Vermeer của Tim

Nguyễn Đình Đăng

Chị Phuong Hanh Nguyen Thien viết: “Hoạ sĩ Tim với sự trợ giúp cuả hoạ sĩ Hockney đã tìm ra được: Vermeer – danh hoạ Hà lan lẫy lừng (TK 17) đã vẽ tất cả các bức tranh cuả mình bằng quang học (dùng thấu kính, rồi chỉ việc tô lại, thêm mầu). Xin ý kiến cuả hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng. Công chiếu trên TV 9.4.2015.”

Để chị Phương Hạnh và các bạn tiện theo dõi, tôi post lại dưới đây các comment của tôi trong phần comments sau post cùng đề tài tại Facebook của HS Phạm Bình Chương. Tôi chỉ sửa vài từ để nối các comments rời rạc của mình thành một bài liền mạch và bổ sung một số chi tiết. Tôi cũng thêm phần mở đầu và phần kết.

Mào đầu:

Thông thường tôi theo phương châm: “Đừng bắn người chơi piano, anh ta đang cố hết khả năng tốt nhất của mình” (Don’t shoot the piano player, he is trying his best – Oscar Wilde). Nhưng qua bộ phim “Tim’s Vermeer” (2013) tôi có cảm giác những người làm phim và cả Tim Jenison không chỉ đơn thuần muốn chứng minh rằng Vermeer đã sử dụng thiết bị quang học giúp cho việc vẽ tranh. Tham vọng của họ lớn hơn thế. Vì vậy mà cần phân tích cho rõ ngô khoai.

*

Johannes Vermeer Buổi học nhạc (1664) sơn dẩu, 73.3 x 64.5 cm

Johannes Vermeer
Buổi học nhạc (1664)
sơn dẩu, 73.3 x 64.5 cm

Tim Jenison  Mô phỏng "Buổi học nhạc" của Johannes Vermeer

Tim Jenison
Mô phỏng “Buổi học nhạc” của Johannes Vermeer

Hãy xem tranh Vermeer thật chứ không phải copy thì sẽ thấy rằng cái trò ông thợ Texas bày ra chỉ là một cách mô phỏng Vermeer, mà kết quả là một sự thất bại hoàn toàn. Vermeer, thậm chí cả Caravaggio có thể từng dùng camera obscura để giúp cho việc vẽ tương tự như ta ngày nay dùng máy ảnh, projector, photcopy, v.v. nhưng tài vẽ và hòa sắc của Vermeer và Caravagggio là kim cổ vô song. Tim Jenison có thể dùng máy sao chép các chi tiết, nhưng không tài nào truyền lại được sự bí ẩn – cái linh hồn trong tranh Vermeer. Đó mới là cái làm nên giá trị của hội hoạ lớn.

David Hockney và Philip Steadman cũng từng đề ra một giả thuyết là các danh hoạ ngày xưa dùng camera obscura, camera lucida, gương lõm để vẽ như các hoạ sĩ ngày nay dùng máy ảnh. Để chứng minh, Hockney đã vẽ vài hình hoạ dùng camera lucida. Những hình hoạ đó trông thật thảm hại khi đem đặt cạnh các ký họa chân dung của Ingres mà David Hockney cho là được vẽ từ ảnh. Như vậy máy truyền ảnh không làm tài vẽ của David Hockney khá hơn tí nào.

David Hockey tự so sánh dessin do ông vẽ dùng camera lucida (phải) với các dessins của Ingres (trái)

David Hockey tự so sánh dessin do ông vẽ dùng camera lucida (phải) với các dessins của Ingres (trái)

Đừng câu nệ vẽ từ ảnh thay vì từ mẫu thực. Bạn có thể vẽ từ bất cứ nguồn nào bạn thích. Nhưng nếu bạn không có tài về hình hoạ và hoà sắc, cái thứ bạn vẽ ra chỉ là một sản phẩm vô hồn cho dù có chính xác đến đâu, bất kể được vẽ từ mẫu thực hay từ ảnh chụp.

Vấn đề ở chỗ một bức tranh chứa đựng một lúc 2 linh hồn: linh hồn của mẫu nổi lên thông qua linh hồn của hoạ sĩ. Bản sao của Tim thiếu hẳn linh hồn thứ hai này, mà đó lại chính là linh hồn của thiên tài Vermeer.

Arthur Schopenhauer từng nói: “Tác phẩm vĩ đại, đích thực, phi thường chỉ có thể được làm ra chừng nào tác giả của nó bỏ qua phương pháp, các tư tưởng, và quan điểm của những người đương thời, và lặng lẽ làm việc, bất chấp sự phê phán của họ, tự mình khinh bỉ cái mà họ tán dương. Không ai trở thành vĩ đại mà lại thiếu sự ngạo mạn kiểu này. Nếu cuộc đời và tác phẩm của anh ta lại rơi vào một thời đại không thể công nhận và đánh giá anh ta, anh ta dù sao cũng vẫn trung thực với chính mình; giống như một người du hành cao quý buộc phải nghỉ qua đêm trong một nhà trọ tồi tàn; khi bình minh đến anh ta lại vui vẻ lên đường.” (Arthur Schoenhauer, Luận về thiên tài)

Nhìn từ một khía cạnh khác, những nghiên cứu như của Tim Jenison là có ích bởi chúng cho thấy khoa học và kỹ thuật có thể bổ sung, hỗ trợ, thậm trí là cần thiết cho nghệ thuật nhưng không thay thế được nghệ thuật. Khoa học không lý giải được bí ẩn của thiên tài, không giải thích được cảm giác về sự siêu phàm xuất hiện khi thưởng thức một kiệt tác.

Ngoài ra cái “kỹ thuật” chép của Tim như trong phim cho thấy là hoàn toàn hỏng vì Tim chỉ cố pha màu trên palette và tô lại cho “giống”. Cái hòa sắc “chết” đó không thể nào sánh được hòa sắc quang học trong kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp của Vermeer và các bậc thầy cổ điển. Trong kỹ thuật vẽ nhiều lớp, hoạ sĩ chỉ pha màu khi vẽ lót đơn sắc. Còn hòa sắc ở các lớp trên chủ yếu được tạo bởi chồng các lớp màu trong lên nhau.

Ví dụ cho thấy Tim Jenison đã không hiểu kỹ thuật sơn dẩu nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển. Tim nhìn thế nào thì pha mầu trên palette cố cho giống như thế rồi phệt lên canvas. Vì thế màu "tịt", chỗ sáng dày bằng chỗ tối, mất độ sâu và hiệu quả 3D. Bóng tối màu xám trên bức tường trắng phía sau là một bóng tối cực "phô".

Ví dụ cho thấy Tim Jenison đã không hiểu kỹ thuật sơn dẩu nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển. Tim nhìn thế nào thì pha mầu trên palette cố cho giống như thế rồi phệt lên canvas. Vì thế màu “tịt”, chỗ sáng dày bằng chỗ tối, mất độ sâu và hiệu quả 3D. Bóng tối màu xám trên bức tường trắng phía sau là một bóng tối cực “phô”.

Bộ phim “Vermeer của Tim” cho thấy Tim có 2 thông điệp:

1) Thông điệp thứ nhất, ở đoạn đầu của video là:

Sẽ rất tuyệt nếu tôi có thể vẽ như Vermeer vì tôi không phải là hoạ sĩ (Phút 2:14).

Và Tim muốn chứng minh ông vẽ được như Vermeer!

2) Thông điệp thứ 2: Từ phút 3:34:

Có thể Vermeer đã sử dụng công nghệ để vẽ nên các bức tranh đẹp này. Có thể Vermeer đã vẽ được những bức tranh tuyệt vời mà không cần được rèn luyện nhiều. Có thể ông ta là một nhà thực nghiệm, một người lập dị lạc lõng (hơn là một bậc thầy). Có lẽ Vermeer cũng làm giống hệt như chúng tôi tức dùng công nghệ (computer) để tạo nên các hình ảnh đẹp hiện thực.

Tại 1:22:28: Tim khóc sau khi hoàn thành bức tranh sau 130 ngày vẽ. Tim nói đây là ngày ông mong đợi (Ngày ông vẽ được như Vermeer!).

Nhầm lẫn của Tim là do Tim không hiểu hội họa cổ điển và kỹ thuật của nó (chứ không phải vì ông không phải là hoạ sĩ, vì rõ ràng có hoạ sĩ như David Hockney cũng không hiểu, và Hockney không phải là hoạ sĩ duy nhất không hiểu các bậc thầy cổ điển). Phán đoán của Tim trong thông điệp thứ 2 cũng không đúng. Vermeer có thể đã dùng camera obscura [1] nhưng, như đã viết ở trên, camera obscura không giúp David Hockney vẽ được như Ingres.

Bậc thầy trong văn cảnh ở đây là một nghệ sĩ có kỹ năng xuất sắc đáng để nhiều người noi theo. Kỹ năng trong hội hoạ sơn dầu cổ điển chỉ có được sau nhiều năm luyện tập. Nhưng Tim muốn chứng minh điều ngược lại, rằng không cần phải là một bậc thầy cũng có thể vẽ được như Vermeer, nếu dùng công nghệ. Nếu người xem cũng ngớ ngẩn tin theo, thì sẽ lập tức nghi ngờ hay Vermeer cũng chỉ là một người tầm thường như anh bán cá ở nhà đối diện, nhưng biết dùng camera obscura để đánh lừa chúng ta?

Tôi không nghĩ Tim lười biếng. Cặm cụi vẽ 130 ngày như thế thì không thể bị gọi là lười biếng. Nhưng dốt thì có. Vì cả 2 giả thuyết: 1) Không phải hoạ sĩ cũng có thể vẽ như Vermeer và 2) Công nghệ giúp người kém kỹ năng (chưa nói đến tài năng) vẽ nên kiệt tác nghệ thuật, là dốt ngay từ lúc đặt vấn đề. Dốt vì chúng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết.

Đối với tôi, điều hấp dẫn trong câu chuyện này không phải là việc Tim tuyên bố tranh của Vermeer chỉ là ảnh màu 350 tuổi, mà là việc ông và đội làm phim đã bỏ ra 5 năm để thực hiện dự án trong đó Tim đã dùng công nghệ để tự tái tạo tất cả các đồ vật của căn phòng trong bức tranh “Buổi học nhạc” của Vermeer. Ông còn sáng chế ra hệ thống thấu kính và gương, một chiếc gắn ở đầu que cho phép người vẽ có thể sao chép chính xác hình cũng như màu của mẫu. Bản sao này không phải là bức sơn dầu đầu tiên của Tim. Trước đó Tim đã dùng kỹ thuật soi gương này để sao lại chính xác một bức ảnh chụp đen trắng.

Trong bài “Vermeer’s paintings might be 350 year- old color photographs” (Các bức tranh của Vermeer có thể là những bức ảnh màu 350 năm tuổi) Tim tỏ ra “mềm” hơn. Ông chỉ nói ông là người làm computer graphics nhiều năm nên quen phân biệt hình ảnh do máy ghi lại và do mắt người cảm nhận. Vì thế khi nhìn các chi tiết trong tranh Vermeer, ví dụ như bức tường trắng, ông cho rằng mắt người không thể nhìn được hình ảnh giống như máy ảnh ghi lại như thế được. Ngoài ra khi vẽ dùng hệ thống thấu kính, Tim cũng phát hiện ra các hiệu ứng quang sai về màu, hiệu ứng một số vật bị mờ vì “out-of-focuse” trong một số tranh Vermeer, hiệu ứng thấu kính khiến các hoạ tiết các con cá ngựa trên cây đàn virginal bị cong đi. Trên tranh Vermeer các con cá ngựa cũng được vẽ cong đi y như vậy. Tim kết luận: Nhất định Vermeer có thiết bị quang học trợ giúp, ví dụ một hệ thống thấu kính và gương cho phép chép lại hình, màu, sáng tối tương tự như chụp ảnh.

Tim khẳng định đó không phải là camera obscura vì bạn không thể tô màu lên hình ảnh do camera obscura chiếu lên canvas. Màu của bạn sẽ bị lẫn vào ánh sáng từ hình chiếu, và trông sẽ chói hơn. Vermeer hẳn đã phải dùng một hệ thống thấu kính và gương như thế nào đó để có thể sao chép mà không bị cản trở như vậy. Và Tim đã sáng chế ra hệ thống thấu kính – gương nói trên. Tim không khẳng định đó chính là hệ thống thấu kính – gương Vermeer đã dùng, nhưng đó là một trong những khả năng.

Tất cả những cái đó rất thú vị. Có điều quan điểm của Tim loại trừ những người có khả năng nhìn chính xác, khả năng nhìn một lần rồi vẽ lại theo trí nhớ mà vẫn giống, cũng như trong âm nhạc có những người chỉ nghe bản nhạc một lần là có thể dễ dàng chơi lại được ngay, hoặc không cần tập tành gì nhiều mà có thể vẽ hoặc chơi đàn rất dễ dàng. Đó là những người có tài bẩm sinh về hội hoạ hay âm nhạc. Hồi Denis Matsuev, nghệ sĩ piano Nga (sinh 1975), giải nhất concours Tchaikovsky năm 1998, sang Tokyo biểu diễn tại trung tâm Yamaha ở Ikebukuro cách đây chừng 15 năm, tôi có hỏi Matsuyev tập piano mỗi ngày mấy tiếng. Anh nói hồi nhỏ anh rất lười, thích đá bóng, nhưng anh học đàn rất dễ dàng bởi không có bất cứ khó khăn nào về kỹ thuật, vì thế anh thành thục kỹ thuật rất nhanh mà không cần tập nhiều. Còn bây giờ anh tập đàn ngay trong khi biểu diễn trên sân khấu!

Câu chuyện mô phỏng Vermeer của Tim Jenison cũng khiến tôi nhớ lại thời tôi còn là sinh viên tại Moskva. Mỗi lần tới kỳ thi đều có vài sinh viên Nga bỏ ra hàng tuần lễ để chế tạo hệ thống tinh vi cho phép họ quay cóp mà không bị phát hiện. Họ tỉ mẩn làm những băng giấy nhỏ, xếp lại được như đàn accordéon, rồi cặm cụi chép vào đó đáp án các câu hỏi thi, để giấu vào tay áo, váy, xu-chiêng, khi vào phòng thi sẽ kéo ra xem. Tôi luôn băn khoăn là, thay vì bỏ bao thì giờ và công sức làm hệ thống quay cóp này, sao họ không ngồi học thi, dễ dàng hơn và nhanh hơn nhiều. Sau đó tôi hiểu rằng có những người có khả năng nghĩ ra các hệ thống để sao chép tinh vi, tuy có khi còn mất thì giờ nhiều hơn học, nhưng không có khả năng và sự kiên nhẫn để học và tự hiểu. Họ có thể lọt qua kỳ thi, thậm chí lĩnh bằng tốt nghiệp, nhưng hệ thống quay cóp tinh vi không giúp họ lĩnh hội được kiến thức học thuật, tương tự như hệ thống gương của Tim không làm một người thợ copy trở thành một hoạ sĩ.

Vermeer và một số bậc thầy hoàn toàn có thể đã sử dụng thiết bị quang học giúp vẽ tranh. Hockney, Steadman và Tim không phải là những người đầu tiên nêu ra giả thuyết này. Năm 1891 Joseph Pennell – một thợ làm tranh thạch bản và tranh khắc người Mỹ – là người đầu tiên đã nêu giả thuyết Vermeer đã sử dụng dụng cụ quang học để vẽ tranh. Sau đó còn vài người khác nữa.

Bức "Dalí được nhìn từ phía sau đang vẽ Gala nhìn từ được phía sau được vĩnh hằng bằng sáu giác mạc giả tưởng phản chiếu tạm thời trong sáu tấm gương thực" (1972, trái) được Dalí vẽ từ tư liệu ảnh (phải) do Marc Lacroix chụp trước đó (cùng năm 1972).

Bức “Dalí được nhìn từ phía sau đang vẽ Gala nhìn từ được phía sau được vĩnh hằng bằng sáu giác mạc giả tưởng phản chiếu tạm thời trong sáu tấm gương thực” (1972, trái) được Dalí vẽ từ tư liệu ảnh (phải) do Marc Lacroix chụp trước đó (cùng năm 1972).

Chuyện dùng hay không dùng máy móc để trợ giúp là sở thích và nhu cầu của hoạ sĩ. Không có gì sai trong chuyện này cả. Còn ở đâu đó, ai đó từng nhét vào đầu học sinh là hoạ sĩ không được và không nên vẽ từ ảnh, v.v. thì đó là một quan điểm cực kỳ nhầm lẫn và hẹp hòi. Chỉ có một điều lạ rằng nếu quả thật Vermeer đã từng dùng camera obscura hay gương gì đó đại loại như thế để vẽ thì tại sao người ta không tìm ra một thứ gì tương tự trong cả đống hoạ cụ Vermeer để lại sau khi qua đời? Việc xây dựng không gian theo viễn cận tuyến tính đã được biết từ khi Filippo Brunelleschi phát minh ra nó vào t.k. XV. Hoạ sĩ chỉ cần găm một chiếc kim tại tiêu điểm, từ đó căng dây bôi phấn theo các tia (như sàn nhà, cạnh tường, cạnh bàn. v.v.) rồi kéo cho dây bật in lốt phấn lên canvas, như kiểu thợ mộc nảy mực vẽ vạch để đánh dấu. Bố cục của toàn bộ bức tranh được vẽ theo các đường thẳng hội tụ vào tiêu điểm như vậy. Việc 13 tranh vẽ nội thất của Vermeer có lỗ kim châm tại tiêu cự cho thấy Vermeer đã dùng phương pháp này để dựng bố cục. Nếu Vermeer chỉ đơn thuần sao hình từ camera obscura hay một thiết bị quang học nào khác thì ông đâu cần đục lỗ căng dây như vậy? Vì vậy, nếu có sử dụng thiết bị quang học, Vermeer có thể chỉ coi đó như một cách giúp ông kiểm tra ánh sáng, tinh chỉnh lại một số chi tiết chứ không việc gì phải sao chép tỉ mẩn hình chiếu của nó như Tim Jenison hay David Hockney đã làm [2].

Còn về nguồn năng lượng để Vermeer vẽ được như thế, thì câu trả lời là: Có, đó là nguồn năng lượng của một Thiên tài.

Salvador Dalí từng viết rằng ông sẵn sàng cho cắt cả hai tai mình nếu được biết công thức chính xác của hợp chất tạo nên dung dịch quý giá mà Vermeer từng dùng để vẽ.

Như đã viết ở trên, khoa học không lý giải được bí ẩn của thiên tài, không giải thích được cảm giác về sự siêu phàm xuất hiện khi thưởng thức một kiệt tác. Nói một cách khác, người có thiên tài là người như có thần nhập vào trong.

Trong trả lời phỏng vấn đài RFA ngày 21.10.2010 tôi có nói như sau
Tuy rằng nghệ thuật là do con người sáng tạo ra, song nghệ thuật là cái gì đó cao hơn cả chính người sáng tạo ra nó. Nó như cái linh của vũ trụ nhập vào một cá nhân, cái thần khí mà Tạo Hoá gửi gắm vào người nào đủ khả năng nhận được nó, để rồi sau khi tài năng này sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật, cái thần khí đó như thoát ra, tác động tới người thưởng ngoạn.

Trong buổi nói chuyện “50 bí quyết vẽ sơn dầu và 10 điều tự răn” tại ĐHMT Yết Kiêu ngày 25.11.2011, tôi có nói về trường hợp tay làm giả tranh Vermeer người Hà Lan Hans Van Meegeren, mà có nhà phê bình cho là “có đầy đủ tố chất của thiên tài trừ sự độc đáo”.

Thực ra trình độ của Hans Van Meegeren khá tầm thường, hình hoạ yếu, anatomy yếu. Xem ví dụ ở đây (Cái tay của tông đồ áo vàng sai giải phẫu, dưới vải không có thịt! ), và ở đây (Hình hoạ sai giải phẫu, ngây ngô một cách thảm hại).

Không một thiên tài nào thời Baroque lại vẽ ngớ ngẩn như vậy.

Việc Hans Van Meegeren qua mặt được các nhà phê bình mỹ thuật đương thời chỉ chứng tỏ ông ta đã đúng khi khẳng định rằng những người được gọi là chuyên gia nghệ thuật hay nhà phê bình mỹ thuật cùng thời ông thực chất không biết gì về hội hoạ. Và để chứng mình điều này ông ta đã vẽ tranh giả để bịp họ. Vì họ không nhận ra, Hans Van Meegeren vớ bẫm nên cứ thế “diễn” và trở nên giàu có nhờ làm tranh giả. Những “hào kiệt” như Hans Van Meegeren, tuy “tầm cỡ” có khác nhau, song không thời nào thiếu. Thời đại nào cũng nhiều người u mê, nhiều kẻ tham lam, háo danh, cho nên những tay bịp mới có đất sống. Đó là bản chất của loài người.

Còn thiên tài thì hiếm, khoảng 100 năm may ra mới có một người trong một lĩnh vực. Trong “Luận về thiên tài” Arthur Schopenhauer đã nhận định:

Những người xuất hiện từ đám đông, những người được gọi là thiên tài, đơn thuần chỉ là lucida intervalla (lúc tỉnh táo giữa những cơn điên) của giống người. Họ đạt được cái mà những người khác chắc không thể nào đạt được. Sự độc đáo của họ lớn đến mức không chỉ sự bất đồng của họ với người khác là rõ ràng, mà tính cá nhân của họ được biểu hiện với một sức mạnh đến nỗi các thiên tài từng tồn tại từ trước tới nay, bất cứ ai trong số họ, đều bộc lộ những nét kỳ dị trong tính cách và trí tuệ; để món quà từ các tác phẩm của anh ta là thứ mà, trong tất cả mọi người, chỉ mình anh ta là người có thể đem tặng cho thế giới. Đó là cái khiến sự so sánh của Ariosto trở nên quả là đúng và xứng đáng nổi tiếng: Natura lo fece e poi ruppe lo stampo. Tự nhiên đúc ra thiên tài sau đó đập vỡ cái khuôn.”

Cũng nên nhớ rằng Vermeer cũng chịu ảnh hưởng từ các hoạ sĩ đương thời, như Pieter de Hooch (hơn Vermeer 3 tuổi). De Hooch sống tại Delft từ năm 1652 tới 1661. Ông là người sáng tạo ra phong cách vẽ cảnh sinh hoạt của tầng lớp dân trung lưu trong nội thất dùng chiếu sáng và không gian để phản ánh nội tâm nhân vật. De Hooch cũng là người có phong cách vẽ các đồ vật trông như thực. Hội hoạ của de Hooch đã khiến Vermeer chuyển từ đề tài tôn giáo và Kinh Thánh sang mô tả các nhân vật trong nội thất t.k. XVII. Vì vậy, nếu nói về tạo ra cái mới thì de Hooch mới là người cách tân chứ không phải Vermeer, vì de Hooch đã tạo ra hẳn một thể loại hội hoạ. Còn Vermeer chỉ vẽ theo thể loại này. Bố cục tranh của Vermeer, ví dụ như sự tập trung hành động vào một góc trong một không gian rộng, hoàn toàn được vay mượn từ de Hooch. Nhưng một trong những điểm khác nhau quan trọng giữa de Hooch và Vermeer đó là, trong khi tranh của de Hooch chỉ như những phóng sự ghi lại khung cảnh của đời sống gia đình thị dân Hà Lan thời đó, thì tranh của Vermeer đã vượt ra khỏi sự ràng buộc của dân tộc tính, của không gian, thời gian, để hướng tới những ý nghĩa nhân sinh toàn cầu, sâu xa hơn. Tinh thần này được toát lên nhờ cách xử lý ánh sáng trong trẻo, hoà sắc kỳ lạ và hình họa mềm mại sống động hơn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến Vermeer cuối cùng mới là người đã để lại dấu ấn chói lọi như một trong hai danh hoạ vĩ đại nhất thời Hoàng Kim Hà Lan, bên cạnh Rembrandt.

Bài học rút ra:

Đừng câu nệ, đừng sợ bị ảnh hưởng, đừng e ngại vay mượn từ các tiền bối (miễn là đừng vi phạm bản quyền tác giả!), đừng ngần ngại sử dụng các thiết bị hỗ trợ nếu chúng giúp bạn vẽ dễ dàng, thoải mái hơn. Cuối cùng cái quan trọng nhất là linh hồn trong tác phẩm của bạn.

Trong một trả lời PV, tôi có nói như sau:

Cái bí ẩn và khó bậc nhất của hội hoạ là cái màn sương, hay tấm voan (voile) mờ ảo lơ lửng phía trên bề mặt bức tranh mà người xem cảm thấy khi bức tranh được treo trong phòng triển lãm. Tất cả tài nghệ, kinh nghiệm của hoạ sĩ xét cho cùng là chỉ nhằm tạo ra được cái màn sương bí hiểm đó. Đó là cái hồn của tác phẩm. Tác phẩm chỉ trở thành kiệt tác khi cái hồn đó toát ra. Khi tấm voile ấy run rẩy trong tâm hồn người xem, nó khiến tâm hồn người ta thư thái, nó khiến người ta nổi gai ốc, nó làm nước mắt trào ra lăn trên gò má lúc nào không biết. Đó là giờ phút rất thiêng liêng – giờ phút con người được tiếp xúc với Cái Đẹp, như một cánh cửa đang được mở ra để người ta nhìn thấy khuôn mặt của Thượng Đế.”

Thay lời kết:

Bi kịch của thiên tài là ở chỗ những người tầm thường không bao giờ hiểu thiên tài. Mà số người tầm thường bao giờ cũng đông trong khi nhân loại chỉ có một Johannes Vermeer. Lòng tự ái của người tầm thường trước thiên tài dường như được an ủi khi có người “cố thử xem liệu mình có phát hiện ra tại chỗ này chỗ kia một vết nhơ của vĩ nhân để xoa dịu nỗi đau họ cảm thấy trước một trí tuệ vĩ đại đến thế, so với cảm xúc đang lấn át về sự tầm thường của chính họ” (Arthur Schopenhauer). Đó là một trong những lý do khiến bộ phim “Vermeer của Tim” ăn khách.

11.4.2015

_____________

[1] Xem Nguyễn Đình Đăng,“Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” (2009), trang 34.

[2] Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Vermeer không chép từ hình chiếu của thiết bị quang học là đầu cô gái và hình phản chiếu trong gương. Để có hình phản chiếu trong gương như trong tranh, đầu cô gái phải quay nghiêng (ví dụ như trong bức mô phỏng của Tim Jenison). Nhưng đầu cô gái trong tranh của Vermeer vẫn hướng thẳng vào phía bức tường trước mặt.

Nhãn: ,

Một bình luận to “Vermeer của Tim”

  1. Belka Says:

    “Phản biện” tuyệt vời! Cám ơn anh.

Phản hồi của bạn: