Archive for the ‘Nhật Bản’ Category

Đại gia Nhật Bản và hội hoạ

17/12/2016

Nguyễn Đình Đăng

Cuối tháng 9 vừa rồi, chúng tôi có dịp đi tham quan miền tây nước Nhật. Sau khi bay từ Tokyo tới Osaka, chúng tôi lên xe bus đi một vòng vùng Chugoku, ghé thăm các thành phố Tottori, Yasugi, Matsue, Kurashiki, và Himeji. Tuy trúng mưa bão, nhưng chuyến đi rất thú vị và chúng tôi vẫn xem được nhiều nơi. Đặc biệt đáng nhớ là hai bảo tàng: Bảo tàng mỹ thuật (BTMT) Adachi ở thành phố Yasugi thuộc tỉnh Shimane và BTMT Ohara ở thành phố Kurashiki thuộc tỉnh Okayama, nội dung chính của bài viết này.

Từ thợ đun xe trở thành nhà tư bản và sưu tập mỹ thuật

15195846_1791983111060581_3319649342647334624_o

Bảo tàng mỹ thuật Adachi

Bảo tàng đầu tiên chúng tôi tới thăm trong chuyến du lịch này là BTMT Adachi, được ông Zenko Adachi (1899 – 1990) thành lập năm 1980 tại thành phố Yasugi, tỉnh Shimane, quê hương ông.

15181256_1791972981061594_3735826012214528693_n

Zenko Adachi trong những năm cuối đời

Ông Zenko Adachi sinh ngày 8/2/1899 trong một gia đình nông dân tại tỉnh Shimane. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết tiểu học, sau đó phải nghỉ học để lao động giúp gia đình. Năm 14 tuổi ông làm thợ đẩy xe than từ Yasugi, nơi bảo tàng tọa lạc ngày nay, ra cảng trên một quãng đường dài 15 km. Sau khi phát hiện có thể bán được than trên đường đun xe ra cảng, ông đã yêu cầu chủ chất gấp đôi số than lên xe, nhờ đó tăng gấp đôi thu nhập hàng ngày của mình. Từ đó ông thích thú với kinh doanh. Sau Đệ Nhị Thế Chiến ông Adachi trở thành thương gia buôn vải sợi và kinh doanh bất động sản. Cũng thời gian đó ông bắt đầu sưu tập tranh của các hoạ sĩ Nhật Bản và dần dần trở nên một nhà sưu tập nổi danh.

15171147_1791992657726293_6161851547765081981_n

Hoạ sĩ Yokoyama Taikan

Zenko Adachi đặc biệt ngưỡng mộ tranh của Yokoyama Taikan (1868 – 1958), người được coi là cụ tổ của Nihonga. Xuất phát từ phong cách của trường phái Rinpa, Yokoyama Taikan đã áp dụng các kỹ thuật phương Tây, loại bỏ sự áp đảo của đường nét. Phong cách của Yokoyama Taikan đã bị các hoạ sĩ và nhà phê bình đương thời kịch liệt chỉ trích vì bị cho là thiếu năng lượng và sức sống. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Yokoyama Taikan đã tặng toàn bộ tiền bán tranh của mình cho quân đội hoàng gia, khiến sau thế chiến ông bị tình nghi là tội phạm chiến tranh và đã bị quân đội Mỹ thẩm vấn. Năm 1937 Yokoyama Taikan được Thiên hoàng tặng thưởng huân chương Văn hóa và huân chương Mặt Trời mọc hạng nhất.

15219582_1791976577727901_4830634046684069506_n

Bộ tranh “Lá mùa thu” (1931) của Yokohama Takan được ghép từ 12 panels, mỗi panel có kích thước 163 x 60.2 cm.

BTMT Adachi có bộ sưu tập tranh của Yokoyama Taikan lớn nhất Nhật Bản. Ngoài ra còn tranh cuả 13 họa sĩ hiện đại và 14 hoạ sĩ đương đại, đồ gốm của 2 nghệ sĩ, tranh cho thiếu nhi của 5 hoạ sĩ và tượng gỗ của 2 điêu khắc gia Nhật Bản. Toàn bộ sưu tập của bảo tàng gồm 1300 tác phẩm được sáng tác từ 1870 đến ngày nay.

15241757_1791980184394207_1130851872410967307_n

Seiho Takeuchi, Sau cơn mưa, 1928

 

15193600_1791981351060757_5060862122199643018_n

Yuji Murakami, Những con mèo trên bến cảng, 2006

Bảo tàng được bao quanh bởi 6 khu vườn đẹp nhất Nhật Bản do chuyên gia vườn Nhật Kinsaku Nakane (1917 – 1995) thiết kế và hoàn thành năm 1970. Với tổng diện tích là 165,000 m2, các khu vườn tại bảo tàng Adachi thực chất là những bức tranh sống.

15235759_1791972371061655_7554453230617329000_o

Một góc vườn Nhật tại BTMT Adachi nhìn từ qua cửa kính bảo tàng

 

15272083_1793523924239833_8139831805896879366_o

Vườn tại BTMT Adachi

Có lần, bàn về một bức tranh mình đã để vuột mất, Zenko Adachi nói: “Gặp được tranh cũng như gặp người. Đó là duyên số. Sưu tập tranh không phải là vấn đề tiền. Đó không phải vì giá cả. Khi một bức tranh cực hay được rao bán, phải nhắm mắt lại mà vồ lấy nó. Tôi cảm thấy thực sự buồn vì đã không mua được bức tranh đó. Ngay cả bây giờ, đôi khi chợt tỉnh trong đêm, tôi lại nghĩ về nó và không ngủ tiếp được nữa.

Tình bạn giữa đại gia và hoạ sĩ

BTMT Ohara được ông Magosaburo Ohara (1880 – 1943) thành lập năm 1930 tại thành phố Kurashiki tỉnh Okayama để tưởng niệm bạn mình, hoạ sĩ Torajiro Kojima (1881 – 1929). Đây là bảo tàng đầu tiên của Nhật Bản sưu tập hội hoạ phương Tây.

Sinh tại thành phố Kurashiki, là con trai duy nhất của gia đình tài phiệt miền tây nước Nhật, Magosaburo Ohara thuở thiếu thời là một cậu bé bẳn tính, ích kỷ, và lười học. Cậu thường nói với bạn bè: “Những đứa được thầy giáo khen toàn là bọn vô giá trị.

Trong khi đó Torajiro Kojima (1881 – 1929), con trai một gia đình chủ nhà trọ tại thành phố Takahashi, lại là một tấm gương chăm chỉ. Trong thời gian học tại trường mỹ thuật Tokyo (nay là Đại học Nghệ thuật Tokyo), cậu trọ tại một ngôi chùa gần trường và thường bắt đầu một ngày bằng vẽ một bức ký hoạ sau khi ăn sáng và trước khi tới lớp đúng 8 giờ sáng. Trong giờ nghỉ giữa các tiết học cậu chỉ đọc sách nghệ thuật. Ngoài ra cậu còn học thêm tiếng Pháp.

Năm 1902, 21 tuổi, Torajiro Kojima tới gặp gia đình Ohara để xin cấp học bổng. Ông Oshiro Ohara giới thiệu Kojima với con trai mình, Magosaburo, năm đó 22 tuổi. Magosaburo Ohara khi đó đã thay đổi nhiều. Chàng tiếc tuổi thanh xuân bị bỏ phí, và đã theo Ki-tô giáo để phụng sự Chúa. Những bức tranh Kojima vẽ và niềm đam mê hội hoạ của chàng trai cùng lứa tuổi đã khiến Magosaburo xúc động. Được gia đình Ohara tài trợ, Torajiro Kojima đã tốt nghiệp trường hoạ Tokyo chỉ sau 2 năm thay vì 4 năm, và sau đó tiếp tục học cao học tại trường này. Trong năm cuối cao học (1907), bức tranh “Vườn trẻ tình thương” của Torajiro Kojima đã đoạt giải nhất tại triển lãm và được Hoàng gia Nhật Bản mua. Magosaburo Ohara rất hãnh diện vì thành công của Kojima và đã tài trợ tiếp để Kojima sang châu Âu tu nghiệp 5 năm, bắt đầu từ 1908.

15220114_1793368794255346_6007665985625238696_n

Torajiro Kojima , Vườn trẻ tình thương, 1907

Trong khi Kojima học tại hoạ viện Ghent ở Bỉ rồi sau đó ra mắt giới mỹ thuật Paris, Magosaburo Ohara đã thừa kế tài sản của gia đình, trở thành chủ tịch tập đoàn công nghiệp Kurabo ở Kurashiki và chủ tịch ngân hàng Kurashiki, thâu tóm toàn bộ nền kinh doanh của thành phố này. Ông còn tài trợ các tổ chức xã hội và giáo dục như trường mồ côi tỉnh Okayama, cải thiện đời sống công nhân theo đạo Ki-tô làm việc tại tập đoàn Kurabo. Thời đó các hoạt động từ thiện của ông bị xã hội coi là lập dị và bị nhiều “thế lực thù địch” chỉ trích. Nhưng Magosaburo Ohara chẳng buồn để ý.

Năm 1912 Kojima từ châu Âu trở về, lập gia đình, và được Ohara mời tới sống tại dinh cơ của gia đình Ohara, rộng 6,600 m2, tại thành phố Kurashiki. Hai người trở thành đôi bạn thân.

15193661_1793346350924257_8113511244406084390_n

Nhà tư bản Magosaburo Ohara (trái) và hoạ sĩ Torajiro Kojima (phải)

Năm 1919, trước khi lên đường sang châu Âu lần thứ hai, Kojima đề nghị Ohara sưu tập hội hoạ Tây Âu bởi sinh viên mỹ thuật tại Nhật thời đó chỉ được tiếp cận hội hoạ này qua các bản sao do các đồng môn đi du học chép lại mang về. Mặc dù công việc kinh doanh đang sa sút, tháng 7 năm 1919, Ohara đã gửi điện trả lời Kojima: “Đồng ý sưu tập.”

Được Ohara bật đèn xanh và tài trợ, Kojima đã thường xuyên tới gặp trực tiếp các hoạ sĩ hàng đầu Paris và mua tranh ngay tại xưởng vẽ của họ. Trong vòng 1 tháng rưỡi, ông đã mua 20 bức tranh của Monet, Cottet, Denis, Marquet, Matisse và nhiều người khác. Cùng với việc sưu tập tranh, năm 1920 Kojima đã trở thành hoạ sĩ Nhật Bản đầu tiên có tranh được duyệt treo tại Salon de la Societé Nationale des Beaux-Arts (Triển lãm của hội mỹ thuật quốc gia Pháp) tại Paris. Năm 1921 ông mang tranh sưu tập được về Nhật và Ohara cho mở “Triển lãm lần đầu tiên các kiệt tác của các hoạ sĩ hiện đại Pháp” tại Kurashiki, trưng bày 27 tác phẩm của 18 hoạ sĩ Pháp. Công chúng từ mọi miền nước Nhật kéo đến xem, xếp hàng dài gần 1 cây số. Tháng 3 năm 1922, hoạ sĩ Edmon Aman-Jean (1858 – 1936), người được Kojima ủy thác, gửi thêm 20 tranh nữa từ Paris về Nhật, và triển lãm hội hoạ hiện đại Pháp lần thứ hai được tổ chức tại Kurashiki, thu hút hơn 10 ngàn người xem.

Từ thành công lớn của hai cuộc triển lãm Ohara hiểu rằng có thể dùng nghệ thuật để nâng cao dân trí, giáo dục dân chúng Nhật Bản. Ông khuyến khích Kojima sang châu Âu lần thứ ba để sưu tập tiếp. Lần này Kojima đã sưu tập được nhiều tranh trong đó kiệt tác trung tâm là bức “Tin mừng” của El Greco. Ngoài ra còn tranh của Gauguin, Ségantini, Toulouse-Lautrec, Gustave Moreau, Millet, Léon Frédéric, Puvis de Chavannes, Pissarro, và Seurat.

15250667_1793320897593469_3414355568374347300_o

El Greco, Tin mừng (1590 – 1603), sơn dầu, 108.5 x 79.5 cm, BTMT Ohara

Việc mua được bức “Tin mừng” của El Greco đã xảy ra như một phép màu. Năm 1922 Kojima thấy một gallery ở Paris rao bán bức tranh này với giá khủng. Ông liền gửi thư về Nhật cho Ohara kèm ảnh chụp bức tranh. Nhận được thư, Ohara đánh điện cho Kojima: “Mua. Đã gửi tiền.” Hai tháng sau khi gửi bức thư, Kojima nhận được tiền. Thời đó châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế sau Đệ Nhất Thế Chiến (1914 – 1918). Ohara quyết định mua bức tranh trước khi khủng hoảng lan tới Nhật. Thế là, nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu, thẩm định chính xác của Kojima, quyết định nhanh chóng của Ohara và lòng tin cậy lẫn nhau giữa hai người mà Nhật Bản ngày nay sở hữu một kiệt tác của El Greco. Ohara đã chi tổng số tiền tương đương hơn 6 triệu USD ngày nay để mua hai bộ sưu tập nói trên.

Năm 1924 Kojima miễn cưỡng nhận hợp đồng vẽ một bích hoạ lớn cho hoàng gia để tưởng niệm Thiên hoàng Minh Trị. Công việc căng thẳng khiến ông bị tai biến mạch máu não và qua đời ngày 8/3/1929 ở tuổi 47. Trước khi chết, Kojima nói với Ohara: “Tuy tôi không đạt được điều đó, tôi hy vọng người Nhật sẽ có ngày thành công ở tầm cỡ thế giới.” Ohara đã rất sốc và ân hận vì đã từng thuyết phục Kojima nhận hợp đồng vẽ bích hoạ. Trong điếu văn tại đám tang Kojima, Ohara nói: “Trên đời này không có ai khiến tôi tin cậy từ đáy con tim mình như ông.”

Một năm sau, Ohara bắt đầu xây bảo tàng tại thành phố Kurashiki, bất chấp mọi thị phi rằng Kurashiki là nơi khỉ ho cò gáy. BTMT Ohara được khai trương tháng 11/1930, sau chưa đầy 1 năm kể từ khi khởi công xây dựng. Bảo tàng dành một gian ở tầng 1 để trưng bày tác phẩm của Torajiro Kojima.

15219616_1793381747587384_6327177851196982231_n

Bảo tàng mỹ thuặt Ohara

Sau khi Magosaburo Ohara qua đời năm 1943, con trai cả của ông là Soichiro Ohara đã kế tục sự nghiệp của cha. BTMT Ohara sang một trang mới có tên thời kỳ “Phục Hưng Ohara”. Khác với cha, Soichiro không dựa vào ý kiến của người khác, mà hoàn toàn tự mình lựa chọn và mua tranh, bắt đầu bằng bức “Những người đi tắm” của Paul Cézanne, mua năm 1949, sau đó là các tác phẩm của Picasso, Soutine, Braque, Rouault, Utrillo, Derain và cả hội hoạ trừu tượng của Kandinsky, Miro, Pollock, Jasper Johns, v.v. Soichiro Ohara cho rằng BTMT không chỉ là một kho chứa tranh, mà phải liên tục tiến hóa. Đồng thời là một người mê âm nhạc, Soichiro Ohara đã mời Lazare Lévy (1882 – 1964), nhà soạn nhạc, nghệ sỹ piano, đại phong cầm, giáo sư nhạc viện Paris, tới biểu diễn tại bảo tàng trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Ngày nay BTMT Ohara cũng là nơi thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển. Bảo tàng có một grand piano lớn hiệu Bernstein đặt trong một gian tại tầng 1.

Năm 1961 bảo tàng còn xây thêm một khu trưng bày tranh của các hoạ sĩ theo trào lưu Hiện đại và đương đại ở Nhật Bản cũng như triển lãm nghệ thuật cổ đại và đồ mỹ nghệ phương Đông. Khu trưng bày này cho thấy một giai đoạn quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Nhật Bản đầu t.k. XX, khi các hoạ sĩ chịu ảnh hưởng nặng nề phong cách hội hoạ hiện đại Tây Âu.

15325282_1793382440920648_8747764599880245540_o

Khu trưng bày nghệ thuật hiện đại và đương đại tại BTMT Ohara

*

Ngày nay và mai sau, có lẽ không mấy ai nhớ hai đại gia Adachi và Ohara từng sở hữu bao nhiêu nhà máy, xe hơi, dinh thự, đất đai, tiền bạc, nhưng hễ ai đã đặt chân tới BTMT Adachi và BTMT Ohara thì chắc chắn sẽ không bao giờ quên. Đó là hai đài kỷ niệm lưu danh muôn thuở hai nhà tài phiệt Nhật Bản.

1.12.2016

15230815_1793322187593340_1463783585367750006_n

Tranh của Torajiro Kojima năm 1911 tại BTMT Ohara

 

15250903_1793352507590308_1154552004046921888_o

Tranh của Edgar Degas tại BTMT Ohara

 

15235825_1793322150926677_4344188655253381823_o

Tranh của Pierre Puvis de Chavannes tại BTMT Ohara

 

15326587_1793324307593128_6870368618931463542_n

Tranh của Claude Monet tại BTMT Ohara

 

15241164_1793325194259706_7771912654891423218_n

Tranh của Paul Gauguin tại BTMT Ohara

 

15219503_1793325144259711_4887403676231887677_n

Tranh của Amedeo Modigliani tại BTMT Ohara

 

15304526_1793350127590546_1805937478317215988_o

Tranh của Paul Cézanne tại BTMT Ohara

 

15304551_1793353254256900_1843696129871678469_o

Tranh của Edwar Munch tại BTMT Ohara

 

15235916_1793353830923509_1984916367037580085_o

Tranh của Wassily Kandinsky tại BTMT Ohara