Trừu tượng: Từ Pythagoras tới Kandinsky

Nguyễn Đình Đăng

1) Khái niệm trừu tượng” thời Cổ Hy Lạp

Khái niệm “trừu tượng” đã được đề cập từ khi con người bắt đầu dùng lý lẽ để nghiên cứu về các vấn đề cơ bản như thực tại, hiện hữu, nhận thức, lý trí, giá tị, tư tưởng, ngôn ngữ, nói tóm lại, từ khi triết học ra đời.

Pythagoras_7

Pythagoras
(khoảng 580 – 495 tr. CN)

Heraclides Ponticus (khoảng 388 – 310 tr. CN) – triết gia và nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại, nổi danh vì là người đầu tiên cho rằng trái đất quay quanh trục của nó từ tây sang đông mỗi vòng 24 giờ – đã coi Pythagoras là triết gia đầu tiên của nhân loại[1]. Triết gia La Mã Cicero (106 – 43 tr. CN) có kể lại giai thoại của Heraclides rằng chính Pythagoras là người đã sáng tạo ra từ “triết học” (philosophia = φιλοσοφία)[2] (Xem Phụ lục).

Pythagoras (khoảng 580 – 495 tr. CN) là nhà toán học nổi tiếng trước hết với định lý Pythagoras: bình phương cạnh huyền của một tam giác vuông bằng tổng các bình phương của hai cạnh kia. Trước khi Pythagoras ra đời, mẹ ông được bà đồng Pythia ở Delphi tiên đoán sẽ sinh ra một người con cực kỳ đẹp trai, thông tuệ và mà cả nhân loại sẽ được nhờ. Do vậy mà ông có tên Pythagoras có nghĩa là được bà đồng Pythia tiên đoán (agor). Khi còn trẻ Pythagoras từng đi nhiều nơi để tầm sư học đạo, kể cả sang Ai Cập và học tiếng Ai Cập. Sau đó ông tới Croton (miền nam nước Ý) vào khoảng năm 530 tr. CN. Tại đây ông đã thành lập một trường phái triết học và tôn giáo mang tên “mathematikoi”.

Trường phái Pythagoras coi các nguyên lý toán học là các nguyên lý của vạn vật, là cơ sở của vật chất, các con số là cấu trúc cơ bản cùa vạn vật. Pythagoras coi Nhất Tướng, không phân chia được, hay Không số, được ký hiệu bằng vòng tròn, là biểu tượng của Siêu phàm hay Thượng Đế. Khái niệm này rất gần với Cái-Tâm-Chứa-Tất-Cả trong Thiền học tại Á Đông sau này. Từ không có gì (Nhất tướng) sinh ra đơn tố (monad) hay số 1, như một dạng thức của Thượng Đế và là bản thể đầu tiên. Từ đơn tố sinh ra nhị tố (dyad, hay số 2), rồi từ đó đẻ ra các con số khác, điểm, đường, mặt, khối, vật thể, rồi 4 nguyên tố cơ bản tạo nên sự sống là Thủy, Hoả, Thổ, Không khí, và từ đó là toàn bộ thế giới cùa chúng ta.

Pentagram (hình ngôi sao)
AC/AB = φ, ΑΒ/AC = 1/φ = φ-1
Phương trình 1/φ = φ-1
cho lời giải dương φ = 1.618…
và lời giải âm φ = – 0.618…

Nghiên cứu tỉ lệ giữa các con số, Pythagoras là người đầu tiên phát hiện ra quan niệm vể sự hài hoà trong nghệ thuật và âm nhạc. Trường phái Pythagoras lấy hình ngôi sao 5 cánh (pentagram) được tạo bởi các đường chéo của hình ngũ giác đều làm biểu tượng của sự hoàn hảo toán học. Tỉ lệ giữa đường chéo và cạnh của hình ngũ giác đều có giá trị bằng φ = 1.6180339887… Đây chính là con số vàng, mà Pythagoras chứng minh là cơ sở của tỉ lệ cơ thể người. Phát hiện này đã có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nghệ thuật Cổ Hy Lạp.

Coi các tổng thể hiện hữu là sự bắt chước các dạng thức toán học, Pythagoras thực chất đã tiên đoán toàn bộ Dạng thức luận (lý thuyết về Forms) của Plato (khoảng 424 – 347 tr. CN) sau này[3]. Aristotle (384 – 322 tr. CN), nguyên môn đệ của Plato, coi  Dạng thức luận của Plato chỉ là một sự đổi tên khái niệm đã được trường phái Pythagoras nêu ra. Trong “Metaphysics”, Quyển I, mục 6, Arsitotle viết:

“Plato chấp nhận giáo huấn của Socrates, nhưng cho rằng có thể áp dụng các giáo huấn này không chỉ cho những vật ta có thể nhận biết bằng cảm giác, mà còn cho các tổng thể thuộc loại khác, mà không thể dùng định nghĩa của một vật cụ thể để xác định, bởi các vật ta có thể nhận biết bằng cảm giác thì luôn biến đổi. Ông gọi các thứ thuộc loại khác đó là các Ý niệm, và ông cho rằng các vật, mà ta có thể nhận biết bằng cảm giác, được gọi tên theo các ý niệm đó vì có liên quan đến các ý niệm đó, bởi lẽ mọi vật tồn tại do tham dự vào các Ý niệm mà có tên như tên các Ý niệm đó. Chỉ có cái tên ‘tham dự’ là mới, vì trường phái Pythagoras từng nói rằng vạn vật tồn tại nhờ ‘bắt chước’ các con số, còn Plato đổi tên, nói chúng tồn tại nhờ tham dự vào. Nhưng ‘tham dự’ vào Dạng thức hay ‘bắt chước’ Dạng thức là cái gì thì đó là một câu hỏi mà họ còn để ngỏ.”

Trong “Tusculan Disputations”, Quyển I, XVII, Cicero nhắc lại khẳng định của Aristotle:

“Plato nói ông tới Ý để làm quen với các môn đệ của Pythagoras, khi tới đó ông đã gặp Archytas and Timæus, và đã học từ họ tất cả giáo lý của trường phái Pythagoras; và ông không chỉ có chung quan điểm với Pythagoras về sự bất tử của linh hồn, mà còn mang lý lẽ ra đề củng cố cho quan điểm đó.”

Như vậy, khi coi toán học là các nguyên lý của vạn vật, là cơ sở của vật chất, các con số là bản chất cùa vạn vật, Pythagoras và các môn đệ của ông là những người đầu tiên bàn về khái niệm trừu tượng trong triết học.

2) Khái niệm “trừu tượng” thời Khai Sáng

Tuy khái niệm trừu tượng đã được đề cập từ thời Cổ Hy Lạp, song sự phân biệt giữa trừu tượng và cụ thể ngày nay khác xa sự phân biệt giữa Ý niệm (Dạng thức) và những thứ có thể được nhận biết bằng cảm giác.

Locke,John

John Locke
(1634 – 1704)

Khái niệm “trừu tượng” hiện đại có nguồn gốc từ thời Khai Sáng, được triết gia Anh t.k. 17 John Locke (1634 – 1704) đề cập trong “Một tiểu luận về hiều biết của con người” (1690)[4]. Trong quyển I của tác phẩm này, Locke công kích triết học của Plato và Descartes, là những trường phái tin vào hiểu biết có trước, hay kiến thức bẩm sinh. Ông chống lại ý tưởng rằng tất cả chúng ta khi sinh ra đã biết một số nguyên lý cơ bản. Thông thường người ta biện minh cho các nguyên lý bẩm sinh bằng viện ra rằng có những nguyên lý mà tất cả mọi người đều tán đồng. Nhưng theo Locke thì, trái lại, không có nguyên tắc nào được chấp nhận bởi tất cả mọi người. Hơn nữa, nếu từng tồn tại một đồng thuận phổ quát về một cái gì đó, thì sự đồng thuận này chắc hẳn đã xảy bằng cách khác chứ không phải bẳng kiến ​​thức bẩm sinh. Locke khẳng định rằng con người không thể được coi là biết ngay cả những nguyên lý cơ bản nhất chừng nào chưa được dạy hoặc tự tư duy. Ngoài ra, do người ta rất khác nhau về tư tưởng đạo đức, kiến thức đạo đức không phải là bẩm sinh. Locke coi trí tuệ con người khi sinh ra là trống rỗng, như một tabula rasa (một cái bảng sạch trơn). Hiểu biết và kiến thức của con người được hình thành nhờ cảm giác và tư duy – hai kênh cung cấp cho con người các ý niệm.

Cuối cùng, Locke công kích triết học Plato rằng các ý niệm được coi là bẩm sinh trong Dạng thức luận của Plato quá phức tạp và mơ hồ khiến phải học và nghiên cứu rất nhiều mới có cơ may lĩnh hội được ý nghĩa của chúng.

Trong quyển III của tác phầm này, Locke bàn về các ý niệm trừu tượng tổng quát. Theo ông, mọi thứ hiện hữu trên đời này là các “vật” riêng biệt. Để đi tới khái niệm trừu tượng Locke làm hai bước.

Ở bước thứ nhất, các ý niệm tổng quát được hình thành khi ta nhóm các ý niệm tương tự lại với nhau và loại bỏ những khác nhau giữa chúng đi cho đến khi nào chỉ còn lại những tương tự. Khi đó chúng ta dùng những tương tự này để tạo ra các thuật ngữ tổng quát, ví dụ “cây” – bản thân cũng là một ý niệm tổng quát.

Ở bước tiếp theo, chúng ta tạo các ý niệm trừu tượng dựa trên 3 lý do sau đây:

–   Rất khó nhớ các tên gọi khác nhau cho từng vật hiện hữu riêng biệt

–   Đặt tên cho từng vật hiện hữu sẽ cản trở giao tiếp

–   Mục đích của khoa học là tổng quát hoá và phân loại

Locke phủ nhận khái niệm bản chất của Plato. Theo Plato, chúng ta chỉ có thể nhận ra các cá thể của một chủng loại vì chúng ta biết bản chất cuả chủng loại đó, chẳng hạn chúng ta nhận ra một cái cây nào đó là cái cây bởi chúng ta hiểu cái cây là gì về mặt bản chất. Locke cho rằng các bản chất thực ra không tồn tại như những thực thể lý tưởng, mà chỉ đơn thuần là các ý niệm trừu tượng, tổng quát mà chúng ta tự tạo ra khi quan sát các vật cụ thể, các vật thực sự hiện hữu trên đời này. Con người tự quyết định cái gì là khác nhau, cái gì là tương tự để phân biệt và phân loại sự vật hiện hữu. Con người tự chọn định nghĩa các thể loại chứ không phải khám phá bản chất của một chủng loại.

3) Khái niệm “trừu tượng” trong hội hoạ theo Kandinsky

1-1

Wassily Kandinsky
(1866 – 1944)

Năm 1910 Wassily Kandinsky viết cuốn sách “Bàn về tinh thần trong nghệ thuật”, được coi là trước tác lý thuyết đầu tiên về hội hoạ trừu tượng.

Trong cuốn sách này, Kandinsky định nghĩa các hình khối trừu tượng (abstract forms) là các hình khối bị mất tính vật chất (dematerialized) tức không thể hiện bất cứ tính chất nào của vật chất (having no material interpretation).

Kandinsky cho rằng sự cần thiết nội tại của nghệ sĩ là nguyên lý của nghệ thuật và nển tảng của hình khối và hoà sắc. Mỗi hình khối – được giới hạn bởi các mặt – có một nội dung bên trong nào đó. Nội dung đó chính là cái hiệu ứng nó tác động lên người xem khi quan sát nó một cách chăm chú. Màu sắc và hình khối, tương tự như âm nhạc, tự chúng có thể làm rung động tâm hồn mà không cần phải thông qua việc biểu hiện thế giới vật chất làm trung gian. Hội hoạ được sinh ra một cách bí ẩn từ sự cần thiết nội tại của hoạ sĩ, và tự nó có một sự sống riêng, một chủ thể độc lập, mang một hơi thở tinh thần.

Quan điểm về hội họa trừu tượng của Kandinsky không còn mang dấu vết gì của khái niệm trừu tượng trong triết học Cổ Hy Lạp cũng như từ Locke.

Trừu tượng theo Kandinsly là sự loại bỏ hoàn toàn vật thể, phát sinh từ sự thất bại trong việc dựa vào các vật thể để tạo dựng nội dung. Trừu tượng này không còn dựa vào thế giới bên ngoài, không phải là cái đích của một quá trình chắt lọc, đơn giản hoá, hay phức tạp hóa. Ngược lại, trừu tượng tồn tại không cần tới thế giới bên ngoài, không cần tới vật thể cũng như bản chất của chúng.

Kandinsky cho rằng chân lý trong nghệ thuật là sự biến hoá của cuộc sống cá nhân, trải nghiệm thẩm mỹ trong mối liên hệ mật thiết với đạo lý. Bản thân nghệ thuật là một đạo lý, một cách sống, một lẽ sống. Mối liên hệ giữa thẩm mỹ và đạo lý trong nội tâm nghệ sĩ chính là cái mà Kandinsky gọi là `tinh thần’. Nghệ thuật nhằm bộc lộ thực tại không nhìn thấy được ẩn giấu trong chúng ta. Cái nội dung trừu tượng cuối cùng mà hội hoạ diễn đạt là hoàn toàn xa lạ với thế giới khách quan.

Kandinsky định nghĩa hình thức (form) là sự diễn đạt nội dung trừu tượng bằng hình. Ông viết: “Yếu tố bên trong, được tạo bởi rung động của tâm, là nội dung của tác phẩm nghệ thuật. Không một tác phẩm nghệ thuật nào có thể tồn tại nếu thiếu nội dung bên trong đó.” Song, “để một nội dung, lúc đầu chỉ tồn tại ‘in abstracto’ (một cách trừu tượng), trở thành một tác phẩm nghệ thuật, cần có yếu tố thứ hai – yếu tố bên ngoài – để hoá thân. Như vậy nội dung cần một cách thể hiện, một hình thức diễn đạt.”

Không chỉ khác xa khái niệm “trừu tượng” trong tiết học, quan niệm “trừu tượng” trong hội họa của Kandinsky còn phân định ranh giới  giữa sự cần thiết nội tại quyết định hình thức và các xu hướng mang tên “trừu tượng hoá”, nhưng trên thực tế các xu hướng này vẫn dựa vào nguyên tắc của hội họa cổ điển, tức là dùng các hình khối thuần khiết để tạo dựng bức tranh trong khi các hình khối này vẫn đơn thuần là sự biểu hiện của thực tại từ thế giới bên ngoài. Đó là những gì ta đã thấy trong hội hoạ lập thể, hay trong “trừu tượng hình học” của Malevich và Mondrian. Loại “hội họa trừu tượng” này thực chất vẫn xuất phát từ thế giới bên ngoài để tạo dựng nội dung bên trong, và vật thể của thế giới vật chất bên ngoài vẫn chỉ đạo việc phá hủy và tạo dựng của nghệ sĩ. Gắn tư duy với thế giới bên ngoài qua các vật thể, nghệ sĩ đặt mục tiêu cuối cùng là hiểu bản chất của thế giới có thể nhìn thấy. “Trừu tượng hoá” ở đây vô hình chung đã trở thành một cách để khai thác tri giác thông thường, khiến hội hoạ nhanh chóng trở nên đơn điệu, giả tạo, nặng tính kỹ thuật  và thiếu cá tính. Đó là lý do khiến nhiều trào lưu  “trừu tượng” nửa cuối t.k. 20 nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Hội hoạ trừu tượng của Kandinsky hoàn toàn trái ngược với quan niệm đó [5].

Một khi nội dung trừu tượng, không nhìn thấy được hoặc hoàn toàn chủ quan, quyết định toàn bộ hình thức thể hiện, thì hình thức không còn dựa vào bất cứ vật thể nào của thế giới vật chất mà ta thường cảm nhận cũng như bất cứ cấu trúc nào trong thế giới khách quan nữa. Nói cách khác, bằng việc coi sự cần thiết nội tại là quy luật bất biến duy nhất của nghệ thuật, rằng đó là yếu tố duy nhất quyết định sự cần thiết của hình thức, chứ không dính gì tới thế giới bên ngoài, Kandinsky đã khẳng định rằng sự cần thiết nội tại chính là yếu tố quyết định tự do của nghệ thuật thuần túy.

kandinsky_gugg_0910_16

Wassily Kandinsky
Phảc thảo 2 cho Composition VII (1913)
sơn dầu, 100 x 140 cm
Städtische Galerie im Lenbachhaus, Munich

 Phụ lục:

Triết gia, người là ai?

Một lần hoàng tử xứ Phliasii là Leon, trong khi nghe Pythagoras thuyết giảng, có hỏi nghề nghiệp của Pythagoras là gì. Pythagoras trả lời ông không có nghề nghiệp gì cả mà ông là một triết gia. Leon rất ngạc nhiên vì cái chức danh chưa từng nghe, bèn hỏi vậy triết gia khác gì những người làm nghề khác. Pythagoras trả lời:

Đời người giống như các trận đấu thể thao trên các đường đua vĩ đại nhất tại Hy Lạp. Trong những trận đấu đó một số người có mục đích đạt được vinh quang và danh dự giành được vương miện bằng luyện tập cơ bắp, một số người khác tới đó để mua bán, chỉ nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, nhưng cũng có một loại người, và họ là những người xuất sắc nhất, mục đích của họ không phải là tiếng vỗ tay hoan hô cũng chẳng phải lợi nhuận, mà họ đến đơn thuần chỉ như những khán giả tò mò, quan sát những gì diễn ra, và cách thức mà mọi sự diễn ra. Chúng ta đến đây từ một cuộc sống và thế giới khác, cũng tựa như từ một thành phố khác mà đi ra cái chợ đông đúc nhất, một số người là nô lệ của vinh quang, một số khác là nô lệ của tiền bạc, nhưng có một số ít người, không để tâm tới bất cứ thứ gì khác mà chỉ nghiêm túc nhìn vào bản chất của sự vật. Những người đó tự gọi mình là những người ham hiểu biết (philo = yêu) về sự thông tuệ (sophia), tức là các triết gia, và đó là nghề nghiệp uy tín nhất cho tất cả mọi ngườì mà không cần phải mua bán gì hết, vì trong cuộc sống, việc quan sát sự vật và hiểu chúng vượt xa bất kỳ mưu cầu nào khác của đời người.”

 12/12/2012


[1] Khổng Tử (551 – 479 tr. CN) sinh sau Pythagoras khoảng 30 năm.

[2] Cicero, Tusculan disputations, Book V, III.

[3] Aristotle, Metaphysics, Book I, 5.

[4] John Locke, An Essay Concerning Human Understanding.

[5] Quan điểm nội tâm quyết định hình thức của Kandinsky hoàn toàn khác với quan điểm dựa vào thế giới bên ngoài của Picasso. Picasso cho rằng: “Không có cái gọi là hội hoạ trừu tượng. Hoạ sĩ bao giờ cũng phải bắt đầu từ một vật nào đó, sau đó thì làm mọi cách để loại bỏ tất cả sự giống hay dấu vết của hiện thực đi. Nhưng làm cách gì đi chăng nữa hoạ sĩ cũng không thể xoá được cái ý tưởng của một vật thể trong tranh của mình, tựa như một vết nhơ không thể nào tẩy đi được. Chính vật thể là thứ kích thích hoạ sĩ, khêu gợi ý tưởng và tạo một loạt cảm xúc cho hoạ sĩ. Những ý tưởng và cảm xúc đó sẽ mãi mãi bị giam trong bức tranh của hoạ sĩ.“  Nhận xét về Picasso, Kandinsky viết: “Ông tiến đến sự tiêu diệt vật chất, không phải bằng cách hoà tan nó, mà bằng cách tựa như băm nhỏ các phần riêng rẽ và rắc các phần đó trên bề mặt bức tranh theo cách tạo dựng. Nhưng kỳ cục thay, chính trong khi làm như vậy, ông vẫn muốn giữ lại khả năng hiển thị của vật chất.” Vì lý do đó hội hoạ của Picasso chưa bao giờ là trừu tượng.

Các bài liên quan:

Về khái niệm “trừu tượng” trong hội họa trừu tượng(*)

Wassily Kandinsky: Tam giác của cuộc sống tinh thần

Wassily Kandinsky: Nguyên tắc nhu cầu nội tại

Wassily Kandinsky bàn về các đại diện tiền thân của hội hoạ trừu tượng