Triển lãm lần thứ 49 của hội mỹ thuật Chủ Thể

Nguyễn Đình Đăng

Triển lãm của hội Mỹ thuật Chủ Thể (主体美術協会) có tên là Shutai Ten (主体展) tức Triển lãm Chủ Thể, được tổ chức hàng năm vào 2 tuần đầu tiên của tháng 9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung ương Tokyo (BTMT Tokyo) (Tokyo Metropolitan Art Museum). Sau đó triển lãm được bày lưu động tại BTMT Kyoto và BTMT Aichi tại Nagoya. Triển lãm năm nay là lần thứ 49 kể từ triển lãm đầu tiên khi hội mỹ thuật Chủ Thể được thành lập vào năm 1964.

1) Gửi tranh triển lãm

Triển lãm nhận tranh của hội viên vào ngày 22/8 và tranh của các tác giả chưa phải hội viên vào ngày 23/8, từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Trong 10 năm nay, kể từ khi tôi bắt đầu tham dự Shutai Ten, ngày giờ nhận tranh chưa bao giờ thay đổi.

Vì tranh bày tại triển lãm thường có kích thước lớn, khoảng từ F100 (130 x 162 cm) trở lên, các hoạ sĩ đều thuê hãng chuyên nghiệp vận chuyển tranh tới bảo tàng. Khoảng 2 tuần trước ngày nộp tranh, tôi chỉ cần gọi điện tới hãng để hẹn ngày họ tới nhà tôi lấy tranh. Sau khi triển lãm kết thúc, hãng lại đem tranh trả về nhà tôi. Tiền vận chuyến trọn gói tôi trả khi hãng tới nhà nhận tranh. Phí vận chuyển phụ thuộc kích thước và số lượng tranh. Mười năm nay giá tiền đó chưa hề thay đổi.

Xe của các hãng vận chuyển tranh tập kết tại cửa sau của BTMT Tokyo.

BTMT Tokyo có một hệ thống tiện lợi cho việc vận chuyển tác phẩm. Cửa sau của bảo tàng, nơi các xe tải chở tranh tập kết, có bậc thềm cao ngang tầm sàn xe để dễ vận chuyển tranh. Sau đó tranh được đặt lên xe tay, đẩy tới thang máy, đưa xuống nhà kho ở tầng B3 (tầng thứ 3 dưới mặt đất), cũng là nơi diễn ra các cuộc họp bình duyệt tranh của các hội mỹ thuật trước mỗi kỳ triển lãm.

IF

Tranh được đưa từ xe tải vào bảo tàng.

Việc nhận tranh, vào sổ, thu thập số liệu vào PC được phân công cho các hội viên. Nhiều năm nay tôi nhận nhiệm vụ chụp tranh của hội viên để làm sơ đồ treo tranh tại triển lãm. Công việc này chẳng có gì khó, vì hội đã chuẩn bị sẵn máy ảnh digital và chân chống. Tôi chỉ cần ngắm và bấm sao cho chuẩn không cần chỉnh. Ngoài ra bao giờ cũng có 2 người khác dự bị, phòng khi người chụp … té xỉu, thì lập tức có người tay thế, để công việc khỏi bị gián đoạn.

IF

Nơi nhận tranh của hội mỹ thuật Chủ Thể tại tầng B3 của BTMT Tokyo

IF

Quang cảnh phòng chúng tôi chụp tranh. Bình duyệt tranh cũng diễn ra tại đây.

Ngoài việc chụp tranh nội bộ nói trên, chúng tôi thuê thợ ảnh chuyên nghiệp chụp tất cả các tranh được bày để in vựng tập. Vựng tập này được tặng cho các tác giả và bày bán tại triển lãm với giá 2000 yen/cuốn (khoảng 20 USD). Nhóm thợ chuyên chụp tranh có 3 người: Một “đại ca”, một thợ bấm máy, và một chuyên gia vi tính. Mỗi ảnh chụp xong đều được truyền ngay từ máy ảnh vào PC để kiểm tra chất lượng. Kỹ thuật viên chụp ảnh và chuyên gia vi tính luôn kính cẩn gọi đại ca là “tiên sinh” (先生) hay sư phụ.

IF

Thợ ảnh chuyên nghiệp đang chụp tranh của Shutai Ten 49.

Chúng tôi cũng thuê một công ty chuyên khuân vác và treo tranh. Mọi chi phí cho triển lãm được trích từ hội phí của hội viên và lệ phí của các tác giả ngoài hội. Lệ phí của mỗi tác giả ngoài hội là 12 ngàn yen (khoảng 120 USD) nếu nộp từ 1 tới 3 tranh. Trên 3 tranh thì cứ mỗi tranh thêm 2 ngàn yen (khoảng 20 USD). Như thế, đứng về mặt kinh tế, tác giả chưa phải hội viên khỏe re vì lệ phí nộp tranh thấp hơn hội phí vài lần. Hơn nữa tác giả ngoài hội chưa quá 30 tuổi còn được miễn phí.

Nhưng hội viên có một quyền lợi rõ to: tranh không phải duyệt, bởi một khi bạn đã trở thành hội viên một hội mỹ thuật (ở Nhật) tức là tài năng và trình độ chuyên môn của bạn đã được công nhận ít nhất là ngang hàng với tất cả các hội viên khác. Điều đó có nghĩa là không hội viên hay hội đồng nghệ thuật nào của hội có quyền duyệt tranh của bạn nữa. Hội viên có thể bày bất cứ tranh nào họ thích, với một điều kiện duy nhất: Tranh chưa từng được bày tại các triển lãm trước của hội. Quyền này là bất khả xâm phạm tức không một cá nhân, cơ quan, tổ chức, hay chính quyền nào có thể can thiệp.

2) Bình duyệt tranh của các tác giả ngoài hội và giải thưởng

DSCN0959

Tranh của các tác giả ngoài hội chờ bình duyệt, xếp tại tầng B3 BTMT Tokyo.

Chúng tôi duyệt tranh trong 3 – 4 ngày tùy theo số lượng và chất lượng tranh gửi tới. Trong những ngày đó các hội viên tụ họp tại một phòng ở tầng B3 của BTMT Tokyo. Các thanh niên khoẻ mạnh của công ty chúng tôi thuê bê tranh vào bày trước mặt các hội viên. Mọi người xem, phát biểu quan điểm ủng hộ hay phản bác của mình (nếu có) với mỗi tác phẩm. Sau đó các hội viên biểu quyết công khai. Tranh nào được quá nửa số biểu quyết thuận thì được chọn treo. Trong số tranh được chọn có những bức được đề cử giải thưởng. Những bức này sẽ lại được đưa ra bình vào buổi cuối cùng để quyết định các tác phẩm đoạt giải.

Trước kia hội chỉ có một giải có tên “Tác giả có tác phẩm đẹp” (佳作作家).  Vài năm gần đây, để phân định tài năng cho rõ hơn, hội định ra 3 hạng giải: “Tác giả có tác phẩm ưu tú”  (秀作作家), “Tác giả có tác phẩm đẹp” (佳作作家), và “Tác giả mới ” (新人賞). Người đoạt giải 2 – 3 lần có thể trở thành hội viên tùy theo kết quả bỏ phiếu kín vào buổi vernissage 31/8, tức hôm trước ngày khai mạc. Một số tác giả xuất chúng trở thành hội viên chỉ sau 2 – 3 lần tham gia triển lãm. Đó là những người có tác phẩm ngay lập tức gây trầm trồ từ đại đa số hội viên. Còn nói chung, tác giả phải mất khoảng 10 – 15 năm tham gia triển lãm mới có thể trở thành hội viên. Có những người đã bền bỉ tham gia triển lãm Chủ Thể 20 – 30 năm mà vẫn chưa được bầu làm hội viên.

IF

Một buổi duyệt tranh của hội mỹ thuật Chủ Thể tại BTMT Tokyo

Các buổi bình chọn tranh nhiều khi cũng sôi nổi và đầy kịch tính khi các hội viên bất đồng quan điểm. Những câu:

Đề nghi ông X lựa chọn từ ngữ khi phát ngôn“,

Tác giả này nên học lại về lập thể“,

73 tuổi mà còn vẽ như thế này à? Loại!”,

Ngược với nhận xét của ông Y, tôi thấy bức này chẳng có gì là được, màu bẩn, bố cục xộc xệch, ý đồ không thuyết phục, chất liệu không lên

v.v.

không phải là hiếm.

Cũng có những nhận xét tuy rất nghiêm túc nhưng gây cười như: “(Bức này) trông ghê cả người! Chọn treo!

Hội viên chỉ có một giải thưởng của Quỹ Mỹ thuật Sompo Japan do Tập đoàn bảo hiểm Sompo tài trợ, có tên tiếng Anh là “Outstanding Raising Artist” (Hoạ sĩ xuất sắc đang nổi lên). Hội viên bỏ phiếu kín (cũng vào ngày 31/8) để chọn ra một hoạ sĩ nhận giải Sompo Japan.

Các giải thưởng được trao và hội viên mới ra mắt trong tiệc khai mạc vào đêm 1/9 tại Seiyoken – khách sạn nổi tiếng tại công viên Ueno, mở từ năm 1872. Trừ một vài khách mời như các nhà phê bình hay đại diện của Sompo Japan, còn các hội viên và tác giả có tranh được bày đều phải trả 9 ngàn yen/người (khoảng 90 USD) nếu dự tiệc.

Từ nhiều năm nay, chưa có tác giả nào đặc biệt cuốn hút tôi. Phần lớn hình hoạ của họ yếu. Nhưng lần này hai bức sơn dầu của Hiroshi Kobayashi, một hoạ sĩ 25 tuổi, đã gây cho tôi ấn tượng tốt.  Tại buổi chấm giải có ý kiến lưỡng lự giữa trao cho anh giải “Tác giả có tác phẩm đẹp” hay “Tác giả có tác phẩm ưu tú“, tức giải cao nhất. Là người cuối cùng lên tiếng, tôi nói: “Tôi muốn chọn anh ta là ‘Tác giả có tác phẩm ưu tú’.” Tôi đã toại nguyện: Đại đa số hội viên đã giơ tay đồng ý. Đây là lần thứ 3 Hiroshi Kobayashi tham gia Shutai Ten. Năm 2011, anh tham gia lần đầu tiên và đã đoạt giải “Tác giả mới” khi còn là sinh viên năm thứ 4 khoa mỹ thuật tạo hình của Viện Mỹ thuật và Thiết kế Toyo (Toyo Institute of Art and Design). Năm 2012, anh lại tiếp tục đoạt giải “Tác giả có tác phẩm đẹp” với bức “Hòa quện xung động”. Với giải “Tác giả ưu tú” cho hai bức “Retrospective” (Hồi tưởng) I và II lần này, anh xứng đáng trở thành hội viên.

IF

Tác giả của hai bức tranh này, Hiroshi Kobayashi, là một thanh niên 25 tuổi. Anh được chọn là một trong 7 “Tác giả có tác phẩm ưu tú” và được đề cử hội viên.

SYUTAI-223

Hiroshi Kobayashi
Hòa quện xung động, 2012
sơn dầu, 162 x 162 cm,
giải “Tác giả có tác phẩm đẹp” tại Shutai Ten 48 (2012)

Năm nay Shutai Ten đã chọn được 195 tác phẩm của 188 tác giả ngoài hội. Trong số đó có 17 tác giả được chọn lần đầu tiên, 7 người đoạt giải “Tác gỉả có tác phẩm ưu tú“, 13 người đoạt giải “Tác giả có tác phẩm đẹp” và 1 người đoạt giải “Tác giả mới“. Cộng với khoảng 140 tác phẩm của hội viên, có khoảng 330 tác phẩm được bày tại triển lãm mỹ thuật Chủ Thể 49. Số tranh này sẽ được treo trong 20 phòng của 3 galleries tại tầng 1 BTMT Tokyo với tổng diện tích sàn 1520 m2 và tổng chiều dài tường 546 m.

3) Vernissage

Vernissage diễn ra vào chiều 31.8. Chúng tôi bỏ phiếu kín 3 lần: lần thứ nhất để bầu hội viên mới, lần thứ hai để chọn người đoạt giải Sompo Japan, lần thứ ba để chọn ra 3 người tham gia triển lãm “Các tác phẩm chọn lọc” do BTMT Tokyo tổ chức vào tháng 3. Tôi đã bỏ phiều chọn Hiroshi Kobayashi làm hội viên.

photo7

Bỏ phiếu bầu hội viên mới tại triển lãm Chủ Thể 49

4) Khai mạc

Buổi sáng ngày khai mạc, mùng 1 tháng 9, hội tổ chức study meeting tại phòng triển lãm. Study meeting là một dạng gặp gỡ giữa một số tác giả chưa phải hội viên có tranh được chọn treo với các hội viên Chủ Thể và khán giả. Hình thức trao đổi này đã thành truyền thống tại triển lãm của các hội mỹ thuật ở Nhật. Các tác giả thuyết minh về tranh của mình sau đó các hội viên nhận xét, góp ý kiến. Các tác giả tỏ ra rất khiêm tốn, chịu khó học hỏi. Các hội viên nhận xét rất chân thành và xây dựng tuy y kiến có khi trái ngược nhau.

photo12

Một nữ tác giả trẻ được giải “Tác giả mới” thuyết minh về tranh của mình.

Chiều 1.09 phóng viên ban Việt ngữ đài BBC London Nguyễn Hoàng cùng cộng tác viên của BBC thường trực tại Tokyo Đỗ Thông Minh đã tới triển lãm để phỏng vấn đưa tin. Ba người trả lời phỏng vấn là nữ hoạ sĩ Reiko Fukuda, hoạ sĩ trẻ Hiroshi Kobayashi, và tôi (Xem phần tôi trả lời phỏng vấn BBC tại đây). Sau cuộc bỏ phiếu kín chiều qua, Hiroshi Kobayashi đã trở thành hội viên hội mỹ thuật Chủ Thể. Mọi người chúc mừng anh.

photo14

Nữ hoạ sĩ Reiko Fukuda trả lời phỏng vấn của phóng viên ban Việt ngữ đài BBC London Nguyễn Hoàng (người cầm video camera) trong khi ông Đỗ Thông Minh phiên dịch. Tác phẩm của bà Fukuda là bức tranh to phía sau lưng bà, màu lam xám, vẽ một đống rác.

Nữ hoạ sĩ Reiko Fukuda (sinh năm 1946) tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Musashino. Bà bắt đầu tham gia triển lãm Chủ Thể từ lần thứ 15 (năm 1979), và trở thành hội viên hội mỹ thuật Chủ Thể năm 1987. Khi Nguyễn Hoàng hỏi các bậc thầy nào đã ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình, bà Fukuda đã trả lời: “Người thầy vĩ đại nhất là Tự nhiên.” Năm thế kỷ trước, khi được khuyên nên dùng các kiệt tác điêu khắc Hy Lạp của Phidias làm mẫu cho tranh mình, danh họa Caravaggio cũng đã chỉ vào đám đông ngoài đường mà nói rằng Tự nhiên chính là những người thầy của ông.

photo15

Hội viên mới của hội mỹ thuật Chủ Thể hoạ sĩ 25 tuổi Hiroshi Kobayashi trước tác phẩm “Hồi tưởng” (trên) và “Hồi tưởng II” (dưới) của mình.

Hiroshi Kobayashi bằng tuổi con trai tôi (sinh năm 1987). Khi được hỏi vì sao lại chọn con đường khó và từng có nhiều người đi là vẽ giống thực, Kobayashi đã trả lời:

Tôi không chọn, mà lối vẽ này dần dần đến với tôi trong quá trình học và xem tranh tại nhiều triển lãm và bảo tàng. Tôi không thấy khó khi vẽ thế nàyHai bức tranh này là sự hồi tưởng một phần quá khứ. Người mẫu là bạn gái tôi. Trên nền tối là phong cảnh thành phố quê hương tôi. Có lẽ bố mẹ bạn gái tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy con gái mình như thế này.

Tôi đã xúc động vì câu trả lời của Hiroshi Kobayashi.

Trong buổi study meeting tôi đã nhận xét về hai bức tranh này như sau (dịch từ nguyên văn tiếng Nhật):

Theo tôi đây là hai bức tranh xuất sắc. Hoà sắc, hình họa, sáng tối, và bố cục tốt.

Điểm mạnh của hai bức tranh này là sự mềm mại và cảm giác yên bình. Vẻ mặt của cô gái, mái tóc, làn da, chất liệu được thể hiện ‘ngon lành’.

Về một số chỗ chưa được, hai bức tranh có vẻ được vẽ hơi vội nên tôi hơi tiếc thấy các chi tiết chưa được trau chuốt khi nhìn gần. Ví dụ cơ thể dưới bộ váy áo chưa lên rõ,  giải phẫu có chỗ còn xộc xệch, quần tất bó sát đùi chưa gây cảm giác thực.

Mặc dù vậy, việc liên tục thay đổi motif (trong 3 kỳ triển lãm) khiến tôi hy vọng vào năng lực tưởng tượng của tác giả.”

Trong thâm tâm, tôi cho rằng tài năng cộng với lòng chân thành và đức tính khiêm tốn thể hiện qua phong thái của hoạ sĩ trẻ tuổi này sẽ giúp anh tiến xa trên con đường nghệ thuật.

Chia tay sau phỏng vấn của ban Việt ngữ BBC, Hiroshi Kobayashi nói sẽ gửi postcard mời xem triển lãm cá nhân của anh vào tháng 11 này. Tôi nói: “Nhất định tôi sẽ tới.”

photo13

Ông Benjamin Lee – nghệ sĩ nhiếp ảnh Canada gốc Hoa (bên phải tôi), bà Đào Thị Minh và ông Ogura từ quỹ giáo dục Fuji (bên trái tôi) cạnh bức “Twister“.

2.09.2013

Phụ lục

Quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do biều hiện và nghiêm cấm kiểm duyệt trong hiến pháp Nhật Bản

Điều 21. Quyền tự do hội họp và lập hội cũng như tự do ngôn luận, tự do báo chí và tất cả các dạng của biểu hiện được đảm bảo.

Không được kiểm duyệt, cũng như không được vi phạm bí mật truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức.

Nguồn “The Primer Minister of Japan and his Cabinet, The constitution of Japan“.

Nhãn: ,

7 bình luận to “Triển lãm lần thứ 49 của hội mỹ thuật Chủ Thể”

  1. Hiroko Says:

    今回のダンさんの絵を見て 思い出したのですが
    日本語に断腸の思いと言う言葉があります。
    意味は腸がちぎれるほどの悲しみ 悲しみに堪えないこと。

    ひろこ

    Dịch:

    Bức tranh của ông Đăng lần này gợi cho tôi từ “đan chô” 断腸*) trong tiếng Nhật, có nghĩa là nỗi đau đứt ruột, đau không chịu đựng nổi.

    Hiroko

    *) 断腸 theo phiên âm Hán-Việt là đoạn trường tức là “đứt ruột”. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có tên gốc là “Đoạn trường tân thanh” (断腸新聲) có nghĩa là “Tiếng kêu đứt ruột mới” (N.D.).

  2. M (HN) Says:

    Những ai cần biết nên tổ chức bài bản một triển lãm mỹ thuật như thế nào, hãy xem bài viết này.

    Họa sĩ trẻ tuổi Hiroshi Kobayashi thật dễ thương với tình cảm dành cho cô bạn gái đã được đặt vào bức tranh với tất cả tâm huyết của mình. Bức tranh không lời, nhưng đã chinh phục được ban giám khảo.

  3. Nguyễn Thanh Binh Says:

    bất cứ nhà nước cộng sản nào cũng kiểm soát mọi hoạt động xã hội, vì vậy không thể tiếp thu và học tập những cách làm hợp lý, chuyên nghiệp và bài bản như vầy …

  4. Loi.Nguyenngoc Says:

    Tôi rất thích lời nói của anh Nguyễn Đình Đăng !

  5. T. Bình Says:

    Cảm ơn bài viết của ông.

    Một Hội Mỹ thuật rất chuyên nghiệp với cách tổ chức triển lãm linh hoạt, vừa tôn trọng từng cá nhân vừa kiểm soát được chất lượng nghệ thuật theo tiêu chí của Hội.

    Tại sao Việt Nam không học tập những cách làm hay như thế này nhỉ?

    Trân trọng.

    T. Bình

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Theo tôi, để “học tập những cách làm hay như thế này” thì trước hết Việt Nam cần

      1 – bãi bỏ kiểm duyệt văn hoá tư tưởng. Hội viên một hội mỹ thuật phải được quyền bày bất cứ tác phẩm nào mình thích tại triển lãm do hội tổ chức;

      2 – giải tán hội đồng nghệ thuật của hội mỹ thuật. Thay vào đó, tất cả các hội viên đều có quyền tham gia và biểu quyết bình duyệt tác phẩm của các tác giả chưa phải hội viên;

      3 – khai trừ hội viên bị phát hiện đạo văn, đạo tranh;

      4 – xóa tên hội viên trong một thời gian dài không có sáng tác mới.

      Trân trọng,

      Đăng

  6. Karen Thomas Says:

    Nice picture of you with Benjamin Lee.
    Looking forward to the exhibition and hoping take a few folks with me. Many thanks for the tickets.

    Karen

Phản hồi của bạn: