Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp

Nguyễn Đình Đăng

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp dựa trên nguyên tắc hòa sắc quang học. Đây là phương pháp hoàn thiện nhất trong kỹ thuật hội hoạ sơn dầu. Phương pháp này được đúc kết từ kinh nghiệm của các bậc thầy trong lịch sử hội hoạ và đã trải qua thử thách không dưới 600 năm.

Giá trị của phương pháp này là ở chỗ:

1 – cho phép đạt được các chuyển sắc đa dạng nhất;

2 – hạn chế tối đa tác hại gây bởi phản ứng hoá học giữa các màu khi bị pha trộn trên palette;

3 – giảm bớt khó khăn về kỹ thuật trong quá trình dựng một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao;

4- bảo đảm sự trường tồn của tác phẩm.

Quá trình dựng một bức tranh sơn dầu bằng phương pháp vẽ nhiều lớp bao gồm các bước chính sau đây:

1) Tạo màu nền,

2) Can hình,

3) Imprimatura,

4) Vẽ lót đơn sắc,

5) Lên màu,

6) Vẽ láng,

7) Hoàn thiện

8) Phủ varnish bảo vệ.

1. Tạo màu nền

Màu của nền và imprimatura (Xem mục 3) định ra hòa sắc chung cho toàn bộ bức tranh, tương tự như giọng chủ của một bản nhạc. Ánh sáng chiếu lên mặt tranh, xuyên qua các lớp màu trong, đập vào mặt nền, bị hấp thụ một phần và phản xạ lại một phần. Phần phản xạ liên kết các sắc độ trên tranh, tạo ra sự hài hòa về màu sắc. Vì thế màu nền cần phải là màu đục nhất. Những lớp màu trong phủ trên nền có màu tạo ra độ sâu trong tranh, tăng tính biểu hiện và độ rực rỡ của màu sắc. Tùy theo độ dày của lớp màu và cường độ ánh sáng, các lớp màu trong phủ lên nhau trên nền có màu tạo nên rất nhiều chuyển sắc, trong khi các lớp màu đục có rất ít chuyển sắc, và giảm độ tinh khiết khi pha trộn với màu trong. Vì thế hoà sắc đẹp nhất của màu đục với màu trong là hòa sắc được tạo bởi láng lớp màu trong lên trên lớp màu đục đã khô.

2. Can hình

Hình hoạ bố cục của bức tranh có thể được vẽ thẳng lên canvas hoặc vẽ lên giấy rồi can lên canvas. Nên tránh dùng bút chì để vẽ lên canvas vì không thể nào xóa được hết hoặc che kín toàn bộ các nét chì graphite bằng màu, nhất là khi vẽ mỏng. Nếu vẽ hình thẳng lên canvas thì nên dùng màu nước hay mực Nho.

Để can hình từ giấy lên canvas, có thể dùng giấy can để sao hình. Sau đó quết lên mặt sau của tờ giấy can một lượt dung dịch loãng gồm ultramarine hay umber sống (raw umber) hòa với dầu thông (spirit of turpentine). Sau khi dầu thông bay hơi hết, tờ giấy can sẽ có một mặt phủ một lớp màu ultramarine hay umber, trở thành một tờ giấy “than”. Úp mặt “than” lên canvas, rồi dùng đầu cứng như bút bi, bút chì vạch theo các nét của hình vẽ để can hình vẽ lên canvas.

Sau khi hình vẽ đã được can lên canvas, dùng bút lông chấm màu nước hay mực Nho viền lại, rồi để khô. Hãm hình đã can bằng một dung dịch keo, ví dụ gum arabic, gelatin loãng (2 – 3%), hay fixative cho pastel (chì, than), rồi để khô (khoảng 3 – 5 tiếng).

pen

Bút lông (của Nhật) chứa sẵn mực Nho dùng để viết chữ Hán, rất tiện cho việc tô lại hình can lên canvas.

3. Imprimatura

461px-Lascapigliata

Leonardo da Vinci
Đầu phụ nữ (La Scapigliata) (kh. 1508)
sơn dầu trên canvas, 24.7 x 21 cm.
Leonardo dùng trắng chì và umber vẽ trên imprimatura màu nâu.

Imprimatura là lớp màu mỏng và trong phủ lên toàn bộ bố cục, cùng với màu nền tạo nên hòa sắc chung cho cả bức tranh, và tạo “chân” cho sơn dầu bám chặt vào nền. Màu imprimatura cần khô nhanh, như màu sienna sống, màu nâu đỏ venice. Dung dịch pha màu để vẽ imprimatura cần chứa nhiều dung môi và ít dầu tạo màng, ví dụ theo tỉ lệ (công thức phổ thông):

dầu lanh : dammar varnish : dầu thông = 1:1:6

4. Vẽ lót đơn sắc

underpainting

Vẽ lót đơn sắc của Jan Van Eyck (trái) và Rembrandt (phải)

Lớp vẽ lót (underpainting (E), ébauche (F), подмалевок (R)) là lớp màu đầu tiên nhằm mục đích tạo sáng tối, lên hình khối. Các màu được dùng để vẽ lớp lót đơn sắc phải là màu khô nhanh như trắng chì, nâu đất tối (umber), nâu sienna, vàng ochre. Không nên dùng trắng kẽm để vẽ lót vì lâu khố, độ phủ kém, dễ gây bong nứt theo thời gian.

Có thể dùng tempera để vẽ lót, nhưng sau đó nên phủ lên một lớp dung dịch keo động vật (như keo da thỏ) rồi trên lớp dung dịch keo đã khô lại phủ một lớp dammar varnish. Nếu dùng tempera để vẽ lót thì nên tránh vẽ trên nền sơn, vì độ hút kém, khó bám, mà nên dùng nền nhũ tương hoặc nền phủ acrylic gesso có độ hút nhất định. Vẽ lót cần mỏng, đều, để lớp lót khô nhanh và khô hoàn toàn trước khi lên màu. Lớp vẽ lót cần được thực hiện rất cẩn thận, hoàn thiện tối đa, tương tự như bức tranh đã hoàn thành nhưng đơn sắc, trong đó hình hoạ và hình khối đã được hoàn thiện.

Dung dịch pha màu vẽ lót có tỉ lệ như sau:

dầu lanh : dammar varnish : dầu thông = 1:1:5.

5. Lên màu

Đây là giai đoạn vẽ màu và chi tiết cho bức tranh. Trước khi vẽ màu nên phủ lên toàn bố cục một lượt dung dịch pha màu như được dùng cho lớp imprimatura (mục 3) hoặc một lớp retouching varnish. Màu được lên từ từ, lớp nọ chồng lên lớp kia, các chỗ sáng cần được vẽ dày bằng màu ấm, các chỗ trung gian và tối cần được vẽ mỏng bằng màu lạnh.

Dung dịch pha màu thường dùng trong giai đoạn này có tỉ lệ như sau:

dầu lanh : dammar varnish : dầu thông = 1:1:4,

sau đó giảm dần dầu thông khi vẽ các lớp trên (ví dụ thành 1:1:3).

Khi vẽ những chỗ có màu sáng, nên thay dầu lanh trong dung dịch bằng dầu lanh đặc (sun-thickened linseed oil), dầu đọng (stand oil), hoặc dầu hạt óc chó (walnut oil) để tránh ngả vàng.

rubens_elevation

Peter Paul Rubens
Dựng Thánh giá (1610 – 1611)
sơn dầu trên canvas, 462 x 341 cm.
Rubens dùng màu cục bộ (đỏ, vàng và lam) phủ lên lớp vẽ lót.

Dung dịch pha màu dùng dầu lanh, dammar varnish và dầu thông trên đây là dung dịch phổ thông. Khi đã có kinh nghiệm và kỹ năng tốt, hoạ sĩ có thể dùng các dung dịch khác như dầu lanh đặc (hay dầu đọng) pha với Venice turpentine, copal varnishdầu oải hương (lavender oil) mà các bậc thầy Phục Hưng và Baroque từng dùng (Xem chi tiết trong bài “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu“.)

6. Vẽ láng

Vẽ láng (glazing (E), glacis (F), лессировка (R)) chỉ áp dụng cho những lớp trên cùng. Ánh sáng phản xạ từ lớp màu bên dưới khi đi qua lớp màu trong bên trên tạo ra hòa sắc quang học, không thể đạt được bằng pha trộn màu trên palette. Láng thường được vẽ như một lớp màu sẫm, trong và mỏng phủ lên một lớp màu sáng hơn (đã khô), ví dụ ultramarine láng lên nền vàng. Nếu láng đỏ lake lên trên đỏ cadmium sẽ được tông màu rất tinh khiết và sâu vì lớp đỏ lake láng hấp thụ các tia sáng có màu phụ như lục. Kỹ thuật phủ một màu sáng bán đục lên một màu tối hơn (đã khô) để làm mềm các đường viền, tạo hiệu quả viễn cận không khí, lớp phấn trên da thịt v.v. được gọi là day (scumbling). Để láng và day cần có một dung dịch đặc biệt, chứa nhiều dầu tạo màng (dầu lanh) và ít dung môi (turpentine) hơn, đồng thời cần bóng và ít ngả vàng. Sơn dầu phải được hòa với nhiều dung dịch cho đủ loãng và trong để có thể láng trơn tru trên lớp sơn đã khô hẳn.

Có nhiều công thức pha dung dịch vẽ láng, ví dụ:

9 phần Dammar varnish
9 phần dầu thông
4 phần dầu đọng
2 phần Venice turpentine.

Có thể gia giảm tỉ lệ trong các công thức dung dịch tùy theo điều kiện môi trường xung quanh như nhit đ, đ m, số lớp sơn, kỹ thuật vẽ, và tính chất của hoạ phẩm cụ thể.

Vermeer

Chi tiết trong “Người phụ nữ trẻ bên đàn virginal” (1670 – 1672):
Vermeer đã láng lục đất lên màu hồng của da thịt để tạo bóng đổ.

7. Hoàn thiện

Đây là giai đoạn cuối cùng. Hoạ sĩ nhìn lại toàn bộ bố cục, sửa các chi tiết sao cho toàn bộ bề mặt bức tranh được hoàn thiện, không bỏ sót chỗ nào. Một trong các cách kiểm tra bộ cục, hình khối và hòa sắc là nhìn bức tranh ở khoảng cách xa, nhìn bức tranh lộn ngược, hoặc nhìn hình phản chiếu trong gương của bức tranh. Cũng có thể chụp lại bức tranh rồi cho vào PC có màn hình rộng để nhìn rõ các chỗ cần sửa.

8. Phủ varnish bảo vệ

LEFSATPV

Satin varnish của hãng Lefranc & Bourgeois được chế từ nhựa acrylic, ketone, silica và dầu mỏ tinh chế, có độ bóng vừa phải, không ngả vàng và chống được tia cực tím.

Varnish bảo vệ vừa tạo cho bức tranh độ bóng đồng đều, vừa ngăn được mặt sơn tiếp xúc với bụi và các ô nhiễm trong môi trường. Varnish còn khiến hoà sắc của bức tranh trở nên trong và sâu hơn. Varnish tốt chậm đổi màu theo thời gian và có thể gỡ đi được sau khi đổi màu.

Điều kiện tối quan trọng để có thể varnish một bức sơn dầu là tranh phải đủ khô để varnish không tác dụng với màu trên tranh. Nếu không, sau này khi gỡ varnish ra, lớp màu trên mặt tranh sẽ bị hư hại, đặc biệt là các lớp láng. Vì thế chỉ phủ varnish sau khi tranh đã để khô ít nhất khoảng 6 – 12 tháng.

Tuyệt đối tránh ẩm và bụi vì nước sẽ gây ra các bọt li ti trong lớp varnish khô hoặc làm đục varnish, còn bụi sẽ nổi lên lổn nhổn trên mặt varnish khi khô, đặc biệt là ở các chỗ tối, làm xấu cả bức tranh. Vì thế, nên chọn ngày hanh khô để phủ varnish. Trước khi phủ varnish, nên dùng vải mềm tẩm white spirit lau sạch bụi khỏi bề mặt bức tranh, để thật khô rồi mới quết varnish.

Khi quết varnish, đặt bức tranh nằm trên mặt phẳng như sàn nhà, bàn trong phòng thoáng gió nhưng hạn chế bụi tối đa, và dùng bút bẹt to bản (rộng khoảng 7 – 9 cm), lông mềm, chất lượng tốt để lông khỏi rụng, dính vào mặt varnish khi quết. Bút lông như vậy thường đắt tiền (khoảng 10 – 20 USD). Vì thế, bút quết varnish tốt nhất là loại bút foam (bọt biển) vì mịn, không để lại vệt bút, và rẻ tiền (2 – 3 USD), dùng một lần xong có thể vứt đi, khỏi phải ngâm rửa. Quết bút theo một chiều, ví dụ từ trên xuống dưới và chuyển dần từ trái sang phải. Sau khi quết varnish lên toàn bộ bề mặt bức tranh, nhìn nghiêng theo bề mặt để tin chắc không còn chỗ nào hở (chưa được phủ varnish). Các vệt bút, nếu có, sẽ tự hòa vào nhau khi varnish khô, tạo nên một bề mặt nhẵn, phẳng và bóng hoặc matte tùy loại varnish.

BRUSH

Bút bọt biển

 *

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp đòi hỏi, bên cạnh tài năng, một lòng say mê tìm tòi và thử nghiệm, đức tính kiên trì cũng như cảm giác về sự hoàn hảo. “La Mã không được xây trong một ngày.” Nên nhớ rằng các bậc thầy hội hoạ từng vẽ hàng chục năm mới đạt được trình độ hoàn thiện trong kỹ thuật vẽ nhiều lớp. Đến thiên tài kim cổ vô song như Leonardo da Vinci cũng phải trải qua không dưới 15 năm để đi từ bức “Lời truyền tin” (1472 – 1475) vẽ bằng tempera và sơn dầu tới bức “Người đàn bà với con chồn” (1490) (không vẽ láng), và khoảng 30 năm để đạt tới trình độ trong kiệt tác “Mona Lisa” (1503 – 1506).

16.9.2013

______________

© Nguyễn Đình Đăng, 2013 – Tác giả giữ bản quyền. Bài chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

______________

Các bài trong series này:

Nền móng của tranh sơn dầu

Màu trắng của sơn dầu

Trao đổi về pha mầu vẽ

Bí mật của màu sắc

Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

Chất kết dính và dung môi của sơn dầu

Một giáo trình dạy nhiều cái sai

Hội họa sơn dầu: thịnh và suy

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp

Nhãn: ,

43 bình luận to “Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp”

  1. tanlee3001 Says:

    Xin chào chú Đăng!
    Cháu có theo dõi các bài kỹ thuật sơn dầu cổ điển của chú. Cháu có một thắc mắc muốn hỏi chú là kĩ thuật Impasto được vẽ bắt đầu từ lớp nào và cách hòa trộn (Panting paste) của họa phẩm Talent mà cháu đọc được trong bài Impasto chú đăng trên trang ạ?
    Cháu cảm ơn chú!

    • nguyendinhdang Says:

      Mua cuốn “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” của tôi do Dân Trí và Đông A xuất bản năm 2018, có bán tại Nhà sách Cá Chép 115 Nguyễn Thái Học và Nhà sách Cá Chép của Đông A tại Sài Gòn.
      Impasto vẽ từ lớp nào cũng được.
      Bóp painting paste ra palette và dùng dao vẽ trộn với màu trên palette để được độ quánh như mong muốn.

  2. Nhân Đức Says:

    Chú cho cháu hỏi có thể thay thế Venice turpentine bằng dung dịch khác được không ạ. Hiện tại thì tại Sài Gòn chưa có chỗ nào bán.

  3. MinhQuan Vu Says:

    Gửi chú Đăng. Cho cháu hỏi về màu Indigo, có thể dùng trong bước lên sắc độ (underpainting) được không ạ ? Và nếu không thì có những màu nào có thể thay thế được? Cháu cám chú Đăng.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Được. Indigo ngày nay là pigment tổng hợp, cho nên tùy theo cách sản xuất mà tốc độ khô có khác nhau nhưng nói chung khô sau khoảng 4 ngày, chậm hơn các màu đất, như umber, sienna (khoảng 2-3 ngày).

      • MinhQuan Vu Says:

        dạ thưa chú Đăng, cháu có thắc mắc nữa về dung dịch Venice turpentine. Nó thuộc loại nào ạ ? Và thường dùng cho bước nào ?
        Còn về dung dịch sun-thickened linseed oil. Trong ghi chú thì chú có ghi là dùng cho bước láng (glazing). Vậy nếu cháu thay thế nó cho dung dịch stand oil ( hay refined linseed oil) trong các công thức lên sơn dầu nhiều lớp được không ạ ?
        Cháu cám ơn chú Đăng.

  4. nguyễn vinh TRUNG Says:

    Con chào chú Đăng!
    Chú có thể cho con biết là nếu vẽ sơn dầu mà mình không dùng bất cứ dung môi nào để pha màu khi vẽ thì chất lượng tranh có bị gì không?
    Ở Việt Nam thì nên bảo quản tranh như thế nào cho đúng cách để khỏi hư hại!?
    Con cảm ơn chú nhiều! 🙂

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Không sao cả.

      Tranh sơn dầu cần được bảo quản trong vùng nhiệt độ từ 13 tới 23°C. Dưới 13°C là vùng nguy hiểm vì sơn trở nên rất giòn. Trên 23°C là vùng đáng lo ngại vì các phản ứng hóa học với môi trường trở nên mạnh hơn. Độ ẩm trung bình để bảo quản tranh sơn dầu là trong khoảng 40 – 60%. Tránh bụi. Vậy phải làm thế nào để đảm bảo được các tiêu chuẩn này, tức phải dùng máy điều hòa nhiệt độ, hút ẩm, để trong nơi kín không bụi bặm.

  5. Nguyễn Như Hòa Says:

    Cảm ơn những chia sẻ bổ ích của chú Đăng!

    Cháu có một thắc mắc muốn hỏi chú mong chú giải đáp. Đó là việc xử lý các tranh sơn dầu bị mốc và nứt. Một số tranh cháu vẽ hồi còn sinh viên (khoảng 7-8 năm rồi) hiện nay bị mốc và rạn nứt khá nhiều. Khi đọc những bài viết của chú cháu hiểu ra có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó. Giờ nhìn tranh của mình thấy xót xa! muốn làm gì đó để khắc phục được nó.
    Theo chú cháu nên xử lý thế nào bây giờ ạ!
    Mong hồi âm của chú!

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Tôi không thể nói chính xác khi không được thực mục sở thị. Nhưng thường người ta khắc phục mốc bằng cách phun rất nhẹ một ít dung dịch chống mốc như nước oxy già lên tranh bị mốc rồi phơi thật khô, sau đó dùng bút lông hay chổi mềm phủi sạch mốc đi. Tranh phải để trong môi trường khô, vì nếu đô ẩm cao tranh sẽ lại mốc lại.

      Còn các chỗ nứt thì phải tùy theo tình trạng mà có cách sửa chữa khác nhau. Nếu sơn bị bong, cong lên, thì phải là nóng rồi dán lại, các vết nứt phải được tô màu lại cho lẫn với xung quanh, nếu nặng có khi phải dán thêm canvas mới ở mặt sau. Sau đó phải quét varnish bảo vệ. Đây là công việc của các nhà phục chế. Nếu không làm được thì trước mắt phải giữ cho tranh không hỏng tiếp bằng cách làm sạch mốc, bảo quản trong môi trường khô, sạch bụi, cho vào khung che kính và có ván hậu.

  6. Anhnguyen Says:

    Chú Đăng ơi, khi mình quét varnish thì mình dùng nguyên chất trong chai hay là pha thêm với dung môi nào không ạ? Vì cháu thấy varnish thường đặc và khó quét đều.
    Xin cảm ơn chú Đăng !

  7. ledienha Says:

    Chú cho cháu hỏi, có nên dùng fixative phủ lên bức vẽ chì hoặc phấn màu không? Fixative có làm tranh ngả vàng không? Nếu dùng fixative thì nên xịt một lượng bao nhiêu là vừa?
    Cháu cảm ơn chú.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Nếu cháu không xịt fixative lên dessin chì hay tranh phấn màu thì chì và phấn sẽ rụng ra. Khi cháu giữ trong cặp chúng sẽ in lên lưng nhau, mất chì, mất màu.
      Fixative giữ chì và phấn khỏi rụng. Chỉ cần xịt một lớp mỏng như bụi để giữ cho chì và phấn dịnh vào mặt giấy là đủ. Nếu phủ nhiều fixative quá sẽ làm mất độ xốp của pastel, và đổi tone của pastels nhiều (Xịt fixative lên pastels bao giờ cũng đổi tông màu của pastels một chút, khiến nó sẫm hơn). Fixative tốt nói chung không ngả vàng. Thứ ngả vàng nhanh hơn là giấy vẽ chì và pastels. Vì thế không nên treo dessin và pastels liên tục dưới ánh sáng mạnh. Và phải che kính để tránh bụi, ẩm.

  8. Nguyễn Sơn Hải Says:

    cháu chào chú Đăng,

    chú cho cháu hỏi vẽ kiểu alla prima có cần vẽ theo nguyên tắc béo trên gầy ko ạ? theo cháu hiểu thì vẽ kiểu alla prima chỉ có 2 lớp, lớp dưới để dựng hình họa, và lớp trên là lớp màu. thường thì lớp dựng hình cháu thấy mọi người thường dùng màu nâu, có phải là lớp “gầy” ko ạ? và thành phần và tỷ lệ của từng loại dung dịch pha sơn đó là gì ạ?

    và giả trong trường hợp cháu để tranh cho sơn khô, thì bụi có thể bám vào tranh ko ạ? có cách nào hạn chế sơn bám bụi trong khi đang khô ko ạ?

    cháu cảm ơn chú.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      “Béo trên gầy” là nguyên tắc vẽ sơn dầu để tránh nứt do lớp trên khô trước lớp dưới. Vì thế, nếu vẽ chồng một lớp màu lên một lớp chưa khô hẳn thì lớp bên dưới phải gầy, tức chứa ít dầu hơn lớp trên để khỏi khô sau lớp trên bất kể đó là kiểu vẽ gì. Trong kỹ thuật vẽ nhiều lớp, lớp vẽ lót thường là đơn sắc, tức chỉ có một màu pha với màu đen – để làm tối đi, hoặc trắng – để làm sáng lên. Các lớp phủ lên lớp lót mới có các màu khác nhau. Bất kể đó là lớp nào, nguyên tắc “béo trên gầy” phải được duy trì.

      Bụi có thể bám vào tranh trong mọi giai đoạn, nhất là khi tranh đang khô. Để hạn chế bụi bám trong khi sơn khô, phòng vẽ phải thật sạch bụi. Có thể dùng một tấm vải sạch che lên mặt tranh với điều kiện giá vẽ phải kẹp tranh nghiêng sao cho vải phủ không chạm vào mặt tranh. Dựng tranh quay úp mặt vào tường cũng là một cách tránh bụi.

  9. Nguyễn Đình Đăng Says:

    @ Vũ

    1) Tốt nhất là vẽ hình lên giấy trước đã. Sau khi sửa hình hoàn chỉnh rồi thì mới can hình lên canvas. Như thế canvas và màu vẽ lên sẽ không bị (than vẽ làm) bẩn (Xem mục 2 trong bài chủ). Ngoài ra cọ xát mạnh bằng tẩy trên mặt canvas là điều nên tránh vì có thể làm chùng mặt canvas và ảnh hưởng không tốt tới nền bồi canvas.

    2) Fixative giữ cho những thứ như than, phấn vẽ không bong ra khỏi bề mặt giấy hoặc canvas. Imprimatura có tỉ lệ dung môi cao nên dễ làm nhòe than hơn sơn dầu pha với ít dung môi. Có thể vẽ hình hoạ rất kỹ bằng than trên canvas như lớp lót đen-trắng đầu tiên (Xem chân dung ca sĩ opera Chaliapin do Valentin Serov vẽ bằng than và phấn).

    3) Nét chì graphite rất khó được che đi hoặc hòa hợp với sơn dầu, đặc biệt nếu đi nét đậm, và phủ màu mỏng. Graphite phản quang, có thể hiện ra óng ánh dưới lớp màu trong của sơn dầu. Tuy nhiên, do sở thích cá nhân, có những người vẫn dùng chì graphite vẽ lên canvas trước khi vẽ màu.

    Vẽ như thế nào là lựa chọn tự do của mỗi cá nhân.

    • Says:

      Đúng là sau khi tẩy thì canvas bị chùng đi nhiều, và ảnh hưởng đến nên bồi chắc là khó tránh. Lần sau làm theo phương pháp của anh cho giảm bớt rắc rối.

      Khi nào có điều kiện, anh viết thêm một chuyên khảo về cọ vẽ được không ?

  10. Says:

    Vâng, anh Đăng

    Cứ làm nháp cái đã, tôi thử dùng hỗn hợp pha chế sẵn trước xem sao, vì thực tế là lâu nay gần như chưa biết vẽ sơn dầu một cách bài bản, cũng như chưa hiểu gì về chất liệu của sơn dầu; đủ để tự làm việc được. Nhờ đọc các bài viết của anh mới có được sơ sơ các khái niệm và thao tác.

    Hiện tại, còn về về phần phác bằng than que. Hôm trước phác hình và lên màu nền xong rồi mới hỏi anh. Lúc đầu thì nét than rất đậm.
    Sau đó phải dùng tay chậm và dùng gôm để tẩy để cho nó nhạt đi nhiều hơn, rồi lên màu nền luôn, không dùng fixative như trong trả lời của anh. Không biết chất than có gây bẩn màu không nữa ?

    Sở dĩ hỏi anh là vì fixative. nếu như anh khuyên là không nên dùng chì để vẽ phác, vì chồng màu nhiều lớp cũng sẽ không che hết nét chì được. Vậy sao phải dùng fixative để hãm than cho nó khỏi nhòe nữa ạ ? Vì theo cách tôi hiểu, đó cũng là một hình thức để giữ nét của than lại.

    Như ảnh này, sau khi đã làm cho nhạt bớt và lên màu nền, thì nét than vẫn còn rất rõ
    và than cũng không bị nhòe, cũng như không gây bẩn màu thì phải.

    Như vậy, là phủ imprimatura trực tiếp lên than thì than mới bị nhòe, còn phác trước rồi lên màu nền, thì màu nền cũng có thể coi như là một kiểu fixative để hãm than ?

  11. Says:

    Các phần trả lời của anh về màu đục-trong rất tỉ mỉ ạ, có nhiều thông tin phải để dành tham khảo lại qua các bài viết cũ của anh.

    Comment này xin tham khảo thêm ý kiến của anh về các loại dung dịch nhé.

    Bữa giờ vì vài lý do nên tôi vẫn dậm chân tại chỗ, hôm nay mới đi kiếm mua dammar varnish được. Tuy nhiên, chỗ bán họa phẩm chuyên nghiệp tôi lại không biết nhiều, vì hiện tại không sinh hoạt ở Sài gòn, nên chỉ biết quanh quẩn khu vực trường đại học mỹ thuật; nhưng phần lớn đều bán sản phẩm của Trung Quốc, cho nên rất gây cảm giác bực bội. Ví dụ đây là 1 lọ dammar varnish tôi thấy ở cửa hiệu, nhưng không mua, mà mua 2 loại này:

    + có dán nhãn chú thích

    mùi dầu thông rất nồng. như vậy có phải là đã đầy đủ dung dịch lanh+dammarvarnish+thông không ?

    + loại này thì không có để thành phần gì cả, mùi dịu hơn nhiều và mùi dầu lanh có lẽ rõ hơn dầu thông

    các mặt bên đều đều nhãn tiếng trung hết ạ
    và vì một phần người bán cũng không am hiểu về các loại dung dịch.

    Anh cho ý kiến giúp nhé.

    Lại cảm ơn anh.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      – Loại thứ nhất là dammar varnish.

      – Loại thứ hai là dung dịch pha màu gồm dammar varnish pha với dầu lanh và dầu thông. Nhưng tỉ lệ bao nhiêu thì không rõ.

      – Loại thứ ba là một thứ megilp (cũng là một loại dung dịch pha màu), hỗn hợp của nhựa mastic với dầu tạo màng như dầu lanh, dầu lanh, hay dầu đen. Tuy nhiên độ tin cậy của megilp là vấn đề còn tranh cãi. Khác với dung dịch Maroger, megilp medium được pha chế nguội, hơn nữa lại được trộn với chất chứa kim loại làm khô – nguyên nhân gây ra các tác hại lên tranh (Xem chú thích [7] trong “Các công thức bí mật“). Tôi không bao giờ dùng megilp.

      Theo tôi, tốt nhất là mua 3 thứ riêng: dầu lanh, dammar varnish, và dầu thông. Sau đó pha theo tỉ lệ thay đổi tùy theo từng lớp màu, như đã viết trong bài chủ. Như thế mình biết rõ dung dịch của mình gồm những gì và tỉ lệ bao nhiêu.

  12. Nguyễn Đình Đăng Says:

    @ Nguyễn Ngọc Quân:

    Tránh dùng dung môi mạnh để khỏi hỏng lớp màu đã khô. Nếu lớp màu cũ khô đã lâu, chẳng hạn sau 1 tháng, lớp màu mới có thể khó bám vào nền cũ. Trong trường hợp đó nên dùng retouching varnish.

    Trang 26 “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” viết:
    Dầu bóng để sửa tranh (retouching varnish): xoa lên chỗ màu đã để khô khá lâu thì màu mới “bám” để vẽ tiếp.

    Retouching varnish hiện đại gồm nhựa acrylic, ketone và dầu mỏ tinh chất (petroleum) khô nhanh hoặc white spirit (Xem mục 3 (iii) và 3 (iv) trong “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu“).

    Có thể tự chế retouching varnish bằng cách hòa 1 phần dammar varnish với 3 phần white spirit.

  13. Nguyễn Ngọc Quân Says:

    Kính thưa họa sĩ Nguyễn Đình Đăng!

    Tôi muốn hỏi là khi bắt đầu một lớp màu mới trên nền cũ đã khô thì có nên quét trước một một lớp dung môi không? Nếu có xin họa sĩ hướng dẫn để mở mang kiến thức.

    Cảm ơn họa sĩ đã dành thời gian đọc cmt.

  14. Nguyễn Đình Đăng Says:

    @Vũ:

    Umber chất lượng tốt phải là màu trong nhất trong các màu đất.

    Đó là màu Leonardo da Vinci đã dùng để láng bức “Mona Lisa” (Xem “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu“, trang 10).

    1) Pébéo sản xuất 3 loại sơn dầu:

    i) Fragonard Extra Fine (hạng cho hoạ sĩ chuyên nghiệp),
    ii) Huile d’Art Superfine (hạng cho sinh viên),
    iii) Studio Fine XL (hạng cho sinh viên).

    (Xem “Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?“)

    Tube burnt umber anh mua là Studio Fine XL của Pébéo (sản xuất tại Trung Quốc).

    Click vào link “Color chart (pdf)” ở ô màu đỏ tại Fragonard Extra Fine, anh sẽ thấy burnt umber (số 108) và raw umber (số 109) của Pébéo Fragonard Extra Fine là các màu bán trong.

    Trong khi đó, click vào link tương tự ở Studio Fine XL, anh sẽ thấy cả hai màu Studio Fine XL umber (sổ 23 và 29) của Pébéo là màu đục.

    Lý do là vì màu hạng sinh viên được độn thêm chất trơ để giảm lượng pigment, nhờ đó hạ giá thành. Chất trơ thông dụng nhất để độn trong sơn dầu là barium sulphate PW21, màu trắng đục. Chỉ cần thêm 10% chất trơ là đã có thể biến nhiều màu trong thành đục mà sắc bề mặt không thay đổi mấy.

    Theo tôi, đó (có thể) là nguyên nhân chính khiến màu Pébéo Studio Fine XL umber là màu đục.

    2) Ngoài ra, như đã viết tại trang 21 và 22 trong “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu“, kích thước hạt màu cũng ảnh hưởng tới độ trong/đục. Như vậy, tính chất của màu còn phụ thuộc chất lượng, độ mịn của pigment, và quá trình sản xuất.

    Pigment umber được chế từ umber tự nhiên gồm silica và đất sét, chủ yếu chứa oxide sắt. Tùy nơi khai thác, raw umber có thể chứa cả oxide sắt ngậm nước, oxide manganese và tạp chất. Có vài loại pigments để chế umber, như:

    PBr7 (pigment brown 7: bột màu nâu số 7),
    PR101 (pigment red 101: oxide sắt đỏ tổng hợp số 101),
    PBk11 (pigment black 11: bột màu đen số 11),
    PY42 (pigment yellow 42: bột màu vàng số 42).

    Riêng PR101 đã bao gồm một giải rộng từ rất đục tới rất trong, từ màu ngả da cam tới đỏ đất. PY42 cũng tương tự như vậy, có thể tạo ra vàng mars, vàng kim đất (gold ochre), vàng đất (ochre), vàng oxide đục, vàng oxide trong. Tùy theo loại và tỉ lệ pha trộn của các pigments mà sắc màu, độ trong/đục cũng thay đổi theo.

    Ví dụ: umber hạng cho hoạ sĩ chuyên nghiệp của Rembrandt (Royal Talens) (PR101/PBk11), Winsor & Newton (PBr7), Holbein (PBr7) và Pébéo (raw umber: PBr7/PBY42/PY74/PBk9; burnt umber: PBk7) là trong hoặc bán trong. Nhưng umber Lefranc của hãng Lefranc & Bourgeois lại là hợp chất của 2 pigments PBr7 và oxide sắt ngậm nước tổng hợp (synthetic hydrated iron oxide, PY42), cho màu đục.

    Bảng pigments tại handprint.com có liệt kê 18 màu umber (9 màu raw umber và 9 màu burnt umber) của 9 nhà sản xuất Daniel Smith, DaVinci, M. Graham, Holbein, MaimeriBlu, Rembrandt (Royal Talens), Rowney, Utrecht, và Winsor & Newton. Trên bảng này độ trong (Tr) được ghi tại cột 6 từ trái sang: 0 là đục, 4 là trong. Các số 1, 2, 3 chỉ độ chuyển dần từ đục sang trong (tức 1 là bán đục, 2 là giữa trong và đục, 3 lá bán trong). Theo bảng này chỉ có burt umber của Daniel Smith là bán đục (Tr = 1). Các raw umber và burnt umber khác đều có độ trong từ 2 trở lên (tức là giữa trong và đục, bán trong, và trong).

    3) Imprimatura cần trong để thấy màu nền, tạo hiệu quả quang học, và khỏi che mất hình hoạ bên dưới. Dĩ nhiên màu đục, khi được pha thật loãng, cũng có thể thành trong, nhưng độ bão hòa màu sẽ giảm đi.

    4) Có thể dùng que than để phác hình hoạ lên canvas trước khi vẽ lót. Sau khi đã phác xong, nên phun một lớp fixative (chất hãm dùng cho than vẽ và phấn vẽ) để giữ than khỏi nhòe đi khi quết imprimatura.

  15. Says:

    những thông tin của anh rất bổ ích ạ

    vấn đề màu burnt umber, vì tôi mua tuýp màucó ký hiệu màu đục như trong ảnh, anh xem và giải thích thêm giúp nhé

  16. Says:

    Chào anh Đăng

    xin hỏi khi phác nét trực tiếp lên canvas – lúc chưa đi màu nền – thì dùng que than có ổn không ?

    tiếp nữa là xin hỏi về phần Imprimatura trong 2 nội dung mà anh đã chia sẻ. xin copy nội dung của 2 vấn đề mà tôi muốn hỏi như sau:

    + trong “phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp”
    Imprimatura là lớp màu mỏng và trong phủ lên toàn bộ bố cục, cùng với màu nền tạo nên hòa sắc chung cho cả bức tranh, và tạo “chân” cho sơn dầu bám chặt vào nền. Màu imprimatura cần khô nhanh, như màu sienna sống, màu nâu đỏ venice. Dung dịch pha màu để vẽ imprimatura cần chứa nhiều dung môi và ít dầu tạo màng, ví dụ theo tỉ lệ (công thức phổ thông):

    dầu lanh : dammar varnish : dầu thông = 1:1:6

    + trong “sơ lược kỹ thuật vẽ sơn dầu”
    Imprimatura:
    Có thể phủ một lớp màu đất (như umber, sienna, v.v.) pha loãng với lanh:
    dammar : dầu thông = 1 : 1: 5 lên toàn bộ canvas. Để vài hôm cho thật khô.

    tôi thắc mắc là nếu theo phương pháp ở trên, thì cần dùng màu trong, nhưng nếu là phương pháp ở dưới, thì umber là màu đục, vậy có thể hiểu rằng dù đó là màu đục, nhưng vẽ mỏng thì vẫn đạt được độ trong ở mức cho phép ? như vậy, thì sẽ có thể dùng những màu đục khác ngoài các màu mà anh đã nêu ?
    về phần dung dịch pha màu, nếu không có dammar varnish thì chỉ dùng 2 loại dầu còn lại, vậy hiệu quả sẽ bị giảm đi có đáng kể không ?

    ngoài ra, với phương pháp vẽ nhiều lớp đục-trong như thế, thì khi hoàn thành, giá trị của nền màu đục và Imprimatura còn lại được bao nhiêu phần trăm ạ ?

    xin cảm ơn anh.

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      1) Umber là màu trong (Xem “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” trang 20).

      Cụ thể là:

      Burnt umber là màu trong (T: transparent).

      Raw umber là bán trong (ST: semi-transparent), nếu quết mỏng và loãng như imprimatura thì cũng thành trong.

      2) Dammar varnish và dầu thông là những thứ được dùng từ t.k. XIX. Trước đó các hoạ sĩ dùng những thứ nhựa khác thay nhựa dammar, và dầu oải hương thay dầu thông. Nếu được dùng đúng cách thì Venice turpentine cho hiệu quả còn đẹp hơn dammar varnish. Tôi đã viết về những điều này trong bài “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu“.

      Chỉ dùng dầu lanh và dầu thông làm dung dịch pha màu là cách mà các hoạ sĩ Ấn tượng đã “đầu têu” và … “di căn” tới ngày nay. (Xem mục 5 trong bài “Hội họa sơn dầu: thịnh và suy“.) Hiệu quả dĩ nhiên là giảm đi rõ rệt vì:

      – Tranh bóng không đều, chỗ hút dầu nhiều thì mờ, chỗ hút ít thì bóng. Theo thời gian mặt tranh trông xơ xác.

      – Độ kết dính giữa các lớp kém đi, dễ gây ra bong nứt.

      3) Không có màu nào đục tuyệt đối kể cả trắng titanium. Vì thế bao giờ màu nền và imprimatura cũng ảnh hưởng tới toàn bộ hòa sắc. Đó là tác dụng của màu nền và imprimatura: tạo nên tông màu chung cho toàn bức tranh. Còn ảnh hưởng đó là bao nhiêu phần trăm thì điều này tùy thuộc vào kỹ thuật, phong cách và chủ định của từng họa sĩ. Nếu lớp phủ bên trên mỏng và trong thì lớp dưới hiện rõ hơn. Nếu lớp bên trên dày và đục thì lớp dưới hiện ít hơn.

  17. huynh vu Says:

    Con rất biết ơn bác ĐĂNG . Bài viết không những bổ ích mà còn rất quý.
    Chúc bác ĐĂNG sức khỏe và thêm nhiều tác phẩm mới để công chúng có cơ hội thưởng thức và học hỏi.

  18. huynh vu Says:

    Con cảm ơn bác ĐĂNG đã hồi âm.
    bác Đăng có thể chia sẽ kinh nghiệm khi dùng cọ vẽ trong ‘phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp’ cũng như những điều cần tránh khi lên ” lớp lót ”và ”lên màu ”trên bố ‘mịn’ không ạ ?
    con được xem các tác phẩm của hội họa phục hưng trên mạng nên độ phân giải cao bao nhiêu cũng không thể thấy được’ bút pháp ‘ của tác giả trong tranh mà chỉ thấy màu hòa quyện với nhau nên xin bác ĐĂNG gỡ rối cho .
    Trân trọng !

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      Dưới đây là kinh nghiệm của tôi:

      1) Dùng canvas (bố) lanh mịn (Xem bài “Nền móng của tranh sơn dầu“).

      2) Dùng bút bọt biển phủ lên 4 lớp acrylic gesso. Đợi lớp trước khô hẳn mới phủ lớp sau. Sau khi lớp cuối cùng khô hẳn, dùng giấy ráp số 100 – 150 nhúng nước đánh cho thật nhẵn (Nhưng cũng đừng nhẵn quá để giữ độ bám cơ học)

      Chất lượng lớp bồi mặt canvas rất quan trọng bởi nếu nó gồ ghề thì rất khó vẽ nhẵn và tỉa chi tiết.

      Các bậc thầy Phục Hưng như Van Eyck và Leonardo vẽ lên ván gỗ nên mặt rất nhẵn. Ngày nay các hãng hoạ phẩm cũng bán ván gỗ, cực nhẵn, và nhẹ hơn ván ghép ngày xưa nhiều.

      3) Bút lông lợn chỉ có thể được dùng để block các mảng màu chết lớn sau khi phủ imprimatura. Trong quá trình tiếp theo, bút lông lợn trở nên vô dụng, vì lông to, thô cứng, độ phân giải thấp, để lại nhiều vệt và đọng sơn.

      Bút tốt nhất là bút lông mềm Kolinsky – tức lông chồn Siberia. Hãng bút lông duy nhất sản xuất bút Kolinsky “xịn” mà lại công bố cho khách hàng biết rõ nguồn gốc lông được dùng lấy từ chồn vùng Tobolsk của Siberia là hãng daVinci của Đức. Chồn Siberia ngày càng hiếm, nên nhiều hãng khác dùng lông chồn Tàu và Triều tiên để làm bút lông Kolinsky.

      4) Cần vẽ các lớp mỏng, lớp nọ chồng lên lớp kia thay vì một lớp dày.

      5) Có thể dùng bút quạt để xóa vệt bút. Hạn chế dùng ngón tay để xoa, bởi lạm dụng xoa ngón tay sẽ khiến mặt sơn dầu trông bì bì tựa như khi di tay xoa bóng trong vẽ hình hoạ bằng chì vậy.

      6) Một bí quyết quan trọng mà các bậc thầy Phục Hưng từng áp dụng để làm mất vệt bút là dùng Venice turpentine (hay Venetian turpentine) trong dung dịch pha màu. Venice turpentine có tác dụng làm vệt màu từ từ nhòe ra hòa với nhau, do đó các vệt bút tự động biến mất. Tuy nhiên, cũng bởi đặc tính này mà việc dùng Venice turpentine là một kỹ năng chỉ có được do kinh nghiệm. Nếu pha quá nhiều Venice turpentine, sáng hôm sau ngủ dậy sẽ thấy lớp màu tối hôm trước chảy xuống thành các vệt nhỏ, đã khô lại, rất khó sửa. Nếu tỉ lệ Venice turpentine chưa đủ, vệt bút không mất hoàn toàn.

      7) Khi vẽ lót, tránh dùng nhiều dầu lanh và các màu lâu khô như màu đen muội đèn, hay dễ gây nứt như trắng kẽm. Đối với các lớp trên, nếu vẽ màu sáng thì tránh dùng dầu lanh sống hay lanh được tẩy, vì khi dầu ngả vàng sẽ làm đổi màu rõ rệt, mà nên dùng dầu đọng (stand oil), dầu lanh đặc (sun-tickened linseed oil), dầu hạt óc chó (walnut oil), hoặc dầu hạt thuốc phiện (poppy oil). (Xem bài “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu“.)

      8) Khi vẽ da thịt sáng, tránh lót bằng màu tối vì theo thời gian, màu trắng trở nên trong, nền tối sẽ hiện ra làm tối da thịt.

      9) Muốn thấy được kỹ thuật của các đại danh hoạ thì chỉ có cách xem tranh thật trong bảo tàng. Muốn nghe nhạc cổ điển thực sự và thấy được tài nghệ của nghệ sĩ thì chỉ có nghe tại phòng hoà nhạc. Tranh chụp có độ phân giải cao đến mấy cũng không thể thay thế được tranh gốc, CD và bộ stereo có hiện đại mấy cũng không thay thế được buổi trình diễn live hoặc nghe nghệ sĩ chơi trực tiếp trong studio.

  19. Xuân Phi Says:

    Cháu rất thích đọc những bài viết của chú vì rất hay và bổ ích cho công việc học của cháu.Tiện đây cháu xin mạn phép hỏi một số vấn đề cháu còn chưa hiểu lắm,mong được chú hồi âm giải đáp:

    1) Nếu vẽ theo cách cổ điển nhiều lớp như trên thì khi vẽ con người có được pha màu trên pallete vào công đoạn lên màu không ạ? miêu tả được sắc thái da người là điều khá phức tạp đối với cháu,và liệu sử dụng một bảng màu hạn chế và không cộng thêm trắng cho màu có đủ để tạo được sự chân thật của ánh sáng trên mẫu,hay phải chấp nhận hi sinh điều này để giữ được sự trong trẻo của cơ thể người ạ?Trong bài viết về kĩ thuật vẽ sơn dầu lúc 2009 của chú có nhắc đến một vài công thức pha màu da người,nên hiện giờ cháu hơi bối rối về chuyện này.

    2)Nếu có được pha màu thì liệu nếu pha 2 màu trong với nhau thì tính chất trong vẫn giữ nguyên hay sẽ vẫn mất đi độ tinh khiết của màu theo quy luật bù trừ màu không?

    3)Những mảng tối có được những họa sĩ cổ điển dùng màu đen không ạ?

    4) Cho con hỏi ngoài lề một chút.Bức “Olympia” của danh họa Edouard Manet vẽ theo phong cách cổ điển hay đã chuyển sang Ấn tượng rồi ?

    Con cám ơn chú đã dành thời gian đọc comment của cháu ạ!

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      1) Tất nhiên có thể kết hợp với pha màu trên palette. Có vài cách vẽ các chỗ sáng. Nếu đã vẽ lót đơn sắc thì các chỗ sáng tối đã tương đối hoàn chỉnh. Khi đó láng màu trong lên sẽ được màu da. Đối với những chỗ rất sáng cần pha thêm màu trắng, và/hoặc vẽ đặc (impasto) trắng rồi sau đó láng màu trong lên. Các “công thức” vẽ màu da người trong lecture 2009 của tôi đều có trắng chì lót ở lớp dưới. Các lớp trên phủ rất mỏng.

      2) Pha 2 màu trong thì vẫn được. Nhưng không nên trộn quá 3 màu, vì trộn càng nhiều màu càng xỉn. Đẹp nhất là láng màu sẫm lên màu sáng.

      3) Nhiều bậc thầy cổ điển dùng màu đen để vẽ các chỗ tối. Tôi cũng thỉnh thoảng dùng màu đen cho các chổ rất tối, hoặc có màu sẫm như tóc đen.

      4) Édouard Manet chưa bao giờ là hoạ sĩ Ấn tượng. Ông là hoạ sĩ ở “thời kỳ quá độ” chuyển từ Hiện thực sang Ấn tượng chủ nghĩa. Kỹ thuật của ông là kỹ thuật vẽ trực tiếp, ướt trên ướt, chứ không phải là kỹ thuật vẽ nhiều lớp như của các bậc thầy cổ điển. Ông pha màu chủ yếu trên palette. Palette của ông có nhiểu màu tối như nâu đất, đen.

  20. vqh241 Says:

    Cảm ơn chú nhiều, cháu sẽ cố gắng thực hành và hy vọng sẽ trụ được đến lúc “La mã” được xây xong :d

  21. Trần Thanh Bình Says:

    Các thông tin trong bài viết của ông luôn là những kiến thức hữu ích cho những ai yêu hội họa và sáng tác hay học tập hội họa. Tôi thường link các bài viết của ông vào trang FB của mình để các sinh viên của tôi có thể đọc tham khảo. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục được đọc các bài viết mới của ông chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác và kỹ thuật sơn dầu để các sinh viên có cơ hội học hỏi thêm.

  22. vqh241 Says:

    Chú Nguyễn Đình Đăng có thể nói kĩ hơn một chút về giai đoạn lên mầu được không? Cháu có thắc mắc là: sau khi đã vẽ xong lớp lót đơn sắc (hoàn thiện tối đa, tương tự như bức tranh đã hoàn thành nhưng đơn sắc, trong đó hình hoạ và hình khối đã được hoàn thiện) thì khi lên mầu dùng mầu trong hay đục, nếu dùng mầu trong để phủ lên nhằm giữ được tương quan đậm nhạt và hình khối đã được hoàn thiện ở lớp vẽ lót đơn sắc thì thành ra vẽ láng (bước 6) mất rồi còn nếu dùng màu đục phủ lên thì có phí mất thành quả của lớp vẽ lót không?

    Hãng Lukas có một sản phẩm gọi là transparent structure mã số:2268 dùng để trộn vào sơn dầu làm mầu trở nên trong, có nên dùng không vậy chú?

    • Nguyễn Đình Đăng Says:

      1) Màu sơn dầu không đục tuyệt đối, nhất là khi vẽ lớp mỏng. Đục nhất là trắng titanium, nhưng nếu quết lớp mỏng cũng không che hết màu ở dưới. Vì thế kể cả màu đục của sơn dầu cũng có độ trong nhất định. Cho nên khi vẽ màu cục bộ, bao giờ cũng có ảnh hưởng từ màu của nền và imprimatura. Chính vì thế mà màu nền và imprimatura mới đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hòa sắc chung cho toàn bố cục.

      Khi vẽ màu, nên dùng màu đục và đắp dày để vẽ những chỗ sáng, nhất là các điểm sáng mạnh nhất, và dùng màu trong và mỏng để vẽ các chỗ tối. Các chỗ chuyển trung gian có thể được vẽ bằng màu bán trong hoặc bán đục. Có thể pha dung dịch pha màu vào màu đục để làm nó thành bán đục.

      Còn vẽ láng là dùng lớp màu trong rất mỏng và tối hơn để phủ lên lớp màu sáng hơn và đã khô ở dưới.

      2) Lukas transparent structure là một loại gel – một thứ sơn dầu không màu. Mục đích của gel là giúp cho việc vẽ impasto (vẽ đặc). Khi trộn với màu sơn dầu, nó giúp giữ được vệt bút (hay vệt dao) khi màu khô, đặc biệt khi vẽ dày, gel giúp tạo ra kết cấu (texture) mang hiệu quả của phù điêu. Sơn dầu sẽ trong và bóng hơn một chút khi trộn với gel.

      Lớp láng (glazing) khác gel ở chỗ lớp láng là một lớp chất lỏng, khi khô tạo thành màng film bóng và trong. Còn gel là một chất nhão đặc, giữ nguyên hình dạng khi khô, vì thế được dùng để tạo kết cấu.

      Như vậy dùng gel hay không phụ thuộc vào mục đích và kỹ thuật của mình. Ví dụ, trong kỹ thuật vẽ nhiều lớp, có thể dùng gel để vẽ impasto các chỗ đắp dày, tạo nên hiệu quả về khối mạnh hơn.

Phản hồi của bạn: