Có phải cái đẹp nằm trong mắt người xem?

Nguyễn Đình Đăng

Không ít người, từ ngoại đạo tới giới được coi là có chuyên môn về mỹ thuật hay âm nhạc ở ta, thường ví von kiểu bình dân như ví xem tranh với ăn phở, nghe nhạc cổ điển với uống vang (cognac, whiskey, vodka, v.v.). Có vị thậm chí từng ví những người nghe nhạc thị trường như những con bò quen ăn rác, đến khi cho ăn cỏ – tức nghe nhạc cổ điển “đỉnh cao”- thì không ăn được nữa. Những ví von kiểu này khập khiễng ở chỗ đã nhầm lẫn giữa ngon và bổ  – thuộc phạm trù của sự ham muốn, với thị hiếu về cái đẹp.

Trong Critique of Judgement (Phê phán khả năng xét đoán) Kant phân biệt rất rõ 3 loại khoái cảm:

– cái thú vị (the agreeable),
– cái tốt (the good)
– cái đẹp (the beautiful).

Cái thú vị là cái làm vừa ý con người, cái tốt là cái được người ta quý trọng, còn cái đẹp đơn thuần chỉ là cái làm người ta thích. Trong ba khoái cảm đó thì chỉ mỗi thị hiếu về cái đẹp là khoái cảm hoàn toàn không vụ lợi và hoàn toàn tự do. Kant định nghĩa thị hiếu là khả năng đánh giá một đối tượng (object) hoặc một cách biểu tả (representation) thông qua một khoái cảm hoặc ác cảm mà không hề có chút vụ lợi nào. Đối tượng của một khoái cảm như vậy được gọi là cái đẹp.

Theo Kant, cái thú vị và cái tốt không chỉ phụ thuộc cách biểu tả đối tượng mà còn phụ thuộc vào sự ràng buộc giữa chủ thể và sự tồn tại thực tế của đối tượng. Trong khi đó thị hiếu thẩm mỹ chỉ là sự thưởng lãm, lặng ngắm (contemplation). Điều này có nghĩa là phán xét của thị hiếu thẩm mỹ hoàn toàn dửng dưng với hiện hữu thực tế của đối tượng. Nó chỉ xem xét đối tượng có tác động thế nào tới khoái cảm hay ác cảm mà thôi. Phán xét về thị hiếu thẩm mỹ không phải là phán xét liên quan tới nhận thức, vì thế không hề dựa trên cơ sở của các quan niệm (concepts), và cũng không có chủ ý hướng tới các quan niệm.

Sự thú vị dựa trên cảm giác riêng tư, được bó hẹp trong phạm vi cá nhân của người có cảm giác đó. Rượu vang Canary (hay phở chửi) là ngon đối với người này nhưng chưa chắc ngon với những người khác. Điều này đúng không chỉ cho vị giác, mà còn cả cho thị giác, thính giác hay khứu giác nữa. Một người có thể thấy màu tím là đáng yêu, nhưng người khác có thể thấy màu này là xỉn và nhợt nhạt. Người này thích tiếng sáo, người kia thích tiếng nhị. Người này thấy loại nước hoa này là thơm, người kia có thể thấy nó là khó ngửi. Cãi nhau về những sở thích như vậy là ngớ ngẩn bởi đối với sự thú vị về cảm giác thì mỗi người có một sở thích riêng. Ngạn ngữ Nga có câu “Không tranh cãi về sở thích” (О вкусах не спорят) là vì vậy.

Nhưng cái đẹp thì hoàn toàn khác. Theo Kant, khẳng định “Vật này đối với tôi là đẹp” là một khẳng định ngu ngốc, bởi vì một vật chỉ đơn thuần làm một người khoái không thể được gọi là cái đẹp. Một người có thể thích nhiều thứ mà ngoài người đó ra chẳng ai quan tâm đến chúng. Nhưng khi một người tôn vinh một vật là đẹp thì những người khác cũng phải thấy nó là đẹp, bởi người đó phán xét không chỉ cho mình mà còn cho tất cả mọi người, và cái đẹp phải được nói tới như thể đó là tính chất của vật. Như vậy, theo Kant, cái đẹp phải là đối tượng của một khoái cảm phổ quát (universal delight).

Titian Người phụ nữ với chiếc gương (~ 1515) sơn dầu trên canvas, 99 x 76 cm, Louvre

Titian
Người phụ nữ với chiếc gương (~ 1515)
sơn dầu trên canvas, 99 x 76 cm, Louvre

5.7.2014

 

Nhãn: , , , , , ,

Phản hồi của bạn: