Cụ Nguyễn Mạnh Tường

Nguyễn Đình Đăng

(Phản hồi tại bài “Ông Trần Văn Tích nên đọc lại Un Excommunié” của Phong Uyên )

Tôi đã định không viết bất cứ một phản hồi (PH) nào cho đề tài liên quan tới cụ Nguyễn Mạnh Tường vì lòng kính trọng rất lớn của tôi đối với cụ. Song tôi thấy có người nhắc đến cả cụ lẫn nguyên giáo sư vật lý Vũ Như Canh nên tôi viết PH này.

Cụ Nguyễn Mạnh Tường từng là thầy học của cha tôi. Bác Vũ Như Canh là bạn thân của cha tôi (Xem “Ông Nomura”).

Ngày cha tôi còn sống cụ Tường và bác Canh là khách thường xuyên của gia đình tôi. Sách của cụ Tường ký tặng cha tôi như “Sourires et larmes d’une jeunesse” và “Pierres de France” được cha tôi cho đóng bìa cứng và khảm chữ vàng để trong thư viện gia đình, và tôi cũng đã từng được đọc. Tôi coi cha mẹ tôi là những người Việt Nam uyên thâm bậc nhất về tiếng Pháp và văn chương Pháp. Song, theo lời cha tôi, tiếng Pháp, hiểu biết về văn chương Pháp, văn hoá Pháp của cụ Nguyễn Mạnh Tường thì “đến tây đầm cũng phải bái phục”, còn “Việt Nam ta xưa nay chưa ai bì kịp”.

Liệu có người Việt Nam nào hiểu văn hoá lịch sử nước Pháp đến mức có thế viết được như cụ Nguyễn Mạnh Tường khi lần đầu tiên đặt chân tới Paris:

Paris, tu n’es pas pour moi une découverte, mais un souvenir” ?
(Paris, đối với tôi Nàng không phải là một phát hiện, mà là một hoài niệm.)

Cha tôi thường kể lại thời “oanh liệt” của cụ Nguyễn Mạnh Tường, cái thời mà xe hơi, xe tay đậu đen kịt trước quảng trường Nhà Hát Lớn trước buổi diễn thuyết của cụ. Cụ bước ra sân khấu, hai ngón tay cái ngoắc vào nách áo gilet, mở đầu bài diễn thuyết (bằng tiếng Pháp) của mình bằng một tràng tiếng Latin. Khán giả, trong đó có rất nhiều “tây đầm” mở sổ tay cắm cúi ghi chép.

Vào thời cụ bị ngược đãi, cụ vẫn hay tới nhà tôi chơi. Vừa vào tới cửa cụ đã sang sảng nói tiếng Pháp với cha tôi. Hình như nói tiếng Pháp một cách hùng biện là nhu cầu bức thiết của cụ. Cụ luôn ăn mặc rất lịch sự: áo vét, áo gilet, cồ áo chemise thắt nơ, song những thứ đó đã ngày càng cũ đi. Có lần, được ngồi gần cụ, tôi thấy nơ của cụ thủng lỗ chỗ.

Khi cha tôi lâm bệnh, nằm liệt giường, cụ vẫn đến thăm. Lần cuối cùng xảy ra không lâu (khoảng 1995 – 1997) trước khi cụ qua đời (1997). Cụ đi xích-lô tới. Anh tôi phải cõng cụ lên cầu thang vì cụ không tự bước lên được. Khi cụ về, anh tôi lại cõng cụ xuống, và định gọi taxi đưa cụ về nhà nhưng cụ nhất định không chịu đi taxi. Cụ nói cụ thích đi xích-lô để còn ngắm phố phường Hà Nội.

Gia đình giáo sư Vũ Như Canh từng có tới chục nóc nhà tại Hà Nội. Tuy nhiên sau năm 1954 bác Canh đã hiến toàn bộ tài sản cho nhà nước, chỉ giữ lại một biệt thự 3 tầng tại phố Nguyễn Gia Thiều nơi bác sống với vợ và bốn con. Có lần tôi nghe kể người ta toan lấy nốt ngôi nhà đó của bác. Khi “chính quyền” đến, bác Canh nói: “Gia đình tôi đã hiến tất cả nhà cửa cho chính phủ. Nay nếu chính phủ muốn lấy nốt ngôi nhà này, thì tôi chỉ đề nghị chính phủ cấp cho một khoảnh vỉa hè trước nhà để tôi cắm cái lều tôi sống.” Từ đó họ không động đến ngôi nhà của bác nữa.

Các ý kiến về cụ Nguyễn Mạnh Tường trên talawas này khiến tôi nhớ tới tiểu thuyết “The moon and sixpence” (Mặt trăng và đồng xu) của W. Somerset Maugham viết về thiên tài Charles Strickland (hình mẫu văn học của Paul Gauguin). Trong khổ đầu tiên của chương 1, Somerset Maugham viết:

The greatness of Charles Strickland was authentic. It may be that you do not like his art, but at all events you can hardly refuse it the tribute of your interest. He disturbs and arrests. The time has passed when he was an object of ridicule, and it is no longer a mark of eccentricity to defend or of perversity to extol him. His faults are accepted as the necessary complement to his merits. It is still possible to discuss his place in art, and the adulation of his admirers is perhaps no less capricious than the disparagement of his detractors; but one thing can never be doubtful, and that is that he had genius. To my mind the most interesting thing in art is the personality of the artist; and if that is singular, I am willing to excuse a thousand faults.

Tôi tạm dịch như sau:

Sự vĩ đại của Charles Strickland là có thực. Có thể bạn không thích nghệ thuật của ông ta, nhưng dù thế nào bạn khó có thể loại nó ra khỏi sự quan tâm của bạn. Ông gây chú ý và khiến ta lo lắng. Đã qua rồi cái thời mà ông bị đem ra chế giễu, và cũng không cần dùng tới sự lập dị để bảo vệ hay tính trụy lạc để tán dương ông. Các lỗi lầm của ông nay đã được chấp nhận như một sự bổ sung cần thiết cho những giá trị của ông. Người ta vẫn còn có thể tranh luận về vị trí của ông trong nghệ thuật, và sự bợ đỡ của những kẻ ngưỡng mộ ông có thể cũng đỏng đảnh không kém sự gièm pha của những kẻ phỉ báng ông; nhưng có một điều không bao giờ có thể nghi ngờ: ông là một thiên tài. Đối với tôi, điều lý thú nhất trong nghệ thuật là nhân cách của nghệ sĩ; và nếu nhân cách đó phi thường, tôi sẵn lòng tha thứ cả ngàn lỗi lầm.

Tokyo, 11/8/2010

10 bình luận to “Cụ Nguyễn Mạnh Tường”

  1. Nguyễn Kim Đan Says:

    Mến gửi anh Nguyễn Đình Đăng,
    Tôi là cháu ngoại BS Đặng Vũ Lạc (Mẹ tôi là con gái của BS Đặng Vũ Lạc. Mẹ tôi cùng tuổi với mẹ của anh, sinh năm 1924). Tôi sinh ra và lớn lên ở BV Đạng Vũ Lạc, 92 Trần Hưng Đạo Hà nội.
    Mẹ tôi tốt nghiệp luật khoa Đại Học Hanội năm 1951. Cụ Nguyễn Mạnh Tường chính là thấy dậy của mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi mất rất sớm (12/1951).
    Tôi thành thật cám ơn anh về những điều anh đã viết về BV của ông ngoại tôi và cụ Nguyễn Mạnh Tường. Điều ấy gợi cho tôi những năm tháng tuổi thơ, khi tôi sống ở BV Đặng Vũ Lạc. Tôi rất biết mẹ của anh. BS Vũ Thị Chín. Nếu tôi nhớ không lầm, BS Vũ Thị Chín còn làm việc ở BV Đặng Vũ Lạc sau khi giải phóng Hanội (1954) cho đến khi BV bị buộc phải cho nhà nước thuê vào năm 1956. Hồi đó, bà vẫn lái chiếc xe hơi Peugeot mầu đen đi làm ở BV.

    Kim Đan Nguyễn
    Professor
    Laboratory for Hydraulics Saint-Venant
    Unievrsité Paris-Est

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Kính chào anh Nguyễn Kim Đan,

      Cảm ơn cmt của anh.

      Tôi đã hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi nói rằng những thông tin của anh hồi ở Bv Đặng Vũ Lạc là chính xác, trừ chiếc Peugeot màu đen đưa mẹ tôi đi làm hàng ngày là xe của bệnh viện do bác tài xế lái chứ không phải xe riêng của mẹ tôi.

      Trân trọng.

  2. nguyendinhdang Says:

    Thưa ông Phùng Tường Vân,

    Sau khi tốt nghiệp bác sĩ (tháng 5/1952), trong khi chờ đợi trả lời của Đại học Y khoa Paris chấp nhận cho sang Paris học chuyên khoa nhi (tháng 10/1952), mẹ tôi có làm việc vài tháng cho bệnh viện (b/v) Đặng Vũ Lạc (92 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), lúc đó gọi là “nhà thương Đặng Vũ Lạc”. Bệnh viện này sau đổi thành b/v B, b/v Việt Nam – Cuba, và bây giờ là b/v Tim Hà Nội.

    B/v Đặng Vũ Lạc là một bệnh viện đa khoa tư nhân, do bác sĩ Đặng Vũ Lạc sáng lập, khá quy mô, có tổ chức và trang thiết bị vào loại tốt nhất Hà Nội thời đó. Nhiều bác sĩ giáo sư đầu ngành của Việt Nam như các ông Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng, v.v. đã được mời tới đây làm việc ngoài giờ.

    Trong thời gian làm việc tại b/v Đặng Vũ Lạc, mẹ tôi – khi đó mới 28 tuổi, vừa tốt nghiệp bác sĩ – đã được bệnh viện cấp cho một phòng làm việc riêng, hưởng lương tháng, làm việc mỗi ngày hai buổi, và hàng ngày có xe hơi của bệnh viện đưa đi đón về, dù nhà cha mẹ tôi khi đó chỉ cách bệnh viện khoảng hai chục phút đi bộ.

  3. Phùng Tường Vân Says:

    14/08/2010 lúc 8:48 chiều

    Thưa ông Nguyễn Đình Đăng

    Nếu vậy và nếu tôi nhớ không lầm thì hình như vào khoảng năm 1953 lệnh mẫu có làm việc ở Bệnh Viện Đặng Vũ Lạc Hà nội và tôi đã có hân hạnh gặp bà một lần, còn nhận ra đôi nét quen thuộc qua một vài tấm ảnh mà ông giới thiệu .

  4. nguyendinhdang Says:

    Thân chào ông/bà/anh/chị tracy,

    Tôi có một trang web dành cho cha mẹ tôi tại đây. Mẹ tôi là bác sĩ Vũ Thị Chín (sinh năm 1924). Sau khi học interne des hopitaux (nội trú các bệnh viện), mẹ tôi tốt nghiệp bác sĩ năm 1952 tại Đại học Y Khoa Hà Nội với luận án mang tên “Bệnh sỏi mật ở miền Bắc Việt Nam” (“La lithiase biliaire au Nord Vietnam”, thèse pour le diplôme d’Etat de doctorat en médecine, Faculté de médecine, Université de Hanoi, Mai 1952) [1]. Hồi đó hiệu trưởng đại học Y khoa Hà Nội, kiêm giám đốc bệnh viện Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt – Đức) là GS Pierre Huard. Lúc đó toàn miền Bắc Việt Nam chỉ có 2 phụ nữ tốt nghiệp bác sĩ y khoa là mẹ tôi và bà Nghiêm Thị Thuần. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, mẹ tôi sang Pháp học chuyên khoa nhi tại Đại học Y khoa Paris (1952 – 1954), tốt nghiệp Diplome de puériculture et pédiatrie (dưỡng nhi và nhi khoa) (6/1953) và Assistant Etranger de l’Union Française tại Đại học Y khoa Paris (1/1954). Sau khi mẹ tôi từ Paris trở về Hà Nội (năm 1954), bác sĩ Nghiêm Thị Thuần di cư vào Nam (năm 1955). Miền Bắc Việt Nam lúc đó còn lại mẹ tôi là nữ bác sĩ duy nhất. Mẹ tôi năm nay 86 tuổi, sống tại Hà Nội, và chưa bao giờ là đảng viên cộng sản.

    Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, theo tiểu sử tại Wikipedia, sinh năm 1930 tại Sài Gòn, học tại Đại học Y khoa Sài Gòn. Năm 1948 bà Dương Quỳnh Hoa sang Pháp học tiếp, tốt nghiệp bác sĩ năm 1953, chuyên khoa nhi năm 1954 tại Pháp. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa từng là đảng viên cộng sản, bộ trưởng Y tế Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN (1969 -1975), thứ trưởng Y tế CHXHCN VN sau 1975. Năm 1975 bà chính thức xin ra khỏi Đảng CS Việt Nam, song đến năm 1979 đề nghị ly khai của bà mới được chấp nhận. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa qua đời ngày 25/6/2006. (Xem thêm Trường hợp Dương Quỳnh Hoa, BS Dương Quỳnh Hoa,
    Duong Quynh Hoa – The Courage to Follow One’s Conscience).

    Bác sĩ Tạ Ánh Hoa cũng tốt nghiệp nhi khoa tại Pháp, nhưng sau mẹ tôi (năm nào tôi không rõ). Bà cùng chồng từ Paris về Hà Nội vào khoảng đầu những năm 1960. Con trai bà sinh năm 1959 (tại Paris), và từng học cùng trường phổ thông cấp 3 với tôi tại Hà Nội.

    ————–
    [1] Luận án này sau đó từng được trích dẫn, ví dụ trong:

    P. Huard, G. Lanchou, Tran Anh, Les enquêtes anthropologiques faites en Indochine et plus particulièrement au Vietnam trong “Bulletins et Mémoires de la Société d’Anthropologie de Paris”, XI° Série, Tome 3 fascicule 4, 1962. pp. 372-438 (tại trang 418).

    W. Hess, A. Rhoner, A. Cirenei, A. Akovbiantz, Maladies des voies biliaires et du pancreas, Piccin, 1992, trích dẫn 672, trang 257.

    W. Hess and G. Berci, Textbook of Bilio-pancreatic Diseases, Piccin 1997, trích dẫn 743, trang 254.

  5. tracy Says:

    13/08/2010 lúc 10:59 chiều

    Xin chân thành cám ơn TS Đăng đã trả lời cho tôi. Có 1 thắc mắc nhỏ TS có nhắc đến thân mẫu của TS là BS Nhi Khoa từ Pháp về. Tôi được biết có 2 bs Nhi từ Pháp về làm việc tại Hà Nội BS Dương Quỳnh Hoa và BS Tạ Ánh Hoa, không biết thân mẫu của TS là 1 trong 2 BS ấy? Trong list danh sách NGND không thấy có tên 2 vị này?

  6. nguyendinhdang Says:

    Thân chào ông/bà/anh/chị tracy,

    GS TS Vũ Như Canh nguyên có 4 người con: ba trai và một gái. Người con trai cả và con trai út đã mất. Hiện nay GS Vũ Như Canh đã ngoại 90 và sống tại Sài Gòn.

    Khi tôi còn nhỏ ở Hà Nội, bác Canh thường đội mũ phớt trắng, đi xe máy vespa tới nhà tôi chơi. Dần dần xe vespa được thay bằng một chiếc xe đạp.

    Trong danh sách 101 vị chính phủ Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” (NGND) năm 2008 tên của GS TS Vũ Như Canh đứng thứ 92. Nhân dịp này, vào ngày 19/11/2008 khoa Vật lý Đại học Sư phạm Hà Nội có tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam có sự hiện diện của GS Vũ Như Canh. Xin mời xem hình và tin tại đây. Trong bức hình đầu tiên GS Vũ Như Canh là người thứ 7 từ trái sang tại hàng thứ hai (mặc com-lê màu lục, cà-vạt đỏ). Trong bức hình thứ hai ông là người bên trái, cầm bó hoa. Trong bức hình thứ ba, ông là người thứ hai từ trái sang.

    Trong lời phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội (11/10/2006), ông Nguyễn Đình Chú (GS NGND) nói:

    Cái đáng kể, có thể nói là một đi nhưng chưa biết bao giờ trở lại chính là chỗ nhà trường trong buổi đầu này đã có những thầy giáo là những ông trùm văn hóa, ông trùm khoa học của đất nước, không chỉ sáng danh thời đó mà muôn thuở với non sông. Đó là: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khánh Toàn, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Lân, Hoài Thanh… thuộc khoa học xã hội. Đó là: Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thúc Hào, Ngụy Như Kon Tum, Vũ Như Canh, Đoàn Văn Tiến, Nguyễn Hoán… thuộc khoa học tự nhiên.

    Chính nhờ thế mà về sau, mấy vị lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam gồm Viện trưởng GS VS Nguyễn Văn Hiệu, cả viện phó: GS VS Nguyễn Văn Đạo, GS TS Phan Đình Diệu, GS TS Vũ Đình Cự và cả không ít những giáo sư đầu đàn của các trường ĐH Tổng Hợp HN, ĐH Bách Khoa HN, ĐH Nông Nghiệp HN, kể cả ĐHSP Hà Nội chúng ta, đều đã xuất thân là sinh viên tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội.

  7. tracy Says:

    12/08/2010 lúc 11:11 chiều

    Kính gửi Nguyễn Đình Đăng

    Theo tôi được biết TSGS Vũ Như Canh có 2 con trai (đã mất) và 1 con gái, hiện là bác sĩ tại Sài Gòn. Tôi chỉ nhớ nhà của ông Canh ở phố Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều?), đây là phố toàn là dinh thự của sứ quán, họ định cho TS Canh đi Liên Sô để dễ bề lấy nhà của ông nên ông nhất định không đi. Chị bác sĩ Vũ Anh Lê, con gái của ông, rất thông minh (có lẽ gene di truyền) sau 75 vào Nam ở nhà ông Vũ Văn Mẫu, thi vào y khoa đậu khá cao, tiêu chuẩn đi du học Liên Sô, nhưng không có tiền đưa ông Nguyễn Côn (con trai của thứ trưởng Ngoại giao Hà Văn Lâu) nên ở lại học y khoa tại tp HCM. Chị Lê có lần tâm sự với tôi là cha của chị kỳ quá, đã bỏ Pháp về VN mà không chịu phấn đấu vào Đảng thành ra cuộc đời tàn và ảnh hưởng đến con cái sau này.

    Đó là lý do cho những trí thức nào chỉ yêu nước đơn thuần, đừng nghĩ về VN phục vụ cho đất nước, người dân, mà không chịu phấn đấu, không chịu đứng dưới ngọn cờ của Đảng thì nên suy xét lại. GS Ngô Bảo Châu nên suy xét lại, ở VN không có cơ hội phát triển khả năng của mình, chính phủ lại không cần trí thức đơn thuần, rồi cuộc đời sẽ mai một như GSTS Vũ Như Canh, thời của ông mấy ai có bằng tiến sĩ Vật Lý tại Pháp?

  8. Tranh Hoang Says:

    Xin cảm ơn bài viết của ông NĐ Đăng, để mọi người biết thêm một số khía cạnh khác cuộc đời của nhà trí thức lỗi lạc NMT, người đã sinh ra vào lúc rôi reng của đất nước. Tiếc thay, tài năng tuyệt vời của ông NMT đã bị làm cho thui chột, cùn mằn bởi tính chất “phi nhân” của nền chuyên chính vô sản, cùng với biết bao những tài năng khác của nước Việt Nam, một thời: 1945-1975 và mãi cho đến ngày nay (bao giờ mới hết tai họa này cho VN ??)

    Tôi có một câu hỏi, do biết ông NĐĐăng rất quen thân với gia đình ông NMT: ông NMT có mấy con? trai, gái? Tình hình học vấn, sự nghiệp của các người con này ra thế nào? Có ai thành đạt, nổi tiếng không hay cũng bị trù dập như người cha của họ?? Xin Cảm Ơn và kính cháo ông.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Ông/Bà có thể xem trong phần “Gia đình” tại tiểu sử cụ Nguyễn Mạnh Tường trên Wikipedia.

      Ngoài ra, tại Phần Ba mục 3 (Cái đói thê thảm) trong hồi ký “Kẻ bị mất phép thông công” có một đoạn cụ viết về con gái út của mình như sau:

      Con gái tôi dạy Toán và phải dạy ở một nơi cách xa Hà Nội 40 cây số, trong suốt bảy năm liền, đơn giản chỉ vì nó không có cha mẹ nằm trong Đảng. Nó bị ép phải từ nhiệm để có thể về dự một cuộc thi tuyển ở trường Cao Đẳng (Đại Học Sư Phạm) và đã chọn ngành Văn và ngôn ngữ Pháp. Nhưng sau 5 năm học xuất sắc và tốt nghiệp, nó chờ đợi một chân giáo viên ở một trường Trung Học ở Hà Nội. Vô ích! Cho đến một ngày có một chỗ ở Trường Chu Văn An. Cũng có một cô gái khác mong làm chỗ ấy. Hai thí sinh được đưa ra trước hội đồng giáo sư để tranh tài. Con gái tôi được hội đồng giáo sư chấm. Nhưng đứa con gái kia lại được nhận, vì cha của cô ta là một đảng viên. Trong khi chờ kiếm việc, con gái tôi phải đạp xe đi về mỗi bận 20 cây số để đi học nghề làm gốm trong một hợp tác xã ở ngoại ô Hà Nội. Nhưng đến lúc học xong, thay vì được hưởng một tí tiền bồi dưỡng người ta lại buôc nó phải trả tiền học phí. Nó muốn đóng góp được một chút gì cho ngân sách gia đình nhưng vô vọng vì không thể làm được gì.

      Con gái út của cụ hiện sống tại Pháp. Từ khi còn ở Việt Nam bà đã rất giỏi tiếng Pháp.

Phản hồi của bạn: