Tiếng kèn thứ năm

Nguyễn Đình Đăng

Tôi vẽ bức tranh “Tiếng kèn thứ năm” vào năm 1990 cùng năm với bức “Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)“. Đây là bức tranh thứ tư và thứ năm, sau các bức “Sự xuất hiện của hình tượng trên hoang mạc” (1986), “Khai bút” (1986), và “Cái chết của hoạ sĩ” (1987). Đó là những bức tranh khởi đầu cho một cách tiếp cận mà tôi theo đuổi gần ba thập kỷ nay.

IF

Nguyễn Đình Đăng
Tiếng kèn thứ năm, 1990
sơn dầu, 93 x 120 cm

Cả 5 bức tranh này đều gặp rắc rối với kiểm dyệt khi đem ra triển lãm. Tại triển lãm quốc tế hội họa và đồ hoạ năm 1987, bức “Sự xuất hiện của hình tượng trên hoang mạc” bị loại, còn bức “Khai bút” phải qua hai vòng bỏ phiếu mới được chọn treo. Chưa hết, sau khi bức tranh ra mắt tại khai mạc triển lãm, tác giả của nó còn bị buộc phải xóa chân dung Lenin trên bìa cuốn sách trong bức tranh đi đơn giản chỉ vì vị tùy viên văn hóa đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội không hài lòng khi nhìn thấy chân dung lãnh tụ của giai cấp vô sản bị đặt quá thấp so với người mẫu khỏa thân nữ trong bức tranh. Bức “Cái chết của hoạ sĩ” bị loại tại triển lãm mỹ thuật thủ đô và tôi được yêu cầu phải mang tranh về ngay để người khác khỏi nhìn thấy. Tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990, nó bị liệt vào loại “có vấn đề” và, tuy cuối cùng cũng được chọn treo, lại bị treo ở chỗ tối om, khiến một nhà phê bình gạo cội đã tỏ ra bất bình, đứng lên phản đối tại cuộc hội thảo nhân triển lãm này. Để được bày bức “Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)” tôi phải xóa cụm từ “Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” khỏi tên tranh vì trong những năm 1990 truyện của Nguyễn Huy Thiệp bị liệt vào hàng “nhạy cảm”. Bức “Tiếng kèn thứ năm” lần đầu tiên ra mắt tại triển lãm “Xuân 91” tại hội mỹ thuật Hà Nội cũng bị “nhấc lên đặt xuống” trước khi được treo trong góc tối.

Lấy ý từ chương thứ 9 trong “Ngày Tận thế theo Thánh John” (sách Khải huyền) của kinh Tân ước [1], bức “Tiếng kèn thứ năm” được vẽ theo lối mà cố hoạ sĩ Mai Văn Hiến gọi là “đồng hiện”, hòa trộn các không – thời gian khác nhau. Ở nửa phải tôi vẽ một cô gái khỏa thân cưỡi xe máy Honda 50, chở con quỷ lông lá, nhe răng cười ngồi phía sau, một tay bám ghế, tay kia ôm bụng cô gái. Ở phần trung tâm bức tranh là quả táo tượng trưng cho tội tổ tông và hình Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút để chuộc tội cho loài người. Từ hỗn mang ở tâm bức tranh, theo đường chéo, bay ra một đàn châu chấu sau khi tiếng kèn thứ năm do thiên thần thứ năm bay ở góc trái phía trên thổi vang lên. Ở góc phải bên dưới tôi vẽ một đám cưới truyền thống Việt Nam, khi cô dâu chú rể đang quỳ uống chung li rượu trước bàn thờ tổ. Ở phía trái là cảnh hạ huyệt tại đám tang bà nội tôi trong thời chiến tranh Việt Nam. Trong số những người đứng quanh huyệt có cha, mẹ, anh tôi và cả tôi. Ở lớp trước nằm ngang một bộ hài cốt dưới một nắp kính như mặt bàn đang bị lật nghiêng, phía trên lơ lửng một li rượu whisky, một lon bia 333, một lon Coca-Cola và hai quân bài tú lơ khơ. Bức tranh có ba đường chân trời. Đường chân trời trên cùng, bên phải, phân cách bầu trời với mặt biển máu. Đường chân trời bên trái nằm phía dưới bầy châu chấu, chia đôi bức tranh. Đường chân trời dưới cùng thuộc về cõi trần tục, chạy qua đám tang và đám cưới với một đám cháy đùng đùng bên kia sông. Khi vẽ đám cháy này tôi nhớ tới kho xăng Đức Giang ở Đông Anh trúng bom Mỹ vào những năm máy bay Mỹ ném bom Hà Nội [2].

Tháng 11 năm 1991 được đánh dấu bởi triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại Hà Nội sau khi tôi trở thành hội viên hội mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm được mở tại tầng 3 nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, khi đó vừa được xây dựng lại. Vào buổi sáng ngày triển lãm bế mạc có 4 khách ngoại quốc gồm hai người đàn ông, một người đàn bà và một bé gái vào xem tranh. Một trong hai người đàn ông là Johannes Jansing – công sứ Hà Lan tại Bangkok, đi cùng vợ ông và cô con gái. Người đàn ông kia là một tùy viên ngoại giao Hà Lan. Ông Johannes Jansing đặc biệt chú ý tới bức “Tiếng kèn thứ năm”. Vì chiều hôm đó ông Jansing phải quay về Bangkok, tôi cho ông địa chỉ nhà tôi để ông có thể tới nói chuyện kỹ hơn về việc mua tranh sau khi từ Bangkok trở lại Hà Nội.

Vài ngày sau ông Jansing đến nhà tôi cùng với một người Việt Nam. Ông hỏi giá một số bức tranh của tôi, trong đó có bức “Tiếng kèn thứ năm”. Ông nói ông thích vẻ mặt của cô gái khỏa thân cưỡi xe Honda. Sau khi tôi phát giá, ông nói ông cần bàn với vợ ông, lúc đó đã về Bangkok. Ông yêu cầu tôi giữ bức tranh này cho ông, đừng bán cho ai khác. Ngày hôm sau, ông lại tới cùng với một đồng nghiệp Hà Lan khác. Ông nói ông sợ có người khác mua mất bức tranh nên đã gọi điện ngay về Bangkok thảo luận với vợ. Đồng nghiệp của ông hỏi tôi:

– Ông dựa vào tiêu chuẩn nào để định giá tranh mình?

– Giá hợp lý là giá khiến tôi thỏa mãn khi chia tay với tác phẩm của tôi, – tôi trả lời.

Cuối cùng ông Jansing đã mua 7 bức tranh: “Tiếng kèn thứ năm”, “Sự xuất hiện của hình tượng trên hoang mạc”, chân dung cha tôi, chân dung hai ông bạn của cha tôi là dịch giả Hữu Ngọc và ông Phan Văn Sách [3], cùng 2 bức phong cảnh phố Hà Nội. Ông đề nghị tôi tháo các bức tranh ra khỏi châssis, cuộn lại để ông mang theo lên máy bay cho tiện.

Đầu năm 1992, quá cảnh tại Bangkok gần một ngày trên đường sang Đại học Kỹ thuật Munich, tôi được ông Jansing mời tới nhà chơi. Ông sống cùng vợ và con gái trong một biệt thự sang trọng kiến trúc kiểu truyền thống Thái Lan, có bảo vệ gác cửa và ô sin. Nhà ông treo nhiều tranh, nhưng các bức tranh của tôi không có ở đó bởi chúng đã được ông gửi ra hiệu để căng lại lên chassis và lắp khung. Trong thời gian tôi ở Đức, ông Jansing còn ghé nhà tôi một lần nữa để mua vài bức tranh vào dịp ông tới Hà Nội mùa hè năm 1992. Cũng trong dịp này, theo giới thiệu của tôi, ông tới thăm hoạ sĩ Lê Huy Tiếp, mua bức “Chiến tranh” [4] và bức ông Tiếp vẽ một người đàn ông đóng thuyền.

Tháng 5 năm 1994 tôi được mời đi thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên. Năm đó Mỹ mới bỏ cấm vận, chưa mở đại sứ quán tại Hà Nội, nên tôi phải sang Bangkok ăn chực nằm chờ tại nhà khách đại sứ quán Việt Nam để nhận visa Mỹ. Phát hiện ra đại sứ quán Hà Lan nằm cùng phố, tôi đến đề nghị cho gặp ông Jansing và được hẹn vào sáng hôm sau. Đúng hẹn tôi tới đại sứ quán. Ông Jansing mời tôi vào phòng làm việc của mình. Bước vào phòng, tôi thấy bức “Tiếng kèn thứ năm” được treo trên bức tường đối diện cửa ra vào, ngay sau bàn làm việc của ông.

Sau 3 tuần ở Mỹ, trên đường từ New York về Hà Nội, tôi lại quá cảnh tại Bangkok. Ông Jansing lái xe ra sân bay đón tôi về nhà ông tại một căn hộ rộng, 3 phòng ngủ, trong đó có một phòng dành cho khách với một toilet riêng. Tôi sung sướng nhìn thấy các bức tranh của mình được đóng khung mạ vàng treo trên các bức tường nhà ông.  Ông ngỏ ý muốn tôi vẽ 2 chân dung: một chân dung ông và một chân dung vợ ông. Họ ngồi làm mẫu cho tôi vẽ vài ký hoạ chuẩn bị. Ông cũng đưa tôi vài bức hình chụp ông và vợ ông để tôi tham khảo. Tuy nhiên, chúng tôi không có một giao ước rõ ràng. Mùa thu năm 1994 tôi được Quỹ tưởng niệm Nishina mời sang nghiên cứu tại Tokyo mà không ngờ rằng đó là chuyến đi bắt đầu cho một thời kỳ dài 20 năm sống tại Nhật. Ổn định cuộc sống và công việc tại Nhật đã khiến tôi ngừng vẽ một thời gian. Tới năm 1996 tôi mới vẽ lại. Dĩ nhiên tôi đã quên hẳn dự định vẽ hai chân dung vợ chồng ông Jansing. Tôi cũng không mang theo sang Tokyo các hình hoạ chuẩn bị và ảnh ông đưa.

Tháng 1 năm 1999 tôi được viện máy gia tốc vật lý hạt nhân (KVI) tại Groningen (Hà Lan) mời sang hợp tác khoa học. Sực nhớ ra ông Jansing, tôi gửi email tới bộ ngoại giao Hà Lan hỏi tin tức và nhận được email của ông từ Argentina. Vào thời điểm đó ông đang làm phó công sứ Hà Lan tại Buenos Aires. Trong thư ông có nhắc tới dự án vẽ chân dung không thành, và nhắn tôi nếu còn giữ các bức hình chụp thì gửi trả lại ông.

Trong dịp về Hà Nội một năm sau đó, tôi đã tìm lại được các tấm hình và các bức ký hoạ chuẩn bị cho chân dung. Tôi mang tất cả sang Tokyo, nhưng trớ trêu thay lại mất liên lạc với ông. Mọi emails tôi gửi tới địa chỉ điện tử của ông tại Buenos Aires đều bị gửi trả lại.

Kể từ lần cuối cùng tôi gặp ông Jansing tại Bangkok, ngoảnh đi ngoảnh lại thế mà hai mươi năm đã trôi qua.

Tháng 1 năm 2014 gia đình chúng tôi làm một chuyến du lịch châu Âu. Điểm đến đầu tiên Amsterdam khiến tôi lại nhớ tới ông Jansing một lần nữa và tự hỏi không biết dạo này ông ra sao. Tôi vào Google tra, nhưng do nhớ nhầm tên ông thành Jan Hansing nên tôi không tìm thấy những gì mình cần. Tôi bèn gửi email tới Dịch vụ thông tin công cộng (Public Information Service) của Hà Lan. Họ chuyển email của tôi tới bộ ngoại giao Hà Lan tại Hague. Vài ngày sau tôi nhận được email của ông. Ông nói ông rất ngạc nhiên nhận tin của tôi qua bộ ngoại giao ở Hague và rất sung sướng được nối lại liên lạc với tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại Amsterdam sau khi gia đình chúng tôi từ Bỉ trở về.

Sáu giờ chiều thứ Ba tuần trước, 21.01.2014, ông Jansing và vợ tới đón chúng tôi tại hotel. Chúng tôi cùng nhau đi dạo dọc theo bờ kênh tại Amsterdam, rồi ghé vào một quán rượu để uống khai vị trước khi sang nhà hàng nơi vợ chồng ông đã đặt sẵn một bàn mời gia đình tôi ăn tối.

IF

Buổi gặp mặt tối 21.01.2014 tại Amsterdam.
Từ trái: Mai, ông Johannes Jansing, Đông, Đăng, và bà Jansing.

Ông Johannes Jansing sinh ngày 27 tháng 1 năm 1949 tại Utrecht (Hà Lan). Đậu thạc sĩ kinh tế và lịch sử xã hội năm 1974 tại Đại học Utrecht, ông làm nhân viên khoa học tại viện Khoa học Xã hội của đại học này. Năm 1979 ông vào làm việc tại bộ ngoại giao Hà Lan. Từ lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau tại Bangkok, ông đã trải qua nhiều chức vụ ngoại giao của Hà Lan tại nhiều nước khác nhau ở 4 châu lục Á, Âu, Phi, và Mỹ. Sau khi hết nhiệm kỳ tại Argentina, ông và vợ trở về Hà Lan sống từ 1999 tới 2003. Đó là lý do vì sao tôi mất liên lạc với ông.

Ông cho biết, sau hơn hai mươi năm theo ông bôn ba các nước, chịu nhiều điều kiện và tình huống khắc nghiệt, các bức tranh của tôi vẫn ở trong tình trạng tốt. Tháng 11 năm 2004, trong nhiệm kỳ ông làm đại sứ Hà Lan tại Côte d’Ivoire (Bờ biển ngà), một cuộc nội chiến nổ ra tại đây đã khiến Pháp mở cuộc tấn công vào quân đội nhà nước. Dân chúng nổi dậy gây ra bạo lực khắp nơi khiến các ngoại kiều phải sơ tán. Ông Jansing chịu trách nhiệm đưa cộng đồng người Hà Lan rút khỏi thủ đô Adbijan và tới tháng Tư năm 2005 ông buộc phải đóng cửa đại sứ quán. Sơ tán trong bối cảnh đầy bạo lực và thù địch đối với người Pháp và tất cả người ngoại quốc, vợ chồng ông định tháo các bức tranh trong sưu tập của họ ra khỏi châssis để cuộn lại mang đi. Trong phút hoảng loạn, vợ ông đã gỡ bức “Chiến tranh” của hoạ sĩ Lê Huy Tiếp. Tuy nhiên, ngay sau đó bà đã bỏ ý định tháo các bức tranh còn lại vì thấy việc tháo cuộn vội vã này có nguy cơ làm hỏng tranh. Bức “Tiếng kèn thứ năm” nhờ vậy đã không bị tháo khỏi châssis. Cuối cùng, gửi được bộ sưu tập tại nhà một người hàng xóm ở Côte d’Ivoire, ông Jansing và vợ rời nước này mà không chắc có ngày thấy lại bộ sưu tập. May sao, tình hình lại biến đổi nhanh chóng nên chỉ sau một thời gian họ đã quay lại Côte d’Ivoire và nhận lại bộ sưu tập nguyên vẹn. Trừ bức “Chiến tranh” của hoạ sĩ Lê Huy Tiếp có vài chỗ tróc sơn và mặt canvas ở góc trên bên trái bị rộp, các bức hoạ khác không hề suy suyển.

Sau khi nhậm chức đại sứ Hà Lan tại Singapore và Brunei vào năm 2009, ông Jansing đã treo bức “Tiếng kèn thứ năm” tại phòng ăn trong dinh thự của đại sứ Hà Lan tại Singapore, nơi diễn ra các buổi tiếp khách và hội đàm chính thức. Một lần trong thời gian đầu nhiệm kỳ của ông, một công dân Hà Lan được mời tới dự một buổi hội đàm tại dinh thự đại sứ. Nhân vật này đã tỏ ra khá bức xúc khi nhìn thấy bức “Tiếng kèn thứ năm” treo trong phòng ăn. Người này lý luận rằng Singapore và Brunei là nước có nhiều người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo nên việc một bức hoạ có một phụ nữ khỏa thân, đèo con quỷ trên xe, phi trên nền có hình Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút, treo tại phòng ăn trong dinh thự đại sứ Hà Lan, có thể gây hiểu nhầm từ phía dân chúng và chính quyền địa phương. Ông Jansing cảm thấy bối rối. Ông giải thích rằng Hà Lan là đất nước tự do, ông thích bức tranh này không chỉ vì giá trị nghệ thuật mà còn vì giá trị lịch sử của nó vì nó phơi bày nhiều khía cạnh lý thú trong lịch sử Việt Nam. Đó là một bức tranh thực sự gây tranh luận. Nhưng rồi ông hiểu ra rằng, là đại sứ, ông đại diện cho quốc gia của mình và bức tranh không thể đơn thuần được xem như chuyện riêng của ông. Để tránh rắc rối, ông đã phải cho dời bức tranh sang treo tại một phòng khác trong dinh thự cho khuất mắt những cuộc thăm viếng long trọng.

residentie-4

Dinh thự đại sứ Hà Lan tại Singapore
(Ảnh của Guido Beekman từ website ĐSQ Hà Lan tại Singapore)

Kể lại câu chuyện này, ông Jansing nói: “Lịch sử thật trớ trêu. Đầu tiên tranh của anh từng bị kiểm duyệt tại Hà Nội. Hai mươi năm sau “Tiếng kèn thứ năm” đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị và kết quả là lại bị kiểm duyệt lần nữa. “Tiếng kèn thứ năm” đích thực là một bức tranh có một số phận lý thú.”

Tôi không nói gì bởi tôi không còn gì để nói. Vả chăng Gustave Flaubert đã nói hộ tất cả chúng ta: “La terre a des limites, mais la bêtise humaine est infinie.” (Trái đất thì hữu hạn, nhưng sự ngu dốt của con người là vô hạn.)

Tháng 9 năm 2013 ông Jansing miễn nhiệm. Bức “Tiếng kèn thứ năm” lại theo vợ chồng ông hồi hương. Ông gửi cho tôi xem vài bức hình chụp nội thất căn nhà mới của họ tại một thành phố nhỏ phía bắc Hà Lan sau khi họ từ Singapore trở về. Nội thất được bày giản dị, hướng sự chú ý vào các bức “Tiếng kèn thứ năm”, chân dung cha tôi và chân dung ông Phan Văn Sách treo trên các bức tường màu sáng. Ông Jansing đã từng gặp và nói chuyện với cha tôi khi ông tới nhà tôi mua tranh vào các năm 1991 và 1992. Theo ông, trong bức tranh này cha tôi được thể hiện với vẻ mặt rất biểu cảm, ngồi trong tranh tối tranh sáng. Trong đống sách trên bàn làm việc của cha tôi có cuốn “Ce que je crois” (Điều mà tôi tin) của André Maurois mà ông Jansing nhớ nhầm thành “J’accuse…!” (Tôi buộc tội) của Émile Zola [5].

Jansing1

Bức “Tiếng kèn thứ năm” trên tường nhà ông Johannes Jansing.

Jansing2

Chân dung cha tôi (trái) và chân dung ông Phan Văn Sách (phải) trên tường nhà ông Johannes Jansing.

Còn đối với bức “Chiến tranh” của hoạ sĩ Lê Huy Tiếp, ông Jansing quyết định để nguyên các vết tróc sơn, không phục chế lại, bởi đó là bằng chứng của cuộc chiến tại châu Phi mà ông và bức tranh này đã chứng kiến, đúng như tên gọi và tinh thần của nó.

Tôi nói với ông Johannes Jansing rằng trong đời mình tôi chỉ hân hạnh được gặp vài người mê tranh như ông – những người sưu tầm tranh hoàn toàn dựa vào ý thích riêng, vì tìm thấy mình trong tranh của hoạ sĩ, vì cách biểu hiện của hoạ sĩ khiến họ rung động chứ không vì cái tên của tác giả, không dựa vào môi giới của các loại “chuyên gia” hay danh tiếng của gallery, lại càng không phải mua tranh để kiếm lời. Sinh thời cha tôi thường đánh giá cao con mắt tinh đời của những nhà sưu tầm đến từ các nước có truyền thống hội họa hàng thế kỷ tại châu Âu, trong đó trước tiên phải kể đến Hà Lan – quê hương của Van Eyck, Vermeer, Rembrandt và Van Gogh, quốc gia mà ông Johannes Jansing từng làm đại diện.

Trước khi chia tay, tôi tặng ông một cuốn vựng tập “The Joy of Imagination” in năm 2003. Tôi không quên trả lại ông các bức hình chụp mà ông đã cho tôi mượn cách đây 20 năm. Tôi cũng tặng ông hai bức chân dung ông và vợ ông do tôi ký hoạ bằng bút chì tại Bangkok năm đó. Ngắm hai bức ký họa, ông hỏi: “Đây là nguyên bản đấy chứ?”, và sau khi tôi trả lời: “Tất nhiên,” ông nói: Tôi sẽ đóng khung treo trên tường nhà tôi.”

Còn vể dự án vẽ hai chân dung sơn dầu,” – ông Johannes Jansing nói – “Tuy không còn trẻ như hai mươi năm về trước, chúng tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ và chúng ta sẽ thảo luận chuyện này sau.

Jansing

Nguyễn Đình Đăng
Chân dung ông Johannes Jansing (phải) và vợ (trái), 1994
Ký hoạ bút chì trên giấy

Lời cảm ơn:


Tác giả cảm ơn ông Johannes Jansing vì đã cho phép sử dụng một số tư liệu liên quan kể cả bức hình chụp tại buổi gặp mặt tối 21.01.2014 ở Amsterdam.

Viết xong ngày 27.01.2014

Xem bản tiếng Anh

___________________

[1] Tiếng kèn của thiên thần thứ năm nổi lên. Tôi thấy một ngôi sao từ trời sa xuống đất; ngôi sao ấy nhận được chìa khóa của giếng vực thẳm. Ngôi sao mở giếng vực thẳm, và một đám khói từ giếng bốc lên, giống như khói một cái lò lớn, khiến mặt trời và không khí tối sầm lại vì khói của giếng ấy. Từ đám khói ấy, châu chấu bay ra khắp mặt đất. Chúng nhận được quyền phép như quyền phép của loài bọ cạp. Chúng bị cấm không được phá hại cỏ trên mặt đất, mọi loài xanh tươi và mọi cây cối, mà chỉ được phá hại những người không mang ấn của Thiên Chúa trên trán. Chúng không được phép giết họ, mà chỉ được gây khổ hình cho họ trong vòng năm tháng. Khổ hình chúng gây ra không khác gì khổ hình của người bị bọ cạp đốt. Trong những ngày ấy, người ta sẽ tìm cái chết mà không thấy, họ mong chết mà cái chết lại trốn họ.

[2] Theo hiểu biết của tôi đây là lần đầu tiên trong hội hoạ Việt Nam xuất hiện hình tượng một cô gái trần như nhộng cưỡi xe Honda, đèo một con quỷ. Vào những năm 1980 – 1990 xe máy Honda 50 là một trong những biểu tượng của phố phường Hà Nội.

[3] Ông Phan Văn Sách, mất năm 1993 tại Hà Nội, vốn là một nhà giáo. Vì những phát biểu tự do và chỉ trích chính quyền vào những năm 1956 – 1960, ông từng bị kết tội phản động, bị đem ra đấu tố ở khu phố, bị đình chỉ dạy học. Ông là người tự học và để lại nhiều nhận xét châm biếm sắc sảo trong đó có  triết lý 4Đ – dùng 4 từ bắt đầu bằng chữ Đ để tóm tắt mọi điều từ duy vật biện chứng (đối – động – đụng – đổi) tới các quy tắc xã hội thông thường như “đèn đỏ đừng đi”, “đổi đèn đi được”, “đái đúng địa điểm”, “đếch đi đến đâu“, v.v.

[4] Đây là bản hoạ sĩ Lê Huy Tiếp chép lại từ bản đầu tiên (1986), hiện treo tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

[5] Ngày 13.01.1898 văn hào Pháp Émile Zola (1840 – 1902) đăng một bức thư ngỏ nhan đề “J’accuse…!” (Tôi buộc tội) trên tờ L’Aurore, gửi tổng thống Pháp Félix Faure, trong đó Émile Zola buộc tội nhà nước bài người Do Thái, bắt giam trái phép Alfred Dreyfus – một sĩ quan Pháp gốc Do Thái, bị vu cáo là gián điệp. Vì bài báo này Zola bị kết tội phỉ báng nhà nước, bị tước Bắc Đẩu Bội Tinh, và phải trốn sang Anh để tránh bị giam. Một năm sau chính phủ Pháp đổ, Zola trở về Pháp và lại tiếp tục bảo vệ Dreyfus. Bài báo của Émile Zola đã trở thành tuyên ngôn đầu tiên của giới trí thức như một lực lượng mới trong xã hội.

Nhãn: ,

7 bình luận to “Tiếng kèn thứ năm”

  1. Phong Says:

    Thưa anh Đăng,
    Ngoài những học hỏi từ những bài viết của Anh về hội hoạ, tôi lấy làm thú vị khi anh viết “Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút” trong bài viết nầy. “Câu Rút” phiên âm từ crux là một từ cổ trong kinh đọc của người Công giáo Việt Nam. Thầy của tôi, Linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích (22/9/1891-10/12/1978), có kể về một giai thoại là khi còn trẻ, Ngài được dự thính trong một hội nghị về dịch các từ Thiên Chúa Giáo qua tiếng Việt, Ngài để nghị thay từ “Thánh Giá” thế cho “Câu Rút” và được chấp thuận. Sau buổi hop, Ngài bông đùa: Xin các cha để Câu Rút lại và vác Thánh giá mà về.

  2. Vy from VYLYST Says:

    Có lý do đặc biệt nào khiến hoạ sĩ Lê Huy Tiếp chép lại bức Chiến Tranh của mình không ạ? Bức thứ 2 có cùng kích thước với bức thứ nhất không ạ?

  3. huỳnh vũ Says:

    Kính chúc họa sỹ sang năm mới : sức khỏe dồi dào, gia đình yên vui và thật nhiều may mắn !

  4. VC (HN) Says:

    Duyên kỳ ngộ hiếm gặp.

    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng.

    Số phận của bức tranh cũng bảy nổi ba chìm chẳng khác số mệnh con người.

  5. Nam Nguyen Says:

    Cảm thấy lôi cuốn và học hỏi nhiều điều hay từ tranh vẽ và lối tự truyện của anh Nguyễn Đình Đăng.

Gửi phản hồi cho Nam Nguyen Hủy trả lời