Màu sơn dầu

Nguyễn Đình Đăng

Sinh thời Mark Rothko (1903 – 1970) từng tuyên bố từ bỏ truyền thống ngàn năm của hội họa để vươn tới sự hoành tráng tâm linh trong nghệ thuật bằng những hình chữ nhật nhạt nhòa lơ lửng trên nền màu tương phản. Trớ trêu thay, hai bộ tranh tường hoành tráng nhất của danh hoạ này đều xuống cấp ngay trong khi ông còn sống. Trong số tranh đó, bộ 5 bức sơn dầu trên canvas cỡ lớn Rothko vẽ để trang trí phòng ăn Đại học Harvard đã bạc màu ngay sau khi được treo lên vào năm 1963, nghiêm trọng đến nỗi tới năm 1979 đại học này đã buộc phải cất bộ tranh vào kho.

20_harvard_room_sw

Tranh của Mark Rothko khi còn treo trên tường phòng ăn Đại học Harvard

Nguyên nhân bạc màu đơn giản đến mức ngớ ngẩn. Rothko đã dùng màu đỏ lithol (PR49), giá rẻ, được chế từ phẩm nhuộm, thường được dùng trong in ấn, và rất phổ biến tại Hoa Kỳ những năm 1950 – 1960. Song nhược điểm lớn nhất của đỏ lithol là độ chịu sáng rất kém, vì thế không thích hợp cho hội hoạ, tuy một số nhà sản xuất vẫn nhét nó vào màu hạng sinh viên. Cho dù thông tin về tính chịu sáng kém của đỏ lithol đã được cảnh báo từ những năm 1950, Rothko vẫn dùng màu này trong bộ 40 tranh sơn dầu vẽ trong 3 tháng vào năm 1958 để treo tại nhà hàng Bốn Mùa của công ty Seagrams và bộ tranh tường vẽ cho Đại học Harvard. Tất cả các bức tranh này đều phai màu nhanh, song thảm hại nhất là 5 bức tranh tại Harvard vì cường độ ánh sáng cao trong phòng ăn nơi bộ tranh từng được treo. Các nhà phục chế chịu chết không làm thế nào chữa lại được 5 bức tranh này nữa [1].

Rothko

Một trong 5 bức tranh đã bạc màu của Mark Rothko
tại Đại học Harvard

Sự cố với bộ tranh Harvard của Rothko cùng nhiều ví dụ khác từ cổ chí kim [2] là những minh chứng rõ ràng rằng, trong hội hoạ, chỉ tài năng và nhiệt huyết thôi thì vẫn chưa đủ. Để tác phẩm của mình trường tồn cho người đời nay và đời sau thưởng ngoạn hoạ sĩ còn cần kiến thức về chất liệu nữa.

Cho dù không thể vẽ đường cho bất kỳ ai trở thành Mark Rothko, bài này được viết không ngoài mục đích giúp các hoạ sĩ và sinh viên mỹ thuật có thêm hiểu biết về màu sơn dầu, ít nhất cũng giảm thiểu khả năng xảy ra những sự cố đáng tiếc như vừa kể trên.

*

1) Bột màu 

Đa số mầu sơn dầu được nghiền từ bột màu (hay hạt sắc tố, pigment). Một số ít được chế từ phẩm nhuộm (dye).

Bột màu là các hạt riêng biệt từ chất vô cơ hoặc hữu cơ, dính với nhau thành các kết tập (aggregate) tạo nên các kết tụ (agglomerate). Các chất vô cơ trong bột màu thường là các khoáng chất chứa oxide hay sulfide của các nguyên tố kim loại hay đất hiếm. Hầu hết bột màu hữu cơ chứa các chuỗi carbon trong các liên kết với hy-đrô (hydrogen), ni-tơ (nitrogen), và ô-xy (oxygen). Dung môi phá vỡ các kết tụ nhưng chỉ phân tán các hạt bột màu chứ không hòa tan chúng, tạo nên thể vẩn (suspension). Nếu cấu trúc tinh thể của bột màu bị dung môi phá vỡ, tức bột màu bị hòa tan, sẽ xảy ra hiến tượng nhòe màu hay màu bị thôi.

Phẩm nhuộm bị chất kết dính và dung môi làm mất cấu trúc tinh thể tức bị hoà tan, tạo nên dung dịch (solution), có độ trong không thay đổi.

pigmentdye1

Bột màu không hòa tan mà chỉ bị phân tán trong chất kết dính và/hoặc dung môi (a). Phẩm nhuộm bị dung môi hòa tan (b).

Người ta cũng tạo ra bột màu từ phẩm nhuộm bằng cách cho phẩm nhuộm kết tủa trong muối kim loại. Những hạt bột màu từ phẩm nhuộm như vậy được gọi là bột màu lake hay bột phầm nhuộm.

Bột màu vô cơ và hữu cơ được chế từ nguồn có sẵn trong tự nhiên hoặc bằng phương pháp tổng hợp nhân tạo. Như vậy, tùy theo nguồn gốc và phương pháp chế tạo, có thể phân ra 4 loại bột màu sau:

i) Bột màu vô cơ tự nhiên được chế từ khoáng chất tự nhiên, ngày nay ít được sản xuất vì giá thành cao và khó tạo được màu nhất quán.

ii) Bột màu vô cơ nhân tạo được chế bằng cách dùng công nghệ để liên kết các hóa chất, chiếm khoảng 80% bột màu được sản xuất trên toàn thế giới.

iii) Bột màu hữu cơ tự nhiên được chiết từ động thực vật, ngày nay hầu như không được chế tạo nữa vì độ chịu sáng kém.

iv) Bột màu hữu cơ nhân tạo được chế từ các sản phẩm tinh chế dầu mỏ [3].

Bảng màu của hoạ sĩ ngày hôm nay phong phú hơn thời Phục Hưng, Baroque rất nhiều. Sơn dầu hạng cho hoạ sĩ chuyên nghiệp của các hãng nổi tiếng đều có trên 100 sắc. Old Holland Classic và Holbein Artists có tới trên 160 sắc.

Phần lớn màu sơn dầu này nay được nghiền từ bột màu tổng hợp nhân tạo. Màu tổng hợp nhân tạo hiện đại mịn hơn màu thời xưa nhiều lần. Ví dụ hạt bột màu từ khoáng chất thời xưa có kích thước trung bình vào khoảng 100 micrometre (µm, 1 µm bằng 1 phần triệu m), tức gấp đôi kích thước nhỏ nhất mắt người có thể nhìn thấy mà không cần kính phóng đại. Hạt bột màu vô cơ, tức không chứa carbon, được tổng hợp nhân tạo có kích thước khoảng 0.5 – 1µm, còn kích thước hạt màu hữu cơ tổng hợp là khoảng 0.01 – 0.1µm, tức bột màu tổng hợp nhỏ hơn hạt bột màu khoáng chất ít nhất là 100 lần (chỉ bằng một nửa kích thước hồng cầu), thậm chí nhỏ hơn siêu vi trùng (kích thước trung bình 0.1µm). Trắng titanium có kích thước hạt bột màu khoảng 0.22 – 0.24 µm [4]. Bột màu như vậy thoát ra khỏi lọ trông tựa như đám khói.

Kích thước hạt bột màu ảnh hưởng tới độ trong – đục, và độ bền trong kết dính của các hạt bột màu. Màu nhân tạo thường bền hơn, có độ chịu sáng cao hơn (đặc biệt là các màu tổng hợp vô cơ), độ bão hoà lớn hơn, ít độc hơn và rẻ hơn màu thời xưa.

2) Các thông tin in trên tube màu

Mỗi sắc màu được sản xuất bày bán ở hiệu có một tên riêng. Nhưng chỉ cái tên của màu của các hãng thường mù mờ, không cho biết màu được nghiền từ những bột màu nào. Trong khi đó màu đắt hay rẻ, đẹp hay xấu, bền hay không, là do chất lượng bột màu quyết định.

Trên tube màu do các hãng nổi tiếng sản xuất thường có ghi các thông tin sau:

i) Tên hãng sản xuất, ví dụ “Royal Talens”, và tên hạng màu, ví dụ “Rembrandt”;

ii) Tên màu, ví dụ cadmium red (đỏ cadmium);

iii) Độ trong / đục. Màu trong: hình vuông hoặc tròn trắng, màu đục: hình vuông hoặc tròn đen, màu bán đục: hình vuông hoặc tròn nửa trắng nửa đen, màu bán trong: hình vuông hoặc tròn trắng có gạch chéo. Có hãng dùng chữ cái: T = trong (transparent), O = đục (opaque), ST = bán trong (semi-transparent), SO: bán đục (semi-opaque).

Riêng hãng Old Holland dùng sao (★) để ký hiệu độ trong / đục:

★★★★  đục

★★★     bán đục

★★        bán trong

★           trong

Độ trong / đục được quyết định chú yếu bởi chiết xuất của hạt bột màu, nhưng kích thước của hạt bột màu, độ tinh khiết của bột màu, tính chất của dầu tạo màng được dùng để nghiền màu, các chất phụ gia cũng có ảnh hưởng tới độ trong / đục. Nhiều màu sơn dầu có cả loại đục lẫn trong tùy theo cách sản xuất.

iv) Độ chịu sáng (lightfastness):

Trừ một số ít bột màu như đen than, hầu hết cả các màu đều biến đổi dưới tác dụng của ánh sáng. Cũng tương tự độ trong/đục, độ chịu sáng của cùng một loại bột màu có thể thay đổi phụ thuộc vào kích thước hạt bột màu, độ tinh khiết của bột màu, dầu tạo màng, các chất phụ gia, v.v.

Thang ký hiệu độ chịu sáng của các hãng có thể không đồng nhất. Các hãng sản xuất màu của Mỹ dùng American Standard Test Measure (ASTM, tức Thang thử theo chuẩn của Mỹ) từ I , II, III, IV, và V tương đương với xuất sắc, tốt, khá, trung bình, và kém. Nhiều hãng theo hệ thống Anh dùng Blue Wool Standard (BS, tức phép thử độ chịu sáng bằng các băng len màu lam), còn được gọi là mức ISO (International Standard Organisation = Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế). Theo BS hay mức ISO [5]:

7, 8: (I, Xuất sắc) Màu không thay đổi trong vòng ít nhất 100 năm trong điều kiện bảo tàng

6: (II, Tốt) Màu không đổi trong vòng 50 – 100 năm (tương đương 3 sao, hay 2 dấu cộng)

4, 5: (IV, Trung bình – III, Khá) Màu không đổi trong vòng 15 – 20 năm  (tương đương 2 sao, hay 1 dấu cộng)

2, 3: (V, Kém) Màu đổi trong vòng 2 – 15 năm (tương đương 1 sao)

1: (Rất kém) Màu bạc trong vòng 2 năm

bluewool

Độ chịu sáng theo chuẩn băng len màu lam (Blue Wool Standard)

Hãng Winsor & Newton còn có thêm xếp hạng độ bất biến (permanence) tức độ bền của màu dưới tác dụng của ánh sáng, hoá chất, nhiệt độ, độ ẩm và các ảnh hưởng khác từ môi trường. Độ bền có các hạng AA: cực bền, A: bền,  B: độ bền trung bình, C: không bền [6].

Hãng Holbein dùng hoa thị (*) trên tube màu sơn dầu để ký hiệu độ bền, theo đó [7]:

****  Tuyệt đối bền vững

***    Bền vững

**      Tương đối bền vững

*        Dễ biến đổi

Hãng Royal Talens dùng dấu cộng để ký hiệu độ chịu sáng (+) [8]:

+++   chịu sáng ít nhất 100 năm trong điều kiện bảo tàng

++     chịu sáng ít nhất 25 – 100 năm trong điều kiện bảo tàng

+       chịu sáng ít nhất 10 – 25 năm trong điều kiện bảo tàng

º        chịu sáng ít nhất 0 – 10 năm trong điều kiện bảo tàng

Còn hãng Matsuda lại dùng sao để ký hiệu độ chịu sáng (★), tương tự như dấu cộng của Royal Talens:

★★★  = +++

★★     = ++

★       = +

kết hợp với 2 mức bềntương đối bền [9].

Cần lưu ý rằng các mức nêu trên chỉ chính xác một cách tương đối nhằm định hướng cho hoạ sĩ.

Độ chịu sáng và sự bền vững của màu sắc trên một bức sơn dầu còn có thể thay đổi phụ thuộc kỹ thuật vẽ của hoạ sĩ.

Một bí quyết để tăng độ chịu sáng của sơn dầu là pha nhựa cây (như dammar, Venetian turpentine) vào dung dịch pha màu. Nhựa cây tăng độ bảo vệ cho hạt bột màu. Mực in phai màu nhanh hơn sơn dầu vì mực in không được nhựa hay dầu khô che chở khỏi tác dụng trực tiếp của ánh sáng, lại còn chịu phản xạ mạnh từ bề mặt giấy trắng. Cũng vì lý do này, hoạ sĩ sơn dầu nên thận trọng khi dùng trắng titanium, bởi độ phản quang rất mạnh của trắng titanium đẩy nhanh qua trình bạc màu của các màu khác hòa với nó. Tuy nhiên bản thân một số nhựa cây cũng tối đi theo thời gian nên nếu thêm quá nhiều nhựa cây sẽ gây tối màu chưa kể nứt vỡ. Về mặt này, nhựa acrylic (polymer) trong dung dịch pha màu có ưu thế hơn nhựa cây truyền thống.

Ngược lại, các màu đất như vàng đất (ochre), nâu đất (umber), nâu Sienna, Mars, đỏ Venetian, lục đất v.v. chứa oxide sắt (Fe2O3) giúp làm tăng độ chịu sáng của các hạt màu hữu cơ vì oxide sắt là chất hấp thụ tia cực tím (UV).

Phải chăng đó cũng là một trong những lý do khiến màu sắc của một số  kiệt tác hội hoạ được vẽ bằng dung dịch có pha nhựa cây và dùng nhiều màu đất sau hàng thế kỷ vẫn rực rỡ.

v) Tên bột màu theo mã số màu quốc tế. Mã số này dùng ký hiệu viết tắt để gọi tên các loại bột màu như sau [10]:

bột đỏ = PR (pigment red),

bột da cam = PO (pigment orange),

bột vàng = PY (pigment yellow),

bột lục = PG (pigment green),

bột lam = PB (pigment blue),

bột tím = PV (pigment violet),

bột nâu = PBr (pigment brown),

bột đen = PBk (pigment black),

bột trắng = PW (pigment white),

các bột khác (từ kim loại) = PM (pigment metal) (như kim nhũ, bạc, v.v.).

Trong trường hợp màu được chế từ nguồn  tự nhiên không có chỉ số màu, ví dụ như màu ultramarine từ đá lapis lazuli, đỏ carmine từ con rệp son, v.v., người ta dùng chữ N (natural) thay thế P (pigment) trong ký hiệu viết tắt.

Mỗi loại bột màu lại được đánh số, ví dụ: trắng chì: PW1, trắng kẽm: PW4, trắng titanium: PW6 v.v.

vi) Dầu tạo màng: lanh (linseed oil), thuốc phiện (poppy oil), hay rum (safflower), v.v.

vii) Số (hay chữ cái) series tương ưng với giá của từng loại bột màu được dùng. Số càng cao hay chữ cái càng cuối bảng màu càng đắt [11].

viii) Tốc độ khô (tính bằng ngày).

ix) Cảnh báo màu độc hay không độc.

x) Lượng màu trong tube (ml hay Oz. tức ounce: 1 Oz. = 29.57 ml)

Các màu chất lượng cao nhất thường là các màu đơn sắc tố (mono pigment) tức được nghiền từ một loại bột màu. Các màu đơn sắc tố thực chất là các màu cơ bản trong hội hoạ bởi không có cách gì tạo ra được màu đơn sắc tố từ các sắc tố khác. Một số màu chỉ có thể được tạo ra do trộn vài loại bột màu với nhau. Theo quy tắc trừ màu, càng trộn nhiều loại bột màu, màu càng xỉn. Các màu rẻ tiền thường là pha trộn của vài bột màu rẻ tiền để mô phỏng màu đơn sắc tố đắt tiền hoặc được trộn thêm phụ gia để giảm lượng bột màu, nhờ đó có giá thành thấp hơn. Các màu đơn sắc tố cùng tên của các hãng khác nhau thường có tính chất giống nhau, ví dụ đỏ cadmium (PR108), trắng titanium (PW6). Trong khi đó các màu cùng tên từ các hãng khác nhau nhưng lại được nghiền từ hỗn hợp các bột màu khác nhau thường có tính chất khác nhau, thậm chí sắc không giống nhau, ví dụ sắc vàng Naples của mỗi hãng một khác. Lại có những màu có tên khác nhau nhưng đều được nghiền từ một loại bột màu.

Các phụ gia phổ biến để trộn với bột màu là:

i) phấn (calcium carbonate CaCO3) ,

ii) baryte (tức barium sulfate BaSO4),

iii) thạch cao (tức calcium sulphate ngậm nước CaSO4·2H2O),

iv) đất sét trắng (kaolin, Al2Si2O5(OH)4),

v) silica (SiO2),

vi) magnesium silicate.

Thông tin về phụ gia (filler, extender) và dầu tăng tốc độ khô (siccative) thường không được ghi trên tube màu. Thậm chí có hãng còn gọi tên màu là trắng chì, nhưng lại sản xuất từ sulfate chì (PbSO4), chứ không phải basic carbonate chì (2PbCO3·Pb(OH)2[12].

Dưới đây là một số màu sơn dầu nên có trên palette của hoạ sĩ, ngoài màu trắng [13].

3) Một số màu thông dụng

Vermilion (PR106)

vermilion1

Vermilion

Vermilion được nghiền từ sulfide thủy ngân (HgS), có màu đỏ ngả da cam rực rỡ. Từ vermilion có xuất xứ từ gốc Latin vermiculum, bắt nguồn từ kermes vermilio, tên một trong hai loài rệp cây có vỏ được dùng làm thuốc nhuộm đỏ [14].

Màu đỏ được chế từ quặng sulfide thủy ngân tự nhiên αHgS có tên là đỏ thần sa (cinnabar). Từ cinnabar có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp κινναβαρίτης (kinnabarites) có nghĩa là vermilion. Đỏ thần sa (hay đỏ vermilion) đã được con  người sử dụng từ thời Đồ đá Mới cách đây hơn 12 ngàn năm. Đỏ thần sa ngả đen dưới tác dụng của ánh sáng trong môi trường chứa chloride ions.

Người Tàu đi đầu trong việc tìm ra cách tổng hợp sulfide thủy ngân từ thủy ngân (Hg) và lưu huỳnh (S), được mô tả trong các tài liệu từ t.k. VIII. Tại châu Âu bột vermilion được tổng hợp từ kh. t.k. IX – XII.

kermes

Bọ kermes (a) và bọ cochineal (b)

cinnabar

Tinh thể cinnabar

Màu sơn dầu vermilion có độ phủ cao (đục), dễ hòa quện với dầu tạo màng, và chỉ hút khoảng 15 – 20 % dầu, và chậm khô. Vermilion nhân tạo có hạt mịn và đồng đều hơn đỏ thần sa chế từ quặng tự nhiên vì ít tạp chất, nhờ đó ít đổi mầu hơn.

Đỏ thần sa được các hoạ sĩ từ thời Phục Hưng rất ưa dùng vì ngoài độ rực rỡ, độ phủ, nó còn cho chuyển sắc rất phong phú. Vì là chất độc nên sang t.k. XX vermilion được thay thế bằng đỏ cadmium.

Ngày nay, một số hãng như Holbein vẫn sản xuất vermilion “xịn”, dùng bột màu PR106, và có tới 3 sắc: vermilion, vermilion Pháp và vermilion Trung Quốc. Có điều cả 3 đều có độ chịu sáng thấp, chỉ có 1 sao. Nhiều nhà sản xuất khác như Old Holland Classic, Rembrandt hay Lefranc dùng các bột màu khác để mô phỏng vermilion, như PR251 (Old Holland Classic), PO73 (Rembrandt), PR168 và PV9 (Lefranc) hay PR255 và PO72 (vermilion Pháp của Lefranc). Màu vermilion mô phỏng có độ chịu sáng tốt hơn, tới 3 sao.

Đỏ cadmium (PR108)

Cadmium_Red_430001_i0

Đỏ cadmium

Cadmium và selenium được phát hiện vào năm 1817. Đó là hai nguyên tố tạo nên đỏ cadmium, tức cadmium sulfide (CdS) + cadmium selenide (CdSe).Việc tổng hợp được đỏ cadmium vào năm 1919 là một trong những thành tựu lớn của công nghệ ở t.k. XX. Nhưng đây là một công nghệ tốn kém và phức tạp, sử dụng nguyên liệu hiếm và phải rất tinh khiết. Vì thế đỏ cadmium là màu đỏ đắt tiền.

Đỏ cadmium trong sơn dầu là màu đục, có sắc phong phú từ da cam tới đỏ sẫm và tím.Trong vùng tia đỏ (bước sóng 630 – 670 nm), đỏ cadmium có độ phản quang cao hơn vermilion khoảng 7%, vì thế đỏ rực hơn vermilion. Trong vùng tia lục – vàng – da cam (bước sóng 550 –  630 nm) đỏ cadmium thua vermilion về độ phản quang, tới khoảng 50%. Tại bước sóng 630 nm (đỏ ngả da cam) và trong vùng sóng ngắn đỏ cadmium và vermilion có độ phản quang như nhau. Do đó đỏ cadmium ngả da cam có thể thay thế đỏ vermilion, lại chịu sáng cao và bền hơn.

red reflectance

Biểu đồ phụ thuộc của độ phản quang vào bước sóng ánh sáng đối với đỏ cadmium và vermilion

Tuy cadmium là chất độc, gây mềm xương và suy thận, gây đau cột sống và khớp nghiêm trọng, nhưng bột màu đỏ cadmium, chứa cadmium seleno-sulfide, lại không bị xem là chất độc vì hàm lượng cadmium rất thấp.

Vàng cadmium (PY35)

Cadmium-Yellow-Medium

Vàng cadmium

Vàng cadmium được chế từ cadmium sulfide (CdS), có trong khoáng chất greenockite. Nhưng bột vàng cadmium được làm từ cadmium sulfide nhân tạo, được tổng hợp năm 1820, và được đưa vào sản xuất năm 1840.

Màu sơn dầu vàng và da cam cadmium đục, không độc, rất bền, chịu sáng tốt, rực rỡ và có độ nhuộm cao.

Vàng Naples (PY41)

Vàng Naples là hợp chất antimonate chì (II) Pb(SbO3)2/Pb3(Sb3O4)2, vì thế còn có tên tiếng Pháp là jaune d’antimoine (vàng ăng-ti-moan). Bột vàng antimony được dùng bắt đầu từ khoảng 3500 năm trước và được tổng hợp nhân tạo từ khoảng t.k. XVI. Vào năm 1631 màu vàng tương tự được tìm thấy trong khoáng chất từ nham thạch núi lửa Vesuvius tại Naples (Ý), vì thế mà thành tên.

Naples_Yellow_429864_i0

Vàng Naples

Vàng Naples đục, có chuyển sắc rất phong phú từ vàng sáng nhạt, ngả lục tới ngả đỏ, chịu sáng cực tốt, được dùng trong hội hoạ từ thời Phục Hưng. Salvador Dalí gọi đó là màu vàng không khí, vì giúp tạo hiệu quả không khí trong hoà sắc vàng rất nhẹ và xốp.

Ngày nay, vì antimonate chì độc, chỉ còn rất ít nhà sản xuất chế vàng Naples “xịn” (PY41), ví dụ Michael Harding.  Hầu hết vàng Naples sơn dầu trên thị trường là mô phỏng:

– Old Holland Classic chế từ chromium titanate (PBr24) hoặc vàng oxide sắt (PY42) trộn với trắng titanium (PW6) và trắng kẽm (PW4);

– Winsor & Newton: từ PBr24 trộn với trắng chì (PW1), PW6 và PW4;

– Royal Talens Rembrandt: từ chromium tintanate (PBr24), benzimidazolone (PY154) và PW6;

– Lefranc: PY42, vàng irgazin (PY129), và PW4;

– Holbein: từ PY35, PY42, và PW6

– Matsuda: từ PY35, PY42, và PW4.

Vàng Ấn Độ (NY20)

Vàng Ấn Độ có xuất xứ từ Ba Tư, được dùng tại Ấn Độ từ t.k. XV cho đến cuối t.k. XIX. Trong một bức thư gửi tới Hội Mỹ thuật London năm 1883, một người tên là T.N. Mukarji từ Calculta cho biết vàng Ấn Độ được làm từ nước tiểu của các con bò bị ép ăn lá xoài [15]. Sang t.k. XX, vàng Ấn Độ bị cấm sản xuất vì súc vật bị hành hạ, đặc biệt bò là động vật thiêng liêng tại Ấn Độ.

Ngày nay màu mang tên vàng Ấn Độ (Indian yellow) là màu mô phỏng. Ví dụ hãng Holbein làm vàng Ấn Độ từ các màu tổng hợp hữu cơ, vàng isoindolinone PY110, và vàng diazo PY128, được tổng hợp hợp chất muối diazo. Vàng Ấn Độ của Lefranc được chế từ vàng irgazin PY129 và vàng isoindoline PY139.

Vàng Ấn Độ nhân tạo có độ nhuộm cao, bán trong, và độ chịu sáng tốt.

indian_yellow_artificial

Vàng Ấn Độ tổng hợp

Lam cobalt (PB28)

True-Cobalt-Blue

Lam cobalt

Lam cobalt gồm cobalt oxide và oxide nhôm, được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1802, rất bền vững,  độ chịu sáng rất tốt, bán trong, không độc và rất đắt tiền. Bột lam cobalt cần rất ít dầu lanh khi được nghiền, nếu không sẽ ngả vàng. Lam cobalt còn được gọi là cadmium của các màu lạnh, vì tạo ra một phổ rộng các sắc lạng từ tím, tới lam, lục tương tự như cadmium có các sắc trong vùng màu nóng từ vàng, tới da cam và đỏ.

Trong thư gửi em trai Theo, danh hoạ Vincent Van Gogh coi lam cobalt là màu siêu phàm và để tạo ra khí quyển bao quanh vặt thể thì không có gì đẹp bằng lam cobalt.

Lam manganese (PB33)

Manganese-Blue

Lam manganese

Lam magnese là màu tổng hợp bằng trộn barium maganate với barium sulfate. Lam manganese là màu trong, độ chịu sáng cao (I – II theo ATSM), rất đẹp khi được dùng để vẽ trời xanh lộ giữa các đám mây.

Vì manganese độc, ngày nay chỉ vài hãng như Old Holland là còn chế lam manganese xịn. Các hãng khác chế lam manganese mô phỏng, ví dụ lam manganese của Winsor & Newton được chế từ chlorinated copper phthalocyanine (PG7) và copper phthalocyanine (vốn là phẩm nhuộm, PB15), trong, có độ chịu sáng cao nhất (I theo ATSM), và bền (A); hãng Holbein có màu manganese blue nova, được chế từ lam colbalt (PB28), trong và tuyệt đối bền (4 sao ****)

Năm 2009 các nhà hóa học thuộc Đại học Oregon (Mỹ) đã tình cờ phát hiện ra rằng, khi được nung tới 1200 độ C, manganese oxide chuyển từ màu đen sang màu lam rực rỡ, bền, không độc, chịu được nhiệt và acid. Theo một số nhà nghiên cứu, có lẽ đây là bột lam đẹp nhất và tốt nhất trong lịch sử.

Lam sapphire

06000-464-bleu saphir

Lam sapphire

Lam sapphire của hãng Mastuda được chế từ lam phthalocyanine (PB15). Màu lam sapphire của Lefranc chế từ lam phthalocyanine PB15:3 trộn với chlorinated copper phthalocyanine (PG7).

Lam sapphire trong, bền và có độ nhuộm cao, nếu được dùng hạn chế sẽ cho hiệu quả đẹp và quý giá. Ngược lại, lam sapphire có thể làm hòa sắc trở thành sượng hoặc rợ một khi bị lạm dụng.

Lam ultramarine

Ultramarine là bột màu khoáng chất phức tạp nhất, chứa lưu huỳnh và natrium silicate Na8-10Al6Si6O24S2-4, từng được coi là màu lam đẹp nhất từ thời cổ xưa, vốn được chế từ đá lapis lazuli – một loại đá quý đắt tiền, có nhiều tại Badakhshan (Afghanistan). Thời xưa, đá lapis lazuli được xuất khẩu sang Ai Cập và châu Âu qua Venice để làm đồ trang sức và nghiền làm bột màu vẽ. Người châu Âu gọi thứ bột màu vẽ đắt tiền nhất này là màu từ viễn dương (ultramarine là từ gốc Latin, ultramarinus có nghĩa là bên ngoài, hay bên kia biển). Vì vậy, vào thời Phục Hưng và Baroque, ultramarine chỉ được dùng trong các hợp đồng vẽ tranh đắt tiền do giới giàu có đặt hàng, dùng để vẽ màu áo của Chúa Jesus và Đức Mẹ. Danh hoạ Johannes Vermeer thường pha ultramarine lapis lazuli với trắng chì, tạo nên các hòa sắc lam trất đẹp trong các kiệt tác của mình.

lapis_lazuli

Tinh thể đá lapis lazuli

Từ t.k. XIX ultramarine được chế bằng phương pháp tổng hợp nhân tạo, có tên pigment là PB29. Nhà hóa học Pháp Jean-Baptiste Guimet là người đầu tiên tìm ra cách tổng hợp ultramarine vào năm 1826, có tên là màu lam Guimet, giá rẻ hơn ultramarine tự nhiên khoảng 10 lần. Lam Guimet mịn hơn, bền không kém ultramarine tự nhiên, có sắc tối hơn, và không rực rỡ bằng ultramarine từ đá lapis lazuli.

fig._6_spectral_reflectance_curves_for_a_genuine_ultramarine__b_synthetic_ultramarine

Đồ thị sự phụ thuộc của độ phản quang vào bước sóng ánh sáng đối với ultramarine từ lapis lazuli (A) và ultramarine tổng hợp (B)

Ngày nay ultramarine tổng hợp (PB29) có hai loại, tên là ultramarine và ultramarine Pháp. Ultramarine Pháp có sắc đỏ, hạt to hơn ultramarine.

ultramarine

Ultramarine tổng hợp: Ultramarine Pháp (trên) và ultramarina lam sẫm (dưới)

Không nên nhầm ultramarine tổng hợp với ultramarine được chế từ đá lapis lazuli.

Đen ngà voi (PBk9)

Đen ngà voi ngày nay hầy hết là đen xương, được chế từ đốt xương bò hoặc ngựa tới nhiệt độ 400 – 500° C khiến xương biến thành than. Chỉ một số rất ít hãng còn sản xuất đen ngà voi thư thiệt, ví dụ như Holbein Vernét. Đen ngà voi bán đục, có sắc ấm, không đen như đen than (carbon black, PBk6) vì chứa nhiều calcium phosphate, và khô nhanh hơn đen than đèn (lam black, PBk7). Đen ngà voi có chuyển sắc rất phong phú, nên thường được các bậc thầy cổ điển dùng để vẽ bóng tối.

00401_IvoryBlack-l

Đen ngà voi hay đen xương

Đen lam

Đen lam là màu bán trong, được chế bằng pha trộn ultramarine (PB29) với đen ngà voi (PBk9).

Đen lam cho màu xám rất đẹp, thường được dùng để vẽ chuyển sắc giữa sáng và tối trên cơ thể người, nếp vải. Một số hoạ sĩ dùng đen lam để vẽ bóng trên da thịt. Velasquez dùng rất ít màu, trong đó có đen ngà voi và đen lam. Hai màu này khi kết hợp với nhau cho phép tạo một phổ rộng chuyển sắc từ lạnh tới ấm [16].

Salvador Dalí khuyên dùng đen ngà voi để vẽ lót và đen lam để láng. Trong khi đó nếu láng đen ngà voi lên trên đen lam thì sẽ được màu xám bẩn. Dalí coi đó là bí mật thứ 28 trong 50 bí mật của tay nghể ma thuật của mình [17].

00425_BlueBlack-m

Đem lam

Các màu đt:

Các bột màu đất được chế từ đất có chứa oxide sắt (Fe2O3). Các màu đất ngày nay được tổng hợp từ oxide sắt. Dưới đây là một số màu đất thông dụng.

Sepia 

Bột sepia tự nhiên (NBr9) có màu nâu tối, gần như đen, vốn được chiết từ mực của cuttlefish hay sepia –  loài động vật thân mềm, trông giống con mực cỡ lớn. Bột sepia hoặc mực từ túi mực của cuttlefish từng được dùng làm mực viết từ thời cổ đại vùng Địa Trung Hải (khoảng t.k. VIII tr. CN) và được các hoạ sĩ dùng làm mực vẽ cho tới t.k. XIX.

cuttlefish_800x600

Cuttlefish (sepia)

Hoạ sĩ người Đức C.J.J. Seydelmann (1750 – 1829) được cho là người đầu tiên đã chiết được phẩm nhuộm sepia, lọc, và kết tủa chất này bằng hydrochloric acid, nhờ đó thu được sepia có nồng độ cao.

Ngày nay các màu có tên sepia đều là màu đất tổng hợp, chứa oxide sắt, vì sepia tự nhiên có độ chịu sáng kém. Sepia tổng hợp là màu đục, bán đục hoặc bán trong, có độ chịu sáng rất tốt. Hãng Holbein chế màu sepia từ  nâu đất tự nhiên (NBr7) và đen ngà voi (PBk9), bán trong. Màu sepia của Rembrandt (Royal Talens) là pha trộn của 3 bột màu: oxide sắt vàng (PY42), oxide sắt đỏ (đỏ Venetian) (PR101), và đen Mars (PBk11), bán đục.

rembrandt_oils_Sepia_X

Sepia của Royal Talens Rembrandt

Đỏ Venetian (PR101)

Đỏ Venetian là 1 trong 6 màu đỏ đất. Năm màu còn lại là đỏ Anh, đỏ Ấn Độ, đỏ ochre, terra rosa (bole) và caput mortuum (đỏ thắm, nâu Ai Cập, hay nâu xác ướp). Đỏ Venetian từng là màu đỏ rất phổ biến vào thời Phục Hưng, khi màu này được chế từ sinopia – đất tại vùng Sinop thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Đỏ Venetian rất đục (chiết xuất 2.8, cao hơn cả trắng titanium 2.7), chịu sáng rất tốt, có chuyển sắc rất phong phú khi hòa với trắng, và đặc biệt đẹp khi được dùng để vẽ màu da, màu môi.

Venetian_Red_-_623

Đỏ Venetian

Vàng đất (ochre) (PY42)

Vàng đất được nghiền từ đất có silica và đất sét chứa oxide sắt ngậm nước (Fe(OH)3), có phổ màu rộng từ sắc vàng ngả đỏ xỉn tới vàng nâu ngả da cam xỉn. Vàng đất tự nhiên là một trong những màu cổ xưa nhất, được con người dùng từ cách đây 100 ngàn năm. Bột màu vàng đất được tổng hợp nhân tạo từ năm 1920, được dùng để nghiền các màu vàng đất sơn dầu ngày nay. Vàng đất không độc, đục, khô nhanh, và là một trong những màu bền nhất trong bảng màu của hoạ sĩ.

00801_YellowOchre-l

Vàng đất (ochre)

Lục đất (PG23)

Lục đất được dùng từ t.k. III tr. CN (thời Đế chế La Mã), lấy từ đất sét chứa oxide sắt, magnesium, silicate nhôm, kali. Lục đất còn được gọi là lục Verona, theo địa danh tại bắc Ý nơi có nhiều đất này. Từ thời Trung cổ lục đất được dùng để vẽ lót cho da thịt, nhằm trung hòa các màu nóng như đỏ hay hồng phủ lên trên.

01529_GreenEarth-l

Lục đất

Nâu Van Dyke (NBr8)

Peter Paul Rubens (1577 – 1640) thường dùng màu nâu này để vẽ lót. Học trò của ông, danh hoạ Anthony Van Dyck (hay Van Dyke) (1599 – 1641) dùng màu này để láng nền các chân dung, tạo ra hòa sắc nâu trầm lẫn xám bạc đặc trưng cho phong cách của mình, vì thế mà màu này có tên nâu Van Dyke.

Anthony_van_Dyck_-_Self-Portrait_-_WGA07407

Anthony van Dyck
Tự họa (khoảng 1622 – 1623)
sơn dầu, 116.5 x 93.4 cm
Bảo tàng Hermitage

Nâu Van Dyke là màu được chế từ đất chứa chủ yếu chất hữu cơ, như than nâu hoặc than bùn (NBr8).

Thành phần hóa học của nâu Van Dyke gồm oxide sắt (III) ngậm nước, oxide maganese ngậm nước và một số humic acid (do xác động thực vất phân hủy trong đất mùn tạo thành).

Nâu Van Dyke là màu bán trong, có độ chịu sáng tốt, sắc trung hòa, không nóng như nâu umber, hoặc lạnh như sepia. Nâu Van Dyke có thể bền hơn nếu được trộn với nhựa cây khi vẽ.

vandyke_swacth

Nâu Van Dyke

Trong lịch sử, nguyên liệu để chế màu này là đất vùng Cologne và Kassel (Đức) vì thế nâu Van Dyke còn có tên là màu đất Kassel (Cassel earth) hay đất Cologne (Cologne earth). Tuy nhiên, ngày nay có hãng, như Maieri, sản xuất cùng một lúc cả nâu Van Dyke (bán đục) và đất Kassel (đục), trong đó nâu Van Dyke có sắc ngả nâu khi được trộn với màu trắng, còn đất Kassel ngả xám lạnh, song trên thực tế cả hai màu này đều được chế từ nâu tối nung (burnt umber) (PBr7), đen xương (PBk9), và đen than đèn (PBk7). Vì thế sự phân biệt chất lượng giữa nâu Van Dyke và đất Kassel, như Salvador Dalí từng viết trong cuốn “50 bí quyết của tay nghề ma thuật” là một trong vài nhầm lẫn (hay lời xui dại) của Dalí trong cuốn sách đó.

Sienna

Màu sienna có sắc nâu đỏ, vốn được chế từ đất vùng Sienna (Ý), vì thế trong tiếng Ý có tên terra di Sienna (đất Sienna) hay terra rossa (đất đỏ), được các hoạ sĩ thời Phục Hưng và Baroque ưa dùng cùng với vàng ochre và umber. Bột Sienna chứa oxide sắt và khoảng 5% mangenese oxide (ô-xit măng-gan), vì thế có màu sẫm hơn vàng ochre. Bột sienna sống (PY43) khi được nung lên (thành burnt sienna, PR102) thì có màu nâu sẫm, sau khi nước bị loại ra khỏi oxide sắt.

sienna

Sienna sống (a) và sienna nung (b)

Umber

Màu umber có sắc nâu tối, là màu tối nhất sau màu đen. Có hai giả thuyết về nguồn gốc tên màu này. Giả thuyết thứ nhất cho rằng umber có xuất xứ từ terra di ombra (tiếng Ý, có nghĩa là đất của bóng tối). Theo giả thuyết thứ hai, màu umber vốn được chế từ đất vùng Umbria (Ý), vì thế mà thành tên.

Umber gồm màu nâu tối nung (burnt umber, PBr7) và nâu tối sống (raw umber, PBr8), được tạo bởi oxide sắt ngậm nước, oxide manganese ngậm nước và oxide nhôm, Fe2O3 (· H2O) + MnO2·(n H2O) + Al2O3.

Umber là màu khô nhanh nhất trong các màu đất, vì thế thường được các hoạ sĩ, đặc biệt là vào thời Baroque như Caravaggio, Rembrandt, và Vermeer dùng để vẽ lót hoặc láng. Vì umber có độ chịu sáng và độ nhuộm cao, dùng umber quá nhiều khi vẽ lót sẽ làm tranh tối dần khi các màu như trắng chì trở nên trong hơn theo thời gian, khiến sắc tối của umber lót bên dưới lộ ra. Cũng vậy khi dùng umber để láng. Đó là một trong những lí do khiến bức “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci ngày nay hầu như chỉ còn sắc nâu. Cũng vì vậy mà Salvador Dalí khuyên không nên dùng umber. Song đó lại là một trong các lời khuyên cực đoan của Dalí.

umber

Umber sống (a) và umber nung (b)

*

Hoạ sĩ Lucian Freud (1922 – 2011), người chuyên vẽ các bức khỏa thân ngồn ngộn xác thịt, từng nói: “Đối với tôi, sơn dầu là người. Tôi muốn hắn làm việc cho tôi, như xác thịt.” Nếu bạn cũng coi màu sơn dầu như ô-sin của bạn thì cần biết rõ ô-sin trước khi mướn, bởi nếu không bạn có thể bị làm phản, như Mark Rothko bị đỏ lithol làm phản vậy.

17.12.2013


[2] Leonardo da Vinci dùng tempera vẽ bức “Bữa tối cuối cùng” (1495 – 1498) lên tường lót gesso, mastic và hắc ín. Kết quả: bức bích họa hỏng ngay sau khi hoàn thành. Ông dùng sơn dầu vẽ bức “Trận đánh ở Anghiari” (1505) trên lớp lót encaustic: Bức hoạ hỏng ngay khi đang vẽ. J.M.W. Turner, J. Reynolds, J.M. Wistler, và V. Van Gogh khét tiếng cẩu thả trong lựa chọn màu vẽ. Kết quả: Nhiều tranh của các danh họa này bạc màu rõ rệt, không thể cứu vãn nổi.

[4] Color handbook at SpecialChem

[5] M.D. Gottsegen, The Painter’s Handbook (Watson-Guptill, 2006).

[6] Xem Nguyễn Đình Đăng, Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu, trang 23.

[8] Royal Talens, Lightfastness.

[9] Theo giải thích của đại diện hãng Matsuda.

[13] Về màu trắng, xem Nguyễn Đình Đăng, Màu trắng của sơn dầu.

[14] Tên hai loài rệp cây này là kermescochineal. Trong từ Hán-Việt cả hai loài khác nhau này đều được gọi rệp son hay rệp yên chi. Từ t.k. XVI người ta đã dùng bọ cochineal để làm nguyên liệu chế thuốc nhuộm đỏ vì để chế ra cùng một màu đỏ chỉ cần một số bọ cochineal bằng 1 phần 10 đến 1 phần 12 số bọ kermes.

[15] V. Finlay, Color: A natural history of the palette (Random House, New York, 2004).

[16] Harold Speed, Oil painting techniques and materials (Dover edition, 1987).

[17] Salvador Dalí, 50 secrets of magic craftsmanship (Dial Press, New York, 1948).

______________

© Nguyễn Đình Đăng, 2013 – Tác giả giữ bản quyền. Bài chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

__________________

Các bài trong series này:

Nền móng của tranh sơn dầu

Màu trắng của sơn dầu

Trao đổi về pha mầu vẽ

Bí mật của màu sắc

Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

Chất kết dính và dung môi của sơn dầu

Một giáo trình dạy nhiều cái sai

Hội họa sơn dầu: thịnh và suy

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp

Các công thức bí mật

Bút vẽ sơn dầu

Màu sơn dầu

Nhãn: ,

40 bình luận to “Màu sơn dầu”

  1. nguyendinhdang Says:

    Xem trang 304 và 304 trong sách “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” của tôi.

  2. Lê Văn Hiếu Says:

    cho em hỏi: có công thức tính được tỉ lệ các màu để sản xuất sơn dầu không anh, hay từ kinh nghiệm mới có thể đưa ra công thức được. xin cảm ơn

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Có công thức tính độ đậm đặc tới hạn về thể tích của bột màu (critical pigment volume concentration) như sau

      CPVC = 1/[1+ (OA)(p)/93.5]

      OA = độ hút dầu
      p = mật độ (g/ml)
      93.5 là mật độ của dầu lanh. Nếu dùng dầu khác thì con số này sẽ khác.

  3. Belka Says:

    Chào anh!
    Chân thành cảm ơn anh về những kiến thức trong loạt bài này. Xin anh cho phép chia sẻ vào trang cá nhân để bạn bè cùng đọc anh nhé. Cảm ơn anh ạ.
    Belka Truong

  4. Hoang Says:

    Kg chú Đăng,

    Cháu có thể xin chú cho mượn bản dịch quyển “50 bí quyết của tay nghề ma thuật” của chú để đọc được không ạ ?

  5. định hướng nghề nghiệp Says:

    em mới biết nguồn tài tiệu này sẽ in ra tìm hiểu. hiện tại e chép tranh bán, nhưng e muốn chọn chất liệu đảm bảo cho khách bền màu. trước đó e nhờ cửa hàng tư vấn thì em chọn sơn dầu GEORGIAN OIL loại 155k một số màu k có thì e chọn màu nhật và anh loại 100k và toan tq. Khi vẽ e k dùng bất kì chất phụ gia nào hết dầu tươm ra có dư e k dùng tới vì lầy. e vẽ vừa đủ mềm để tải màu thôi.giờ e phải chọn chất liệu gì đảm bảo không bạc màu cho khách, bền và chọn cọ nào để vẽ láng. em muốn mình làm việc bằng tay, bằng đầu và bằng trái tim là nghệ sĩ. chứ k phải để kiếm tiền thôi mà đó là quá trình tìm tòi và học hỏi và sáng tác vì bản thân còn yếu kém lắm ạ. em mong thầy góp ý định hướng chọn chất liệu, dụng cụ, chất tẩy rửa. Để chuẩn bị mở phòng tranh vẽ theo yêu cầu của khách. mong sớm nhận từ hồi âm của thầy.

  6. Nguyễn Đình Đâng Says:

    @ Nguyen Vu:

    Nhìn trên ảnh, tôi thấy có thể đó là do “xuống màu” (sinking in). Hiện tượng này thường xảy ra do vài nguyên nhân:

    1- dùng quá nhiều dung môi trong khi vẽ. Dung môi bay hết, màu sẽ xỉn và mờ đi vì không đủ dầu.

    2 – bản thân các màu khác nhau hút dầu nhiều ít khác nhau. Chỗ nào hút dầu mạnh hơn sẽ mờ hơn các chỗ khác.

    3- nền được bồi không tốt dẫn đến hút dầu không đều, chỗ mạnh chỗ yếu.

    4 – dùng vật liệu rẻ tiền để bồi nền.

    5 – nền không được bồi.

    Nếu là nguyên nhân 3 – 5 thì bức tranh khó chữa. Nếu là nguyên nhân 1 hoặc 2 thì có thể sửa bằng oiling out tức quét lên toàn bộ bức tranh một lượt retouching varnish. Nếu các chỗ mờ đó biến đi thì sau khi retouching varnish khô có thể quét varnish bảo vệ lên, tranh sẽ bóng đều. Chú ý tranh phải để khô sơn ít nhất 6 tháng mới được quết varnish bảo vệ.

  7. ledienha Says:

    Cảm ơn chú vì bài viết,
    cháu có một thắc mắc muốn tham khảo ý kiến của chú, có thể dùng sơn dầu của 2-3 hãng khác nhau trộn lẫn trong một bức tranh không? ví dụ như Winsor & newton và Lefranc, và dùng lẫn màu hạng Artist và màu hạng sinh viên? Dùng chất kết dính và dung môi của hãng này với màu dầu của hãng kia có ổn không ạ? Như thế có ảnh hưởng tới độ bền của tranh không?

  8. Tuan a Says:

    Cám ơn chú về những kiến thức bổ ích, cháu có 1 số thắc mắc mong chú giải đáp
    – Đối với màu sơn dầu cadimum red cua hãng vangoh (pr108) có ký hiệu là màu đục, vậy có thể dùng làm màu láng dc ko a?

    – Trên thị trường việt nam cháu thấy có 1 hãng sơn dầu của đài loan nhãn hiệu CROWN, tuýt màu đen, với giá bán ngang bằng với màu PEOBE của pháp tuy nhiên lại ko thấy thông tin gì về sản phẩm cả , nhiều người dùng nói chất lương khà tốt nên cháu rất phân vân, mong chú giải đáp.

    – ULtrmarine ( py29) được dùng thay thế cho màu được nghiền từ đá lapiz lazuri ,giữa 2 loại này có sụ khác biệt nhiều ko ạ??

    cám ơn chú rất nhiều !!

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      – Màu dùng để láng phải là màu trong. Cadmium red là màu đục không dùng để láng được. Có thể pha cadmium red với dung dịch pha màu cho loãng ra để day (scumble).

      – Nếu giá sơn dầu Tàu mà bằng giá sơn Pébéo của Pháp xịn thì dĩ nhiên là nên xài sơn Pháp mà quên hẳn sơn Tàu đi.

      – Bây giờ không còn ultramarine từ lapis lazuli nữa. Nếu có thì rất đắt. Ultramarine nhân tạo có độ phản quang thấp hơn ultramarine làm từ lapis lazuli (Xem hình trong bài).

  9. hongngoc Says:

    Chú Đăng ơi cháu có một thắc mắc là cháu thấy có một số bức tranh sơn dầu thì nhìn nổi màu lên còn một số bức tranh thì nhìn lán mịn như là dùng màu nước . Với lại cháu rất thích tranh sơn dầu nhưng cháu chưa sử dụng qua lần nào hết

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Tranh vẽ dày, có texture, hay vẽ nhẵn không nhìn thấy vệt bút, hay nhòe loang như màu nước là tùy theo kỹ thuật và phong cách vẽ của hoạ sĩ.

  10. Nguyễn Phương Hoa Says:

    Chào họa sỹ Nguyễn Đình Đăng. Em muốn được biết tranh Lụa của các họa sỹ Nhật có độ bền cao không, làm cách nào để bảo quản tốt một bức tranh lụa?…Xin cám ơn anh!

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Tranh lụa xuất hiện ở Nhật từ t.k. IX. Đến nay các tranh lụa cổ nhất của Nhật còn lại trong bảo tàng là từ khoảng t.k. XI, ví dụ như bức tranh Phật trên Niết Bàn này được xác ̣định là từ năm 1086, có kích thước 2.68 x 2.71 m. Điều này chứng tỏ tranh lụa Nhật có sức bền lớn, có thể tồn tại hàng trăm năm (nếu được bảo quản tốt).

      Nhưng tranh lụa cũng rất dễ hỏng nếu bảo quản không cẩn thận, độ ẩm thay đổi mạnh, bị chiếu sáng quá nhiều, hay bị mối mọt, mốc. Nếu khô quá, lụa và giấy bồi trở nên giòn, làm vỡ, nứt màu. Nếu ẩm quá, tranh dễ bị mốc. Phơi sáng quá nhiều sẽ làm màu phai, giấy ngả vàng, tối đi, và protein động vật trong sợi lụa bị phân hủy. Vì thế không nên treo tranh lụa thường xuyên dưới ánh sáng. Ở Nhật tranh lụa thường được cất kín trong tủ tối, chỉ đôi khi được đem ra chiêm ngưỡng theo mùa, hoặc vào các dịp đặc biệt. Ánh sáng trong phòng treo tranh lụa ở bảo tàng bao giờ cũng khá yếu, và tranh chỉ được treo 1 tháng sau khoảng 10 tháng cất trong kho tối mỗi lần. Cho nên, nếu treo tranh lụa liền 3 tháng thì phải 2 năm rưỡi sau mới được treo lại.

      Khi cất tranh, không nên cuộn lại, mà nên trải phẳng. Một trong những dạng hỏng thường gặp ở tranh lụa là nứt, nhăn, gãy do cuộn lại. Nhiệt độ nên giữ trong khoảng 15 – 23 độ C và độ ẩm từ 40 tới 60%. Nếu độ ẩm biến thiên mạnh và vượt quá 80 – 90% thì không những tranh lụa mà cả tranh sơn dầu cũng hỏng.

  11. MT (SG) Says:

    Anh viết về sơn dầu khoa học thế này thật là bổ ích. Chắc các hoạ sĩ trẻ VN mừng như bắt được vàng nhỉ.

    Nhưng anh phải cảnh giác vì em sợ có những phần tử xấu sẽ ăn cắp bài của anh đem đăng ở các tạp chí ngành để tính điểm làm giáo sư đấy !

  12. Nguyễn Đỗ Đông Says:

    cảm ơn anh Đăng. Em xin phép được chia sẻ ạ!

  13. DuyNguyen Says:

    Chú Đăng cho cháu hỏi về hiện tượng mốc trong tranh sơn dầu, cách phòng tránh và khắc phục lỗi nấm mốc trong tranh sơn dầu được không ạ?

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Tranh mốc là do vi khuẩn bám trên mặt tranh phát triển trong môi trường ẩm.

      Cách khắc phục:
      – Phơi tranh dưới ánh sáng mặt trời vài giờ cho tranh thật khô.
      – Dùng bút lông khô và mềm phẩy mốc đi (cả mặt trước và mặt sau).
      – Phun một ít dung dịch trừ khuẩn (như nước oxy già 3%) lên chỗ vừa được phủi sạch mốc.
      – Phơi khô.

      Cách phòng chống:

      – Khi bồi nền canvas nên thêm vào một ít phenol theo tỉ lệ cứ 150 – 250 g bột trắng thì thêm vào 0.2 – 0.5 g phenol.
      – Bảo quản tranh trong điều kiện độ ẩm trong từ 40 tới 60%. (Độ ẩm ở Hà Nội thường rất cao vào mùa hè, trung bình khoảng 80% vào tháng 7.)
      – Không dùng hoạ phẩm chất lượng thấp hoặc khả nghi. Đặc biệt nên tránh dùng canvas bằng vải bông (cotton) vì vải bông hút ẩm mạnh, dễ nhiễm khuẩn dẫn đến mốc. (Xem “Nền móng của tranh sơn dầu“).

      • Duy Nguyen Says:

        cháu cảm ơn chú ạ

      • Nguyen Vu Says:

        Chú Đăng cho cháu hỏi, việc thêm phenol khi bôi nền canvas có tác dụng gì ạ? cháu xin cảm ơn

        • Nguyễn Đình Đăng Says:

          Phenol có khả năng diệt vi sinh vật, trong đó có các vi khuẩn gây nấm mốc, gây phân hủy thối rữa.

          Nó là chất tẩy trùng được phát hiện từ năm 1867, khi bác sĩ phẫu thuật người Bỉ Joseph Lister dùng acid carbolic (tức phenol) để khử trùng dụng cụ giải phẫu và vết thương.

      • Nguyen Vu Says:

        Gửi chú Đăng,
        Cháu có một bức tranh hiện nay có 1 số đốm màu trắng ở trên mặt. Cháu xử lý những đốm màu trắng này bằng khá nhiều cách, nhưng hiện chưa thành công. Cháu đang băn khoăn không biết liệu đây có thật sự là mốc không. Cháu xin gửi hình này lên, mong chú và những người quan tâm chỉ dẫn giúp cháu ạ.

        Cháu xin cảm ơn.

        Dưới đây là hình ảnh ạ:

        [IMG]http://i62.tinypic.com/2lm1da8.jpg[/IMG]

        • Nguyen Vu Says:

          Cháu xin lỗi vì chưa mô tả kĩ ạ, những điểm làm cháu băn khoăn là những mảng trắng xuất hiện trên phần màu đỏ ở giữa bức tranh như trong hình ạ.

          Cháu đã thử dùng bút , dùng tăm bông có tẩm nước oxy già pha loãng để phủi, lau nhưng những màu trắng này ạ.

          Cháu xin cảm ơn chú Đăng và mọi người,

  14. nghuykhoi Says:

    Cám ơn HS Nguyễn Đình Đăng nhiều, chúc anh luôn khỏe và thành công.

  15. hoạ sĩ Đức Hoà Says:

    Cảm ơn anh. Rất có ích cho các hoạ sĩ ở VN

  16. vu Says:

    cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng qua bài viết với những kiến thức rất bổ ích.
    chúc họa sĩ dồi dào sức khỏe !
    trân trọng !

Phản hồi của bạn: