Rác thải văn hóa?

Nguyễn Đình Đăng

Một người bạn trong làng mỹ thuật Việt mới cho biết vài thông tin liên quan tới vụ triển lãm tranh bị nghi là giả đang gay cấn tại Sài Gòn hiện nay.

Được người kể cho phép, tôi thuật lại những thông tin này, hầu như giữ nguyên cách hành văn của người kể, sau khi đã biên tập một số tên người để đảm bảo tính riêng tư.

Tôi không chịu trách nhiệm vể độ xác thực của các thông tin dưới đây vì không thực mục sở thị và cũng chưa tự mình kiểm chứng.

*

Bà A ở Huế, người mẫu một thời của hoạ sĩ B, đã sao chép tranh thiếu nữ của hoạ sĩ B khá nhiều, kể cả “nhái”, và chuyển thể sang sơn mài. Hoạ sĩ B rất giận mà không nói được gì, đành từ bỏ người đẹp này. Bà này có cả một đội ngũ làm đồ giả cổ và chép tranh. Đối với họ làm đồ sơn mài là chuyện vặt.

Chuyên gia của hãng Christie’s và bà A này từng là bạn của nhau.

Con gái của bà A từng là bạn thân của ông C, một Việt Kiều chơi đồ cổ có hạng, trước khi ông này qua đời. Cuối những năm 1980 – đầu 1990, ông C này từng về Việt Nam vơ vét tranh, thời đó vừa rẻ, vừa dễ như bỡn, theo kiểu vừa mua rẻ, vừa xin xỏ đổi chác. Có người cũng cho ông ấy mấy cái tranh nhỏ gì đó của Bùi Xuân Phái. Đổi lại, ông đồ cổ tặng cho mấy thứ lặt vặt, kiểu cái bút, bật lửa xịn của Tây, hoặc chai rượu. Như thế là xong, ông kia tít mắt, các cụ nhà mình thấy rượu là hân hoan, không tham gì và cũng ngại chuyện mua bán.

Mình đã nhìn thấy một bức sơn mài rởm Nguyễn Sáng, do bọn người Việt chuyển thể từ một ký hoạ chân dung thiếu nữ của Nguyễn Sáng sang sơn mài. Nguyễn Sáng đi nét rất mạch lạc và khỏe khoắn, tạo mảng và hình khối rõ ràng nên chuyển sơn mài không mấy khó khăn.
Sơn mài của Nguyễn Gia Trí cũng bị làm giả rất nhiều, cả trừu tượng lẫn thiếu nữ vườn xuân.

Nỗi buồn lớn nhất của vụ việc này là sau khi các bức tranh rởm đi một vòng, cuối cùng lại bị thải đổ về Việt Nam như hắt lại rác rưởi. Bọn lừa đảo kiếm được tiền xong thì cú lừa cuối cùng ngoạn mục nhất là bán lại cho người Việt Nam có tiền mà ngu ngơ, it văn hoá.

Bây giờ chúng còn to mồm khẳng định đấy là những báu vật vô giá của mỹ thuật Việt Nam, thật khôi hài.

 

13708356_1731834307075462_8985609395154757871_o

Alexandre-Gabriel Decamps
Các chuyên gia (1837)

Đề xuất của tôi:

Bảo tàng Mỹ thuật t/p Hồ Chí Minh nên tổ chức một cuộc đối chất giữa các ông Jean-François Hubert và Vũ Xuân Chung với các hoạ sĩ, chuyên gia sơn mài, sơn dầu và nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam ngay tại bảo tàng trước sự hiện diện của bộ sưu tập nói trên.

Trong cuộc đối chất này ông Jean-François Hubert cần đưa ra những bằng chứng dựa vào đó ông khẳng định các bức tranh kia là tranh thật của các danh hoạ Việt Nam.

Các hoạ sĩ và chuyên gia Việt Nam cần đưa ra những bằng chứng dựa vào đó họ kết luận các bức tranh đó là giả.

Một hội đồng do bảo tàng kết hợp với hội mỹ thuật thành phố sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

Đó là cách minh bạch và thuyết phục nhất để giải quyết vụ lùm xùm này.

15.7.2016

Nhãn: , , , ,

7 bình luận to “Rác thải văn hóa?”

  1. Vy from VYLYST Says:

    Cuối cùng có cuộc đối chất nào với ông Jean-François Hubert không ạ? Ông Jean-François Hubert rõ ràng là một chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam mà lại thẩm định sai như vậy thì lạ nhỉ?

  2. ngayvadem3t Says:

    chúc bác Đăng cuối tuần vui vẻ.Rất mừng vì dạo này bác viết bài mới liên tục.

Phản hồi của bạn: