Archive for the ‘hội họa’ Category

Cách xử lý ván gỗ vẽ sơn dầu

04/11/2023

Nguyễn Đình Đăng

Như đã nói trong cuốn “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” [1], ván gỗ dùng để vẽ ngày nay được làm bằng gỗ dán ván lạng (veneer), hoặc ván gỗ ép (medium density fireboard, viết tắt MDF). MDF rẻ tiền, mặt rất nhẵn, nhưng nặng hơn gỗ dán, hút ẩm mạnh nên dễ bị trương.

Mặt trước của ván gỗ dán ván lạng (veneer) bằng gỗ cây đoạn Nhật Bản (シナノキ tức cây shina, danh pháp khoa học: Tilia japonica)
Mặt sau của ván gỗ dán ván lạng bằng gỗ cây đoạn Nhật Bản

Để có thể được dùng làm vật liệu đỡ vẽ sơn dầu, ván gỗ mua ngoài hiệu về cần được hồ và bồi lót.

1. Hồ (sizing)

Hồ ván gỗ là phủ lớp cách ly lên ván, chủ yếu để ngăn các tạp chất, ví dụ lignin, trong gỗ ngấm vào lớp bồi nền, gây đổi màu nền, dẫn đến tông màu của cả bức tranh bị ố, thường là ngả màu vàng nâu, ví dụ lớp láng ultrmarine ngả lục. Tiếng Anh gọi hiện tượng này là Support Induced Discoloration, viết tắt là SID. Chỉ bồi nền bằng gesso không ngăn được SID, vì gesso ít nhều đều có tính thấm hút. Lớp hồ cách ly này còn ngăn dầu từ lớp bồi lót nền hoặc các lớp màu phía trên ngấm xuống, làm hỏng vật liệu đỡ, đặc biệt nếu vật liệu đỡ là canvas hoặc giấy.

Các bậc thày Cổ Điển thường dùng keo da thỏ để hồ. Nhược điểm của keo da thỏ là hút ẩm và co giãn mạnh theo độ ẩm, khiến các lớp sơn đã cứng phía trên dễ bong nứt, đặc biệt đối với các vật liệu đỡ mềm và co giãn mạnh như canvas. Keo da thỏ hòa tan trong nước. Vỉ thế các chất bồi nền gốc nước như acrylic gesso, khi được quết lên trên lớp hồ bằng keo da thỏ, cũng có khả năng làm suy yếu lớp hồ, thậm chí khiến lớp hồ bong khỏi nền. Keo da thỏ còn bị mục rữa và mốc vì vi khuẩn [2].

Ngày nay nhựa acrylic hoặc nhựa PVA (polyvinyl acetate) thường được dùng để hồ canvas. Song để hồ ván gỗ thì chỉ nên dùng nhựa acrylic vì nhựa PVA hút ẩm, gây trương gỗ dán, khiến nền bồi bị rạn. Nhựa acrylic để hồ ván gỗ phải tinh khiết, không có phụ gia và/hoặc bột màu (pigment) như trong gesso, vì những chất này làm giảm độ kết dính, và tăng độ xốp, khiến lớp hồ trở nên thấm hút, giảm tác dụng của lớp cách ly.

Golden Gloss Medium, chứa 100% acrylic, là một trong những loại nhựa tốt nhất để hồ ván gỗ. Ở thể lỏng, dung dịch này có màu trắng như sữa, khô rất nhanh thành một lớp nhựa trong suốt (không màu) và bóng.

Golden Gloss Medium, 237 ml, của hãng Golden Artist Colors (Mỹ)

Ván gỗ mua ở hiệu về thường bám tạp chất và bụi trên bề mặt nên cần được lau thật sạch. Ván phải thật khô nếu không sẽ bị trương lên vì nước ngấm bên trong không thoát ra được sau khi ván được hồ bằng nhựa acrylic. Lớp nhựa acrylic cũng là lớp ngăn ván gỗ hút ẩm từ ngoài. Vì thế cần hồ toàn bộ những phần tiếp ván xúc không khí, cụ thể là mặt trước và mặt sau của ván gỗ cũng như các thanh giằng ở mặt sau và mặt thanh giằng ở 4 cạnh. Dùng bút bọt biển (foam brush) (Xem hình) quết (ít nhất) hai lớp Golden Gel Medium lên ván gỗ. Đợi lớp trước thật khô (khoảng 1 tiếng) thì mới quết lớp sau. Lớp sau được quết theo hướng vuông góc với đường quệt của lớp trước.

Mặt trước của ván gỗ sau khi quết lớp hồ thứ nhất bằng Golden Gloss Gesso
Mặt trước của ván gỗ sau khi quết lớp hồ thứ hai bằng Golden Gloss Gesso
Quết Golden Gloss Gesso lên mặt sau của ván gỗ
Mặt sau của ván gỗ sau khi được quét 2 lớp Golden Gloss Gesso

Cần để ván gỗ, sau khi đã được quết hồ, khô ít nhất qua đêm trước khi bồi lót bằng gesso. Mục đích là để lớp hồ khô cứng, khiến các tạp chất bị giữ lại bên trong, không ngấm vào lớp bồi bằng gesso phía trên.

2. Bồi lót (priming)

Như đã nói trong “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” [3], các bậc thày Cổ Điển bồi lót ván gỗ bằng dung dịch gồm keo da thỏ trộn phấn trắng hay blanc Meudon (calcium carbonate: CaCO3, mã số màu: PW18), gọi là nền phấn (chalk ground), hoặc bằng gesso (tiếng Ý, chỉ thạch cao), tức keo da thỏ trộn phấn, thạch cao (calcium sulphate dihydrate: CaSO4·2H2O, mã số màu: PW25), và bột trắng chì (mã số màu: PW1). Đặc điểm của nền phấn và nền gesso truyền thống là có độ thấm hút cao.

Ngày nay acrylic gesso [4] được dùng thay gesso truyền thống. Absorbant là tên một trong những loại acrylic gesso do hãng Holbein Japan sản xuất. (Absorbant là tính từ tiếng Pháp, có nghĩa là thấm hút). Holbein Japan cho biết thành phần của Absorbant gesso bao gồm:

  • titanium dioxide (bột trắng titanium, TiO2), chất làm trắng;
  • calcium carbonate (phấn trắng), tăng độ thấm hút và chất độn ;
  • silicon dioxide (SiO2) tạo độ hút nước và độ nhẵn bề mặt;
  • cao lanh (kaolin hay đất sét trắng, Al2Si2O5(OH)4 hoặc viết dưới dạng các oxides là Al2O3·2SiO2·2H2O), có tác dụng tăng độ đục và độ thấm màu.
  • đất sét, có tác dụng tương tự cao lanh;
  • talc (magnesium silicate Mg3Si4O10(OH)2), cải thiện độ phẳng và nhẵn bề mặt, độ hút dầu.
  • chất kết dính là nhũ tương acrylic methacrylic copolymer.
Absorbant gesso của Holbein Japan

Tương tự như bồi lót canvas, để bảo đảm tính kết dính cao và độ phẳng nhẵn, nên quết nhiều lớp bồi lót mỏng lên ván gỗ thay vì một lớp dày. Sau khi lớp dưới đã khô (sờ không dính tay), dùng bút bọt biển quết lớp trên theo chiều vuông góc với lớp dưới. Để lớp cuối cùng đã khô hoàn toàn, dùng giấy giáp số P400 [5] đánh thật nhẵn toàn bộ bề mặt. Sau đó đánh lại bằng giấy ráp số P600 để bề mặt nhẵn bóng như đá. Một bề mặt cứng, phẳng nhẵn như vậy là tối ưu để vẽ các chi tiết mịn và rất nhỏ.

Absorbant gesso được đựng trong túi nylon bên trong xô nhựa, nên trước khi mở gói, phải lắc cho đều và sau khi đổ vào xô nhựa cần khuấy thật đều để nước hòa quyện với gesso thành một dung dịch đặc đồng nhất.
Quết Absorbant gesso lượt 1
Quết Absorbant gesso lượt 2
Quết Absorbant gesso lượt 3
Quết Absorbant gesso lượt 4
Quết Absorbant gesso lượt 5
Ván gỗ sau khi đã được quết 6 lớp Absorbant gesso và đánh nhẵn bằng giấy ráp
Mặt ván gỗ dưới sau khi đã được bồi lót và đánh nhẵn dưới ánh sáng chiếu xiên

Nền được bồi bằng Absorbant có tính chất giống nền phấn hoặc nền gesso truyền thống, tức xốp, có độ bám cao, không ngả vàng, dễ đánh nhẵn bằng giấy ráp. Absporbant có độ thấm hút và độ nhám (tooth), và do đó độ bám, cao hơn nền acrylic gesso thông thường. Mặt ván gỗ, kể cả sau khi được đánh nhẵn bằng giấy ráp, cũng vẫn matte (mờ) chứ không bóng như mặt được bồi acrylic gesso thông thường. Nền bồi như vậy có thể được dùng để vẽ bằng các loại chất liệu khác nhau, từ màu gốc nước, acrylic, tới tempera và sơn dầu.

Các đặc tính của nền Absorbant được tóm tắt như sau:
① Cấu tượng bề mặt (surface texture) mờ, tương tự như tường thạch cao.
② Phát sắc (Sự hiển thị màu của pigment) tốt hơn so với nền sơn dầu.
③ Khô nhanh do hút dầu.
④ Bề mặt rất mịn, tuyệt hảo cho tiểu họa.
⑤ Có thề dùng cho sơn dầu, tempera, hoặc các kỹ thuật tổng hợp.
⑥ Phù hợp với kỹ pháp hội họa Cổ Điển.

3. Cách xử lý hiện tượng “xuống màu” do nền hút dầu

Điểm quan trọng cần lưu ý khi vẽ sơn dầu lên nền bồi Absorbant gesso là ở chỗ tính thấm hút của Absorbant khiến dầu khô từ sơn bị hút xuống nền làm giảm độ bóng của mặt tranh, gây hiện tượng “xuống màu” (sinking in). Để tránh điều này xảy ra, sau khi đã đánh nhẵn mặt nền bồi gesso truyền thống, các bậc thày Flemish quết lên một lớp cách ly chứa dầu khô [6]. Chú ý: Đừng nhầm lớp cách ly này với lớp cách ly bằng Golden Gloss Gesso hồ (sizing) ván gỗ ở mục 1.

Như vậy, sau khi lớp nền bồi đã được đánh giấy ráp nhẵn và để thật khô, cần quết lên toàn bộ bề mặt một lớp dung dịch gồm dầu lanh hòa dầu thông hoặc dầu oải hương theo tỉ lệ dầu lanh : dầu thông (turpentine) hoặc dầu oải hương (spike lavender oil) = 1 : 4 hoặc 1 : 5, sau đó để khô rồi mới vẽ lên bằng sơn dầu. Để tăng tốc độ khô, có thể thay dầu lanh bằng dầu đen (black oil), có ưu điểm khô nhanh, bóng và không ngả vàng. Lớp imprimatura trong kỹ pháp sơn dầu nhiều lớp cũng đóng vai trò này. Không nên dùng Absorbant để bồi canvas vì sẽ gây bong nứt, tương tự như nền phấn hoặc nền gesso truyền thống, khi canvas co giãn (trừ khi canvas được dán lên vật liệu đỡ cứng, như ván gỗ).

Ba hình dưới là kết quả thử nghiệm so sánh độ thấm hút của nền được bồi bằng Absorbant và bằng acrlic gesso thông thường. Màu sơn dầu ultramarine được quết lên nền Absorbant (A) và nền Gesso S, tức acrylic gesso mịn (B), rồi để khô qua đêm. Kết quả là dầu trên nền Absorbant bị hút nhiều hơn khiến, dưới ánh sáng phản xạ, mặt sơn trên nền Absorbant (A) trông mờ hơn và xỉn hơn so với mặt sơn trên nền Gesso (B), vì hấp thị ánh sáng nhiều hơn. Trong hình (C) và (D), hai lớp dung dịch pha màu, gồm 1 phần dầu đen hòa với 4 phần dầu thông, được quết lên nền Absorbant và nền Gesso, rồi để khô. Sau đó ultramarine được quết lên trên hai nền này rồi để khô qua đêm. Kết quả cho thấy độ bóng của mặt sơn trên cả hai nền đã được lót dung dịch pha màu này là như nhau và đều bóng hơn trên nền chưa được quết dung dịch. Như vậy vấn đề xuống màu do độ thấm hút của nền Absorbant và cả nền acrylic gesso thông thường gây ra đã được giải quyết xong.

Kết quả thử nghiệm độ thấm hút trên nền bồi Absorbant gesso (Absorbant) và nền bồi acrylic gesso thông thường (Gesso).
(A): nền bồi Absorbant;
(B): nền bồi Gesso;
(C): nền bồi Absorbant được quết dung dịch pha màu; (D): nền bồi Gesso được quết dung dịch pha màu.
Như hình trên, nhưng dưới ánh sáng phản xạ.
Như hình trên, nhưng dưới ánh sáng phản xạ với góc tán xạ nhỏ hơn.

Nếu sau khi lên bố cục bằng dessin, nền lại được quết một lớp imprimatura nữa trước khi vẽ lót thì hoàn toàn sẽ không còn hiện tượng xuống màu (sinking in) vì thấm hút không đồng đều do nền gây ra nữa.

Lưu ý rằng mục đích của lớp cách ly là để ngăn dầu từ sơn dầu thấm xuống nền. Vì thế có thể vẽ/can dessin lên nền trước khi phủ lớp cách ly. Làm như vậy lớp cách ly sẽ kiêm cả tác dụng hãm dessin trên nền để khỏi bị nhòe khi vẽ sơn dầu lên. Nếu hòa dung dịch cách ly với màu để quết lên nền thì lớp cách ly cũng sẽ đồng thời là lớp imprimatura.

4/11/2023

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Đình Đăng, Kỹ thuật vẽ sơn dầu (Dân Trí & Đông A, 2023).

[2] Sách đã dẫn, tr. 85.

[3] Sách đã dẫn, tr. 78.

[4] Sách đã dẫn, tr. 88 – 91.

[5] Giấy ráp được phân loại theo hai hệ thống phổ biến của Bắc Mỹ, có tên Coated Abrasives Manufacturers Institute (Viện các nhà sản xuất giấy ráp), viết tắt CAMI, và của châu Âu, có tên Federation of European Producers of Abrasives (Liên đoàn các nhà sản xuất giấy ráp châu Âu), viết tắt FEPA. Phân loại giấy ráp của FEPA có thêm chữ P (paper) trước mỗi số đổ phân biệt với phân loại đá/bánh xe mài (được ký hiệu bằng chữ F). Số càng to kích thước hạt mài mòn càng nhỏ, tương đương mật độ hạt mài mòn trên một diện tích giấy ráp càng cao. Ví dụ kích thước hạt mài mòn của giấy số P50 là 336 microns, của sộ P400 là 35.0 ±1.5 microns, của P600 là 25.8 ±1 microns. Số phân loại được tính theo kích thước mắt lưới sàng hạt mài mòn, tức số lỗ trên mỗi inch vuông của lưới sàng. Số lỗ càng nhiều thì kích thước lỗ tức kích thước hạt chui qua được lỗ càng nhỏ, giấy ráp càng mịn. Kích thước này không giống nhau giữa FEPA và CAMI, do đó cùng độ ráp hay mịn khác nhau giữa giấy ráp theo CAMI và theo FEPA ở cùng một số (Xem bảng tương ứng kèm đây).

Bàng tương ứng giữa phân loại giấy ráp của Bắc Mỹ (CAMI) và của châu Âu (FEPA):

Nhật Bản lại dùng một hệ thống phân loại giấy ráp riêng, theo Các tiêu chuẩn công nghiệp Nhật bản (Japanese Industrial standards), viết tắt JIS, tương đương FEPA cho tới P400 (Xem bảng dưới).

Kích thước mắt lưới theo chuẩn của Nhật JIS và châu Âu FEPA:

Kích thước mắt lưới theo chuẩn của Mỹ:

[6] Sách đã dẫn, tr. 317, 320.

__________________________

© Nguyễn Đình Đăng – Tác giả giữ bản quyền. Các chuyên khảo của Nguyễn Đình Đăng được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại (copy and paste) các bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trên mạng xã hội, trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.