“Hoa Sen Việt Nam” tỏa hương tại RIKEN

Nguyễn Đình Đăng

Cuối tháng 10 năm ngoái NSND Trần Thị Mơ, bè trưởng cello của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia (DNGH) Việt Nam, gửi tôi một comment trên FaceBook: “Hôm nào em sang anh em mình chơi cùng một bài nhé.”

Được lời như cởi tấm lòng! Ý tưởng giản dị đó là xuất phát điểm dẫn tới buổi hoà nhạc thính phòng tại viện Vật lý Hóa học Nhật Bản (gọi tắt là RIKEN) hơn 3 tháng sau đó.

Đầu tiên dự định của chúng tôi chỉ đơn giản là một hòa tấu cello và piano của hai người với nhau cho vui, nhằm ngày Mơ rảnh trong tour diễn tại Tokyo. Nhưng trong dịp sang Nhật Bản tháng 12/2016, tứ tấu đàn dây Hoa Sen Việt Nam chỉ có một đêm công diễn tại Tokyo, sau đó là lưu diễn tại các thành phố khác, nên cuộc chơi của chúng tôi đã không thành. Tứ tấu Hoa Sen Việt Nam được thành lập năm 2006, gồm 2 violinists – concertmaster của DNGH Việt Nam – là Lê Hoàng Lan và Đào Mai Anh, cellist Trần Thị Mơ, và một violist khách mời, hiện nay là NS Nguyễn Thu Bình.

Vào dịp nghỉ cuối năm 2016 Mơ thông báo tứ tấu Hoa Sen Việt Nam sẽ sang Tokyo lưu diễn từ 5/2 tới 10/2/2017 và có ngày 6/2/2017 (Thứ Hai) rảnh nên Mơ có thể hoà tấu với tôi. Tôi bèn đánh bạo hỏi thế các thành viên khác của tứ tấu có tặng công chúng tại RIKEN một buổi hòa nhạc được không. Sau khi được Mơ “bật đèn xanh”, tôi nghĩ đây là một dịp giao lưu văn hóa hiếm có để các nhà khoa học và nhân viên RIKEN được nghe các nghệ sĩ hàng đầu từ DNGH Việt Nam trình diễn.

Tôi lập tức gửi email thông báo cho Câu lạc bộ (CLB) âm nhạc RIKEN vào ngày 31/12/2016. CLB này là một nhóm các nhà khoa học và nhân viên yêu thích âm nhạc làm việc tại RIKEN. Các thành viên CLB hết thảy đều biết chơi một hai loại nhạc cụ. Có những người thời trẻ từng học nhạc nhiều năm nhưng sau đó không chọn con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Nói tóm lại, chúng tôi là các amateur. Hàng năm vào mùa thu chúng tôi thường tổ chức hòa nhạc. Vì thế ý tưởng có một buổi hoà nhạc tại RIKEN do các nghệ sĩ, chẳng những chuyên nghiệp mà lại còn thuộc hạng đầu bảng từ Việt Nam, trình tấu đã nhận được hưởng ứng từ nhiều thành viên CLB.

Thế là, bất kể đó là những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, chúng tôi lao vào thảo luận sôi nổi qua email về cách tổ chức buổi hòa nhạc này. Dĩ nhiên, là “kẻ chủ mưu”, tôi phải chịu trách nhiệm chính, nhưng các thành viên khác cũng tự nguyện nhận mỗi người một việc.

16641052_1828815867377305_5680249392325502652_n

Poster hòa nhạc của tứ tấu Hoa Sen Việt Nam tại RIKEN (N.Đ.Đ. thiết kế)

Sau khi đã thống nhất nội dung chương trình với tứ tấu Hoa Sen Việt Nam, tôi nhận thiết kế mẫu chương trình và poster thông báo buổi hòa nhạc. Lúc đầu tứ tấu dự định chơi 4 bài rồi khóa đuôi bằng “Thiên Nga” của Camille Saint-Saëns do Mơ (cello) và tôi (piano) hòa tấu. Tôi đã tập phần piano của “Thiên nga” từ cuối tháng 10/2016, nên trong dịp đưa gia đình thông gia về Hà Nội chơi đầu tháng 1/2017, tôi đã “phi” đến nhà Mơ để ghép với cello.

16463202_1828928914032667_8779866536965333105_o

Duo cello Mơ và piano Đình Đăng Saint-Saens “Thiên Nga” tại gia (Chú thích của cellist Ngô Hoàng Quân – phu quân của cellist Trần Thị Mơ và bạn 40 năm của N.Đ.Đ. từ thời chúng tôi cùng đáp một chyến tàu từ Hà Nội, qua Bắc Kinh, Ulan-Bator, xuyên Siberia, sang Moskva du học vào năm 1976)

Hai tuần trước buổi biểu diễn, Mơ inbox cho tôi: “Em Lan cũng muốn chơi với anh một bản.” Trời đất! NSƯT Lê Hoàng Lan, violon số 1 của DNGH Việt Nam muốn hòa tấu với tôi! Vinh dự này thật là lớn lao! Sung sướng này thật là vô hạn! Thực tâm tôi rất muốn được đệm piano cho cả Mơ và Lan tại buổi hòa nhạc này. Song tôi nghĩ mình phải biết tự kìm hãm, bởi CLB âm nhạc RIKEN không chỉ có mình tôi chơi piano. Tôi cần chia sẻ trải nghiệm này với các thành viên khác thì mới công bằng. Suy đi tính lại, tôi quyết định mời cô Sato Ai bởi cô thường xuyên đệm piano cho các nhạc cụ khác nhau tại các buổi hòa nhạc của CLB âm nhạc RIKEN. Tuy vậy, sau khi đưa tổng phổ bản “Méditation” (Trầm tư) từ ca kịch “Thaïs” của Jules Massenet mà Lan muốn chơi cho cô Sato, tôi vẫn lo nên cũng tự tập luôn phần piano để phòng hờ. Tải xuống từ YouTube video của các nghệ sĩ trứ danh chơi bản này, từ Itzhak Perlmann tới Sarah Chang, tôi tập đệm cho họ hàng ngày trong suốt hai tuần lễ.

RIKEN có 3 khán phòng có piano, trong đó Suzuki Umetaro Hall lớn nhất và có grand piano. Rủi thay khán phòng này đã bị booked cho một hội thảo ngày 6/2/2017 từ sáng tới 8 giờ tối. Tôi đành phải đặt Okochi Memorial Hall, 110 chỗ, chỉ có upright piano. Một phòng seminar gần Okochi hall cũng được đặt để làm phòng thay đồ cho các nữ nghệ sĩ. Ba nữ thư ký nhận nhiệm vụ chuẩn bị đồ uống, bánh ngọt cho khán giả và đón khách. Một tuần trước buổi diễn, các poster đã được gửi tới 19 phòng ban trên lãnh thổ trụ sở chính của viện RIKEN rộng 2.6 km2 tại thành phố Wako, nơi diễn ra buổi hòa nhạc. Một số thân hữu của chúng tôi sống tại Wako, Saitama, và Chiba cũng nhận lời mời tới nghe.

Tầm 3 giờ chiều ngày 6/2/2017 taxi chở “tứ đại mỹ nhân” Hoa Sen Việt Nam dừng bánh trước cửa Okochi Hall của RIKEN. Vừa tới là làm việc ngay. Sau khi giữ nhiệt độ trong phòng luôn ở mức 22 độ C, chúng tôi chơi ghép thử cello (Trần Thị Mơ) với piano (N.Đ.Đ.) và violin (Lê Hoàng Lan) với piano (Sato Ai).

16601902_1828817304043828_4907808169015412852_o

Lê Hoàng Lan và Sato Ai đang ghép Méditation của Jules Massenet

Sau đó bốn nữ nghệ sĩ tập với nhau, tôi và cô Sato ngồi nghe.

16463250_1828817570710468_7080484020238021708_o

Tứ tấu Hoa Sen Việt Nam đang tập trong Okochi Hall của RIKEN (1)

16602345_1828818224043736_6394073231219747265_o

Tứ tấu Hoa Sen Việt Nam đang tập trong Okochi Hall của RIKEN (2)

16665944_1828819024043656_1378049494034287685_o

16665005_1828822950709930_4475882230725485967_o

Poster chiếu trên màn hình trong khán phòng trước giở diễn (designed by N.Đ.Đ.)

16665634_1828819614043597_781797028070512411_o

Tứ tấu Hoa Sen Việt Nam trước giờ biểu diễn tại RIKEN

Chúng tôi phải chờ thêm 2 phút để các khách tới muộn vào kịp, thành ra buổi hòa nhạc bắt đầu lúc 18:02. Khán phòng kín chỗ, không ai được phép quay phim, chụp ảnh, thu âm. Một người ngoại quốc vừa giơ iPhone định chụp đã lập tức được một người Nhật ngồi phía sau ra hiệu ngừng.

Chương trình hòa nhạc gồm 6 nhạc phẩm, được chia làm hai phần:

Phần I:
1 – Hoàng Dương, Tổ khúc “Những kỷ niệm quê hương
2 – George Frideric Handel, Passacaglia cung Sol thứ
3 – Jules Massenet, Méditation từ ca kịch “Thaïs
Violin: Lê Hoàng Lan, piano: Sato Ai (RIKEN Center for Emergent Matter Science)

Phần II:
4 – Dân ca Okinawa: Bashofu (芭蕉布: ba tiêu bố)
5 – Ion Ivanovici: Sóng Danube
7 – Camille Saint-Saëns: Thiên nga (Le Cygne)
Cello: Trần Thị Mơ, piano: Nguyễn Đình Đăng (RIKEN Nishina Center)

Việc công diễn nhạc phẩm “Những kỷ niệm quê hương” của nhạc sĩ và cellist Hoàng Dương tại buổi hòa nhạc này có thể được xem như trình tấu đầu tiên tưởng niệm ông sau ngày ông ra đi trước đó đúng một tuần lễ.

16463721_1828820397376852_1627464182237469995_o

Từ trái: Trang 4 và trang 1 chương trình biểu diễn của tứ tấu Hoa Sen Việt Nam tại RIKEN (designed by N.Đ.Đ.)

16587231_1828820557376836_3349760493992904218_o

Từ trái: Trang 2 và trang 3 chương trình biểu diễn của tứ tấu Hoa Sen Việt Nam tại RIKEN

16487823_1828821094043449_2530584021320704987_o

Tóm tắt lịch sử các nhạc phẩm trong chương trình (phần tiếng Anh, do N.Đ.Đ. tóm lược)

16601923_1828821370710088_3884549734229099230_o

Tóm tắt lịch sử các nhạc phẩm trong chương trình (phần tiếng Nhật, do N.Đ.Đ. soạn thảo, Prof. A. Ikeda hiệu đính)

Ngôn từ khó có thể mô tả được âm nhạc. Chỉ có tới nghe và thấy thì mới thực sự cảm nhận được.

Tôi cũng đã quá lo xa. Cô Sato Ai đã tỏ ra rất chuyên nghiệp – theo lời của chính NS Lê Hoàng Lan. Khi mới ghép thử với Lan trước buổi diễn, cô còn chưa tự tin lắm. Nhưng sau khi Lan nói ý đồ thể hiện, cô đã hiểu ngay và “tự diễn biến” rất nhanh. Đến lúc biểu diễn thật cô đã chơi rất ăn ý với Lan. 素晴らしい! (Subarashi: Tuyệt vời).

16463391_1828953017363590_211158549685968567_o

Lời cô Sato Ai cảm ơn tôi đã mời cô hòa tấu với NS Lê Hoàng Lan

16665733_1828913100700915_7285412246113229934_o

Hai bar cuối cùng trong bản hòa tấu cello và piano “Thiên nga” (Le Cygne) của nhà soạn nhạc Lãng mạn Pháp Camille Saint-Saëns

Hòa thanh piano cuối cùng, với nốt “si” tay phải và nốt “sol” tay trái, trong bản “Thiên nga” vừa tắt, tiếng vỗ tay nổi lên, NS Trần Thị Mơ tươi cười đưa tay bắt tay tôi. Tứ tấu bước ra cúi chào. Tiếng vỗ tay vẫn không dứt. Tôi hỏi khán giả: 「アンコールしましょうか?」(Ta làm encore chứ?) khiến cả khán phòng cười rộ. Và tứ tấu tặng thêm khán giả bản “Trống cơm” sôi nổi bốc lửa với những cú vỗ bàn tay vào thân violin và đập archet lên dây cello tạo nhịp trống.

16665622_1828830270709198_2200674310451674368_o

Tứ tấu Hoa Sen Việt Nam cùng hai pianist từ RIKEN Sato Ai (trái) và Nguyễn Đình Đăng (phải) sau đêm diễn tại RIKEN

Kết thúc buổi hòa nhạc, bốn “giai đẹp” của CLB âm nhạc RIKEN bước ra tặng “tứ đại mỹ nhân” 4 bông hồng đại đóa: hai bông màu đỏ tặng hai violinist Lê Hoàng Lan và Đào Mai Anh, bông màu hồng tặng violist Nguyễn Thu Bình, và bông màu cam tặng cellist Trần Thị Mơ.

Buổi hòa nhạc đã thành công mỹ mãn. Trong đời tôi có vài lần chứng kiến những sự kiện được tổ chức hoàn hảo. Đêm nhạc này là một trong những ví dụ như vậy.

Có hồi kết đẹp nào mà lại thiếu party?

Tôi đã đặt trước 3 bàn cho 12 người tại nhà hàng thịt bò Nhật nướng Wako-En (和香苑: Hòa hương uyển) để đãi 4 vị khách quý từ Việt Nam. Phía chủ gồm 6 thành viên của CLB âm nhạc RIKEN và vợ chồng tôi. Party cực vui. Lưỡi bò Nhật ở nhà hàng thành phố Wako được khen ngon hơn lưỡi bò đặc sản Sendai! Chưa hết, tôi còn học được từ các nữ nghệ sĩ các từ vựng mới của tiếng Việt như “bung lụa”, “thả thính”, “đong”, “xõa”, v.v.

16462896_1828831377375754_7479498478163005696_o

Party tại nhà hàng thịt bò nướng Wako-En sau buổi hòa nhạc. Dựa tường là hộp cello của NS Trần Thị Mơ được bọc trong túi nylon do TS M. Watanabe chuẩn bị để ngăn khói bốc lên từ thịt bò Nhật nướng ám vào các nhạc cụ của các nghệ sĩ Việt.

16601848_1828831274042431_2011083715880560327_o

Thịt bò Nhật trên lò nướng

Tiễn tứ tấu Hoa Sen Việt Nam ra về, tại bến taxi tôi được ôm từng bông sen một. Vui đến thế là cùng chứ còn gì nữa!

Đêm thứ ba của mùa xuân, 7/2/2017

Nhãn: , , , , , , , , ,

Phản hồi của bạn: