Vụ án tranh giả nổi tiếng nhất thế kỷ XX

Nguyễn Đình Đăng

Để chứng minh một bức tranh là giả (hay thật) thì ngoài thẩm định về phong cách, chất lượng nghệ thuật, còn cần cả chứng cứ xét nghiệm khoa học nữa.
Nói chung, các nghiên cứu khoa học về kỹ thuật sơn dầu, dung môi, dầu tạo màng, varnish v.v. tuy đã được bắt đầu từ giữa t.k. 18, nhưng có rất nhiều điều chưa rõ ràng, sai lạc. Vì thế người ta khuyên nên có thái độ cực kỳ hoài nghi đối với tất cả những gì đã được viết về vấn đề này trước năm 1952.

Tại sao lại là năm 1952?

Lịch sử ở đây được gắn với cái tên Paul Coremans (1908 – 1965).

13725006_1732767110315515_2297807512192104029_o

Paul Coremans (1908 – 1965)

Paul Coremans sinh tại Bỉ, bảo vệ tiến sĩ hoá học năm 24 tuổi (1932) tại Brussels. Năm 26 tuổi TS Coremans được Viện các bảo tàng hoàng gia mỹ thuật và lịch sử Bỉ mời thành lập một phòng thí nghiệm nhằm thẩm định các bức tranh. Trung tâm đó sau này đã trở thành Viện Nghiên Cứu Hoàng Gia Di Sản Nghệ Thuật Bỉ. Ông được coi là người đầu tiên đưa các phương pháp khoa học hiện đại vào nghiên cứu kỹ thuật hội hoạ sơn dầu.

Coremans và các phương pháp nghiên cứu của ông đã trở nên nổi tiếng thế giới sau khi ông thẩm định được Han van Meegeren (1889 – 1947) đã làm giả tranh của Johannes Vermeer.

Vụ án Han van Meegeren

Han van Meegeren là hoạ sĩ Hà Lan, người đã từng chứng minh rằng những người được gọi là các chuyên gia và nhà phê bình mỹ thuật đương thời thực chất là một lũ ngu dốt. Ông đã làm giả tranh của Frans Hals, Pieter de Hoochs, Gerard Teborch, và Johannes Vermeer “siêu” đến nỗi các chuyên gia và nhà phê bình mỹ thuật đương thời tưởng là tranh thật và tán dương đến tận mây xanh. Đặc biệt, trong số này có bức Vermeer giả có tên “Bữa tối tại Emmaus” vẽ năm 1937, đã được một số chuyên gia mỹ thuật hàng đầu thế giới thời đó tuyên bố là bức Vermeer đẹp nhất họ từng được xem [1].

Trong Đệ nhị Thế chiến, để cứu các kiệt tác hội họa khỏi lọt vào tay phát xít Đức, các đại gia Hà Lan đã vung tiền ra mua các kiệt tác của Vermeer, trong đó có cả các bức tranh do van Meegeren làm giả. Tuy nhiên, một kiệt tác rởm, bức “Chúa Jesus và người đàn bà ngoại tình” vẫn lọt lưới sau khi được van Meegeren bán cho trùm Quốc Xã Hermann Göring với giá 1.65 triệu guilders (tương đương 7 triệu USD ngày nay).

13692959_1732767920315434_6808849843770837189_o

Han van Meegeren giả Vermeer
Bữa tối ở Emmaus (1937)

13732017_1732959333629626_1607338079455780792_o

Các sĩ quan Mỹ tìm ra bức “Chúa Jesus và người đàn bà ngoại tình” Han van Meegeren vẽ giả Vermeer trong số tài sản của Hermann Göring

Ngay sau khi Đại Chiến II kết thúc, quân đồng minh đã tìm thấy bức tranh này trong số tài sản của Göring. Van Meegeren đã bị bắt ngày 29.5.1945 và bị kết tội phản quốc vì đã cộng tác với Đức Quốc Xã và đã bán báu vật quốc gia cho chúng. Tội này có nghĩa là án tử hình. Vì thế van Meegeren thú nhận ông đã làm giả tranh Vermeer. Tại tòa ông kêu lên: “Bức tranh trong tay Göring không phải là Vermeer van Delft mà là Vermeer van Meegeren! Chính tôi đã vẽ bức tranh đó.”

13641208_1732769446981948_7538985912709972545_o

Han van Meegeren tại tòa

Tòa đã cho van Meegeren cơ hội chứng minh điều này. Trong thời gian 5 tháng từ tháng 7 tới tháng 12 năm 1945, trước sự hiện diện của các nhà báo và công chứng tòa án, Han van Megereen đã vẽ bức tranh giả cuối cùng của mình, bức “Jesus và các nhà thông thái”. Trên cơ sở bức tranh van Meegeren bán cho Göring là Vermeer giả, vì vậy không phải là báu vật quốc gia, ngày 29.10.1947 tòa án đã xóa tội phản quốc đối với van Meegeren. Tuy nhiên ủy viên công tố vẫn cáo buộc van Meegern tội “giả mạo” và “lừa đảo”, và đề nghị 2 năm tù giam.

13735114_1732770023648557_7628458529922406073_o

Han van Megereen vẽ bức tranh giả cuối cùng của mình, bức “Jesus và các nhà thông thái

Tòa đã mời một hội đồng quốc tế gồm các chuyên gia Hà Lan, Bỉ và Anh để thẩm định các bức tranh giả của van Meegeren. Chủ tịch hội đồng này chính là TS Paul Coremans. Hội đồng đã thẩm định 8 bức tranh van Meegeren giả tranh Vermeer và Frans Hals. Bằng các phân tích hóa học, Coremans và các cộng sự đã phát hiện ra rằng Van Meegeren đã dùng medium có chứa nhựa phenol formaldehyde, được sản xuất chỉ từ t.k. XX. Một chai dầu có thành phần y hệt như vậy đã được tìm thấy trong studio của van Meegeren. Ngoài ra các vệt nứt trên tranh đã được làm giả rất tinh vi bằng mực nho.

13710568_1732926386966254_9177926186525613826_o

Một trong những bằng chứng chống lại Han van Meegeren: sưu tập bột màu tìm thấy tại studio của ông này

Việc van Meegeren lừa được Göring bằng tranh giả khiến ông ta trở thành một thứ anh hùng dân tộc trong mắt người Hà Lan. Đó là tình tiết giảm nhẹ khiến cuối cùng, vào ngày 12.11.1947, van Meegeren chỉ bị tòa kết án 1 năm tù giam vì tội “giả mạo” và tội “lừa đảo”. Tuy nhiên, sau đó 1 tháng rưỡi (30.12.1947) ông ta đã chết vì một cơn đau tim, thọ 58 tuổi.

13737699_1732770360315190_7744927515394983557_o

TS Paul Coremans tại phiên tòa xử Han van Meegeren

Thế nhưng câu chuyện chưa kết thúc tại đó. Năm 1951 ông Jean Decoen – một chuyên gia mỹ thuật và phục chế – đã công bố một cuốn sách trong đó ông khẳng định hai bức “Bữa tối tại Emmaus” và “Bữa tối cuối cùng II” là Vermeer xịn, và rằng hội đồng thẩm định do TS Coremans đứng đầu đã kết luận sai. Kết quả là, ông D.G. van Beuningen – một nhà sưu tập tranh tăm tiếng, người đã mua bức “Bữa tối cuối cùng II” và 2 bức khác – đòi Coremans công khai xác nhận phân tích của Coremans là sai, nhưng Coremans đã từ chối. Van Beuningen bèn kiện Coremans ra tòa vào năm 1952, đòi bồi thường 500 ngàn bảng (tương đương 10 triệu USD ngày nay). Thế nhưng Van Beuningen đã qua đời ngày 29.5.1955 trước ngày phiên toà dự định diễn ra (2.6.1955). Con cháu của van Beuningen muốn dàn xếp với Coremans ngoài toà án, nhưng Coremans đã từ chối vì ông coi cáo buộc này là sự sỉ nhục đối với sự liêm chính trong khoa học của mình. Năm 1956, Coremans (48) đã được tòa xử trắng án. Tòa còn phán bên nguyên phải trang trải toàn bộ án phí, thiệt hại, cũng như cho phép báo chí đăng toàn bộ nội dung xét xử và kết luận cúa tòa.

Vụ án Han van Meegeren đã đánh dấu sự đột phá trong việc dùng các phương pháp khoa học hiện đại để nghiên cứu nghệ thuật, và TS Paul Coremans đã chứng tỏ được tầm quan trọng của lĩmh vực mới này qua vụ án trên.

Bài học rút ra:

– Làm tranh giả để trục lợi đã có từ xưa và có ở khắp nơi.

– Giả đến mấy rồi cũng bị phát hiện.

– Thà thất bại với tên của mình còn hơn thành công hay thu lợi khi núp dưới danh người khác.

Trích từ Phụ lục của thuyết trình

“50 bí quyết vẽ sơn dầu và 10 điều tự răn”

của Nguyễn Đình Đăng tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày 25.11.2011

____________

[1] Hồi đó, ngoài Han van Meegeren ra, chỉ có một người nữa biết bức “Bữa tối tại Emmaus” là Vermeer giả. Người đó là Jacques van Meegeren (1912 – 1977), con trai của Han. Jacques cũng là một hoạ sĩ, được bố chu cấp ăn học và dạy vẽ. Khi Han van Meegeren vẽ bức “Bữa tối tại Emmaus”, Jacques không biết gì về việc này. Song đến năm 1938, ông bố bảo con trai tới xem triển lãm “Thời đại Hoàng kim Hà Lan” ở Rotterdam vì người ta mới tìm ra một kiệt tác thất lạc của Johannes Vermeer, bức “Bữa tối tại Emmaus”. Sau đó khi Han hỏi con cảm tưởng về bức tranh, Jacques trả lời:

– Đó là một kiệt tác của thế kỷ này, chắc chắn không phải của Vermeer.

– Vậy, theo con, bức này là của ai?

– Của bố. Con nhận ra dễ dàng căn cứ vào những cái đầu to quá khổ. Các con mắt được vẽ theo lối của bố. Ly rượu và cái bình sứ trắng cũng là của bố.

Han và Jacques giữ kín chuyện này cho đến khi vụ việc bị phơi bày vào năm 1945.

Về cuối đời, do túng thiếu, chính Jacques van Meegeren đã làm giả tranh và hàng loạt chữ ký của cha mình. Ông con còn cấp giấy chứng nhận cho các bức tranh của cha, trong đó nhiều bức do chính ông con vẽ. Việc này đã làm giảm uy tín tranh của Han van Meegeren bởi ông bố không chỉ làm tranh giả mà cũng vẽ tranh của chính mình, được nhiều người biết tiếng.
Mới biết, đến cả chuyện con làm giả tranh bố, làm mất uy tín của bố, thì Việt nam ta cũng vẫn là xứ đi sau.

Nhãn: ,

Phản hồi của bạn: