Posts Tagged ‘Albert Cézard’

Bàn về xuất xứ của bức “Bình văn”

24/05/2014

Nguyễn Đình Đăng

 

Những nhận xét của Vũ Huy Thông nhân thông báo của hoạ sĩ Nguyễn Đức Hòa về bức ảnh của toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseau và bức tranh “Bình văn”, vốn được cho là do hoạ sĩ Lê Văn Miến (1874 – 1943) vẽ, là những nhận xét rất có giá trị. Những thông tin và nghiên cứu này phản ánh sự quan tâm nghiêm túc của các hoạ sĩ Việt Nam trong việc tìm ra sự thật trong lịch sử hội họa nước nhà.

Paul Armand Rousseau (1835 - 1896) toàn quyền Đông Dương 1894 - 1896

Paul Armand Rousseau
(1835 – 1896)

Bức ảnh chụp (kh. 1895 - 1896) của Paul Armand Rousseau

Bức ảnh chụp (kh. 1895 – 1896) của Paul Armand Rousseau

Bức Bình Văn (được cho là do Lê Văn Miến vẽ kh. 1898 - 1905)

Bức Bình Văn (được cho là do Lê Văn Miến vẽ) (kh. 1898 – 1905)
sơn dầu trên canvas, 68 x 97 cm, Bảo tàng Mỹ thuật VN 

10309563_1434582046800691_8888762086468494069_n

Albert Cézard, Trường học Annam, dessin đăng tại La Revue Indochinoise năm 1893

So sánh bức ảnh chụp bức “Bình văn”, ảnh của Armand Rousseau và dessin của Albert Cézard, tôi có mấy nhận xét như sau.

1) Trước hết, không phải bây giờ chúng ta mới biết bức “Bình văn” được vẽ từ ảnh chụp. Từ năm 2009, trong bài “Nhìn lại ‘mùa Xuân’ đầu tiên của Hội họa VN” đăng tại TTVN ngày 4/2/2009, tác giả Văn Bảy đã viết rằng bức tranh “Bình văn” đã “được vẽ phóng đại từ một bức ảnh chụp“.

Trước khi nhiếp ảnh được phát minh, các hoạ sĩ như đại danh hoạ Johannes Vermeer đã từng dùng camera obscura, một dạng tiền thân của máy ảnh, để vẽ. Từ khi ảnh chụp ra đời (1838), rất nhiều hoạ sĩ đã vẽ từ ảnh. Những năm 1850 Delacroix từng dùng ảnh làm tư liệu vẽ tranh. Nhiều tranh vũ nữ, đua ngựa của Degas đã được vẽ từ ảnh. Bố cục tranh của Degas chịu ảnh hưởng nặng của nhiếp ảnh (ví dụ hình bị cắt bởi khuôn tranh). Các tranh phố Paris của Utrillo hầu hết được vẽ từ bưu ảnh. Đến Cézanne cũng từng vẽ từ ảnh. Picasso và Dalí cũng từng chép ảnh.

Từ trái: ảnh Man Ray chụp Gala, phác thảo chì từ ảnh, và bức sơn dầu “Galarina” (1945, 64.1 x 50.2 cm) của Salvador Dalí

Từ trái: ảnh Man Ray chụp Gala, phác thảo chì từ ảnh, và bức “Galarina” (1945, 64.1 x 50.2 cm) của Dalí

Hoạ sĩ có thể vẽ từ bất cứ nguồn nào: trí tưởng tượng, thiên nhiên, tượng, phim ảnh, hay kết hợp các nguồn đó. Tác phẩm của hoạ sĩ mới là quan trọng chứ không phải là cái nguồn mà dựa vào đó hoạ sĩ vẽ tranh. Phụ nữ trong tranh Titian đẹp hơn cả thực chính là nhờ cách diễn tả, tài hoà sắc và kỹ thuật sơn dầu của ông.

2) Bức tranh của Albert Cézard có thể đã được vẽ theo một bức ảnh chụp cùng một cảnh với bức ảnh của Armand Rousseau nhưng từ một góc độ khác. Máy chụp bức ảnh này được đặt về phía phải và cao hơn máy chụp bức ảnh của Armand Rousseau. Có thể đó là một người (hoặc hai người) chụp 2 kiểu ảnh từ hai vị trí khác nhau. Bằng chứng: Ông đồ và các học trò ngồi ở hàng thứ hai và thứ ba trong bức tranh của Cézard đều ở vị trí trí cao hơn các học sinh ngồi hàng đầu so với vị trí trong bức ảnh của Armand Rousseau. Điều này cho thấy máy chụp bức ảnh hoạ sĩ Cézard dựa vào để vẽ phải ở vị trí cao hơn máy chụp bức của Armand Rousseau. So với bức ảnh của Armand Rousseau, vị trí của ông đồ trong bức ảnh Cézard chép và hai cậu học sinh ngổi bên trái ông cũng lệch đi rất tỉ lệ so với cậu học trò ngồi hàng đầu bên phải người xem.

Cũng từ góc nhìn này mà cậu học trò ngồi phía trái ông đồ trong bức ảnh của Armand Rousseau, ngay sau cậu giơ cuốn sách ngang mặt, đã hoàn toàn bị cậu học trò ngồi ở lớp đầu che khuất trong bức ảnh Cézard chép. Có lẽ đây là lý do vì sao Cézard loại cậu ra khỏi dessin của mình. Ngoài ra Cézard cũng thay đổi chút ít, bằng cách cho cậu học trò giơ sách đặt bàn tay trái lên gối, trong khi trong bức ảnh của Armand Rousseau ta không nhìn thấy bàn tay trái của cậu. Cézard cũng không vẽ vạt áo che lên ống chân trái của cậu học trò ngồi ở lớp đầu bên phải người xem. Trong khi tác giả bức “Bình văn” đã chép nguyên xi cả chiếu và đôn kê phản như trong ảnh của Armand Rousseau, Cézard đã thay đổi giường phản và cảnh phía sau, trông như một sập kê trước một bàn thờ sang trọng. Ông đồ của Cézard được vẽ ngồi quỳ gối (hoặc khoanh chân) trên một sập cao hơn, thay vì ngồi trên ghế như trong ảnh của Armand Rousseau và trong bức “Bình văn”.

Như vậy có thể đây là hai bức ảnh chụp cùng một cảnh, vào cùng một thời điểm, nhưng từ hai góc nhìn khác nhau, vì tư thế ngồi và cử chỉ tương đối của các nhân vật đều hầu như không thay đổi trong hai bức ảnh. Cũng có thể người chụp đã chụp hai kiểu cùng một cảnh được dàn dựng làm mẫu nhưng lần lượt hướng máy ảnh từ hai vị trí khác nhau. Bằng chứng về cảnh được dàn dựng có thể thấy qua tấm phông phía sau ông đồ, màu sáng in hình trời mây được dựng làm nền, thường thấy tại các studio ảnh ở Hà Nội xưa, tương phản với hai mảng tối hai bên sau tấm phông.

Còn về năm tháng, có thể có mấy khả năng sau đây:

i) in nhầm;

ii) năm ghi trong vựng tập của Armand Rousseau là năm bức ảnh được in ra chứ không phải năm chụp;

iii) 2 bức ảnh do đều do một người chụp vào năm 1893 hoặc trước đó. Cũng có thể người đó chính là Albert Cézard. Sau đó Cézard dựa theo một bức ảnh để vẽ bức dessin đăng tại La Revue Indochinoise. Bức kia vào tay Armand Rousseau – cũng là một người mê chụp ảnh hoặc sưu tầm ảnh người khác chụp – khi ông này làm toàn quyền Đông Dương từ tháng 3 năm 1895 đến khi ông chết vào tháng 12 năm 1896 tại Hà Nội.

Tranh của Cézard cho thấy ông này thích chép hình từ ảnh. Dessin của ông cũng như hiểu biết về giải phẫu cơ thể người và luật viễn cận rất yếu.

Albert Cézard Uống trà sơn dầu trên canvas, 210 x 180 cm

Albert Cézard
Uống trà
sơn dầu trên canvas, 210 x 180 cm

Sai lạc về luật viễn cận trong tranh của Albert Cézard

Sai lạc về luật viễn cận trong tranh của Albert Cézard

Trong khi đó, nếu chồng bức “Bình Văn” lên trên bức ảnh của Armand Rousseau (sau khi chỉnh đúng tỉ lệ) thì hai hình hầu như trùng khít. Điều này cho thấy tác giả vẽ bức “Bình Văn” đã can bức ảnh của Armand Rousseau lên canvas để vẽ. Bức “Bình Văn” đã xuống màu nhiều và lớp varnish, nghe nói là sơn ta, phủ bên trên đã ngả vàng, nên không rõ màu sắc thực của bức tranh. Có thể thấy màu lam vạt áo của hai cậu học trò bên phải hẳn phải tươi hơn nếu lớp varnish ngả vàng được gỡ đi. So với bức ảnh của Armand Rousseau, tác giả bức “Bình văn” cũng có làm một chút thay đổi như dùng màu áo sẫm cho hai học trò ngồi ở hàng sau cùng bên trái và bên phải thay cho áo màu sáng, và bỏ tương phản giữa tấm phông và phần tối phía sau. Về phương diện kỹ thuật sơn dầu, hình hoạ, và giải phẫu cơ thể người, bức “Bình Văn” khá hơn bức “Uống trà” của Albert Cézard. Song về bố cục, dessin của Albert Cézard cho cảm giác không gian sâu hơn và tự nhiên hơn bức ảnh của Armand Rousseau (và bức “Bình văn” được chép từ đó) vì góc nhìn xiên so với ông đồ ngồi ở giữa.

3) Còn về việc xác định hoạ sĩ Lê Văn Miến có phải là tác giả của “Bình văn” hay không theo tôi không khó lắm.

Năm 2005 bức “Bình văn” đã chu du sang hoạ viện mỹ thuật Dresden (Đức) để được phục chế nhưng bị trả về vì các chuyên gia Đức chưa tìm ra cách nào gỡ lớp varnish phủ trên tranh mà không làm hỏng lớp sơn. Song chắc các nhà phục chế Đức đã chụp IRR (Infrared reflectography) bức tranh, tức là ta có thể yêu cầu họ cho xem các file chụp các nét vẽ can hình lên canvas. Sau đó đem so với các nét can hình chụp IRR từ một bức sơn dầu nào mà chắc chắn là của cụ Miến vẽ thì có thể biết hình can ấy có phải do một người vẽ hay không. Ngoài ra có thể nghiên cứu canvas và sơn dầu của bức “Bình văn” so với canvas và sơn dầu của các bức tranh cụ Miến vẽ trong cùng khoảng thời gian đó xem chúng có cùng loại không. Việc này các chuyên gia phục chế châu Âu vẫn thường làm bằng cách dùng IR spectroscopy (quang phổ hồng ngoại) để xem thành phần của tranh gồm những chất gì. Việc xác minh có thể sẽ còn dễ hơn nếu còn giữ được nhiều tranh của hoạ sĩ Lê Văn Miến. Rủi thay nhiều tranh của cụ đã bị phá hủy một phần do vua Thành Thái giả điên xé, một phần khác đã bị thiêu trụi trong cải cách ruộng đất [1]. Tuy nhiên, vài bức còn lại ngày nay chắc vẫn đủ giúp xác định được cụ Lê Văn Miến có phải là tác giả của bức “Bình văn” hay không. Vấn đề là ta có muốn làm và có dám biết sự thật không.

Cuối cùng, đừng bao giờ đốt tranh, đốt sách, đốt âm nhạc của tiền nhân bởi đó có lẽ là lý do chính đáng duy nhất mà nhân loại có thể viện dẫn để biện minh cho sự tồn tại của mình [2].

23. 5. 2014

____________________

[1] Theo hoạ sĩ Lê Huy Tiếp, cháu gọi hoạ sĩ Lê Văn Miến bằng ông trẻ.

[2] Trong bộ sách “Chỉ dẫn cho khách quá giang vào Thiên Hà” (The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy), nhà văn Anh Adams Douglas (1952-2001) có dựng nên một câu chuyện giả tưởng sau.

Nếu một ngày kia xuất hiện một “thế lực thù địch” siêu việt ngoài hành tinh, có thể tiêu diệt thế giới, và chúng hỏi loài người trên Trái đất rằng nhân loại có giá trị gì để xứng đáng được bảo tồn, không bị hủy diệt, thì câu trả lời của chúng ta sẽ phải như thế nào đây?

Tác giả kết luận rằng lý lẽ hợp lý duy nhất mà loài người có thể dẫn ra để biện minh cho sự tồn tại tiếp tục của mình là các kiệt tác như các bức hoạ của Rembrandt, kịch của Shakespeare, âm nhạc của Bach bởi đó là những giá trị định nghĩa nhân loại.