Một số lưu ý về bản quyền và tác quyền

Nguyễn Đình Đăng

Sáng hôm qua tôi nhận được 6 comments gửi nối tiếp nhau (vào lúc 5:46, 5:58, 6:03, 6:12, 6:20, 6:53 AM), từ cùng một IP adress với công ty AMBN.VN (có trụ sở tại số 2 ngõ 110 Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà Nội, Tel: 0963686968, Email: ambn07@yahoo.com), bênh vực cho việc làm sai trái của công ty AMBN.VN – công ty đã tự ý (tức không được phép của tôi) đăng và rao bán theo hình thức người đọc phải trả tiền để tải xuống chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” mà tôi là tác giả. Tôi đã thông báo về việc này ngày 28.12.2013 trong bài “Lại vi phạm bản quyền“.

Ngoài ngôn từ miệt thị – lý do để tôi bỏ những comment này vào thùng rác, những người (hay một người dùng 6 địa chỉ email khác nhau) nhắc lại đòi hỏi của AMBN.VN rằng tôi phải chứng minh tôi chính là Nguyễn Đình Đăng – tác giả chuyên khảo nói trên. Thậm chí một comment còn đòi tôi chứng minh tôi chính là tác giả của logo trên blog này! Hiện nay IP address này đã bị cấm trên blog của tôi.

*

Vụ này cho thấy, mặc dù Việt Nam đã tham gia công ước Berne, văn hóa tôn trọng bản quyền và tác quyền còn ở mức rất ấu trĩ trong nhiều người ở Việt Nam. Vì thế đối với những những ai còn chưa rõ thế nào là vi phạm bản quyền và tác quyền, tôi thấy cần tóm tắt lại như sau.

Theo Wikipedia (tiếng Việt): “Quyền tác giả hay tác quyền (copyright) là độc quyền của một tác giả cho tác phẩm của người này. Quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa (cũng còn được gọi là tác phẩm) không bị vi phạm bản quyền, thí dụ như các bài viết về khoa học hay văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, phim và các chương trình truyền thanh.”

Cũng theo Wikipedia tiếng Việt: Vi phạm bản quyền là sao chép lại hay là lưu chuyển tác phẩm của người khác mà không xin phép, trái phép hoặc không ghi rõ nguồn và tên tác giả chính thức. Thậm chí trầm trọng là có thể công bố thêm hay gây hiểu lầm là các công trình đó là của mình sáng tạo ra (đạo văn, đạo nhạc). Đây được xem là vi phạm quyền tác giả sở hữu trí tuệ.”

Theo Điều 6 của Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

*

Về đòi hỏi tôi phải chứng minh tôi là tác giả của chuyên khảo nói trên, trả lời của tôi như sau.

1) Bản thân đòi hỏi này là bất hợp lý bởi lẽ, một khi AMBN.VN hay bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác đăng công trình của một tác giả nào đó, thậm chí còn bắt người đọc trả tiền, mà chưa được phép của tác giả đó, thì AMBN.VN hay cá nhân (tổ chức) này đã vi phạm tác quyền và bản quyền.  Bất kỳ ai cũng có thể nhắc nhớ, cảnh báo, tố cáo việc vi phạm đó, chứ không nhất thiết chính tác giả của tác phẩm bị vi phạm tác quyền và bản quyền mới là người có quyền tố cáo việc này. Khi thấy các đứa trẻ bị bảo mẫu tra tấn, bất kỳ ai cũng có thể tố cáo với chính quyền để đưa các bảo mẫu ra tòa, chứ không chỉ bố mẹ các cháu mới có quyền tố cáo.

2) Tại trang 44 của chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” đã ghi rõ

Mọi ý kiến xin gửi tới email của tôi: ndinhdang(at)gmail(dot)com hoặc dang(at)riken(dot)jp

Như vậy, việc quý vị nhận được email ký tên Nguyễn Đình Đăng cùng một lúc từ cả 2 địa chỉ email nói trên (bao gồm cả IP address) cho thấy người viết email chỉ có thể là một trong hai người sau đây:

i) Tác giả Nguyễn Đình Đăng,

ii) Hacker, tức kẻ mạo danh đột nhập được vào 2 tài khoản email nói trên của tác giả Nguyễn Đình Đăng.

Vì ít nhất một trong hai địa chỉ email này, cụ thể là địa chỉ dang(at)riken(dot)jp, có server đặt tại viện Nghiên cứu Vật lý Hoá học Nhật Bản (RIKEN) – nơi tác giả Nguyễn Đình Đăng làm việc gần 20 năm nay – được bảo mật rất cẩn thận và chưa bao giờ bị hacked, nên khả năng (ii) chưa xảy ra. Điều đó có nghĩa là tôi – người đã nhiều lần gửi email từ hai địa chỉ nói trên tới công ty AMBN.VN để yêu cầu công ty này gỡ bỏ chuyên khảo mà công ty này hiện đăng trái phép trên trang web của họ – và tác giả của chuyên khảo nói trên không phải là hai người trùng tên mà là một người.

3) Có thể có nhiều người có cùng họ tên Nguyễn Đình Đăng, nhưng chỉ có một Nguyễn Đình Đăng là người nghiên cứu vật lý hạt nhân kiêm hoạ sĩ, đồng thời là tác giả chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu“, tác giả của các bức hoạ đăng tại

http://ribf.riken.go.jp/~dang/page1.html

http://ribf.riken.go.jp/~dang/page1VN.htm

tác giả của các bài viết đăng tại blog này và tại

http://ribf.riken.go.jp/~dang/art_articles.html

và là người sử dụng cùng một lúc 2 địa chỉ email dang(at)riken(dot)jp và ndinhdang(at)gmail(dot)com, cũng là người đang viết các dòng chữ này với lai lịch được ghi rõ tại các trang web sau:

http://ribf.riken.go.jp/~dang/

Tiểu sử

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Đình_Đăng

4) Quá trình tôi viết chuyên khảo nói trên có lịch sử chi tiết của nó, bắt đầu từ buổi thuyết trình của tôi về đề tài này tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày 8.01.2009. Điều này đã được ghi rõ trong lời nói đầu tại trang 3 của chuyên khảo nói trên. Tất cả các email trao đổi giữa tôi và những người tổ chức buổi thuyết trình này tôi vẫn lưu giữ đầy đủ. Tham dự buổi thuyết trình này còn có nhiều sinh viên mỹ thuật, một số hoạ sĩ, nhà phê bình và đại diện của truyền thông đại chúng. Một số hình ảnh về buổi thuyết trình được tôi đăng tại đây.

Tôi cũng lưu giữ toàn bộ Powerpoint slides tôi dùng khi thuyết trình và sau đó dùng để viết chuyên khảo nói trên. Các slides này tôi không gửi cho bất kỳ ai khác. Đó là một phần lý do vì sao tôi không cung cấp các slides của một số thuyết trình của tôi cho người thứ hai. Các bản nháp của chuyên khảo này do tôi soạn vào tháng 1 năm 2009 hiện vẫn được tôi lưu giữ với đầy đủ ngày tháng. Ngoài ra, trong chuyên khảo nói trên có nhiều chi tiết mà chỉ có tôi mới có thể giải thích được, ví dụ như trao đổi giữa tôi và hoạ sĩ Lê Huy Tiếp ghi ở trang 8, v.v. Ngoài ra, trong chuyên khảo còn có những bức hình tôi chụp trong studio của tôi ở trang 40 – 42. Chúng có thể bị sao chép nhưng ngoài tôi ra không ai có thể giải thích được các chi tiết về nội thất trên bức hình bởi đó là nhà tôi và các đồ vật của cá nhân tôi với lịch sử của chúng mà kẻ cắp không thể nào hiểu được.

Sau khi chuyên khảo này được viết xong vào ngày 16.01.2009, tôi đã thông báo cho nhiều hoạ sĩ và bạn hữu trong mailing list của tôi. Email này và các phản hồi từ họ tôi hiện vẫn lưu trữ.

5) Sau khi đã được phép của tôi, chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” của tôi đã được tạp chí Mỹ thuật – Nhiếp ảnh thuộc cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đăng làm 5 kỳ , trong các số:

5 (tháng 10/2012),  tr. 32 – 33

6+7 (tháng 11/2012), tr. 77 – 83

1+2 (8+9) (tháng 1 – 2/2013), tr. 67 – 77

3(10) (tháng 3/2013), tr. 33 – 38

4(11) (tháng 4/2013), tr 28 – 32

Quý vị nào quan tâm có thể liên hệ với Tạp chí Mỹ thuật – Nhiếp ảnh tại 38 Cao Bá Quát, Ba Ðình, Hà Nội, điện thoại: 04-37347524, fax: 04-37347459, Email: cucmythuat(at)gmail.com . Các email trao đổi và sửa bài lên khuôn PDF file giữa tôi, bà Đoàn Thu Hương – cục phó, và người biên tập tòa soạn Tạp chí Mỹ thuật – Nhiếp ảnh hiện vẫn được tôi lưu giữ.

Chừng ấy kể đã quá đủ để gạt bỏ cái “lý sự cùn” của AMBN.VN yêu cầu tôi chứng minh tôi là Nguyễn Đình Đăng – tác giả chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu“.

*

Đòi hỏi tôi chứng minh tôi chính là tác giả của logo trên blog này cũng trở nên ngớ ngẩn luôn, vì logo này là trích đoạn từ bức tranh “Ngày trưởng thành” mà tôi là tác giả.

seijinnohi1.jpg

Nguyễn Đình Đăng
Ngày trưởng thành
sơn dầu, 162 x 194 cm, 2008

Bức tranh này cũng như nhiều bức tranh khác của tôi đã được triển lãm tại Tokyo, được bình luận liên tục trong suốt 10 năm từ 2003 tới 2013 trên tạp chí “Cửa sổ mỹ thuật” (美術の窓) của Nhật, số ra vào tháng 11 hàng năm. Bức tranh này cũng được in trong vựng tập triển lãm lần thứ 44 (năm 2008) của hội Mỹ thuật Chủ Thể Nhật Bản, được nhắc đến trong bài phỏng vấn tôi nhan đề “Vietnamese physicist thrives in Japan” của ký giả Edan Corkill đăng tại Japan Times, ngày 8.12.2009 (Xem bản dịch tiếng Việt tại “Nhà vật lý Việt Nam thành đạt tại Nhật Bản”). Người đàn ông bị con quái vật đầu trâu bịt miệng trong tranh (và trên logo) chính là chân dung tự hoạ của tôi. Người thanh niên ngồi trước laptop trong tranh là con trai tôi. Tôi còn giữ cả hình hoạ bố cục của bức tranh nói trên, và làm một bài thơ về nó tại đây.

*

Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị vi phạm tác quyền. Nhiều năm trước, có người đã từng tải xuống một số phiên bản tranh của tôi, xóa tên tôi đi và gắn tên mình vào, rồi đăng trên một trang web ở ngoại quốc kèm đề nghị bạn đọc tài trợ. Một bạn đọc đã phát hiện ra, đã gửi email đến trang web này phản đối, đồng thời đã thông báo cho tôi. Tôi đã gửi email tới trang web. Ngay lập tức, các bức tranh bị đạo đã bị gỡ xuống và kẻ đạo tranh này đã bị cấm đăng.

Sau đó là một số vụ tôi đã thông báo trên blog này trong các bài

,

Thông báo về đạo văn

Một thạc sĩ mỹ thuật tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW đạo văn của tôi”

Trong các vụ này, các bài có tác quyền bị vi phạm, hoặc các bài “đạo văn” đăng trên internet đã nhanh chóng bị gỡ bỏ. Riêng trong vụ với NXB Thời Đại, vì ấn phẩm là sách in, sau khi nhận được email của tôi, NXB Thời Đại đã yêu cầu công ty Alpha Book dừng xuất bản và thu hồi cuốn sách này. Sau đó công ty Alpha Book đã gửi email xin lỗi và thanh toán nhuận bút bài viết của tôi mà nhóm sinh viên Việt Nam tại Đại học Tohoku tự ý đăng vào sách tuy chưa được phép của tôi. Tôi đã gửi số tiền nhuận bút đó cho nhóm  sinh viên này để ủng hộ các nạn nhân bị động đất và sóng thần tại Nhật Bản năm 2011. Cuốn sách vẫn được phát hành như đã định. Toàn bộ số tiền bán sách cùng nhuận bút đã được dùng ủng hộ nạn nhân động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Chi tiết xem trong phần comments cuối bài “.

Trong các vụ kể trên, không ai đòi hỏi tôi phải chứng minh tôi chính là tác giả Nguyễn Đình Đăng cả.

Nói tóm lại, câu chuyện đơn giản chỉ có thế này: Công ty AMBN.VN hiện đang đăng trên trang web của họ tại

http://www.ambn.vn/product/9583/Ky-thuat-ve-tranh-son-dau.html

chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” của tôi mà không được sự đồng ý của tôi. Một lần nữa tôi yêu cầu AMBN.VN gỡ chuyên khảo nói trên xuống.

*

Nhân đây tôi cũng nhắc lại với các bạn quan tâm tới các bài viết của tôi rằng các bài chuyên khảo của tôi được viết ra là để các bạn đọc, với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Các bạn có thể tải xuống hoàn toàn miễn phí từ trang web và blog của tôi, lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Nếu các bạn muốn chia sẻ với người khác, các bạn chỉ cần cung cấp đường link có các bài viết này từ trang web hoặc blog của tôi là đủ.

Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại các bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) đều vi phạm bản quyền và tác quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tôi, Nguyễn Đình Đăng – tác giả của các bài viết này, tại địa chỉ bưu điện hoặc điện tử dưới đây:

Nguyen Dinh Dang
Nishina Center Research Scientist
Theoretical Nuclear Physics Laboratory
Nishina Center for Accelerator-Based Science
Main Research Bldg. R. 159
RIKEN, 2-1 Hirosawa
Wako city, 351-0198 Saitama, Japan
Tel: 81-48-467-4068, Fax: 81-48-462-5314
Email: dang(at)riken(dot)jp, ndinhdang(at)gmail(dot)com
URL: http://ribf.riken.go.jp/~dang
Blog: https://nguyendinhdang.wordpress.com

trong đó (at) là dấu @, còn (dot) là dấu .

Trong trường hợp một trong hai email adresses này bị hacked, tôi sẽ thông báo để các bạn biết.

6.01.2014

Nhãn: , , , ,

3 bình luận to “Một số lưu ý về bản quyền và tác quyền”

  1. hoạ sĩ Đức Hoà Says:

    Điều đáng giận là ở ta, người trung thực không biết trông cậy vào đâu ! Nhà văn Nguyễn Quang Lộc từng viết: “Bác ơi, bác có biết không/ Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều !”

  2. NĐB Says:

    Chào anh Đăng. Chúc anh năm mới nhiều thành công.

    Khi có loạt bài viết của anh đăng về sơn dầu in trên tạp chí MTNA thì một số bạn là giảng viên mỹ thuật có nhã ý muốn xin tài liệu bản mềm để sử dụng, em đã giới thiệu đường link trang của anh và chú ý đến việc sử dụng phải tôn trọng bản quyền tác giả, không được cho vào giáo trình, đề tài, bài viết một cách vô tư mà không đề rõ nguồn. Em đã nhắc vậy, các bạn đó cũng đã hiểu, nhưng kiểm soát hết thì rất khó anh ạ.

    Sự vô cảm, lười biếng, thích ăn sẵn và cả sự dối trá đối với giới trẻ VN hiện nay là điều đáng buồn anh ạ.

    NĐB

    • Ny Di Says:

      Chào NĐB,

      Tình trạng coi thường quyền tác giả không chỉ tồn tại riêng trong giới trẻ Việt hiện nay, mà đáng sợ hơn là nó tồn tại trong các cơ quan truyền thông, đáng sợ hơn nữa nếu nó thuộc sở hữu nhà nước. Đấu tranh với thói quen xấu này cần đến sự dũng cảm từ cá nhân sở hữu và sức mạnh ủng hộ lan toả từ tập thể những cá nhân có lòng tự trọng. Nếu như ai cũng dĩ hoà vi quý, chùng bước trước sức mạnh đồng tiền thì sẽ chỉ tạo ra một tương lai tri thức mềm yếu mà thôi.

      Như gần đây là một ví dụ http://kienthuc.net.vn/sot-mang/a-day-roi-lum-xum-vtv-va-yamaha-trung-ta-an-cap-btv-con-la-lang-646956.html

      Chúc NĐB và anh Đăng luôn mạnh khoẻ và hài lòng cao về cuộc sống.

Phản hồi của bạn: