Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

Nguyễn Đình Đăng

Các hãng hoạ phẩm nổi tiếng thế giới thường sản xuất ít nhất 2 hạng màu:

1) hạng cho hoạ sĩ chuyên nghiệp (artist grade)

2) hạng cho các hoạ sĩ nghiệp dư, những người mới học vẽ sơn dầu hay sinh viên mỹ thuật, gọi là hạng sinh viên (student grade).

Nhưng cũng có một số hãng, như Old Holland, chỉ sản xuất sơn dầu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp.

Màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp được làm từ các sắc tố hay hạt chất màu (pigment) “xịn”, nên chất lượng cao, và giá thành cũng cao. Trong đó có nhiều màu đơn sắc tố (mono-pigment) tức màu chỉ được làm từ một loại sắc tố chứ không phải trộn vài loại sắc tố với nhau. Màu vẽ hòa theo luật trừ màu [1] nên càng trộn nhiều loại sắc tố màu càng xỉn. Vì thế màu đơn sắc tố [2] (ví dụ đỏ cadmium PR108, lam cobalt PB28, terre verte PG23, v.v.) là những màu tinh khiết và lộng lẫy nhất, trong khi các màu được làm từ pha trộn nhiều sắc tố thường “câm” hơn (Ví dụ lục olive của Winsor & Newton được tạo bởi pha trộn 2 loại pigments chlorinated copper phthalocyanine + synthetic yellow iron oxide: PG7 + PY42, trong khi cũng màu này của Daler Rowney thì lại được tạo bởi pha trộn 3 loại pigments chlorinated copper phthalocyanine + nickel dioxine yellow + pyrrole carmine: PG7 + PY153 + PR264). Cũng vì thế mà không có cách gì có thể pha được những màu đơn sắc tố từ 2 màu khác, ví dụ không thể nào pha được đỏ cadmium rực rỡ bằng cách trộn magenta với vàng theo như lý thuyết trừ màu. Theo nghĩa này, những màu đơn sắc tố thực chất là những màu sơ cấp (màu cơ bản).

Màu cho sinh viên có ít chất màu thật, được độn thêm các chất trơ, hoặc các pigments bị thay bằng chất mô phỏng cho giống sắc (hue) nhưng rẻ tiền hơn để giảm giá thành, song chất lượng kém hơn nhiều về cả độ rực rỡ, độ bão hoà, độ trong cũng như tính bất biến và độ chịu sáng. Dưới đây là một ví dụ so sánh màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp với màu cho sinh viên.

student

So sánh màu cho sinh viên (trên) với màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp (dưới).

Trong ví dụ trên, cadmium pigment đỏ thật chỉ có trong màu cho hoạ sĩ (dưới, bên trái). Màu đỏ sinh viên là màu mô phỏng cadmium đỏ, thiếu cả độ đục lẫn độ nhuộm (trên, bên trái). Lam cobalt mô phỏng (trên, giữa) có sắc như bị tẩm vôi so với cobalt thật (dưới, giữa). Ngay cả với những chất màu rẻ, màu vàng cho hoạ sĩ (dưới, phải) cũng đậm đặc hơn màu sinh viên (trên, phải).

Vì vậy triết lý dùng màu hạng sinh viên cho tiết kiệm là một triết lý sai lầm, trừ khi bạn mới học vẽ sơn dầu, còn đang tập vẽ, hay đang là sinh viên mỹ thuật.  Nếu bạn đã là hoạ sĩ nhưng giá màu vẫn là vấn đề đối với bạn, thì thà vẽ một bức tranh kích thước nhỏ bằng màu hạng cho hoạ sĩ chuyên nghiệp còn hơn vẽ một bức tranh lớn bằng màu hạng sinh viên.

*

Dưới đây là liệt kê nhãn hiệu, phân loại và ví dụ về giá của một số hãng hoạ phẩm thông dụng.

Trong số các hãng hoạ phẩm nổi tiếng nhất thế giới phải kể đến:

1) Old Holland (Hà Lan, từ 1664),

2) Lefranc & Bourgeois (Pháp, từ 1720),

3) Winsor & Newton (Anh, từ 1832),

4) Sennelier (Pháp, từ 1887)

5) Royal Talens (Hà Lan, từ 1899),

6) Holbein (Nhật Bản) được thành lập từ năm 1900. Sau Đệ nhị Thế chiến (từ 1946) công ty được hồi sinh với tên mới là Holbein Works, nổi tiếng vì chất lượng màu. Ngoài ra Nhật Bản còn 2 hãng nhỏ nhưng sản xuất sơn dầu chất lượng cao là MatsudaKusakabe.

1) Old Holland:

Được thành lập từ 1664, Old Holland là hãng hoạ phẩm lâu đời nhất thế giới, chỉ sản xuất một hạng sơn dầu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, có tên Classic Oil Colors,  gồm 168 màu trong tubes 18, 40, 60, 125, 225 ml. Màu trắng và đen còn được bán trong hộp 475 ml và 1 liter.

2)  Lefranc & Bourgeois:

Hãng này sản xuất 3 hạng sơn dầu là Lefranc, Fine, và Louvre Artists’ Oil Colors.

Lefranc là hạng màu dành cho các hoạ sĩ chuyên nghiệp, gồm 119 màu, cực mịn (extra-fine), với độ bão hòa tối đa. Trong số đó có không dưới 55 màu là màu đơn sắc tố.

Fine gồm 50 màu, được lựa từ những màu chịu sáng nhất và rực rỡ nhất, trong tubes 40 và 150 ml.

Louvre là hạng dành cho sinh viên (và những người lần đầu vẽ sơn dầu), gồm 36 màu trong tubes 20, 60 và 150 ml, riêng màu trắng trong hộp 500 ml.

3) Winsor & Newton

Hãng này sản xuất 4 loại sơn dầu: i) Artists’ Oil Colour, ii) Winton Oil Colour, iii) Artisan Water Mixable Oil Colour (sơn dầu có thể pha bằng nước dành cho nghệ nhân), iv) Griffin Fast Drying Oil Colour (sơn dầu khô nhanh Griffin).

i) Artists’ Oil Colour là sơn dầu thượng hạng dành cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, được làm từ các pigments mịn và tinh khiết nhất, gồm 120 màu trong tubes 37 và 200 ml.

ii) Winton Oil Colour là màu cho sinh viên và các hoạ sĩ nghiệp dư, gồm 49 màu trong tubes nhiều cỡ.

iii) Artisan Water Mixable Oil Colour là sơn dầu có thêm chất phụ gia nhũ tương (emulsifier) để hòa được trong nước tới 25% thể tích, tránh được dầu thông (turpentine) là dung môi độc hại, thích hợp cho người vẽ chơi, cho học sinh phổ thông, gổm 40 màu trong tubes 37 và 200 ml.

iv) Griffin Fast Drying Oil Colour khô nhanh vì chứa siccative (chất tăng tốc độ khô), gồm 50 màu, trong tubes 21 và 120 ml.

4) Sennelier

Hãng này sản xuất 2 loại sơn dầu: i) Huile Extra Fine và ii) Huile Étude. Cézanne, Van Gogh, Gauguin, Picasso và nhiều hoạ sĩ tăm tiếng khác từng dùng sơn dầu của Sennelier. Lúc mới mở vào năm 1887, hãng này chỉ là một cửa hàng bán hoạ phẩm cho hoạ sĩ tại Paris. Khi các hoạ sĩ không tìm được màu họ muốn từ các hiệu trong vùng, ông chủ hiệu Gustave Sennelier “tức mình”, tự tay chế ra màu cho họ. Website của hãng này có một bản tiếng Pháp cung cấp thông tin khá chi tiết về cách nghiền màu từ các sắc tố, tính chất của các loại dầu tạo màng, dung môi, nhựa cây, keo v.v.

i) Huile Extra Fine là màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, gổm 144 màu trong tubes 21, 40 và 200 ml. Màu trắng và đen cũng được bán trong hộp 500 ml.

2) Huile Étude là màu cho sinh viên, gồm 36 màu trong tubes 34 và 200 ml.

5) Royal Talens

Hãng này hiện sản xuất 3 loại sơn dầu: i) Rembrandt, ii) Van Gogh, và iii) Cobra.

i) Rembrandt (từ 1899) là sơn dầu dành cho các hoạ sĩ chuyên nghiệp, gồm 120 màu trong tubes  15, 40, 60 (tất cả các màu trắng trừ trắng trong), và 150 ml (một số màu), có chất lượng thượng hạng, độ chịu sáng cao nhất (highest degree of lightfastness), rất tinh khiết và cường độ màu mạnh, nồng độ pigment rất cao.

ii) Van Gogh (từ 1963) là loại cho sinh viên và những nghệ sĩ thích thử nghiệm (the study quality artists’ brand), gồm  66 màu, trong tubes 20, 40, 60 ml 200, riêng màu trắng có trong hộp 500 ml,  chất lượng cao, cường độ mạnh, nồng độ pigment cao, độ chịu sáng tốt (good) tới xuất sắc (excellent).

iii) Cobra là sơn dầu hoà được với nước, cũng có 2 hạng, Artist – dành cho hoạ sĩ gồm 70 màu,  và Study – dành cho sinh viên, gồm 40 màu trong tubes 150 ml. Tương tự Artisan Water Mixable Oil Colour của Winsor & Newton, Cobra chứa phụ gia nhũ tương (emulsifier) khiến sơn dầu hòa được với nước.

6) Holbein

Hãng này sản xuất 5 loại sơn dầu, gồm 3 loại thông thường:  i) Artists’ Oil Color, ii) POP Ecolse Oil Color, iii) Water Soluble “Duo”, và 2 loại mới, cực “xịn” và giá cũng cao hơn hẳn:  iv) Vernet Oil Color và v) Yuichi

i) Artists’ Oil Color là màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, gồm 164 màu, trong tubes 20 ml (164 màu), 40 ml (146 màu) và 110 ml (50 màu).

ii) POP Ecolse Oil Color là màu cho sinh viên, gồm 50 màu trong tubes 80 và 100 ml.

iii) Water Soluble “Duo Acqua Oil” là sơn dầu hòa được với nước, gồm 100 màu 20, 40, 50 (màu trắng), và 110 ml. Khác với Artisan Water Mixable Oil của Winsor & Newton và Cobra của Royal Talens, Water Soluble “Duo” của Holbein Japan chứa dầu lanh trong đó phân tử acid béo được cải biên hoặc loại ra (modified linseed oil) để hòa được với nước. Water Soluble “Duo Acqua Oil” không có màu làm từ các pigment truyền thống như cadmium, cobalt, và các muối kim loại khác, vì thế không được xếp vào hạng cho hoạ sĩ.

iv) Vernét Oil Color – mang tên hoạ sĩ Pháp Joseph Vernét (1714 – 1789) – gồm 40 màu trong tubes 20 ml và 50 ml (trắng), là thử nghiệm hiện đại nhất của hãng Holbein. Màu Vernét có kích thước pigment rất nhỏ, chỉ bằng nửa kích thước thông thường, khiến ánh sáng được phản xạ đều, ít bị tán xạ, tạo ra độ trong rất cao. 40 màu này được làm từ đơn sắc tố, vì thế không bị xỉn khi pha trộn.

02117-group-1-3ww-l

Vernét Oil Color của hãng Holbein (tubes 20 ml)

v) Yuichi  (có nghĩa là Sơn dầu số 1), gồm 30 màu, là sản phẩm hợp tác giữa Holbein và phòng nghiên cứu Kỹ thuật Sơn dầu của khoa Hội hoạ thuộc Đại học Nghệ thuật và Âm nhạc Tokyo, kết hợp các pigments truyền thống với các nguyên liệu mới do công nghệ tiên tiến nhất tạo ra.

p_item_yuichi1l

Tube sơn dầu Yuichi 20 ml của hãng Holbein

Tôi được biết các nhãn hiệu Lukas (Đức, từ 1862), Daler Rowney (Anh, từ 1783), và Pébéo (Pháp, từ 1919) được ưa chuộng tại Việt Nam. Vì thế tôi cũng liệt kê dưới đây các loại màu của 3 hãng này để các hoạ sĩ và sinh viên mỹ thuật trong nước tham khảo.

7) Lukas:

Hãng này có 4 nhãn hiệu sơn dầu (trong tubes 37 và 200 ml):

i) 1862 là loại cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, gồm 70 màu;

ii) Studio là loại cho sinh viên, gồm 48 màu;

iii) Berlin là loại hòa được với nước, gồm 24 màu;

iv) Terzia là loại ít pigments, khiến giá thành rất thấp (và đương nhiên chất lượng cực thấp!), gồm 24 màu (trong tubes 200 ml).

Theo giới thiệu của bản hãng thì pigments trong sơn dầu Lukas 1862 được nghiền trong dầu lanh ép lạnh (cho các màu tối), dầu hướng dương (cho các màu sáng) và sáp ong. Dầu hướng dương (sunflower oil) và dầu rum (safflower oil) là hai loại dầu được dùng từ thế kỷ XX, thay cho dầu hạt thuốc phiện (poppy oil), vì rẻ tiền hơn và khô nhanh hơn và cũng không ngả vàng sau khi khô. Tuy nhiên, so với dầu lanh, cả 3 loại dầu hướng dương, dầu rum và và dầu hạt thuốc phiện đều khô rất chậm và tạo ra màng film yếu vì có tỉ lệ linoleic acid cao trong khi không hề có α-linolenic acid – chất có khả năng kết hợp với oxy tạo ra màng film dai và tốc độ khô nhanh (Xem bảng bên dưới). Dầu lanh có tới khoảng 60% α-linolenic acid và chỉ có 14 % linoleic acid, vì thế dầu lanh khô nhanh hơn và màng film của dầu lanh là màng film dai nhất, tuy có ngả vàng theo thời gian [3]. Hãng Winsor & Newton nghiền các chất màu sáng trong dầu lanh trộn với dầu rum. Lukas xử lý vấn đề khô chậm của dầu hướng dương một phần nhờ thêm sáp ong. Có điều sáp ong khiến sơn dầu mang tính chất của màu encaustic, nên nếu vẽ theo kỹ thuật nhiều lớp thì liên kết giữa các lớp sẽ không bền vững bằng khi không có sáp ong, trừ phi sau khi vẽ xong đem cả bức tranh hơ nóng. Tuy nhiên, hãy nhớ lại Leonardo Da Vinci đã thất bại thảm hại như thế nào khi dùng lửa sưởi bức bích hoạ “Trận đánh ở Anghiari” vẽ bằng encaustic (trang 5 chuyên khảo [4]). Ngoài ra sơn dầu pha sáp ong cũng kém bền vững khi vẽ trên các vật liệu đỡ mềm như canvas, vì thế chỉ nên dùng vẽ trên các vật liệu cứng như gỗ, hay canvas dán lên gỗ, v.v. Pha sáp ong còn khiến mặt sơn trông mờ (matt), không bóng và thiếu độ sâu.

oil

Thành phần các acid béo trong dầu tạo màng

8) Daler Rowney:

Hãng này sản xuất 3 loại sơn dầu: i) Artists’, ii) Georgian, và iii) Graduate. Pigments được nghiền trong dầu lanh và sáp ong.

i) Artists’ là loại sơn dầu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, gồm 83 màu, trong tube 38, 120 ml và hộp 500 ml (màu trắng titanium và kẽm);

ii) Georgian là hạng cho sinh viên, có 54 màu (24 màu đơn sắc tố), trong tubes 22, 38 và 120 ml;

iii) Graduate là hạng cho sinh viên, có 42 màu (22 màu là đơn sắc tố), trong tubes 38, 120, và 200 ml.

9) Pébéo: 

Lúc mới khởi nghiệp vào năm 1919, hãng này là một phòng thí nghiệm hóa chất của nhà hoá học và hoạ sĩ Pháp Claudius Chaveau, chuyên tổng hợp oxide chì (PbO) bán cho các nước tại châu Âu. Vì thế mà thành cái tên Pébéo (pê-bê-ô là cách người Pháp đánh vần PbO).

Hãng này sản xuất 3 loại sơn dầu: i) Fragonard Extra Fine, ii) Huile d’Art Superfine, iii) Studio Fine XL, trong tubes 37, 80 và 200 ml. Sáp ong cũng được thêm vào khi nghiền pigments.

i) Fragonard Extra Fine là loại dành cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, gổm 103 màu;

ii) Huile d’Art Superfine gồm 60 màu;

iii) Studio Fine XL là hạng cho sinh viên, gồm 64 màu.

Như đã giải thích trong chuyên khảo [4] (trang 24), giá màu phụ thuộc vào giá của từng sắc tố, được phân loại theo series numbers, số càng to giá càng đắt. Hạng cho hoạ sĩ chuyên nghiệp thường có các màu với series numbers to (5, 6), trong khi hạng cho sinh viên và hoạ sĩ nghiệp dư chỉ gồm các series numbers nhỏ (1, 2). Màu không có series number là màu có giá đồng hạng. Cách chia series numbers có thể hơi khác nhau phụ thuộc vào hãng, ví dụ Winsor & Newton có series numbers từ 1 tới 6, Royal Talens: từ 1 tới 5, trong đó sơn dầu Rembrandt có series numbers từ 1 tới 5, còn sơn dầu Van Gogh chỉ có 1 và 2.

Bảng dưới đây minh hoạ sự khác nhau về giá theo series numbers (SN) của Royal Talens (tube 40 ml) theo Dick Blick Art Material:

series

Minh hoạ trên cho thấy màu có cùng series number nhưng khác hạng có giá rất khác nhau, ví dụ trắng titanium Van Gogh có giá chỉ bằng nửa trắng titianium Rembrandt.

Một số hãng không dùng số mà dùng chữ cái để đánh dấu series: như Old Holland từ A đến F (6 bậc) – series A rẻ nhất, F đắt nhất, hay Holbein: A, B, C, D, …. (6 hoặc 8 bậc) – series có chữ cái càng đằng sau càng đắt.

Có thể so sánh giá của các nhãn hiệu khác nhau qua giá của cùng một màu sơn dầu đơn sắc tố, ví dụ như cadmium đỏ.

Giá của sơn dầu cadmium đỏ

(chia trung bình cho 20 ml)

1) Old Holland

Classic: 26.2 USD (giá tại Dick Blick Art Material)

2) Lefranc & Bourgeois 

i) Lefranc: 18.4 USD (giá bán tại Sekaido [5], đổi ra USD theo 1 USD = 100 yen)

ii) Fine: (mô phỏng ̣) 1.84 USD (giá trên mạng)

iii) Louvre: (đỏ sơ cấp) 2.0 USD (giá trên mạng)

3) Winsor & Newton (giá bán tại Sekaido)

i) Artists’: 7.4 USD

ii) Winton: (màu mô phỏng) 0.84 USD

4) Sennelier

(giá tại Dick Blick Art Material)

i) Huile Extra Fine: 13 USD

ii) Huile Étude: (màu mô phỏng): 3.3 USD

5) Royal Talens

i) Rembrandt:  8.8 USD  (giá bán tại Sekaido)

ii) Van Gogh:  4.5 USD (giá trên mạng)

Trước đây Royal Talens có sản xuất sơn dầu nhãn hiệu Amsterdam, nay trên website của bản hãng nhãn hiệu Amsterdam chỉ dành cho màu acrylic. Có lẽ Royal Talens đã ngừng sản xuất nhãn hiệu này cho sơn dầu. Tuy vậy các chi nhánh như Talens Japan ở Nhật vẫn còn bán sơn dầu Amsterdam, gồm 35 màu, trong tube 200 ml, giá đồng hạng 1470 yen theo bảng giá, nhưng giá bán thực chỉ có 960 yen (hoặc tại đây), tức trung bình chưa tới 1 USD/20 ml, tương đương giá màu Winton mô phỏng đỏ cadmium cho sinh viên của Winsor & Newton.

6) Holbein (theo bảng giá của bản hãng, cao hơn giá bán tại Sekaido khoảng 30%)

i) Artists’ : 10.3 USD

ii) POP Ecolse: 2.6 USD

iii) Water Soluble “Duo” (màu mô phỏng): 4 USD

iv) Vernet: 18.9 USD

v) Yuichi: 43 USD

7) Lukas (giá trên mạng)

i) 1862: 5.4 USD

ii) Studio (màu mô phỏng): 1.1 USD

iii) Berlin (hòa được với nước): 2.3 USD

iv) Terzia (màu mô phỏng): 0.8 USD

8) Daler Rowney (giá trên mạng)

i) Artists’: 4 USD

ii) Georgian (màu mô phỏng): 2 USD

iii) Graduate (màu mô phỏng): 0.83 USD

9) Pébéo (giá trên mạng)

i) Fragonard Extra Fine: 17.7 USD

ii) Huile D’art Superfine: 3.6 USD

iii) Studio Fine XL (màu mô phỏng): 2.3 USD

Màu tốt không biến một người vẽ kém thành vẽ giỏi. Nhưng nếu bạn là một nghệ sĩ, quan tâm tới việc thể hiện được tất cả tài năng của mình, tới sự trường tồn của tác phẩm của mình, cũng như hiệu quả của nó đối với công chúng và trách nhiệm của mình đối với những người sưu tập tranh, thì việc lựa chọn dùng màu chất lượng cao (màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp tức artist grade) bao giờ cũng là lựa chọn đúng nhất.

30/5/2013

[1] Nguyễn Đình Đăng, Bí mật của màu sắc.

[2] The artist creation – Color of art pigment database, an artist reference.

[3] Chính nhờ dùng dầu lanh để nghiền pigments mà Jan Van Eyck đã làm một cuộc cách mạng về chất liệu trong kỹ thuật sơn dầu vào thế kỷ XV. Trước đó, dầu hạt thuốc phiện và dầu hạt óc chó đã được dùng trong sơn dầu từ thế kỷ V – VII tại châu Á. (Xem trang 6 chuyên khảo [4].)

[4] Nguyễn Đình Đăng, Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu.

[5] Sekaido là hãng bán hoạ phẩm lớn tại Nhật Bản, có trụ sở chính tại Shinjuku (Tokyo) và 11 chi nhánh tại Tokyo, Kanagawa, Saitama và Nagoya.

__________________

Các bài trong series này:

Nền móng của tranh sơn dầu

Màu trắng của sơn dầu

Trao đổi về pha mầu vẽ

Bí mật của màu sắc

Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

Chất kết dính và dung môi của sơn dầu

Một giáo trình dạy nhiều cái sai

Hội họa sơn dầu: thịnh và suy

Nhãn:

50 bình luận to “Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?”

  1. Nguyen Thanh Son Says:

    Cám ơn những thông tin quý báu cúa Anh . Xin cho Tôi hỏi : Trên tuýp sơn dầu của hãng Rowney có một số màu thường kèm theo chữ HUE Vậy nó có nghĩa là gì ? Xin Anh cũng cho biết thêm những ký hiệu để nhận biết màu trong , bán trong , đục , bán đục của màu Rowney . Xin cám ơn Anh .

  2. Hoa Phuong Dinh Says:

    Chào chú Đăng, cảm ơn chú về các bài viết bổ ích. Cháu ở bên Úc có màu Art Spectrum sản xuất tại úc, không biết chú có biết về hãng này? Cháu phân vân không biết dùng có tốt (dù là hàng hoạ sĩ) hay vẫn nên mua những hãng nổi tiếng ở trên mà chú giới thiệu.

    Và có một điều nữa cháu muốn hỏi là chú có thể chia sẻ thêm về các cách để có thể bán tranh, giới thiệu tranh của mình hoặc đặt ra gía của tranh không ạ?

    Cháu cảm ơn rất nhiều

    • nguyendinhdang Says:

      Tôi có xem trên website của hãng. Loại Art Spectrum Professional Quality Artists’ Oil Colours là hạng hoạ sỹ, dùng được.

      Cách tốt nhất để giới thiệu tranh của mình là qua website và FaceBook. Tranh vẽ đẹp sẽ có ngườ sưu tầm.

  3. Quân Says:

    Cảm ơn chú Đăng vì những thông tin hữu ích,
    Chú cho cháu hỏi: với nghiên cứu và kinh nghiệm của chú thì những màu sau đây của hãng nào là đẹp nhất ( vì theo cháu biết mỗi hãng chỉ có vài màu là đinh)
    – Ultramarine
    – Viridian
    – Cadmium red
    – Cadmium yellow
    – Ochre yellow
    – cobalt blue

    Trân thành cảm ơn chú!

  4. Đào Văn Quân Says:

    cháu chào chú ạ, cháu rất cảm ơn vì bài viết của chú! Chú cho cháu hỏi là nếu kinh phí hạn hẹp thì cháu nên mua những màu cơ bản nào ạ, vì cháu thấy ví dụ như đỏ cũng có nhiều loại khác nhau. Và thêm nữa cháu có nên sử dụng màu của những hãng khác nhau để trộn với nhau và vẽ không ạ?

    • nguyendinhdang Says:

      Cháu có thể mua một trong các sets ở đây chẳng hạn https://webshop.sekaido.co.jp/product/A000142

      • Thuong Says:

        Mua ở Sekaido rẻ hơn 30% mà họ không hỗ trợ vận chuyển ra ngoài lãnh thổ Nhật. Con hỏi thì họ bảo do Holbein có chính sách hạn chế đó. Mua trên website khác thì chịu giá gấp đôi hoặc hơn. Phải nhờ mua hộ từ Hinoart mà shop chưa có lịch order.

        – Mà không thấy chú nhắc nhiều đến Yuichi nhỉ. Nếu chú dùng qua rồi có thể so sánh giữa Yuichi và Vernet không ạ.( Vermillion và đen ngà). Con đang cố gắng để sưu tập vài tuýp genuine😆

        -Với còn 1 câu hỏi nữa là thường tuýp màu đen xương có khá nhiều dầu( con đang dùng của W&N và thấy thành phần trên Guild Kúsakabe) nếu gạt hết dầu ra cho còn vừa đủ thì có ảnh hưởng đến chất lượng không

        • nguyendinhdang Says:

          – Yuchi đã không được sản xuất nữa.
          – Nếu cháu có bạn ở Nhật thì có thể mua trên on-line shop của Sekaido gửi về địa chỉ của bạn cháu ở Nhật rồi nhờ bạn cháu gửi bưu điện về VN cho cháu. Nếu không thì mua qua HinorArt.
          – Bóp hết dầu trên miếng tube màu mới mở ra thì phần còn lại sẽ bình thường.

  5. Nguyễn Xuân Trường Says:

    Chú Đăng cho con hỏi là có hãng sơn dầu nào của Nga hạng họa sĩ không ạ

    • nguyendinhdang Says:

      Sơn dầu Nga do “ЗАВОД ХУДОЖЕСТВЕННЫХ КРАСОК” sản xuất có hai series:
      1 – «Мастер-Класс» là hạng hoạ sĩ, 66 màu;
      2 – «Ладога» là hạng sinh viên, 39 màu.

      Hãng “ГАММА” cũng sản xuất hai series:
      1 – «Классика» là hạng hoạ sĩ;
      2 – «Студия» là hạng cho sinh viên.

  6. Thảo Says:

    cho cháu hỏi cách mua màu nước winsor and newton trên trang mà chú chỉ như thế nào vậy ạ

  7. Như Thảo Says:

    tranh của cháu sau khi vẽ xong bỗng nhiên bị nhăn lại trong rất xấu xí. Mong chú tìm ra giải pháp

  8. Hung Tran Says:

    Con chào chú Nguyễn Đình Đăng,
    Chú cho con hỏi, hãng sơn dầu nào không có CHÌ ạ, nếu có xin chú tư vấn giúp con ạ. Con cảm ơn chú

  9. MinhQuan Vu Says:

    Dạ cho cháu hỏi về hãng Maimeri. Cháu thấy tận 6 dòng, không biết dòng nào là artist, và mấy dòng còn lại như thế nào ạ ? Cháu cám ơn Chú Đăng.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Puro Classico – hoạ sĩ cao cấp, không rõ hàm lượng pigment nên không biết liệu có thể xếp vào hàng thượng hạng không (Nhược điểm: không dùng dầu lanh mà chỉ dùng dầu hạt thuốc phiện hoặc dầu rum, không có trắng chì PW1, không có vermilion: PR106)
      Artisti – hoạ sĩ (hàm lượng pigment có thể thấp hơn Puro Classico, nhược điểm: không có trắng chì PW1, không có vermilion: PR106)
      Rinascimento – sinh viên (cổ điển)
      Mediteraneo – sinh viên (phong cảnh)
      Classico – sinh viên
      Terre Grezze d’Italia – màu đất, nghiền thô
      Olio HD – màu tổng hợp, chói lọi, hợp cho vẽ quảng cáo, trên nền sáng

  10. Vũ Hoàn Says:

    cháu chào bác Đăng ạ. Bác cho cháu hỏi về loại Guild high purity Tokuneri paint của Kasukabe. Cháu đọc phần giới thiệu của nó ghi là đây là loại màu có % pigment cao nhất trong các loại màu ạ. Bác có thể nói qua đôi điều về loại màu này ko ạ.
    Cháu cảm ơn bác ạ.

  11. Le đức Minh Says:

    kinh chào bác Đăng, bài viết của bác rất hay. Bác cho hỏi sơn dầu có loại của Trung Quốc không ? Nếu có bác cho hỏi dùng sơn dầu có ảnh hưởng tới sức khỏe của người vẽ và những người xung quanh không ?

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Khi mới bắt đầu vẽ sơn dẩu vào những năm 1970 tôi đã từng dùng sơn dầu của TQ. Sơn dầu TQ chất lượng thấp, không được kể trong các nhãn hiệu sơn dầu cho hoạ sĩ.

      Sơn dầu đã được các hoạ sĩ trên thế giới dùng 6 thế kỷ nay nhưng không có ảnh hưởng gì nguy hiểm tới sức khỏe của người dùng cũng như những người xung quanh. Dĩ nhiên nhiều màu sơn dầu được làm từ các pigment độc hại, và một số dung môi như turpentine là chất độc hại. Vì thế khi dùng cần bảo đảm một số nguyên tắc an toàn nhất định. Xem chi tiết trong chương III mục 5 trang 27- 28, chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” của tôi.

  12. Nguyễn Says:

    Xin hỏi hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng :
    Tôi mua sơn dầu của hãng Pebeo dòng ii) Huile d’Art Superfine gồm 60 màu, có sử dụng được tốt dành cho lối vẽ cổ điển nhiều lớp không thưa anh ? Vì hiện tại ở Sg chỉ bán dòng này ( theo bài chủ thì k thấy ghi dòng này thuộc cho hs hay sv ) .thấy dòng này có bán theo seri nên tôi thiết nghĩ tốt hơn dòng winton của winsor&newton và dòng gẻogian bán đồng giá ? Xin mong được hoạ sĩ chỉ dẫn thêm để có thể mua được hoạ phẩm loại tốt sử dụng .
    Trân trọng cảm ơn anh !

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Huile d’Art Superfine tốt hơn màu Studio XL một chút vì có 3 series, nhưng không bằng Fragonard Extra Fine (màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp). Tất nhiên anh có thể dùng để vẽ theo kỹ thuật nhiều lớp.

      Ahh có thể mua màu xịn cho HS chuyên nghiệp theo cách bạn Linh Văn Nguyễn đã giới thiệu tại đây.

  13. Vu Do Says:

    Rất cám ơn chú đã tổng hợp và chia sẻ những thông tin quý giá như thế này.

    Bản thân cháu cũng sử dụng khá nhiều hãng sơn rồi. Đây cũng chỉ là vài ý kiến chia sẻ:

    Hiện giờ ở Mỹ cũng khá chuộng sử dụng sơn của Gamblint và Williamsburg, ngoài ra còn có sơn Artist grade của Utrecht giá cũng khá phải chăng. Chất lượng cũng có thể ngang ngửa với Winsor Newton. Cháu thì thấy Williamsburg có phần nhỉnh hơn chút.
    http://www.williamsburgoils.com/

    Rembrandnt của Talens thì trộn khá là nhiều dầu, thường phải treo vài hôm cho ra đỡ dầu.

    Ngoài ra còn có 1 nhóm họa sĩ mới phát triển hãng sơn Vasari (handmade). Thấy đánh giá của vài người bạn khá là tốt. Giá mềm hơn Old Hollands.
    http://vasaricolors.com/collections

    Còn về sơn Lukas ở vn thì phải công nhận là giá quá đắt, chất lượng thì trung bình khá. Họ đa phần chỉ nhập Studio Series ( sơn student grade). Người mua thì vẫn nghĩ là hàng cao cấp cho họa sĩ chuyên nghiệp.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Có rất nhiều hãng sản xuất sơn dầu trên thế giới. Tôi chỉ liệt kê vài hãng lớn, vào hàng lâu đời và danh tiếng nhất.

      Gamblin là hãng sơn dầw do Robert Gamblin thành lập cách đây khoảng 25 năm. Williamsburg Oil Colors do Carl Plansky sáng lập cách đây cũng khoảng 30 năm. Nói chung, trong hoạ phẩm nguyên tắc tiền nào của ấy khá đúng. Không có màu nào rẻ mà lại tốt cả, vì không có cách nào làm rẻ màu nếu không trộn thêm phụ gia hoặc thay pigment này bằng pigment khác rẻ tiền hơn nhưng chất lượng kém hơn.

      Cảm giác dầu nhiều hay ít còn phụ thuộc kỹ thuật vẽ. Màu nhiều dẩu và mịn như của Lefranc hay Rembrandt thích hợp với kỹ thuật vẽ nhiều lớp, phủ được một diện tích rộng và mỏng bằng một lần lấy màu vào bút, kéo được một nét dài mà sơn không đứt. Tôi thường dùng sơn dầu Lefranc của Lefranc & Bourgeois, Rembrandt của Royal Talens, Artists’ Oil Colors của Winsor & Newton, và artists’ grade colors của 3 hãng của Nhật là Holbein, Matsuda, và Kusakabe.

      Về thành phần của sơn dầu và chất kết dính, cháu có thể đọc trong bài “Màu của sơn dầu” và “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu“.

  14. yukitran Says:

    Cho cháu biết Facebook bác với ạh!ở sài gòn có địa chỉ nào bán sơn dầu ko ạh!chỉ cháu với!

  15. Ngoc Mai Says:

    Cảm ơn tác giả vì bài viết hay và hữu ích! Bạn có biết Hà Nội có thể mua màu chính hãng ở đâu không?

  16. Dương Hà Says:

    Bác Đình Đăng: Rất thích các bài viết của bác. Cho e hỏi e dùng sơn dầu nhãn hiệu Royal Talens vẽ xong chưa đạt độ bóng như ý thì mình sử lý sao và hơn nữa dùng dầu quang nào là hợp lú cho sơn này hả bác. E cũng tập vẽ nên k đc đào tạo ở trường lớp cụ thể mong bác chỉ giúp. Và theo bác có loại quang nào k làm giảm đi độ tương phản của tranh và màu trắng k bị ngả vàng nhiều k ạ. Cảm ơn bác đã đọc.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Muốn có độ bóng đều thì pha một ít Venetian turpentine vào dung dịch pha màu khi vẽ (Xem bài “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu“). Còn khi đã vẽ xong rồi mà thấy tranh không bóng đều thì có thể xử lý bằng “oiling out” tức là quét lên một lượt retouching varnish cũng của Royal Talens. Sau khi để tranh khô ít nhất 6 tháng, thì mới có thể quét varnish bảo vệ lên. Varnish bảo vệ có loại rất bóng gọi là glossy varnish, bóng như satin là satin varnish, và mờ là matt varnish.

      Muốn màu trắng không ngả vàng thì không dùng dung dịch có dầu lanh khi vẽ các màu trắng và màu sáng, mà dùng dầu đọng (stand oil) hoặc dầu hạt óc chó (walnut oil). Nếu lớp trắng được vẽ mỏng thì có thể dùng dầu anh túc (poppy oil).

  17. NGUYỄN VIẾT CẢNH Says:

    Cảm ơn anh Đăng rất nhiều. Tôi mới biết trang này của anh. Bao nhiêu điều bổ ích. Là nhà khoa học nên anh tìm hiểu cặn kẽ nhiều điều mà bình thường mọi người hay bỏ qua. Tôi đang học vẽ, tự học bằng cách xem nhiều triển lãm, bảo tàng, sách, mới đây học thêm trên internet, cũng rất bổ ích. Cho tôi hỏi anh 1 điều. Tôi vừa có người mua tặng 1 set Winsor & Newton Artists’ Oil Colour x 12 set (37ml AA tubes), paint, art /BRL. Xem bài anh giới thiệu thì loại này có 6 seri từ 1 đến 6. Vậy cái tôi được tặng là loại nào? Tôi khg biết nữa. Anh có thể chỉ giúp được khg?

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Trên mỗi tube màu Winsor & Newton số series được ghi trong hình oval dưới cùng, ngay phía trên số dung tích tube màu. Ví dụ tube hồng bất biến (rose permanent) trong hình này có series 2 (được ghi trên số dung tích 37 ml).

      Tại chart này anh có thể tra tất cả series numbers của màu Winsor & Newton loại Artist grade (Click chuột vào từng màu để xem thông tin chi tiết).

      Còn tại chart này là thông tin của tất cả các màu Winton của Winsor & Newton – tức hạng cho sinh viên.

  18. LuaLụa Says:

    Cháu chào Chú!!!
    Cháu muốn hỏi mua toile của Pháp ,,Chú có thể chỉ dẫn giúp Cháu là mua ở đâu được không???
    Cháu cũng muốn mua màu sơn dầu của Pháp dành cho chuyên nghiệp nữa ….Chú hãy giúp Cháu được không?? Cháu đang ở Vietnam …Cháu sẽ phải tới đâu để mua những thứ Cháu nói ở trên???
    Cháu Chân thành cảm ơn Chú (Cháu đợi hồi âm của Chú)
    Điện thoại của Cháu: 090 2 960 955(Cháu Lụa))

  19. Linh NV Says:

    Chào bác Đăng,

    Cám ơn bác vì blog bổ ích.

    Cháu đang tìm hiểu về chất liệu sơn dầu và đang bước đầu chuẩn bị vật liệu để làm quen.

    Nghe lời khuyên của bác, cháu quyết định sẽ cố dành dụm để mua màu nhãn hiệu tốt cho ngay cả những bức tranh nghiên cứu đầu tiên.

    Vì thế cháu đã “chốt” nhãn hiệu Rembrandt vì sự phổ biến trong cộng đồng theo như cháu biết. Hiện cháu đang nhắm đến set màu dưới đây vì nó có vẻ phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại.

    http://www.dickblick.com/items/00417-0109/

    Tuy nhiên cháu cũng xem được một sách về sơn dầu rất nổi tiếng là “Alla Prima: Everything I Know About Painting” – Richard Schmid thì được tác giả chia sẻ về pallete của mình gồm:

    _ Cadmium Lemon
    _ Cadmium Yellow Pale
    _ Cadmium Yellow Deep
    _ Yellow Ochre Light
    _ Cadmium Red
    _ Terra Rosa
    _ Alizarin Crimson
    _ Transparent Oxide Red
    _ Viridian, Cobalt Blue Light
    _ Ultramarine Blue Deep
    _ Titanium White.
    Cháu muốn hỏi một câu có phần … ngu ngơ là theo ý kiến của một người tìm hiểu và vẽ sơn dầu sơn dầu lâu năm như bác thì một newbie như cháu nên chọn set nào là hợp lý?

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Set màu Royal Talens Rembrandt Basic có ưu điểm là:

      1 – Của Royal Talens Rembrandt,
      2 – Rẻ tiền,

      nhưng có những nhược điểm sau:

      1 – Màu trắng quá ít, chỉ bằng các màu khác (15ml). Trắng là màu được dùng nhiểu nhất trong sơn dầu. Tube trắng phải là tube 150 ml;

      2 – Thiếu cadmium red (pigment PR108), là màu đỏ đẹp và đục mà không màu đỏ nào khác thay thế được. Permanent red light trong set dùng pigment PR255 (pyrrole scarlet), bán đục, để thay thế cadmium red cho rẻ;

      3 – Màu vàng cũng vậy, permanent yellows (PY154 và PY184) được dùng để thay thế cadmium yellow (PY35) không có trong set;

      4 – Thiếu cobalt blue;

      5 – Thiếu vàng ochre.

      Set thứ hai (của Richard Schmid) có chất lượng tốt hơn vì có đỏ cadmium, vàng cadmium, ochre và lam cobalt.

  20. Says:

    ở Sài gòn tôi thấy có Lukas studio tuýp 200ml, giá hiện tại là 320.000 vnd, Lukas Berlin = 320.000 vnd, Lucas basic 215.000. Trong đó Lukas studio được cho là màu chuyên nghiệp – mà không thấy có hạng màu 1862. So với các mục màu của anh về hãng này:

    i) 1862: 5.4 USD

    ii) Studio (màu mô phỏng): 1.1 USD

    iii) Berlin (hòa được với nước): 2.3 USD

    iv) Terzia (màu mô phỏng): 0.8 USD

    Vậy Lukas studio với giá bán trong nước hẳn chỉ là hạng màu dùng cho sinh viên thôi nhỉ ? Hay là có sự thay đổi nào khác giữa tên gọi quốc tế với trong nước ? Ngoài ra, có sơn dầu Van Gogh tuýp 150ml = 210.000 vnd, nhưng tôi ngờ cũng là hạng màu sinh viên.

    Về ý kiến các nhãn hiệu Lukas, Daler Rowney, và Pébéo được ưa chuộng tại Việt Nam, tôi nghĩ là do thị trường họa phẩm trong nước quá thụ động thôi, mà phần lớn chắc là vì tác động của lợi nhuận. Các đại lý lớn chỉ nhập màu của các hãng cố hữu, không dám nhập các nhãn hiệu khác vì sợ mới, lạ, giá đắt, sẽ không bán được; một phần vì những nhãn hiệu cũ đã quen thuộc với tầng lớp phổ thông như sinh viên hoặc người đang tập vẽ. Thậm chí khi tôi yêu cầu cửa hiệu nhập về sản phẩm chất lượng hơn như pébéo hạng chuyên nghiệp cũng bị từ chối. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho người có nhu cầu dùng sơn dầu chất được cao, cũng như sẽ không có cơ hội được so sánh đặc điểm của các hãng khác nhau. Nếu có đủ điều kiện kinh tế thì có lẽ là nên mua màu qua mạng.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Trong 4 hạng màu của Lucas chỉ có 1862 là màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp. Hạng cho sinh viên thường ít màu. Hạng chuyên nghiệp của các hãng nổi tiếng thường có từ 100 màu trở lên, song hạng 1862 của Lucas cũng chỉ có 70 màu.

      Màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp dùng pigments “xịn”, còn màu hạng cho sinh viên dùng pigments rẻ tiền mô phỏng pigments “xịn” hoặc phụ gia được độn vào pigments “xịn” để giảm giá. Ví dụ, đỏ cadmium của Lukas 1862 là đỏ cadmium “xịn”, PR108. Trong khi đỏ cadmium của Lukas Studio là pigment mô phỏng PR112, tức đỏ napthol (được chế bằng phương pháp tổng hợp), xỉn, bạc màu và tối dần theo thời gian.

      Van Gogh là hạng cho sinh viên của Royal Talens (Xem mục 5 bài chủ).

  21. Chau Nguyen Says:

    em có thể mua màu qua mạng như thế nào

Phản hồi của bạn: