David Oistrakh – danh cầm vừa hồng vừa chuyên

Nguyễn Đình Đăng giới thiệu và trích dịch

David Oitrakh, nghệ sĩ nhân dân?” là tên bộ phim tài liệu do đạo diễn Pháp Bruno Monsaingeon dựng năm 1996, kể về cuộc đời của nghệ sĩ violon kiệt xuất người Nga gốc Do Thái, David Fiodorovich Oistrakh (1908 – 1974). Phim có sự tham gia của các nghệ sĩ danh tiếng như nhạc trưởng Gennady Rozhdetstvensky (1931), danh cầm violin Yehudi Menuhin (1916 – 1999), danh cầm cello Mtislav Rostropovich (1927 – 2007).

Dưới đây là trích dịch vài đoạn trong bộ phim này. Có thể xem toàn bộ bộ phim, được chia làm 6 phần, trên YouTube tại các đường link ở cuối bài này.

Gennady Rozhdestvensky:

Gennady Rozhdestvensky

Nhiều nghệ sĩ trẻ Xô Viết được gửi đi tham dự các cuộc thi âm nhạc quốc tế ở nước ngoài khi đó đã phải chịu một áp lực rất lớn là phải thắng cuộc. Bởi đó không phải là chiến thắng của cá nhân, mà là chiến thắng của nhân dân, tức là của chế độ (hệ thống). Trong thể thao cũng y như vậy. Tất nhiên, điều này đã đè thêm một tải trọng khổng lồ lên các nghệ sĩ.

Lúc đó, thực sự là tất cả mọi người đã theo dõi, đã chờ đợi kết quả, và đã tự hào. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là anh phải đem giải nhất về. Còn nếu không đoạt giải nhất, anh phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Tôi cho rằng, vấn đề thực sự rộng hơn nhiều. Tôi cho rằng đó là Nhà nước đã đoạt giải, hệ thống đã đoạt giải. Bởi vì khi đó tất cả là như thế, đó là năm 1937.

Trích thư của Oistrakh gửi vợ sau khi ông đoạt giải nhất cuộc thi violon mang tên Eugène Ysaye tại Brussel:

Brussel, 2/4/1937

Hoan hô, Tamara yêu dấu, anh đã đoạt giải nhất! Chân anh run lên khi bọn anh xếp hàng trên sân khấu. Anh chắp hai tay đợi phán quyết. Khi anh nghe thấy tên mình được xướng lên, trong phòng nổi lên tiếng reo, khiến anh tưởng sắp ngất xỉu. Nhờ có thành công này bây giờ anh sẽ có nhiều hợp đồng tại nhiều nước anh muốn, và anh đã được tiếp nhận vào gia đình của các nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới. Nhưng điều quan trọng nhất là em và anh từ nay có thể sống yên ổn, không phải lo nghĩ tới ngày mai.

6/4/1937

50 ngàn francs tiền giải thưởng đang nằm trong túi anh. Anh phải làm gì với số tiền đó bây giờ? Anh đã mua cho em một chiêc áo khoác đẹp, vải, giày và tất. Với 25 ngàn francs anh có thể mua một chiếc xe hơi Ford 37 có đài và lò sưởi. Chúng mình cũng có thể mua một căn hộ hai phòng kèm trang bị nội thất tại Moscow. Chúng mình chỉ cần suy tính sao cho có lợi nhất. Ông đại sứ đã hứa sẽ xin phép Moscow cho em sang đây với anh trong buổi hòa nhạc mùa thu này. Nếu em sang, chúng ta vẫn còn tiền để tiêu cùng nhau.

Trích thư của Oistrakh gửi con trai Igor tháng 2 năm 1943 (trong thời kỳ Leningrad bị phát xít Đức phong toả):

Hôm qua bố biểu diễn tại Đại Khán phòng Philharmonic. Toàn khán phòng chật cứng người nghe, tất cả đều mặc áo đơn áo kép vì lạnh. Bố rất kinh ngạc vì giữa Leningrad buồn thảm khi kẻ thù đang ngấp nghé tại cửa ngõ, người ta vẫn đến nghe nhạc bất chấp những điều kiện khắc nghiệt. Nhạc Tchaikovsky bay trong phòng như bài ca của chiến thắng đang tới. Trong lúc bố đang chơi đàn, tiếng còi báo máy bay địch tới ném bom nổi lên. Không một ai chớp mắt, và bố tiếp tục chơi đến cuối.

Gennady Rozhdestvensky:

Ông đã không thể bỏ qua được các vấn nạn mà bất kỳ ai sống dưới chế độ Stalin cũng đều phải chịu. Và đầu tiên là việc phải khẳng định mình là đảng viên. Tôi không nghĩ đó là một việc đơn giản đối với ông, mà là một việc cần thiết. Hơn nữa, tôi tin rằng ông gia nhập đảng chỉ cốt để sinh tồn.

Trích lời giới thiệu kết nạp đảng viên mới:

Tôi giới thiệu đồng chí Grigoriev, người toàn tâm toàn ý với lý tưởng cộng sản cao cả, được kết nạp vào đảng cộng sản.

David Ostrakh, đảng viên từ năm 1942, số thẻ đảng 00163467.

Yehudi Menuhin:

Yehudi Menuhin

Tôi cho rằng Karajan [1] đã trở thành đảng viên đảng Quốc xã cũng vì lý do tương tự. Furtwrangler [2] chưa bao giờ là đảng viên. Nhưng đó chỉ là vấn đề sinh tồn. Đến giờ tôi vẫn thấy khó tin điều đó.

Gennady Rozhdestvensky:

Trường hợp của Oistrakh cũng tương tự như trường hợp của Shostakovich. Hiển nhiên là ông đã không hề tin vào giáo lý độc tài chuyên chế, bởi nếu tin ông đã không thể chơi đàn hay như vậy. Tôi nghĩ rằng đó là một bi kịch lớn của cuộc đời ông.

Yehudi Menuhin:

Ông có lòng trung thành cực kỳ. Tuy có nhiều dịp mà tôi đã từng nói với ông: “Ông có thể ở lại phương Tây rất dễ dàng và sống sung sướng tại đây.” Lúc đó còn trước vụ Slava (Mtislav Rostropovich), nhưng ông ấy cũng có thể làm một ví dụ “tiền Slava” rất thành công. Nhưng ông đã nói với tôi: “Không, tôi mang ơn chế độ này, bất chấp những khuyết điểm của nó. Cuộc đời tôi là ở đây. Họ đã cho tôi học vấn âm nhạc và sự nghiệp âm nhạc. Đó là vì sao tôi trung thành với nước Nga, với nhân dân Nga, với mảnh đất Nga, và với những người cầm quyền.” Ông ta có một lòng trung thành y như đối với Nga hoàng vậy.

Gennady Rozhdestvensky:

Sau đó, dù sao cũng cần nhớ tới những bó buộc mà Oistrakh đã phải chịu cùng với các nghệ sĩ khác sống ở thời của ông.

Mtislav Rostropovich:

Mtislav Rostropovich

Ngay cả trong nhạc viện Moscow, khi tôi đi ở hành lang, các giáo sư nhìn thấy tôi liền lảng tránh bằng cách đưa mắt nhìn trần nhà, nghiên cứu xem tường nhẵn đến đâu, làm như không nhìn thấy tôi, để khỏi phải chào. Tôi rất hiểu họ.

Yehudi Menuhin:

Tôi có quan hệ rất tốt với chế độ cộng sản, bởi tôi rất thẳng khi tiếp xúc với họ. Ví dụ khi họ không cho Rostropovich ra ngoại quốc. Ông ta đã bảo vệ Solzhenitsyn, và đó là lý do vì sao ông ta đã bị trừng phạt [3].

Mtislav Rostropovich:

Yehudi Menuhin mời tôi sang Pháp chơi tam tấu với ông ta và Wilhelm Kempff. Tất nhiên nhà cầm quyền đã từ chối. Thế là ông liên lạc với Moscow. Lúc đó ông là chủ tịch hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO. Người ta nói với ông ấy rằng tôi không đi được vì tôi bị ốm. Ông ấy bèn gọi điện tới nhà tôi. Vợ tôi, Vishnhevskaya, nhấc máy.

Yehudi Menuhin:

Tôi nói: “Tôi nghe nói Slava bị ốm?

Mtislav Rotropovich:

Vợ tôi trả lời: “Sức khoẻ của Slava tuyệt vời.”

Thế thì ông ấy có thể sang đây chứ?

Tất nhiên rồi. Hoàn toàn có thể đi được. Nhà tôi còn mơ ước được biểu diễn cùng ông đấy!

Ngay sau đó, Menuhin đã gửi một bức điện cho Leonid Brejnev, khi đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Bức điện được viết với một văn phong rất giận dữ và nội dung nghiêm trọng.

Yehuni Menuhin:

Tất cả báo chí và truyền hình sẽ tới buổi hòa nhạc này và tôi sẽ nói với báo chí rằng các người là những kẻ nói dối. Các người nói với tôi rằng ông ấy bị ốm, nhưng ông ấy thực sự rất khoẻ. Bây giờ các người hãy quyết định đi.” Ngày hôm sau Rostropovich nhận được visa và ông ấy đã đến. Đó là cách duy nhất để ứng xử với công an.

Mtislav Rostropovich:

Tôi tới Paris và ở tại khách sạn Windsor. Tình cờ tôi gặp David Oistrakh cũng đang ở đó. David Oistrakh rủ tôi đi dạo. Chúng tôi đi ra phố. Và lúc đó ông gần như đã xưng tội với tôi. Ông nói: “Slava, tôi nghiêng mình trước sự trong sạch của cậu, trước lòng can đảm của cậu, trước những gì cậu đã làm, hãy tin tôi, tôi sẵn sàng quỳ xuống trước mặt cậu đây. Nhưng tôi phải nói với cậu rằng, nếu như ngay mai, cậu đọc được một bức thư có chữ ký của tôi đăng trên báo “Sự thật” (Pravda), lên án cậu, thì xin cậu đừng nguyền rủa tôi, mà hãy tìm ra sức lực để tha thứ cho tôi. Tôi kể cho cậu nghe một chuyện đã xảy ra với tôi, mà sau đó tôi đã không còn là người nữa.” Chuyện đó xảy ra vào khoảng năm 1937 hay 1936 gì đó.

Khi đó David Oistrakh và vợ là Tamara từng sống trong một tòa nhà mà tất cả đàn ông đều đã bị bắt, chỉ trừ ông và một người đàn ông ở căn hộ đối diện. Vợ ông đã chuẩn bị sẵn quần áo, lương khô, và hai vợ chồng hàng tháng ròng đêm đêm sợ hãi chờ đợi công an đến bắt ông đi. Một lần vào khoảng 4 – 5 giờ sáng, họ nghe tiếng đập cửa vào toà nhà, rồi tiếng chân người bước lên cầu thang. Họ nín thở. Cuối cùng, những người đến bắt đã bấm chuông căn hộ đối diện.

Đó là chìa khóa để hiểu chính quyền Xô Viết đã làm gì với nhân dân mình. Chế độ này bắt họ phải sống hai mặt: nghĩ một đằng song lại nói một nẻo.

Mtislav Rostropovich:

Âm nhạc là tất cả những gì còn lại cho chúng tôi (những người sống dưới chế độ Xô Viết). Đó là cánh cửa sổ mở ra hướng mặt trời, đón không khí trong lành, và cuộc sống. Đó là vì sao chúng tôi yêu âm nhạc hơn bất kỳ ai sống ở phương Tây. Tôi dám nói như vậy.

Gennady Rozhdestvensky:

Có thể so sánh con người với cây nho. Cây nho khi mọc trên đất cằn, đầy sỏi đá, thì cho rượu ngon hơn, vì rễ nho phải đấu tranh để cắm sâu xuống lòng đất. Điều này nghe có vẻ dễ thương và có lẽ là đúng sự thực. Nhưng cái giá phải trả lại là một chuyện khác.

Yahudi Menuhin:

Trong năm đầu ấy, chính quyền Xô Viết còn chưa biết họ có thể làm tiền từ thu nhập của các nghệ sĩ Xô Viết ra nước ngoài biểu diễn. Vì thế năm đó Oistrakh còn giữ được tiền của mình, và đã mua violin, xe hơi, cùng những thứ khác. Nhưng ngay năm sau đó, người ta đã yêu cầu các thù lao biểu diễn phải được gửi thẳng về Nga. Đại sứ quán cấp cho các nghệ sĩ tiền ăn và họ chỉ có thể ở tại các khách sạn rẻ tiền. Khi các nghệ sĩ quay về Nga, họ được trả thù lao biểu diễn tại nước ngoài theo mức quy định của Nga. Đó là cách người ta đối xử với các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ bị nhà nước bóc lột thậm tệ. Oistrakh đã bị bóc lột cho đến khi chết. Nhà nước cố vắt từ Oistrakh càng nhiều ngoại tệ càng tốt.

Trích thư Oistrakh gửi gia đình

Paris 14/7/1954:

Em và các con yêu quý,

Anh đang chuẩn bị cho hai buổi diễn vào ngày 26 và 29. Công chúng đang rất chờ đón. Nhà hát Palais de Chaillot 3000 chỗ đã bán sạch vé. Anh ở tại Đại sứ quán. Số phone của anh là LITRE 95-41. Gọi cho anh nhé vì anh không thể gọi về nhà. Quá đắt. Tiền nhà nước cấp không đủ để mua đồ ăn. Anh có quá nhiều việc phải làm khiến anh không có thời gian đi thăm Paris, thành phố đẹp cực kỳ trong mùa này. Nhưng sau buổi diễn anh sẽ có thể thở và ở lại vài ngày, tuy điều đó sẽ làm anh trễ việc gặp lại em và các con và kỳ nghỉ hè của chúng ta ở Moscow. Chuyến lưu diễn này quả là dài và anh rất nhớ em và các con.

Yehudi Menuhin:

Họ xếp chương trình dày đặc đêm này qua đêm khác. Oistrakh vừa chơi, vừa chỉ huy, mà lại trong giai đoạn của đời ông sau khi ông đã trải qua hai trận nhồi máu cơ tim. Đó là điều không thể tha thứ được. Không một tên tư bản nào lại bóc lột trẻ con nặng nề hơn chính thể Xô Viết đã bọc lột Oistrakh.

Tin báo “Sự thật” (Pravda) ngày 25/10/1974:

Nền âm nhạc Xô Viết vừa chịu một mất mát không gì bù đắp nổi. Ngày 24/10/1974 David Oistrakh, một trong những nhạc công Xô Viết kiệt xuất nhất, nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Lenin, giáo sư nhạc viện Moscow, đã qua đời đột ngột. Danh tiếng của David Oistrakh trên thế giới gắn liền với những thành tựu vĩ đại nhất của nghệ thuật Xô Viết. Được nước mẹ Xô Viết đào tạo, ông là đảng viên cộng sản, một người hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với xã hội. David Oistrakh đã cống hiến tài năng của mình cho nhân dân và cho sự phát triến nền văn hoá xã hội chủ nghĩa.

*

Phim “David Oistrakh, nghệ sĩ nhân dân?” (phụ đề tiếng Pháp, các lời thoại trong phim bằng tiếng Nga, tiếng Anh, và tiếng Đức)

Phần 1:

http://www.youtube.com/watch?v=IwT6yoMIhAU

Phần 2:

http://www.youtube.com/watch?v=gE-4VL7JOls&feature=related

Phần 3:

http://www.youtube.com/watch?v=DUz1oQowQaE&feature=related

Phần 4:

http://www.youtube.com/watch?v=8OyRWFBAniM&feature=related

Phần 5:

http://www.youtube.com/watch?v=nOwuKTBoXAc&feature=related

Phần 6:

http://www.youtube.com/watch?v=M8IagqWgcek&feature=related

___________

Chú giải:

[1] Herbert von Karajan (1908 – 1989): nhạc trưởng người Áo, chỉ huy chính của Berlin Philharmonic trong suốt 35 năm, được coi là một trong những nhạc trưởng kiệt xuất nhất của mọi thời đại. Karajan gia nhập Đảng Quốc xã vào năm 1933 khi Hitler là thủ lĩnh đảng này.

[2] Wilhelm Furtwängler (1886 – 1954): nhạc trưởng và nhà soạn nhạc người Đức, được coi là một trong những nhạc trưởng sáng giá nhất của thế kỷ 20.  Ông đã ở lại phục vụ nước Đức quốc xã tuy ông không gia nhập Đảng Quốc xã. Năm 1949 ông nhận lời mời làm nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Chicago, nhưng lời mời sau đó đã bị hủy vì một số nghệ sĩ danh tiếng như Vladimir Horowitz, Arthur Rubinstein, Isaac Stern, Alexander Brailowsky dọa sẽ tẩy chay dàn nhạc nếu mời Furtwängler làm nhạc trưởng.

[3] Danh cẩm cello Mtislav Rostropovich (1927 – 2007) là người luôn tranh đấu cho nghệ thuật không biên giới, cho tự do ngôn luận và dân chủ. Hậu quả là ông luôn bị chính quyền Xô Viết đàn áp. Năm 1948 khi chính quyền Xô Viết buộc tội Dmitri Shostakovich theo “hình thức chủ nghĩa” và buộc ông ngừng giảng dạy tại nhạc viện Moscow, Rostropovich, khi đó là sinh viên 21 tuổi, đã bỏ nhạc viện để phản đối. Năm 1970, khi nhà văn Alexander Solzhenitsyn bị chính quyền Xô Viết đàn áp, không có nơi nương tựa, Rostropovich đã mời Solzhenitsyn tới trú ngụ tại nhà ông. Vì thế vào những năm đầu 1970 ông đã bị chính quyền cấm không cho ra nước ngoài lưu diễn. Năm 1974 Rostropovich cùng vợ con di tản sang Hoa Kỳ. Năm 1978 ông bị Liên Xô tước quốc tịch. Năm 1990, nước Nga phục hồi quốc tịch cho ông sau khi ông và gia đình đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Ông trở về Nga năm 1990 và mất tại đây năm 2007. Trong số hàng ngàn người đưa tang ông ngày 29/4/2007, có tổng thống Nga Vladimir Putin,  hoàng hậu Tây Ban Nha Sofia, vợ tổng thống Pháp Bernadette Chirac, tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliev, nơi Rostropovich ra đời, Naina Eltsina – vợ cố tổng thống Boris Eltsin.

Bản đăng tại website Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thứ Ba 6/9/2011.