả táo, không hơn không kém, thì đó là một bức tranh hạng xoàng, cho dù hoạ sĩ có thể vẽ quả táo giống y như thật.

Nghệ thuật, vì thế, khác với bàn tay của Đức Phật trong truyện Tôn Ngộ Không, anh Phúc ạ: Nghệ thuật không có biên giới.

Chính Đạo
Tạo Xì căng đan, nổi tiếng nhờ Xì căng đan, bằng những câu nói gây sốc… đó là chất nuôi dưỡng của các “ngôi sao”.

Và với Ivo Pogorelich “Sự nghiệp quốc tế của ông đã khởi đầu từ một vụ xì-căng-đan tại cuộc thi Chopin ở Warsaw vào năm 1980” “Tôi đã nhận được quá nhiều từ vụ này. Về sự nghiệp, tôi đã đạt được nhiều thứ từ cuộc thi đó, hơn bất kỳ người thắng cuộc nào từng đạt được.” (Tất cả chữ in đậm đều trích từ bản dịch của Nguyễn Đình Đăng)

Nhưng mà điểm xuất phát cuôc đời là từ cái Xì căng đan và nhất là cứ khai thác nó mãi thì tôi thấy cũng không ổn lắm!

Vậy thì anh ta phải biết cảm ơn cái Xì căng đan này chứ, nhưng ngược lại, anh ta vẫn còn cay cú, cay cú đến chết:

Cách đây 2 năm, ông đã đòi ban lãnh đạo cuộc thi Chopin phải công bố biên bản các cuộc họp của hội đồng giám khảo năm 1980. Đó là cái gì vậy, một sự báo thù muộn màng chăng? Họ mời tôi làm giám khảo. Và tôi yêu cầu họ công bố điểm số của cuộc thi năm 1980.

28 năm mà không thể vượt qua nổi sự báo thù và cay cú này sao? Cứ bị nó ám ảnh, cứ mang mãi cái trọng lượng của khối u này thì làm sao mà thanh thản, soải cánh bay cao vào bầu trời được!

Có lẽ đúng như anh ta nói và đang làm “Tôi là một nhà vô địch về quảng cáo“ Mà quảng cáo thì là bán hàng rồi!

Dám ví mình như Mozart, Lizt, Beethoven thật ngạo mạn, ngang ngược và hài hước, hay cũng là một kiểu quảng cáo đây? Hãy là chính anh thôi

Tôi bắt đầu sự nghiệp ở lứa tuổi lớn hơn Mozart một chút. tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt và đời thứ 7 tính từ Beethoven

Tự khoe mình dòng dõi, chính là mầm mống của tư tưởng phân biệt chủng tộc

Mẹ tôi là người Serbia, có nguồn gốc từ các triều đại của Đế chế Ottoman, và cha tôi sinh ra tại một đất nước từng bị thống trị bởi các đế quốc Hy Lạp, La Mã, và sau đó là đế quốc Áo – Hung, rồi những người Ý. Tôi đã may mắn được nghe các ngôn ngữ khác nhau khi tôi còn là một đứa trẻ. Điều này đã mang thêm một sự phong phú về văn hóa vào những gì tôi làm.”

Dám phê phán, nói xấu cả Chopin thì đây là một lỗi lầm không thể tha thứ, chứng tỏ một sự nông cạn:

Chopin sang Anh, gặp Nữ hoàng Victoria, và sau đó nói rằng bà đã nở một nụ cười bề trên. Tôi muốn ói khi đọc câu này.”

Chopin đã làm những lựa chọn sai lầm trong cuộc đời. Nếu Chopin là một con người tốt hơn, ông đã có thể để lại cho đời nhiều di sản quý giá hơn.

Ta đều biết rằng Tác giả và Tác phẩm không phải luôn luôn là một. Có rất nhiều người tốt như ông thánh, nhưng chả bao giờ viết được cái gì, hoặc viết ra những thứ rất tầm thường. Còn những thiên tài như Picasso thì đầy những xấu xa, chính cháu nội của ông, bà Marina Picsso đã viết về ông trong quyển “Picasso ông nội tôi” đã miêu tả ông như một con quỷ, xấu xa, vô nhân tính với chính gia đình mình. Bà viết : “Những kiệt tác của ông dù có tuyệt vời đến mấy, liệu có đáng được đánh đổi bằng sự hy sinh nhiều mạng sống con người hay không? Ông là một đấng thiên tài quen dùng máu để ký tên dưới mỗi bức hoạ của mình, máu của cha tôi, của anh trai tôi, của mẹ tôi, của bà tôi, của tôi và của tất cả những người trót yêu phải một Picasso…”(NXB Văn Nghệ TPHCM 4/2002)

Tuy vậy không ai lại đi so cái đấy với tranh của ông. Cũng như nhà thơ Paul Verlain và Rimbaud của Pháp thì có nhân cách xấu xa kinh khủng. Nhưng thơ của các ông thì lại tuyệt đỉnh của thơ Pháp…vv và vv.

Phật nói “Người nói xấu người trí huệ (như Ivo nói xấu Chopin) giống như người khạc nhổ lên trời, Nước bọt, đờm dãi sẽ lại rơi lại vào chính bản thân người đó”(42 kinh cú pháp)

Tôi đã nghe nhiều CD và DVD của anh chơi nhiều bản nhạc. Anh ta rất giỏi, rất nhiều bản anh chơi hay, độc đáo. Nhưng cũng có những bản anh chơi cũng rất bình thường.

Còn những ý định “sáng tạo” của anh khi chơi các tác phẩm của các bậc thiên tài thì theo tôi cũng chẳng khác gì Tề Thiên Đại Thánh cậy có 72 phép thần thông, muốn ghi dấu ấn cá nhân mình bằng cách đánh dấu 2 cột trong phản hồi trên!

Ta đừng hoảng sợ khi thấy những bài báo của Tây hay thấy những nhãn mác như Carnegie Hall, như Deutsche Grammophon, như Boston, DNGH London, DNGH Chicago, Vienna Philharmonic và Berlin Philharmonic. Đó là những nhãn mác hàng đầu thế giới, không ai dại gì mà động vào chỉ chứng tỏ sự ngu dốt.

Tuy vậy nếu tin tuyệt đối vào bất cứ cái gì cũng đều là sai lầm nghiêm trọng.

Ta đều biết nước Đức, nước Ý và nước Nhật. là những cường quốc toàn diện về cả kinh tế văn hoá, là những cái nôi văn minh của loài người. Nhưng cũng chính họ đã đi gây chiến tranh thế giới thứ 2, chính họ đã đi giết người, hãm hiếp người khắp nơi để định biến loài người thành nô lệ cho họ, làm bá chủ thế giới, để đến nỗi tan tành cả dân tộc như nước Nhật vĩ đại… thế có phải là ngây thơ và ngu xuẩn không? Đừng tin tuyệt đối vào bất cứ cái gì!

Chính Tâm
Đọc phản hồi của ĐHP tôi thấy: Nên nhớ chữ “chủ yếu là nốt nhạc” chứ không phải tất cả là nốt nhạc. Và ĐHP cũng chẳng định phủ nhận sắc thái, mà muốn nhấn mạnh rằng người biểu diễn chỉ thay đổi được phần nào ở sắc thái và tempo theo ý riêng của mình mà thôi

Hãy tưởng tượng một bản nhạc chỉ gồm toàn những chỉ dẫn mà không có nốt nhạc thì là cái gì nhỉ? chả có cái gì cả. Nhưng nếu chỉ có nốt nhạc thì dù là máy chơi cũng là có bản nhạc rồi, tuy là khô cứng máy móc. Để thấy rằng “bản nhạc chủ yếu là nốt nhạc” là đúng.

Những bản nhạc của Bach gần như không có chỉ dẫn nào về sắc thái, về sau này các nhà biên tập mới thêm vào, khi ông viết chỉ có trần trụi nốt nhạc thôi, cũng là đủ rồi. Và chả ai chê là dở cả

Nguyễn Đình Đăng
Thưa Anh Đặng Hữu Phúc (Chính Đạo và Chính Tâm),

1 – “Vậy thì anh ta phải biết cảm ơn cái Xì căng đan này chứ, nhưng ngược lại, anh ta vẫn còn cay cú, cay cú đến chết:” (sic)

Theo tôi, Ivo Pogorelich đã cảm ơn xì-căng-đan này rồi bằng câu mà Anh vừa trích dẫn ở đầu PH đứng tên CĐ.

Còn việc đòi hỏi Ban Tổ chức cuộc thi Chopin phải công bố biên bản cho điểm năm 1980, theo tôi, đó là một yêu cầu chính đáng, một đòi hỏi công bằng. Hơn nữa, trước khi quyết định mình có chấp nhận lời mời tham gia hội đồng giám khảo – hội đồng cách đây 32 năm đã loại mình ra (tuy các thành viên và hệ thống cho điểm bây giờ đã khác xưa), Pogorelich hoàn toàn có quyền được yêu cầu làm sáng tỏ những chi tiết liên quan tới cá nhân mình trong quá khứ.

Pogorelich và công chúng có quyền được biết thực chất sự việc anh bị loại đã diễn ra như thế nào, nhất là ngày nay, khi cuộc thi năm 2010 đã công bố rõ ràng điểm số của các thí sinh lên internet, kể cả số điểm từng giám khảo đã chấm cho từng thí sinhKhi đó, ta sẽ biết có đúng là đại diện của Liên Xô đã cho Pogorelich 0 điểm, và có thực là đã có sự dàn xếp trước, như anh ta nói không. Nếu đúng, tức là, ít nhất, giám khảo Liên Xô đã vi phạm nội quy, vì thấp nhất phải là điểm 1 chứ không phải 0 (Xem chú giải [2] trong bài “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt“).

2 – Tuy vậy nếu tin tuyệt đối vào bất cứ cái gì cũng đều là sai lầm nghiêm trọng. (sic) Đừng tin tuyệt đối vào bất cứ cái gì! (sic)

Tôi hoàn toàn đồng ý với Anh.

Tôi nghĩ, một người có khả năng tư duy độc lập bao giờ cũng hoài nghi mọi vấn đề mà anh ta đụng phải, và chỉ có thể tin khi có được chứng minh rõ ràng. Tất nhiên, có rất nhiều điều không thể được chứng minh chính xác như toán học. Khi đó, ta cần có đủ bằng chứng, lý lẽ thuyết phục để có thể chấp nhận một điều là đúng … cho đến khi nào xuất hiện một sự thực khác bác bỏ điều xưa nay ta vẫn coi là đúng.

Nhờ hoài nghi của con người mà khoa học đã phát triển đến ngày nay. Nhờ hoài nghi mà người ta đã tìm ra nhiều bức tranh giả trước đây từng được gán cho các đại danh hoạ kể từ Leonardo tới Picasso v.v. Nhờ hoài nghi cái cũ mà người ta sáng tạo ra những cái mới trong âm nhạc, nghệ thuật.

Ngược lại, các niềm tin, sự tôn sùng, ngưỡng mộ mù quáng, cuồng tín giáo điều đã gây bao tai hoạ cho nhân loại, trong đó có cả những tai hoạ mà Anh vừa trích dẫn.

4 – Cá nhân tôi cho rằng ta không nên vừa dùng tên mình lại vừa dùng các nick name khác nhau để thảo luận trong cùng một bài, như thể có 3 người khác nhau. Như thế không hay lắm đối với độc giả. Còn nếu ĐHP, CT và CĐ đúng là 3 người khác nhau thì tôi thành thật xin cáo lỗi.

Một số diễn đàn, để đảm bảo công bằng, thường quy định mỗi IP address chỉ được sử dụng một tên cố định (tên thật hoặc nick). Tôi không ở trong vị trí có thể yêu cầu vnmusic nên hay không nên áp dụng quy định trên. Riêng bản thân tôi nghĩ mình nên tự giác làm điều đó thì tốt hơn.

Trân trọng.

Đặng Hữu Phúc
Nghe nhạc sống thì rất cần và rất hay, ai cũng thấy vậy, nhưng tôi lại rất thích thẩm thấu “nghe” tác phẩm của các thiên tài (ví dụ như Chopin) trực tiếp từ bản nhạc, tổng phổ.

Chỉ nhìn trực tiếp bản nhạc bằng mắt mình với sự phân tích, những nốt nhạc tự vang lên trong đầu, tôi sẽ cảm nhận trực tiếp những rung động từ trái tim của các ông mà không qua cách diễn giải của bất cứ một người biểu diễn nào,

Cũng như ta tự đọc Truyện Kiều mà không qua người trung gian ngâm thơ, hay ta đọc kịch của William Shakespeare mà không qua diễn viên kịch làm trung gian. Nó có cái thú vị riêng, sâu sắc vô song.

Những tác phẩm của các thiên tài sâu sắc đến mức độ nó rất dễ bị diễn giải sai, diễn giải sai do yếu kém về tay đàn không nhiều bằng diễn giải sai của những người giỏi kỹ thuật đàn nhưng muốn lái Chopin theo ý riêng mình,thêm chân cho rắn, cái này là nguy hiểm.

Số người biểu diễn có thể chuyển tải những thông điệp của các ông cho đúng không nhiều, và thế nào là đúng? vì vậy thẩm thấu trực tiếp không qua trung gian là điều lý tưởng nhất, nó sẽ là Chopin origin chứ không phải Chopin của Horowitz, của Richter, của Martha Argerich, hay của Rubinstein…hay Chopin qua lăng kính của bất kỳ pianiste nào. Tất nhiên trước hết phải nghe tất cả họ chơi đã, nhưng cuối cùng thì hãy quên họ đi và tự mình khám phá Chopin của Chopin bằng cách “nghe” bằng mắt từ tổng phổ!

Tuy nhiên để có thể thẩm thấu trực tiếp, thì cần phải có nghiệp vụ, có khả năng về âm nhạc cổ điển thâm niên, và phải nghe, tự chơi tác phẩm nhiều đến mức thuộc lòng và phải chủ động lao động trong sự thích thú khám phá tìm kiếm, chứ không phải bị động ngồi nghe ai đó biểu diễn. Những người có thể thẩm thấu trực tiếp như vậy không nhiều.

Đối với riêng tôi và chắc là cả rất nhiều nhạc sĩ nữa “nghe” nhạc bằng mắt, không qua trung gian sẽ học được rất nhiều.

Nguyễn Đình Đăng
1- Những bản nhạc của Bach gần như không có chỉ dẫn nào về sắc thái, về sau này các nhà biên tập mới thêm vào, khi ông viết chỉ có trần trụi nốt nhạc thôi, cũng là đủ rồi. Và chả ai chê là dở cả (sic).

Nhạc sĩ Giovanni Gabrieli (1554/1557 – 1612) là một trong các nhà soạn nhạc đầu tiên ghi các ký hiệu chỉ cường độ trong tổng phổ. Cho đến cuối t.k. 18 các nhà soạn nhạc ít khi viết các ký hiệu chỉ cường độ. Bach từng dùng vài từ như forte, piano, più piano, pianissimo, nhưng ông viết rõ thành lời. Còn các ký hiệu về tốc độ dĩ nhiên có trong các bản thảo của Bach, ví dụ như ở đây, hay ở đây (ở khổ trên khổ cuối cùng có từ “très vite” tức là “rất nhanh”, tiếng Pháp).

Một lý do nữa khiến các nhạc sĩ thời Phục Hưng và Baroque không viết các chuyển đổi cường độ như crescendo, hay decrescendo, v.v. là vì hạn chế của nhạc cụ thời đó. Đàn harpsichord chỉ chơi được forte và piano, chứ không chơi được chuyển dần dần từ forte sang piano hay ngược lại. Kiểu chuyển cường độ giật cục của đàn harpsichord có tên là terraced dynamics (cường độ bậc thang), mà khỏi nói, các nhà soạn nhạc chuyên nghiệp đều biết rõ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là âm nhạc Baroque không có những chuyển đổi cường độ linh hoạt. Bằng cách chuyển đổi mạnh nhẹ, người ta đã tạo ra được cảm giác về ánh sáng và bóng tối trong âm nhạc thời đó. Thêm vào đó, ở đàn harpsichord, hợp âm 4 notes kêu to hơn hợp âm 3 notes, v.v. Các nhà soạn nhạc vĩ đại như Bach đã vận dụng rất tài điều này trong tổng phổ (dùng các textures) khiến tác phẩm của họ có dynamics thay đổi linh hoạt không cần phải chú thích.

Ngoài ra, pedal chân của đàn piano chỉ xuất hiện vào cuối t.k. 18, thời Beethoven. Khi đó một note piano mới có 3 dây thay cho una corda (một dây). Khung gỗ được thay bằng khung gang, cho phép sức căng của dây lớn hơn, âm thanh to, vang hơn, v.v. Đàn piano được hoàn hảo dần lên. Các đàn grand piano Steinway, Fazioli, Bösendorfer, Yamaha ngày nay đã vượt rất xa các piano thời Chopin, Liszt. Đó cũng chính là lý do mà chàng thanh niên 22 tuổi Ivo Pogorelich đã nêu ra 32 năm trước để bảo vệ cho cách diễn tấu của mình:

“Chopin đã sáng tác trong thế kỷ 19, và các buổi hòa nhạc của ông đã diễn ra trong các phòng khách nhỏ. Ngày nay chúng ta có các điều kiện khác. Tai chúng ta đã thay đổi duới tác động của các nhạc cụ điện tử; chúng ta chơi đàn trong các phòng hòa nhạc lớn, dùng các đàn piano hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi một cách diễn tấu mới mẻ và đánh giá lại âm nhạc mà Chopin đã sáng tác cho chúng ta.”

2- Đối với riêng tôi và chắc là cả rất nhiều nhạc sĩ nữa “nghe” nhạc bằng mắt, không qua trung gian sẽ học được rất nhiều. (sic)

Đúng là những “lời vàng ý ngọc”!

Đến Chopin khi sáng tác cũng cần có đàn piano bên mình. Khi ở Majorca với George Sand, lúc đầu ông đã rất đau khổ vì không thể sáng tác được do không có đàn piano, cho đến khi một cây Pleyel được gửi từ Paris tới cho ông.

Nói chung, trước khi ngồi vào tập một tác phẩm, một nhà sư phạm piano nghiêm túc (ví dụ như Chopin) thường yêu cầu học trò đọc tổng phổ bằng mắt, dùng bút chì chỉ ra các cấu trúc v.v. Chỉ sau khi đã hiểu ý tưởng âm nhạc của tác phẩm thì mời được ngồi vào piano để tập. Khi đọc như vậy, bắt buộc nhạc công phải tự hình dung về bản nhạc theo tưởng tượng của mình. Tưởng tượng này hay hay dở phụ thuộc vào văn hoá, học vấn, tài năng, kỹ thuật của từng nhạc công. Đó là “nghe nhạc bằng mắt” như anh Phúc nói, mà chính xác hơn là bằng cái đầu và quả tim của mình.

Điều này tương tự như vẽ bằng đầu. Trước khi cầm bút vẽ lên vải hay lên giấy, hoạ sĩ vẽ trong đầu bằng tưởng tượng. Sau đó mới tìm mẫu để dựng bố cục. Tương tự như các nhạc công giỏi, nhìn bản nhạc là chơi được ngay, kể cả những đoạn chạy khó, các hoạ sĩ giỏi không có khăn gì về mặt kỹ thuật. Họ có thể điều khiển kỹ thuật dễ dàng để thể hiện được điều họ muốn.

Đặng Hữu Phúc
Xin anh Đăng đừng nhầm giữa sáng tác (viết) nhạc và đọc nhạc, hai điều khác hẳn nhau.

Sáng tác là từ không có nốt nhạc biến thành có nốt nhạc, có bản nhạc. Hầu hết (chứ không phải tất cả) các nhạc sỹ khi sáng tác đều cần phải có đàn, phổ biến nhất là piano. Bản thân tôi cũng vậy, không có đàn thì chịu bó tay.

Còn đọc nhạc thì là đã có nốt nhạc rồi, chỉ cần làm cho nó vang lên trong đầu thôi. Khá đơn giản

Tuy vậy, kể cả khi sáng tác thì Beethoven đã sáng tác những giao hưởng cuối đời (nhất là bản số 9 rất phức tạp, có cả hợp xướng) hoàn toàn bằng tưởng tượng vì ông đã điếc hoàn toàn.

Trong lịch sử âm nhạc nhiều người đã trở thành nhạc sỹ vĩ đại do phải đi chép nhạc thuê và học được từ đó (tôi nhớ không lầm thì có cả Shubert ??). Nghĩa là họ có khả năng nhìn tổng phổ, tưởng tượng ra âm thanh của cả dàn nhạc giao hưởng chơi, điều này cũng không phải là khó đối với người viết nhạc giao hưởng.

Theo truyền thống từ hàng trăm năm nay, người ta vẫn xuất bản các bản tổng phổ giao hưởng “bỏ túi” khổ nhỏ để dành cho các nhạc sỹ sáng tác học tập các tác phẩm kinh điển cho tiện lợi.

Các nhạc sỹ vẫn thường mang theo mình và giở ra đọc như đọc sách, và đọc đến những trang nhạc hay, tuy chỉ nhìn các ký hiệu thôi, vẫn thấy xúc cảm dào dạt, chứ không phải “bản nhạc chỉ là những ký hiệu chết” như Ivo Pogorelich nói là sai bét. Không hiểu sao anh ta lại nói như vậy??? anh ta cố tình hay do anh ta không hiểu biết??? Ai có thể giải thích được không???

Nguyễn Đình Đăng
Concerto No 3 giọng Ré thứ cho Piano của Rachmaninov (Rach 3) nổi tiếng là một trong những piano concertos khó nhất của toàn bộ repertoire piano cổ điển. Rachmaninov viết concerto này tháng 9 năm 1909 và trình diễn ra mắt tháng 11 năm 1909 nhưng bản thân ông không thỏa mãn với cách trình bày của chính ông (ít nhất như ông nghe thấy nó trong đầu, tuy ông cũng là một pianist cực tài). Các pianists đương thời đều sợ không dám chơi Rach 3.

Phải đợi tới năm 1930, nhờ có Vladimir Horowitz mà Rach 3 mới trở nên nổi tiếng từ đó. Sau khi nghe Horowitz chơi Rach 3 lần đầu tiên vào ngày 8/1/1928 [Horowitz (lúc đó mới 24 tuổi) chơi primo piano, Rachmaninov (54 tuổi) chơi secondo piano thay dàn nhạc. Hai người chơi cùng nhau tại tầng hầm của Steinway Hall ở New York], chính Rachmaninov đã nói đây là lần đầu tiên ông thực sự được “nghe thấy” concerto No 3 của mình. Ông còn nói đại ý ông đã há mồm kinh ngạc khi nghe Horowitz chơi. “Anh ta đã nuốt chửng nó, anh ta có đủ dũng khí, sự mãnh liệt, và sự táo bạo”, Rachmaninov đã nói như vậy về người bạn trẻ mới quen của mình. Còn Horowitz từng coi Rachmaninov là ông thánh âm nhạc trong thời niên thiếu. Horowitz coi cuộc gặp với Rachmaninov và cuộc hoà tấu Rach 3 cuả 2 người hôm đó là cuộc biểu diễn ra mắt của ông tại Mỹ, chứ không phải cuộc trình diễn của ông trước công chúng tại Carnegie Hall 4 ngày sau đó.

Như vậy “Rach 3″ xem như đã từng là “bản nhạc chết” trong gần 20 năm, trước khi nó được Horowitz thể hiện thành công.

Ivo Pogorelich nói “Bản nhạc chỉ là những ký hiệu chết. Nhiệm vụ của tôi là đưa vào một cái gì đó sống động” có lẽ cũng với hàm ý như vậy.

“Nghe” bản nhạc bằng mắt thì cũng tựa như nhìn cái bánh vẽ và tưởng tượng nhai nó sẽ ngon như thế nào. Nhưng tự chơi được nó trên piano hay được một người giỏi chơi cho nghe vẫn sướng hơn nhiều, vì lúc đó mới xem như được nhai bánh thật!

Đặng Hữu Phúc
Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều dùng ký hiệu để ghi, tất cả những người biết chữ đều có thể đọc những ký hiệu này trong im lặng. Âm nhạc cũng vậy.

Từ những ký hiệu đó (vài chữ cái, ở bản nhạc là các nốt nhạc) cả thế giới được miêu tả, không chỉ thế giới vật chất mà là cả thế giới tâm linh

Tất cả âm thanh, hình ảnh, màu sắc ,mùi vị, cảm giác và những rung động từ nhỏ nhất tinh tế nhất cho tới dữ dội mãnh liệt nhất đều có thể được ghi lại bằng vài ký hiệu chữ cái này và chỉ cần biết đọc là tất cả những điều muốn nói của nó sẽ tái hiện lại trong đầu người đọc.

Một vở kịch của Shakespeare hoàn toàn có thể được thưởng thức bằng đọc các ký hiệu chữ cái như vậy mà không cần bất cứ diễn viên nào. Ta không phủ nhận các diễn viên kịch, họ có thể mang lại sự sống động, nâng tầm của vở kịch, nhưng chỉ bằng cách đọc thôi, các ký hiệu chữ cái của Shakespeare cũng có giá trị mênh mông rồi không ai có văn hoá lại có thể phủ nhận 100% rằng đó chỉ là những ký hiệu chết!

Vì vậy nếu ai đó khẳng định chắc chắn 100% như Ivo “Vở kịch trên giấy của Shakespeare chỉ là những kí hiệu chết, Nhiệm vụ của diễn viên kịch là đưa vào một cái gì đó sống động” Thì chỉ đúng ở một phần rất, rất nhỏ còn nói về toàn cục thì là một sự áp đặt vô lý và ngớ ngẩn! Vì vậy ăn nói phải cẩn thận và đừng có khẳng định tuyệt đối một điều gì!

Trần Ly Ly
Những phản hồi của hai anh Đặng Hữu Phúc & Đình Đăng hay quá, chính những phản hồi của các anh làm cho chúng tôi những độc giả của VNMUSIC vỡ ra nhiều thứ, nhất là những phản hồi của anh Nguyễn Đình Đăng không những trí tuệ mà còn rất nhân văn. Cám ơn các anh nhiều

Nguyễn Đình Đăng
1) Thứ nhất âm nhạc không phải là ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là một tập hợp các ký hiệu (từ, câu văn, câu nói), tuân theo những quy tắc văn phạm, mà mỗi từ, mỗi câu chuyển tải một ý nghĩa xác định (cụ thể hoặc trừu tượng), ví dụ “apple” có nghĩa là “quả táo”, “cognition” có nghĩa là “nhận thức”.

Âm nhạc đúng là có chứa các yếu tố ngôn ngữ như ký hiệu và văn phạm, nhưng bản thân nó không phải là một hệ thống như ngôn ngữ. Chưa một lý thuyết nào, từ Plato tới các lý thuyết hiện đại về “âm nhạc như một ngôn ngữ” có thể chứng minh được rằng âm nhạc là một ngôn ngữ, ngay cả khi chỉ đem áp dụng cho một thời kỳ, hoặc phong cách âm nhạc riêng biệt, chứ chưa nói cho toàn bộ âm nhạc. Khẳng định rằng “âm nhạc là ngôn ngữ vạn năng” (universal language), biểu hiện được tất cả thì lại càng không đúng. Hơn nữa, việc âm nhạc chứa đựng các yếu tố ngôn ngữ nào trong nó còn phụ thuộc rất nhiều vào các liên tưởng văn hoá. Những liên tưởng này lại phụ thuộc rất nhiều vào từng xã hội và từng cá nhân.

Thứ hai, đọc được bản nhạc và hình dung được (“nghe được”) nó vang lên như thế nào là hai việc khác nhau. Tất cả những ai đã học xướng âm và nhạc lý đều có thế đọc được bản nhạc, nhưng, kể cả các nhạc sĩ chuyên nghiệp, ngoại trừ một hai thiên tài như Mozart hay Beethoven, không phải ai khi mở một tổng phổ giao hưởng 12 bè mà mình chưa từng được đọc và nghe trước đó, cũng có thế “nghe thấy” nó vang lên trong đầu một cách trọn vẹn như thế nào.

Chương trình âm nhạc “Untitled concert” (Buổi hòa nhạc không tên) của TV Asahi (Tokyo) thỉnh thoảng có tiết mục mời một số nhạc sĩ chuyên nghiệp (nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nhạc công có thâm niên, như các concert masters của các dàn nhạc lớn) lên sân khấu, cho họ nghe dàn nhạc sống chơi những đoạn ngắn trong một số bản giao hưởng có tiếng, rồi yêu cầu họ viết ra trong đoạn họ vừa nghe có các nhạc cụ nào chơi (cornets, trombones, flutes, oboes, v.v.). Kết quả là trong 5 vị thường chỉ có 1 – 2 vị nói đúng. Người thường nói chính xác nhất lại là concert master (violin 1) và chỉ huy dàn nhạc – tức là những người trình diễn, chứ không phải các nhà soạn nhạc (các nhà soạn nhạc có tài nghe bằng mắt hơn là bằng tai chăng?), đơn giản có lẽ là vì concert master hay/và nhạc trưởng đã từng chơi các tác phẩm đó rất nhiều lần rồi, nên … nghe một phát là nhớ ra liền.

Vì vậy đọc một tác phẩm âm nhạc và đọc một tác phẩm văn học là hai việc rất khác nhau.

Arthur Rubinstein từng nói (Xem “Mỗi nghệ sĩ phải là một thế giới riêng”):

Một bức tranh là một bức tranh, ta có thể nhìn thấy được. Một bức tượng cũng là một vật ta có thể nhìn thấy được. Một bài thơ cũng là thứ ta có thể thấy được trên giấy. Trong khi đó âm nhạc cũng là thứ ta có thể nhìn thấy nhưng không phải tất cả, vì ta còn cần phải có một phần khác để làm cho ta thấy, để trình bày diễn dịch âm nhạc, đó là những nhạc công. Tôi thuộc nhóm người đó – những người diễn dịch. Tôi gọi những người diễn dịch là những tài năng, còn các nhà soạn nhạc là những thiên tài.”

2 – Đã sinh ra làm con người thì ai cũng có khuyết điểm. Và khi đã có khuyết điểm thì bị phê phán là điều không đáng ngạc nhiên. Cũng như Đặng Hữu Phúc đã phê phán con người của Picasso chứ không phải hội họa của Picasso, Ivo Pogorelich phê phán con người của Chopin (nhu nhược và kiêu căng) chứ không phê phán âm nhạc của Chopin. Pogorelich thậm chí còn nói: “Chopin đã làm những lựa chọn sai lầm trong cuộc đời. Nếu Chopin là một con người tốt hơn, ông đã có thể để lại cho đời nhiều di sản quý giá hơn.” (Xem “Có thế nào chơi như thế”)

Đọc tiểu sử Chopin, ta còn thấy vì ông mà George Sand đã từ con gái bà, Solange, đuổi cô và chồng là nhà điêu khắc Auguste Clésinger (1814 – 1883) ra đường. George Sand từng than phiền rằng Chopin là người “hay dỗi, hay cáu, hơi một tí là sưng sỉa mặt mày.”

Một con người thì không phải là một ông thánh, cho dù đó là Chopin hay ai khác.

3 – Nhờ Ivo Pogorelich nói, tôi cũng như các độc giả khác mới được biết Ivo Pogorelich là đời thứ 5 tính từ Liszt và thứ 7 tính từ Beethoven theo sư phạm hệ (Xem “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt“). Cũng như nhờ Ivo nói về gia đình mà ta được biết truyền thống văn hoá của ông như thế nào. Tôi tiếp nhận chúng như những thông tin quá hay, làm phong phú cho hiểu biết của tôi về con người ông, chứ không thấy ở đó một sự khoe khoang hay PR, đặc biệt là đối với Ivo Pogorelich – người đã không còn cần tất cả những sự khoe khoang hay PR nữa.

Cũng vậy, khi tôi được đọc trên vnmusic những thông tin Đặng Hữu Phúc kể, tôi mới được biết ông đã gặp khó khăn thế nào khi say mê Stravinsky nhưng bị cản trở tại nhạc viện, rồi với các tác phẩm của Ravel v.v., chứ tôi không hề nghĩ ông viết như thế là để khoe khoang hay PR cho chính mình.

Vừa qua, khi dịch bài Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn của Eliah Ho (phần III), lần đầu tiên sau 32 năm, kể từ cuộc thi Chopin X (1980), tôi mới được biết rằng “trước cuộc thi Chopin tại Ba Lan năm 1980, đã có các buổi thi thử, và tôi (ĐTS) đã được xếp thứ nhất sau các vòng thi thử của Liên Xô.” Chẳng lẽ ông Đặng Thái Sơn bây giờ mới nói điều đó để PR cho mình?

4 – Để hiểu ý của một khẳng định ta không nên tách nó ra khỏi văn cảnh của nó. Ivo Pogorelich nói: “Bản nhạc chỉ là những ký hiệu chết. Nhiệm vụ của tôi là đưa vào một cái gì đó sống động” là để trả lời câu hỏi rất sâu sắc của Victor Licht: “Ông thấy đâu là mục tiêu lý tưởng của các nghệ sĩ biểu diễn – thể hiện mình thông qua âm nhạc của người khác hay là làm một phương tiện truyền tải những ý tưởng của nhà soạn nhạc?” (Xem “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt“) Như vậy Pogorelich đã trả lời mục đích lý tưởng của người biểu diễn là “đưa vào bản nhạc một cái gì sống động” vì nếu không có sự diễn dịch (diễn tấu) này, thì bản nhạc chỉ là một tập hợp các ký hiệu có thể bị bỏ xó 20 năm như piano concerto No. 3 của Rachmaninov cho đến khi Horowitz trình tấu ở mức mà chính Rachmaninov phải công nhận là được. Như vậy, ý của Pogorelich không khác mấy so với ý thượng dẫn của Rubinstein.

Và bất kể ý đó đúng hay sai, thì việc phát ngôn nó ra là quyền của Pogorelich. Ta có thể chấp nhận nó nếu ta thấy nó đúng hoặc bỏ ngoài tai nếu thấy nó sai.

Đặng Hữu Phúc
Anh Đăng thân mến

Thực ra tâm điểm của những bức xúc của tôi, nó làm tôi lao vào phản hồi tranh luận với anh chỉ là ở câu nói này của Ivo mà trong bài dịch của anh đã viết, xin được nói ra để anh rõ, đó là:

Nhiều tháng trước khi cuộc thi này diễn ra, chúng tôi đã biết rằng XXX.., đã quyết định trao giải nhất của cuộc thi cho một nghệ sĩ piano Việt Nam (Đặng Thái Sơn). Vì thế tôi không ngạc nhiên.”(Ivo)

Câu nói đó của Ivo đã phủ nhận hoàn toàn tài năng của Đặng Thái Sơn, phủ nhận giải nhất mà Đặng Thái Sơn đã xứng đáng giành được, cho rằng đó là một sự dàn xếp tỷ số. Nếu đúng thế thì thật xấu hổ.

Trong bài phỏng vấn Đặng Thái Sơn (cũng do anh Đăng dịch), Sơn đã nói rất rõ

“Trước cuộc thi Chopin tại Ba Lan năm 1980, đã có các buổi thi thử, và tôi đã được xếp thứ nhất sau các vòng thi thử của Liên Xô” (ĐTS)

Còn chính tôi đã được Đặng Thái Sơn kể cho nghe ngay sau khi đoạt giải hơn 1 tháng (19/10/1980) khi Sơn về VN và đến thăm tôi (trong ảnh chụp tôi và Sơn có đăng trên VNMUSIC còn ghi 6/12/1980) rằng không phải có 1 lần thi thử mà có tới hai lần và cả hai lần ĐTS đều xếp thứ nhất.

Vì sao có lần thi thử thứ hai? Sơn kể:

Vì khi đó Liên Xô muốn giành giải nhất để gây uy tín chính trị đã xuống rất thấp với Ba Lan, nhưng sau khi thi thử lần thứ nhất, họ biết rằng Nga sẽ thua, nên họ đã vận động tất cả những nghệ sĩ còn độ tuổi, kể cả những người đã đoạt giải QT hãy tham gia thi cuộc thi Chopin 1980 này để mang chiến thắng về cho LX.

Và họ tổ chức thi thử lần thứ 2, điều chưa từng có ở LX, nhưng Đặng Thái Sơn vẫn nhất!

Tuy có sự cố xảy ra khi Martha Argerich phản đối bỏ BGK, nhưng nên nhớ rằng: Bà ta đòi có hai giải nhất cho cả Ivo và ĐTS chứ bà ta không hề đánh giá thấp tài năng của ĐTS. Hãy xem trả lời của ĐTS để thấy rõ điều đó:

“Nhiều người lúc đó thực sự đã hiểu nhầm và tin rằng Martha Argerich đã bỏ ra về vì có sự cố giữa Pogorelich và tôi. Bà đã thực sự cư xử đẹp: sau khi quay về Geneva và được tin về kết quả của cuộc thi, bà đã gửi một công điện cho Hội đồng giám khảo ở Warsaw để chúc mừng tôi.” (ĐTS)

Trong cuộc thi Chopin 2010 mới đây bà Martha Argerich và Đặng Thái Sơn cùng là thành viên BGK và họ có nhiều ảnh họ chụp với nhau cười rất tươi.

Vậy thì Ivo có câu nói:

“Nhiều tháng trước khi cuộc thi này diễn ra, chúng tôi đã biết rằng XXX.. đã quyết định trao giải nhất của cuộc thi cho một nghệ sĩ piano Việt Nam (Đặng Thái Sơn). Vì thế tôi không ngạc nhiên.” (Ivo)

Đó là câu nói theo tôi là đổi trắng thay đen, mập mờ, tung hoả mù, đơn phương để hạ gục người khác trước dư luận rộng lớn, tuy người đó chẳng làm gì anh cả mà chỉ do lòng đố kỵ, cay cú trong tâm anh nó bục ra thôi.

Xin một lần nữa nhắc lại lời của Đức Phật:

“Người nói xấu người trí huệ (như Ivo nói xấu ĐTS) giống như người khạc nhổ lên trời, Nước bọt, đờm dãi sẽ lại rơi lại vào chính bản thân người đó” (42 kinh cú pháp).

Nguyễn Đình Đăng
Thưa anh Phúc,

Điều anh vừa nói vô hình chung đã khẳng định những gì Ivo Pogorelich nói là đúng.

Trong các bài trả lời phỏng vấn tôi không hề thấy Ivo Pogorelich có câu nào phủ nhận tài năng của Đặng Thái Sơn kể cả trong câu anh trích dẫn đã khiến anh bức xúc.

Ivo Pogorelich chỉ khẳng định rằng kết quả của cuộc thi này mang động cơ chính trị và đã được sắp đặt trước. Tôi đọc khẳng định này như một thông tin của một người trong cuộc. Thông tin này sai đúng thế nào cần phải được chứng minh bằng các nguồn độc lập. Một trong các nguồn đó là biên bản cho điểm của hội đồng giám khảo cuộc thi Chopin X (1980) mà, vào năm 2008, Pogorelich đã yêu cầu ban tổ chức cuộc thi Chopin công bố khi họ ngỏ lời mời ông làm giám khảo. Nếu không có gì khuất tất, tại sao đến giờ họ vẫn chưa công bố các điểm số này như họ đã làm với cuộc thi năm 2010 vừa qua?

Tuy nhiên có những sự kiện trùng hợp khiến tôi tin khẳng định của Ivo Pogorelich là có cơ sở.

Thứ nhất, đó là thông tin do chính ông Đặng Thái Sơn lần đầu tiên (theo hiểu biết của tôi) đã nói ra khi trả lời phỏng vấn của Elijah Ho, rằng “Trước cuộc thi Chopin tại Ba Lan năm 1980, đã có các buổi thi thử, và tôi đã được xếp thứ nhất sau các vòng thi thử của Liên Xô”. Anh Phúc có thể hiểu tôi đã bị “sốc” thế nào khi đọc thông tin đó. Nó khác hẳn tinh thần được mô tả trong cuốn sách “Đặng Thái Sơn – người được Chopin chọn” do bà Ikuma Yoshiko viết, trong đó có đoạn:

[Năm 1980, ở Nhạc viện Matxcơva, có tổ chức kỳ thi thử dành cho những ai có ý định tham gia cuộc thi piano Chopin (…) Các du học sinh nước ngoài được miễn thi thử ở Matxcơva, nhưng Sơn cũng tham gia luôn để thử sức. Những vị giáo sư hay những nghệ sĩ piano có tiếng tăm từ khắp mọi vùng miền (ngoại trừ Matxcơva) được mời tới làm ban giám khảo. Kỳ thi thử này cũng chọn các tác phẩm chủ đề giống với cuộc thi ở Vácxava.

“Được biểu diễn trước những vị giáo sư lừng danh là cơ hội mình không thể bỏ lỡ được. Mình muốn biết khả năng thể hiện nhạc Chopin của mình được đánh giá như thế nào”.

Kết quả là Đặng Thái Sơn vượt qua mọi vòng thi thử và được phép tham gia cuộc thi piano Chopin, đúng theo nguyện vọng.]

Khi đọc đoạn này, tôi hiểu ông Sơn khi đó chỉ tò mò muốn tham gia để “biết khả năng thể hiện nhạc Chopin” của ông “được đánh giá như thế nào”, và vui vì mình may mắn lọt qua vòng thi thử cùng với những người khác, để được sang Warsaw thi. Tinh thần này hoàn toàn khác với việc ông Sơn được xếp thứ nhất sau khi thi thử tại Liên Xô, bởi như vậy có nghĩa là Moscow đã đặt niềm tin vào ông, và ông đã biết trước ông được cử đi thi để đem về giải nhất. Nếu sự việc là như vậy, thì chắc chắn ông Sơn đã chịu áp lực về tâm lý ít nhiều, nếu không nói là rất nhiều, chứ không phải là “tôi không hề cảm thấy áp lực nào vì chẳng có ai biết tôi cả. Tôi không có gì để mất. Anh hãy tưởng tượng anh cảm thấy thế nào khi trình diễn lần đầu tiên. Có một cái gì đó rất tươi mới, tinh khiết, thậm chí trinh nguyên” như ông nói trong bài “Không cần mạ vàng cho hoa huệ“. Nó cũng không hợp về mặt logic với điều ông Sơn trả lời phỏng vấn của Elijah Ho, mà tôi thực lòng rất muốn tin: “Lần đầu tiên đến Warsaw tham dự cuộc thi Chopin năm 1980, thực sự là tôi thậm chí đã không có tham vọng giành bất kỳ giải thưởng lớn nào, chứ chưa nói giải nhất. Khi đó tôi còn rất trẻ và tôi yêu Chopin, vậy thôi. Tôi muốn được đến Ba Lan tham dự sự kiện này, đơn giản là để bày tỏ lòng tôn kính với Chopin.”

Bây giờ, Anh lại cho biết, theo lời của chính Đặng Tháì Sơn, thì:

Vì khi đó Liên Xô muốn giành giải nhất để gây uy tín chính trị đã xuống rất thấp với Ba Lan, nhưng sau khi thi thử lần thứ nhất, họ biết rằng Nga sẽ thua, nên họ đã vận động tất cả những nghệ sĩ còn độ tuổi, kể cả những người đã đoạt giải QT hãy tham gia thi cuộc thi Chopin 1980 này để mang chiến thắng về cho LX.”

Đọc tiết lộ này, tôi lại bị “sốc” tiếp cú nữa.

Như vậy rõ ràng Liên Xô đã rắp tâm biến cuộc thi Chopin – một cuộc thi nghệ thuật trình diễn piano danh giá vào bậc nhất thế giới – thành một võ đài chính trị “ai thắng ai” cuả chiến tranh lạnh [1]! Cho dù quả tim của tôi có từ chối chấp nhận điều này, khối óc của tôi vẫn phát tín hiệu cay đắng để tôi hiểu đây là một kiểm chứng độc lập cho thấy khẳng định của Ivo Pogorelich là đúng.

Trong 3 người đi thi, Đặng Thái Sơn (Việt Nam), Tatiana Shebanova (Nga), và Ivo Pogorelich (Nam Tư) thì 2 người là “phe ta” (Việt Nam và Nga), còn Ivo Pogorelich thuộc phe tư bản, bởi Nam Tư, tuy mang danh Cộng hoà XHCN Liên bang Nam Tư, song chưa bao giờ được Liên Xô tin cậy. Thêm vào đó, Ivo Pogorelich tuy tài năng xuất chúng nhưng là “con chiên ghẻ” của Nhạc viện do cá tính rất mạnh của ông. Vậy ông đã được sắp xếp là sẽ bị loại. Tại sao người ta vẫn phải cho ông đi thi, có lẽ vì ông quá tài, thậm chí là thiên tài, đúng như Martha Argerich sau đó đã tuyên bố, chưa kể những đấu đá phe cánh có thể có trong nhạc viện.

Đó cũng là lý do tại sao đã xảy ra chia rẽ trong hội đồng giám khảo năm đó, khiến cuộc thi phải ngừng lại 48 tiếng đồng hồ, có nguy cơ bị phá sản, cho đến khi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan (tương đương Tổng thống Ba Lan ngày nay) phải trực tiếp đứng ra can thiệp để thuyết phục các giám khảo ở lại.

Điều đó cũng giải thích những giọt nước mắt của Ivo Pogorelich sau khi chơi xong Sonata No 2 của Chopin. Ông đã chơi say sưa, chơi hết mình, với tất cả tài năng và quan niệm của ông, ngay cả trong khi ông đã biết chắc rằng mình sẽ bị loại. Ông biết là sẽ thua nhưng sẵn sàng thua một cách vẻ vang, trên sàn diễn, như một samurai Nhật Bản. Viết tới đây, đột nhiên tôi thấy Ivo Pogorelich đã trở thành người anh hùng của tôi.

Thưa anh Phúc,

Không ai có thể phủ nhận tài năng của Đặng Thái Sơn cũng như của Ivo Pogorelich. Kể cả sau khi người ta đã cố tình loại Ivo Pogorelich ra khỏi cuộc thi, thế giới đã đền bù xứng đáng cho ông cũng như đã công nhận tài nghệ của Đặng Thái Sơn. Việc đòi hỏi làm rõ những gì thực sự đã xảy ra trong quá khứ không phải là nhằm mục đích đảo ngược những gì không thể đảo ngược, hay làm tổn thương bất kỳ ai trong họ, mà là để thấy công lý đã được thực thi hay bị chà đạp như thế nào, và ai là người chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu làm sáng tỏ được việc này, cuộc thi Chopin sẽ xoá được một vết nhơ trong lịch sử của nó, còn chúng ta sẽ không ngượng với thế hệ con cháu chúng ta sau này.

Chính trị đã từng biến các nhân tài thành nạn nhân. Cuộc thi Chopin lần thứ X, có thể cũng đã bị chính trị làm hoen ố [2]. Tuy vậy, không vì thế mà nó cản được nhân loại tôn vinh những tài năng đích thực của nó, không vì thế mà nó giảm bớt khoái cảm của chúng ta khi thưởng thức tiếng đàn của cả Ivo Pogorelich lẫn Đặng Thái Sơn. Những hệ thống gây ra bao bất công cho các nhân tài đã không hề mong muốn rằng những bất công này đôi khi lại khiến chúng ta quý trọng các nhân tài mà người ta định vùi dập hơn.

Trân trọng,

—————————————–

Chú giải:

[1] Trong năm 1980, thế vận hội Olympic mùa hè tại Moscow đã bị Mỹ và nhiều nước phương Tây tẩy chay vì Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Tại Ba Lan Công đoàn Đoàn kết do Lech Wałęsa lãnh đạo sôi sục biểu tình đấu tranh đòi quyền cho người lao động và thay đổi thể chế, như một dự báo sự tan rã của phe XHCN 9 năm sau đó. (Lech Wałęsa sau này đã trở thành tổng thống Ba Lan vào năm 1990). Liên Xô đã làm mọi cố gắng để chứng tỏ sức mạnh của hệ thống. Trước khi nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất Chopin vào ngày 19/10/1980, thiếu tướng Phạm Tuân đã trở thành người châu Á đầu tiên cùng phi hành gia Liên Xô Viktor Gorbatko bay vào vũ trụ trên phi thuyền Soyuz 37 của Liên Xô ngày 23/7/1980. Sau khi bay 142 vòng trên quỹ đạo trong thời gian 7 ngày 20 giờ 42 phút, họ đã trở về Trái Đất ngày 31/7/1980.

[2] Việc Đảng Cộng sản Liên Xô can thiệp vào các cuộc thi âm nhạc quốc tế đã từng xảy ra trước đó. Tại cuộc thi Tchaikovsky lần thứ I năm 1958, hội đồng giám khảo chỉ quyết định trao giải nhất cho nghệ sĩ piano Mỹ Van Cliburn sau khi đã được tổng bí thư ĐCS Liên Xô thời đó Nikita Khrushchev “bật đèn xanh”. Trước khi trả lời phỏng vấn trong bài “Có thế nào chơi như thế“, Ivo Pogorelich cũng đã cho biết Ban phụ trách các cuộc thi quốc tế thuộc Bộ Văn hoá Liên Xô đã can thiệp vào các cuộc thi quốc tế (ví dụ cuộc thi Chopin năm 1980 tại Warsaw) để dàn xếp danh sách những người sẽ đoạt giải 1 năm trước khi diễn ra cuộc thi (Nghe phỏng vấn Pogorelich ngày 12/4/1999, từ phút thứ 7).

Gần đây xuất hiện một bộ phim nhan đề “Tại sao thi âm nhạc?” (Why competitions). Ngoài xì-căng-đan với Ivo Pogorelich năm 1980, bộ phim cho biết, vào năm 1975, 3 thí sinh Liên Xô tham dự cuộc thi Chopin lần thứ IX, sau khi chỉ đoạt giải nhì, ba, và tư, chứ không đoạt giải nhất, đã bị kỷ luật sau khi trở về Liên Xô và vì vậy con đường thăng tiến trong âm nhạc của họ đã bị cản trở (Năm đó Krystian Zimerman đoạt giải nhất) (Có thể xem trailer tại đây).

Đặng Hữu Phúc
Vĩ thanh
Tôi muốn có vài lời trước khi tôi chấm dứt cuộc tranh luận 2 ngày giữa anh Đăng và tôi về hai pianiste tầm cỡ thế giới là Ivo và Đặng Thái Sơn.

Các cuộc tranh luận thường đẩy hai người càng ngày càng xa nhau về hai cực, trở thành hai phe đối lập, tìm cách phủ nhận lẫn nhau.

Điều làm tôi hơi ngậm ngùi là: cả anh Đăng và tôi đều là người Việt Nam và tôi chỉ muốn đứng về phía chân lý.

Đất nước chúng ta có quá nhiều anh hùng, còn những tinh hoa trí tuệ, thực sự thuần khiết và tầm cỡ như Đặng Thái Sơn thì mới hiếm có làm sao.

Tôi cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn và ngưỡng mộ Đặng Thái Sơn vì tôi được là người Việt cùng thế hệ với anh.

Anh là của thế giới nhưng trước hết, anh là một người Việt Nam.

Xin tạm biệt và tôi muốn mượn (lẩy) một câu Kiều để kết thúc:

Tinh hoa có một chút này

Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan…”

Hoàng Ngọc-Tuấn
Rất đồng ý với anh Nguyễn Đình Đăng rằng sự diễn tả trong âm nhạc (và trong nghệ thuật, nói chung) thì vô hạn.

Gần đây tôi có đọc một cuốn sách rất thú vị và bổ ích, đó là cuốn Musical Meaning in Beethoven: Markedness, Correlation, and Interpretation của Giáo sư Robert S. Hatten (Indiana University Press, 1994). Trong đó, tác giả nói đến những khái niệm như “the vastness of possibilities” (sự mênh mông của những khả tính), “the unlimited semiosis of interpretation” (ký hiệu học vô hạn của sự diễn dịch); và ông nhận định rằng “History is contingent, not logical, in its growth and change. Artistic works are creative, and thus even more unpredictable” (Lịch sử thì diễn tiến và thay đổi một cách ngẫu nhiên, chứ không theo logic. Những tác phẩm nghệ thuật thì mang tính sáng tạo, và do đó thậm chí còn bất khả đoán hơn nữa). Bởi thế, ông nói “theories of expression can never be airtight” (những lý thuyết về sự diễn tả thì không bao giờ có thể là thứ khuôn thước chật hẹp).

Giáo sư Robert S. Hatten là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lý thuyết về diễn tả âm nhạc. Ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Interpreting Musical Gestures, Topics, and Tropes: Mozart, Beethoven, Schubert (Indiana University Press, 2004).

Hoàng Ngọc-Tuấn
Về cuộc thi piano Chopin năm 1980, tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nguyễn Đình Đăng trong việc Ivo Pogorelich có quyền đòi hỏi sự công bố bảng điểm một cách sáng tỏ. Nếu giám khảo của Liên Xô cố tình cho điểm ZERO để triệt hạ Ivo Pogorelich ra khỏi vòng chung kết, thì rõ ràng đó là sự bất công.

Trang báo WARSAW VOICE đã viết về sự kiện năm 1980 như sau: “the Warsaw Chopin Competition in 1980, which Pogorelich did not win but at which he achieved a moral victory.” (Ivo không đoạt giải, nhưng đã đạt được chiến thắng đạo đức). Và không chỉ có giám khảo Martha Argerich bỏ hội đồng, mà cả giám khảo Nikta Magaloff nữa: “one of the judges, Martha Argerich, protested. She refused to participate further in the event in protest that an exceptionally talented musician should be eliminated from such a serious competition. Another of the judges, the famous pianist and Chopin expert Nikita Magaloff, followed suit”

http://www.warsawvoice.pl/WVpage/pages/article.php/18538/article

Tại sao đến bây giờ báo Ba Lan WARSAW VOICE vẫn ca ngợi rằng Ivo Pogorelich đã đạt được một chiến thắng đạo đức (he achieved a moral victory)? Khi họ nói rằng Ivo Pogorelich đã đạt được một chiến thắng đạo đức (he achieved a moral victory), thì hiển nhiên là họ muốn nói rằng Ivo Pogorelich đã chiến thắng về tinh thần trong một cuộc thi vô đạo đức [1].

______________
[1] Vì lý do “nhậy cảm”, vnmusic đã buộc phải thay cụm từ “một cuộc thi vô đạo đức” bằng “cuộc thi đó“. Tôi khôi phục lại nguyên văn ở đây (N.Đ.Đ.).

Nguyễn Đình Đăng

Lời giới thiệu bộ phim “Tại sao thi âm nhạc?” (Why competitions?) (2011)

Ozkar Jezior

Chính nhà soạn nhạc Hungary Bela Bartok đã từng tuyên bố: “Các cuộc thi là để cho những con ngựa, chứ không phải cho các nghệ sĩ!

Lấy ví dụ cuộc thi Piano Chopin ở Warsaw, bộ phim tài liệu “Tại sao thi âm nhạc?” xem xét câu hỏi liệu tinh thần cạnh tranh áp đảo các cuộc thi âm nhạc có phù hợp với chuẩn mực khách quan và đạo đức, liệu những người đoạt giải có thực sự được hưởng lợi từ thành công của họ và những gì xảy ra với những người bị gắn cái mác “kẻ thua cuộc”.

Bộ phim tài liệu này nói về cuộc thi piano quan trọng nhất trên thế giới, và được sản xuất vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Frederic Chopins. Bộ phim mời những người đã từng tham dự cuộc thi và các thành viên hội đồng giám khảo lên tiếng, một số đã học được cách giữ cự li với trải nghiệm của mình, nhưng hầu hết trong số họ không thể quên và không thể chấp nhận thực tế rằng họ đã phải chịu đựng sự bất công ngay cả sau khi 60 năm đã trôi qua.

Bộ phim tập trung vào vụ xì-căng đan sau khi nghệ sĩ piano Croatia Ivo Pogorelich bị loại khỏi vòng chung kết vào năm 1980, khiến nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới người Argentina Martha Argerich đã bỏ ban giám khảo để phản đối, nhờ đó Pogorelich, sau một đêm, đã trở thành ngôi sao. Năm 1980 cũng đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Ba Lan: Vài tháng trước khi khi cuộc thi bắt đầu, công đoàn Đoàn kết đã được thành lập.

Bộ phim được chia thành một số chương, mỗi chương nói về một năm thi khác nhau. Năm 1980, Pogorelich là trung tâm của sự chú ý. Vào năm 1975, ba thí sinh Liên Xô, thay vì chiếm giải nhất, chỉ đoạt giải 2, 3, và 4. Họ đã bị chế độ Xô-Viết “trừng phạt” và vì thế sự nghiệp của họ đã bị trở ngại sau cuộc thi.

Chương cuối cùng bàn về câu hỏi tổng quát liệu các cuộc thi âm nhạc có thể công bằng và có ích lợi hay không. Chưa bao giờ mà một loạt các nhạc sĩ và các nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng thế giới lại nói về chủ đề này một cách thẳng thắn như vậy. Với một số sự thật bẩn thỉu về tham nhũng và hối lộ được tiết lộ bởi những người khả kính như vậy, câu hỏi để ngỏ là:Tại sao những người này vẫn thường can dự như một phần không thể thiếu vào các cuộc thi quốc tế?

Có thể xem trailer tại đây.

Một số ý kiến trong trailor đó:

Đặng Thái Sơn: Cuộc thi đã thay đổi cuộc đời của tôi, cuộc đời của gia đình tôi.

Martha Argerich: Các sự nghiệp lớn không được tạo dựng bởi các cuộc thi.

Paul Badura-Skoda: Tôi đã bị loại ngay từ vòng 1.

Kevin Kenner: OK, tôi có thể nói một câu về cuộc thi đó như sau – Đó là thời điểm đẹp nhất, đó cũng là thời điểm tồi tệ nhất.

_________________________________

Các bài liên quan:

Nghệ sĩ piano Nam Tư – người đã “giết Chopin”

Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt

Có thế nào chơi như thế

Chơi tới trào nước mắt

Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn của Elijah Ho (phần I)

Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn của Elijah Ho (phần II)

Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn của Elijah Ho (phần III)

Không cần mạ vàng cho hoa huệ

Gặp lại Đặng Thái Sơn