Dessin là gì?

Nguyễn Đình Đăng

Từ điển Larousse định nghĩa “dessin” (tiếng Pháp) là cách biểu diễn hình của một hay nhiều vật thể hoặc/và một hay nhiều người/động vật trên một bề mặt, chú trọng trước hết đến đường nét, hình khối, độ đậm nhạt sáng tối, hơn là màu của chúng.

Định nghĩa thực dụng này hoàn toàn không nêu được ý nghĩa sâu xa cũng như nguồn gốc của “dessin”, một khái niệm đặc thù trong nghệ thuật châu Âu, một môn nghệ thuật chỉ thực sự trở thành phương tiện truyền bá chủ yếu trong giảng dạy, phát triển, khám phá, và sáng tạo sau khi giấy được cung cấp đại trà cho hoạ sỹ kể từ thời Phục Hưng. Quan niệm về dessin cũng đã được hình thành và xây dựng từ thời kỳ đó.

“Dessin” (phát âm: đê-xăng*) là từ tiếng Pháp có gốc từ tiếng Pháp cổ “dessein” (ý đồ, ý định, dự định). Từ này lại có xuất xứ từ tiếng Latin “designare”, có nghĩa là “vạch ra, chỉ định, chọn lựa”. Danh từ tiếng Ý “disegno” (phát âm: đi-ze-nhô) và tiếng Anh “design” (phát âm: đi-zai) cũng bắt nguồn từ đây. Cho tới ít nhất khoảng t.k. XVII, động từ tiếng Pháp “dessiner” (phát âm: đét-xi-nê) có hai nghĩa là “thiết kế, hoạch định” và “vạch đường viền”. Do đó từ “dessein” vừa có nghĩa một “thiết kế, dự án” lại vừa có nghĩa là “cách biểu diễn đồ hoạ”. Từ điển năm 1690 của Antoine Furetière định nghĩa “dessin” vừa là “thiết kế, ý đồ”, nhưng đồng thời cũng là “tư duy trong tưởng tượng về trật tự sắp xếp, phân bố, và cách xây dựng một bức tranh, một bài thơ, một cuốn sách, một tòa nhà.” 

Trong cuốn L’idea de’pittori, scultori e architetti (Ý tưởng của hoạ sỹ, điêu khắc gia và kiến trúc sư, 1607) Frederico Zuccari (Frederigo Zuccaro) (1540/41 – 1609) đã phân disegno thành hai loại là “disegno interno” (dessin nội tại) và “disegno esstero” (dessin ngoại tại). Disegno interno hiện hữu trước khi có sự thể hiện nghệ thuật và là biểu hiện của Trí tuệ Phổ quát từ Thượng Đế trong trí tuệ con người. Tuy nhiên, Zuccari cho rằng sự hình thành dessin nội tại trong con người khác xa Thượng Đế. Thượng Đế chỉ có một Dessin Duy nhất, hoàn hảo nhất, chứa tất cả, không khác chính Ngài, bởi lẽ tất cả những gì trong Thượng Đế chính là Thượng Đế. Còn trong con người hình thành nhiều dessin tương ứng với những sự vật khác nhau mà y cảm nhận. Vì thế dessin của con người là sự tình cờ, và có nguồn gốc thấp kém hơn, dựa vào các giác quan.

Theo Zuccari, dessin nội tại trong con người được hình thành như một lóe sáng siêu phàm (scintilla della divinita), tương tự cây gậy quật vào hòn đá làm tóe ra các tia lửa, như một ý niệm đầu tiên biểu hiện Ý tưởng, theo triết học của Plato và Aristotle, trong tưởng tượng thông qua giác quan. Lóe sáng này là sự biến đổi của Ý tưởng thành nhận thức mà vẫn bảo tồn cả vật chất lẫn hình thức.

Trong khi trí tuệ của chúng ta hình thành một Dessin Phổ quát nào đó, thì đồng thời hai giác quan nội tại là nhận thức và tưởng tượng cũng cùng hình thành một dessin riêng của chúng. Đó là dessin ngoại tại, hay dessin bên ngoài, như một tương quan đặc biệt ứng với dessin nội tại, hay dessin bên trong, của sự trừu tượng và trí lực trong Ý tưởng. Dessin bên ngoài là một dạng đặc biệt của vật chất, tạm thời xác định hình thức phổ quát. Sự hình thành những riêng biệt ở dessin bên ngoài, sự nhận dạng các thể loại, như trong giấc mơ, là một quá trình khoa học. Dessin là phương tiện nhờ đó Ý tưởng trong trí tuệ trở thành hình thức bên ngoài trong tác phẩm nghệ thuật. Dessin vừa là lý thuyết vừa là thực hành, ứng với hai trí năng trong chúng ta, trí năng hiểu biết suy diễn nhằm các mục đích phổ quát, và trị năng thực hành nhằm thực hiện những thao tác của chúng ta. Dessin là biểu hiện và tuyên ngôn của một quan niệm xuất hiện trước hết trong tâm trí. Dessin nội tại tạo ra Ý tưởng, còn dessin ngoại tại tạo ra trải nghiệm thị giác bên ngoài. Được xác định dưới dạng thị giác, dessin ngoại tại là hình thức cùa mọi hình thức mẫu mực của mọi vật chúng ta có thể tưởng tượng và tạo hình. Nó là một dạng thức của khoa học, một khả năng xác định tỉ lệ của lượng trong các vật nhìn thấy được, đồng thời cũng định nghĩa cho trí tuệ của chúng ta. Nó khiến mọi vật được trí tuệ hình dung hiển hiện như trong một tấm gương sáng, khiến ta có thể nhìn thấy được. Như vậy, bằng thể hiện những hình thức thị giác, dessin là biểu hiện của ý tưởng.

Trái: Nhà tiên tri Joel trên bích hoạ Sistine (1508 – 1512) của Michelangelo
Giữa: Copy của Peter Paul Rubens (kh. 1601 – 1602)
Phải: Copy của Nguyễn Đình Đăng (2019)

Sáu thập niên sau Zuccari, giám đốc Hoạ viện Paris Le Brun cũng đã diễn giải lại quan niệm này một cách đơn giản hơn trong diễn từ ngày 9/1/1672 như sau:

“Ta cần biết có hai loại dessin: một là dessin tinh thần hay lý thuyết, loại kia là thực hành. Loại thứ nhất phụ thuộc thuần túy vào trí tưởng tượng. Dessin thực hành được tạo bởi tri thức và do đó phụ thuộc vào trí tưởng tượng và bàn tay. Chính bàn tay, với một cây bút chì, tạo nên hình khối và tỉ lệ, và mô phỏng tất cả mọi vật nhìn thấy được cho tới việc biểu hiện các cảm xúc.” 

Các bậc thày Phục Hưng như Léon Alberti, Leonardo da Vinci, Gorgio Vasari đều suy ngẫm về các khả năng rất đa dạng của dessin như sự liên kết giữa nhận thức và thực hành. Leonardo da Vinci coi “dessin là tinh túy tới mức không chỉ cho thấy các tác phẩm của tự nhiên, mà còn sản sinh ra một số lượng đa dạng hơn rất nhiều. Và vì vậy chúng ta kết luận rằng nó không chỉ là một khoa học (…) Nó còn hơn cả tự nhiên bởi lẽ những dạng cơ bản của tự nhiên là hữu hạn, trong khi những tác phẩm mà mắt đòi hỏi ở bàn tay là vô hạn.” Nó là kết quả cùa một trí năng thị giác kết hợp chặt chẽ với một hiểu biết sâu sắc về thế giới tự nhiên. Sự tạo ra các hình ảnh phải được đặt trong bối cảnh trí tuệ, khoa học và xã hội. 

Tóm lại dessin hay disegno từng được các bậc thày Phục Hưng quan niệm như dấu ấn của Thượng Đế in trong hoạ sỹ. Quan niệm này có thể được ghi nhớ qua lối chơi chữ: Disegno (Dessin) = Dio (Thượng Đế) + Segno (Ký hiệu). Nó như một cảm hứng tinh thần, không bị chi phối bởi các quy tắc phàm trần về toán học hay hình học, mà là một hình ảnh thuần khiết xuất hiện trong tâm trí hoạ sỹ rồi tuôn chảy thành các đường nét. Ngày nay, từ dessin (trong tiếng Pháp) hay drawing (trong tiếng Anh) chỉ mang nghĩa một thực tại hạn hẹp, thuần túy đồ hoạ, mà không còn bao hàm mối liên hệ giữa dessin và tư duy nữa. Nghĩa của dessin như dessein trong tiếng Pháp cổ hay disegno trong tiếng Ý đã mai một.

Trái: Nữ thần mùa xuân, bích hoạ t.k. I, 38 x 32 cm, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Napoli.
Phải: Copy của Nguyễn Đình Đăng, 5/9/2020, sanguine trên giấy khổ A4.

Tới đây bạn đọc có thể hiểu vì sao không thể dịch được thuật ngữ “dessin” sang tiếng Việt bởi bất cứ một cố gắng nào nhằm gán cho thuật ngữ này một từ thuần Việt như “vẽ đi nét”, hay thuần “Hán-Việt” như “hình hoạ”, “ký hoạ”, hay “phác hoạ” đều đánh mất ý nghĩa sâu xa của nó. Hậu quả là người học vẽ và những người muốn trở thành hoạ sỹ sẽ chỉ coi môn nghệ thuật này như một phương tiện thuần túy thực dụng, nhằm dựng được một cái hình, mà không thể nào hiểu nổi bản chất thiêng liêng và cao quý của nó. Vì vậy mà dessin được vẽ ra ngày càng ngô nghê, khô cứng, vô hồn, bởi nó đã trở nên “vong bản” và “mất tinh thần từ những thuở xa xôi”, như trong một câu thơ của thi sỹ Đinh Hùng ngày trước.

______

*) Ở ta xưa nay thường phiên âm sai thành đét-xanh.

Tài liệu tham khảo:

[1] Federigo Zuccaro, L’idea de’pittori, scultori e architetti (Marco Pagliarini, Roma, 1778). 

[2] Charles Blanc, Grammaire des arts du dessin (Librairie Renouard, Paris, 1880).

[3] John S. Hendrix, Humanism and Disegno: Neoplatonism at the Accademia di San Luca in Rome” (2007), School of Architecture, Art, and Historic Preservation Faculty Publications, Paper 1.

[4] Patricia L. Reilly, Drawing The Line: Benvenuto Cellini On The Principles And Method Of Learning. The Art Of Drawing And The Question Of Amateur Drawing Education. Benvenuto Cellini: Sculptor, Goldsmith, Writer. (2004) 26-52.

19 bình luận to “Dessin là gì?”

  1. Amply karaoke Says:

    Nội dung bài viết rất hấp dẫn, xin cảm ơn tác giả

  2. trung Says:

    khi nào tác giả xuất bản cuốn sách dessin ạ
    tôi có thể đặt mua ỡ đâu .

  3. Nguyễn Minh Kiên Says:

    Chào bác Đăng, cháu cũng hay theo dõi các bài viết cảu bác. Cháu muốn hỏi bác một chút là kỹ thuật chiaoscuro hay sfumato thời phục hưng có phải bắt nguồn từ kỹ thuật skiagraphia của hội họa Hy Lạp không ạ? Cảm ơn bác.

    • nguyendinhdang Says:

      “Schiagrahia” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “bóng”. Trước khi hội hoạ ra đời, người Hy Lạp chỉ vẽ dessin theo lối viền xung quanh một hình phẳng một màu, như cái bóng đen, tiếng Pháp sau này gọi là silhouette. Kỹ thuật vẽ đó gọi là schiagraphia. Ngày nay thuật ngữ schiagraphy có nghĩa là chụp ảnh bằng tia X.

      Sau đó Ardices ở Corinth và Telephanes ở Sicyon nghĩ ra kỹ thuật gạch bóng. Theo Pliny the Elder: “Ardices ở Corinth và Telephanes ở Sicyon là hai hoạ sỹ đầu tiên thực hành vẽ đường viền và lên bóng trên hình bên trong đường viền bằng các đường nét phân tán (spargentes lineas intus) mà không dùng bất cứ màu nào.” Kỹ thuật này có tên là graphikos.

      Apollodorus Skiagraphos (Apollodorus vẽ bóng), t.k. V TCN, là người nghĩ ra kỹ thuật lên bóng, cũng vẫn được gọi là skiagraphia, nhưng là lên bóng bên trong hình, để tạo khối, chứ không phải skiagrahia theo nghĩa silhouette như trên, nhưng không ai biết cụ thể kỹ thuật của Apollodprus là thế nào. Thậm chí có giả thuyết cho rằng đó là tổ tiên của kỹ thuật mà sau này các hoạ sỹ Ấn tượng “phát minh” ra, vì theo các văn bản cổ, kể cả của Plato và Aristotles, thì skiagraphia là cách vẽ mà khi nhìn xa các chi tiết, vết màu hòa lại thành một tổng thể, một màu chung (Như vậy từ thời cổ Hy Lạp người ta đã biết thế nào là hòa sắc quang học được tạo bởi các chấm màu đặt cánh nhau khi nhìn xa, chứ không phải chờ đến Seurat và Signac ở t.k. XIX).

      Về chiaroscuro và sfumato, xem trang 366 – 372 trong cuốn “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” của tôi. Khi nói đến chiaroscuro là muốn nhấn mạnh tương phản sáng tối, và tương phản này có thể được tạo bởi gạch bóng, schiagraphia hay dùng tương phản đậm nhạt của các mảng màu.

  4. Nguyen Says:

    Cháu chào bác ạ. Một vấn đề ngoài lề mà cháu muốn thắc mắc là khi vào trang web tranh của bác thì hình ảnh của tranh không hiện lên ạ? Một số tranh khi bấm vào thì xuất hiện nhưng một số thì không. Cháu mong bác giải đáp thắc mắc này, cháu cảm ơn bác nhiều ạ!

  5. Uyen Vu Says:

    Bác Đăng ơi cháu từng đọc một bài viết của bác về dessin có nói người học vẽ cần nắm vững được giải phẫu, hiểu cấu trúc, tỉ lệ người, phối cảnh, để có thể nhìn ra và vẽ lại chính xác. Hiện tại cháu đang tự học drawing nhưng vẫn non nớt lắm. Cháu muốn hỏi ý kiến bác là cháu nên đọc kĩ về giải phẫu người và phối cảnh trước khi luyện dessin hay cứ chép tranh luôn ạ?
    Nhân tiện, nếu bác có những cuốn sách ưng ý liên quan đến dessin, giải phẫu, phối cảnh thì cháu cũng mong được bác gợi ý cho ạ 😀
    Cháu cảm ơn bác ạ!

  6. Hải Yến Says:

    Thưa bác Đăng,
    Cháu thấy trong các bài viết bác thường nhắc đến việc copy dessin của các bậc thầy cổ điển. Bác có thể đưa ra một số hướng dẫn để có thể copy chính xác được không ạ? Khi thấy những bản copy với độ chính xác gần như tuyệt đối của bác cháu thấy rất ngưỡng mộ ạ.

  7. Hải Yến Says:

    Thưa bác Đăng,
    Cháu thấy trong các bài viết bác thường nhắc đến việc copy dessin của các bậc thầy cổ điển. Vậy bác có thể đưa ra một số gợi ý hoặc phương pháp để copy cho chuẩn xác không ạ? Có những dessin cháu tập vẽ nhiều lần và có tẩy xóa mà khi đối chiếu lại bản gốc vẫn thấy không giống, tỉ lệ không chuẩn. Khi nhìn những bản copy với độ chính xác gần như hoàn hảo của bác cháu thấy thật sự ngưỡng mộ ạ.
    Cháu cảm ơn bác.

    • nguyendinhdang Says:

      1 – Lúc đầu có thể dùng phương pháp kinh điển được dạy từ thời Phục Hưng là kẻ ô và kẻ chéo để can đường viền.

      2 – Nên bắt đầu bằng chép các dessin đơn giản, chỉ có chủ yếu là các đường viền.

      3 – Theo Roger de Piles, một dessin đẹp cần thỏa mãn bốn tiêu chuẩn:

      1 – Chính xác
      2- Nắm bắt được đặc điểm
      3 – Biểu cảm
      4 – Tao nhã

      Vì thế chính xác chỉ là yêu cầu đầu tiên trong việc copy để làm cơ sở cho việc nắm được 3 yêu cầu tiếp theo. Cho nên, copy là cách để luyện mắt nhìn cho chính xác và luyện tay cho khéo léo.

      • Hải Yến Says:

        Dạ cháu cảm ơn bác Đăng.

      • Minh Says:

        Dạ con thưa thầy , thầy có thể giải rõ nghĩa 4 tiêu chuẩn thầy vừa nhắc được không ạ. Con có tra từ điển nhưng nghĩa vẫn chưa đúng ý còn. Còn cám ơn thầy
        Thứ 1 chính xác
        Thứ 2 nắm bắt đặc điểm
        thứ 3 là biểu cảm
        Thứ 4 là tạo nhã

        • nguyendinhdang Says:

          Chính xác tức phải vẽ đúng hình, đúng tỉ lệ, đúng luật viễn cận, v.v.

          Nắm bắt đặc điểm: Ví dụ mỗi người có những nét riêng làm họ khác người khác, khiến nhìn là nhận ra họ ngay. Phải nêu bất được những đặc điểm đó.

          Biểu cảm là phải sống động.

          Tao nhã là, ví dụ khi vẽ một người, phải nhìn ra và diễn tả được sự cao quý trong phẩm chất, dáng vẻ của người đó.

          • minh Says:

            dạ con cám ơn thầy nhiều ạ.

          • minh Says:

            cám ơn thầy đã giãi nghĩa. con đang nghiên cưu cuốn dessin của Charles Bargue and Jean-Leon Gerome tái bản. Liệu cuốn này có quá sức đối với người nhập môn như con không ạ, Con xin thầy nhận xét cuốn này như thế nào ạ Con cám ơn thầy

            • nguyendinhdang Says:

              Cuốn đó xem thì được vì có nhiều phiên bản dessin của các bậc thày, nhưng học theo thì không nên vì hỏng cả nét lẫn lên bóng. Đó là cuốn dạy drawing theo lối vẽ thương mại đương thời, dựa vào ảnh chụp. Picasso học theo giáo trình này nên vẽ dessin bằng các nét như dây thép. Cháu hãy nghiên cứ và tập chép dessin của các bậc thày cổ điển như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Dürer, Holbein.

Phản hồi của bạn:

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s


%d người thích bài này: