Posts Tagged ‘Poussin’

Trao đổi về dessin (I)

07/09/2015

Lời nói đầu:

Thỉnh thoảng tôi nhận được thông điệp của các bạn trẻ hỏi và/hoặc trao đổi về các vấn đề liên quan tới hội hoạ. Một số bạn gửi vào comment. Một số comments tương đối có hệ thống và tôi đã post lại thành note riêng, như comments “Tạ Duy và Nguyễn Đình Đăng trao đổi về tranh Nhật“.

Một số comments khác gửi qua message riêng, nhưng có nội dung theo tôi có thể bổ ích không chỉ đối với các bạn trẻ học hội hoạ, mà cả các hoạ sĩ cũng như những người yêu mỹ thuật. Được sự đồng ý của người gửi comments, tôi đăng lại một trong những cuộc trao đổi đó dưới đây. Để đảm bảo tính riêng tư về danh tính của người gửi comment (trong bài là A), tôi đã biên tập lại một số chi tiết, nhưng giữ nguyên tinh thần của cuộc trao đổi.

N.Đ.Đ.

A:

Thưa bác, xin cho cháu tham khảo kinh nghiệm của bác về dessin.

Cháu muốn hỏi về sự khác nhau giữa tiêu chuẩn về đường nét và biểu cảm trong giáo dục hội họa từ thời các bậc thầy với thời hiện đại.

Như trước kia khi còn học ở VN, cháu được dạy dựng một bài vẽ từ việc block-in bằng đi nét thẳng, thoáng tay và mềm nét. Bài vẽ cứ được tiếp tục bằng việc block-in dần vào trong, phân cấu trúc, phân ranh giới ánh sáng, … tất cả đều bằng một dạng phác nét thoáng tay. Cháu xin gọi kiểu phác này là kiểu “kiến trúc”, vì các sinh viên kiến trúc ở VN rất tự hào vì “phong cách” vẽ này, họ đặt các chốt điểm rồi “vút tay” nối vào thành đường thẳng băng.

Rất nhiều người học vẽ và họa sĩ trưởng thành ở VN coi kiểu chấm nối và phân diện cực đoan như vậy là một phong cách xây dựng bài vẽ có phần logic và “đẳng cấp” hơn các tiêu chuẩn mà cháu được tiếp thu của hội họa đỉnh cao.

Cách nhìn của cháu là việc vẽ “phác” như trên là nó thực ra cực dễ. Việc người mới học vẽ thấy khó để phác một đường thẳng băng hay vẽ bị sai tỉ lệ là do mắt họ chưa được khai sáng. Nếu người học vẽ cứ đi lên bằng cách thực dụng này thì sẽ đi vào con đường vẽ đối phó cho xong, chép tranh, chép sự vật và chết hẳn về kỹ thuật của đôi tay và hoàn toàn khó có thể thấy đươc cái tinh tế của cấu trúc, giải phẫu và ánh sáng.

Sau này, càng xem nhiều các sketch, dessin của các bậc thầy như Holbein, Leonardo da Vinci, Dürer và Rembrandt, cháu càng chắc chắn rằng không thể nào họ lại đi cầm bút như viết rồi tì tay lên giấy vẽ một quãng ngắn tí ở khoảng cổ tay, hoặc rằng không có chuyện họ phóng túng vung tay chải ganh hay xoa than như các họa sĩ hiện đại, vì như những đường ganh của cụ Leonardo cực kỳ chính xác về sắc độ và khoảng dừng và chuyển áp lực nét, hay những nuance của cụ Rubens cũng rất vừa phải và đắt giá. Tư liệu thì rất nhiều nhưng có một cuốn sketchbook của Durer là cháu thấy khớp với nhận định này của cháu nhất, rõ ràng là ông vẽ chắc hẳn rất từ tốn và tay ông không tì lên tập giấy và ông vẽ bằng điều khiển cả cánh tay nên nét mới không bị “gò” như các họa sĩ hiện đại.

Dessin của Dürer

Dessin của Dürer

Và về bức tranh của Francisco Zurbaran, rõ ràng nếu đặt địa vị một bậc thầy thời đó chắc hẳn phải nắm rất rõ cấu trúc, linear perspective của vật thể, việc dựng một bản wireframe như những người làm ở lĩnh vực design hay architecture hiện đại là hoàn toàn có thể, ít nhất là với Dürer và Leonardo, như cháu thấy các cụ rất khoái vẽ nghiên cứu intersection. Nhưng tranh của Francisco Zurbaran lại hơi … méo.

Francisco Zurbaran (1598 - 1664) Tĩnh vật với 4 cái bình và cốc (kh. 1635 - 1664) sơn dầu, 47 x 79 cm

Francisco Zurbaran (1598 – 1664)
Tĩnh vật với 4 cái bình và cốc (kh. 1635 – 1664)
sơn dầu, 47 x 79 cm

Vậy câu hỏi cuối cùng của cháu có phải vấn đề mấu chốt là: Đối với một hoạ sĩ thì yếu tố chân thực với kỹ thuật dessin của bản thân (với quan niệm dessin như cháu hiểu ở trên) quan trọng hơn việc “đối phó” với việc hoàn thành một bức tranh. Vì rõ ràng, người ta có thể lấy thước, compass và một đống dụng cụ để tái hiện lại khung cảnh hiện thực trước mắt một cách hoàn hảo (thời hiện đại dựng trên máy tính còn dễ dàng hơn), nhưng các bậc thầy đã không làm vậy. Vì thế, như Francisco Zurbaran, thỉnh thoảng các danh họa cũng … hụt tay một tí?

N.Đ.Đ:

Không có cách cầm bút nào là đúng hoặc sai trong vẽ dessin cả. Cầm thế nào cho thuận tiện với mình là tốt nhất.

Dụng cụ để vẽ có nhiều loại như metal point, bút sắt, lông ngỗng, than, sanguine, phấn, bút lông, bút chì, v.v. Mỗi dụng cụ được cầm theo kiểu nào hoạ sĩ thấy thuận tiện.

Nicolas Poussin Tự họa (1649) sơn dầu, 78 x 65 cm

Nicolas Poussin
Tự họa (1649)
sơn dầu, 78 x 65 cm

Jean-Aguste-Dominique Ingres Tự hoạ năm 24 tuổi (1804) sơn dầu, 78 x 61 cm. Ingres là thiên tài cuối cùng về dessin cổ điển.

Jean-Aguste-Dominique Ingres
Tự hoạ năm 24 tuổi (1804)
sơn dầu, 78 x 61 cm.
Ingres là thiên tài cuối cùng về dessin cổ điển.

Dessin của Ingres

Dessin của Ingres

Cách dạy vẽ bằng dựng hình vuông, tròn, hộp, cầu, v.v., còn được gọi là cách tiếp cận kiểu cấu trúc (construction approach), là một trong nhiều cách để dạy những người không biết vẽ hoặc không có tài vẽ bẩm sinh cũng có thể vẽ được.

Không có gì đáng tự hào với kiểu vẽ đó cả. Học vẽ trước hết là học nhìn: phải biết cách nhìn cho đúng. Nhìn đúng thì vẽ mới chính xác, cũng như học ngoại ngữ phải nghe được đúng thì mới phát âm chuẩn được. Rõ ràng nếu không vẽ được hình bầu dục ngay thì phải vẽ hình chữ nhật ngoại tiếp nó đã, rồi lại chia 4 ra để vẽ 4 phần cong.

Ngược lại, cũng không có gì phải xấu hổ khi dùng cách vẽ đó nếu nó giúp mình vẽ được.

Vẽ dessin theo tiếp cận cấu trúc của Nga

Vẽ dessin theo tiếp cận cấu trúc của Nga

Một số ít người có tài bẩm sinh, có thể nhìn được chính xác. Những người như thế không cần bất cứ hệ thống nào hoặc có thể dùng bất cứ hệ thống gì mà họ nghĩ ra để giúp họ vẽ dessin cho hiệu quả.

Leonardo, Dürer, Raphael, Michelangelo, Botticelli, Rembrandt, Ingres, v.v. chẳng có cụ nào vẽ như thế.

Bản thân tôi cũng không bao giờ vẽ như thế.

Dessin của Nguyễn Đình Đăng

Dessin của Nguyễn Đình Đăng

Bài hình hoạ là bài học để luyện kỹ năng vẽ. Đó là cách học ở hoạ viện. Nhưng hoạ viện là thứ chỉ ra đời từ t.k. XVI. Hoạ viện đầu tiên là hoạ viện Florence được thành lập năm 1563. Lúc đó Leonardo, Botticelli, Dürer, Raphael đều đã chết. Michelangelo còn một năm nữa thì qua đời. Rõ ràng các cụ này chưa bao giờ học ở hoạ viện. Họ có học thì học trong xưởng của các bậc thầy. Nhưng Leonardo vào xưởng của Verocchio – người được coi là thày của ông – khi ông đã 17 tuổi và 3 năm sau ông đã trở thành hội viên hội hoạ sĩ Florence. Như vậy trước khi vào xưởng Verocchio thì Leonardo đã biết vẽ cực giỏi rồi [1]. Chẳng ai biết ông học từ đâu. Tôi cho rằng ông chẳng học từ ai cả. Ông cứ nhìn và vẽ và dần dần thành ra vẽ như vậy. Nói cho chính xác hơn, ông đã tự học từ rất nhiều nguồn, nhiều người. Leonardo là một trong những người tự học vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.

Dessin của Leonardo da Vinci

Dessin của Leonardo da Vinci

Dessin của Leonardo da Vinci

Dessin của Leonardo da Vinci

Trong các bậc thầy về dessin tôi xếp Leonardo số 1 sau đó mới tới Michelangelo, Dürer v.v. Vì sao? Vì Leonardo là người có thiên tài về dessin. Ông vẽ như chơi nhưng lại cực kỳ chính xác. Các hình vẽ của ông không những sống động, mà còn quý phái và tao nhã. Các đường nét của ông là các singing lines (đường nét cất tiếng hát). Đó là những gì tinh túy nhất của nghệ thuật dessin.

Dessin của Leonardo da Vinci

Dessin của Leonardo da Vinci

Dürer vẽ đôi khi còn lệch, phi đối xứng (xem hình dưới), nhưng khó tìm được một dessin của Leonardo bị lỗi như vậy.

Dessin của Dürer

Dessin của Dürer

Dessin của Dürer

Dessin của Dürer

Dessin giải phẫu cơ thể người của Leonardo da Vinci

Dessin giải phẫu cơ thể người của Leonardo da Vinci

Dessin của Leonardo (trái) và hình ảnh chụp bằng công nghệ scans hiện đại sau đó 5 thế kỷ (phải).

Dessin của Leonardo (trái) và hình ảnh chụp bằng công nghệ scans hiện đại sau đó 5 thế kỷ (phải).

Cách tốt nhất để học dessin là phải vẽ (bằng bút chì 5B, 6B, bút sắt) và vẽ thật nhiều. Trong quá trình vẽ có thể tham khảo các phương pháp, các hình hoạ đẹp để luyện một thị hiếu thẩm mỹ tốt. Các hệ thống dựng cấu trúc v.v. nhằm giúp người học vẽ hiểu hình, và nhìn ra hình, dựng hình cho đúng. Nhưng đó chỉ là phương tiện, không phải là mục đích.

Tôi coi dessin là kỹ năng cơ bản số 1 của hoạ sĩ. Người không vững về dessin, theo tôi, chưa thể được coi là hoạ sĩ. Khi tôi viết các chuyên khảo về kỹ thuật vẽ sơn dầu, tôi giả thiết người đọc nắm vững dessin rồi. Nếu cháu còn lúng túng với dessin, cháu cần tự rèn luyện để vẽ dessin cho bằng được. Vẽ được dessin không khó vì có thể học được. Nhưng vẽ dessin đẹp thì khó vì đó là tiếng nói cá nhân, phụ thuộc vào tài năng của từng cá nhân. Mà tài năng là thứ trời cho, không dạy được, không học được.

A:


Có vẻ như cuối cùng, việc xem những bản vẽ còn sót lại của các bậc thầy vẫn có gì đấy thực tế và giúp ích hơn cho cháu bác ạ. Nó thực sự vô tư và “universal”. Các phương pháp mô phỏng và dựng cấu trúc hiện đại cháu cảm thấy có ích nhưng bị làm dụng và vô hình bị biến thành nhưng process khô cứng và thậm chí là bị biến thành các “style” phân định môi trường giáo dục này với môi trường khác.

N.Đ.Đ:

Cách học tốt nhất là học từ các bậc thầy cổ điển, những đỉnh cao nhất của dessin và hòa sắc. Đó là lý do vì sao cho đến cuối t.k. XIX học sinh tại École des Beaux Arts de Paris đầu tiên phải học chép dessin từ các bản in, sau đó mới được chuyển sang vẽ tượng, rồi vẽ mẫu người khỏa thân. Học sinh chỉ được chuyển sang giai đoạn tiếp theo khi có sự chuẩn y của hoạ sư. Thời gian trải qua từng giai đoạn không cố định mà phụ thuộc khả năng của từng học sinh và quyết định của hoạ sư.
Từ “style” có hai nghĩa: 1) kiểu , lối 2) phong cách. Những phương pháp vẽ dessin đó thuộc nghĩa thứ nhất. Đó chỉ là những phương tiện khô cứng, đúng như cháu vừa nói. Còn “phong cách” là người, là cá nhân nghệ sĩ, chứ không phải là cách di mấy nét chì, than, hay ngón tay khi vẽ. Cổ nhân Charles Blanc đã nói rất rõ ràng về hai nghĩa này của từ “style” trong đoạn về “Mô phỏng và phong cách” mà tôi đã dịch.

Tôi có xem các dessin của mấy hoạ sĩ Mỹ trong phả hệ cháu gửi. Tất cả, từ Frank Vincent DuMond trở đi đều không xuắt sắc về đường nét. Cách tiếp cận của họ thiên về dựng cấu trúc, sáng tối, khối. Tôi không thích cách tiếp cận đó vì nó đánh mất phẩm chất của đường nét. Đường nét, theo tôi, là vẻ đẹp cơ bản và hàng đầu trong dessin. Người xưa nói “đường như sóng lượn” hoàn toàn không phải hoa mỹ hay sáo rỗng mà cực kỳ thông minh. Trong vật lý sóng là một dạng của dao động kèm theo sự truyền tải năng lượng trong không gian hay vật chất. Vì thế ví von này biểu thị dạng đường nét uốn tự nhiên, liên tục, nhưng khi dày khi mỏng, truyền tải cảm xúc, biểu thị cảm giác về không gian xa gần, về khối, ánh sáng và bóng tối, như giọng nói, như hơi thở. Đường nét gãy khúc vô cớ, cứng như dây thép, hoặc đứt đoạn do lạm dụng tẩy để tạo chỗ sáng, như trong hình dưới, là một thí dụ về đường nét xấu.

Một ví dụ về đường nét không đẹp: Trích đoạn dessin của một hoạ sĩ Mỹ vẽ theo lối cấu trúc.

Một ví dụ về đường nét không đẹp: Trích đoạn dessin của một hoạ sĩ Mỹ vẽ theo lối cấu trúc.

Các bậc thầy như Leonardo, Michelangelo, Botticelli, Dürer đều là những người vẽ dessin bằng đường nét tuyệt vời.

Dessin của Michelangelo

Dessin của Michelangelo

Dessin của Botticelli

Dessin của Botticelli

Tiện đây nói luôn, thói quen di tay để tạo bóng, như trong mấy đoạn video của Mỹ mà cháu gửi, là một thói quen rất phản nghệ thuật hay mauvais goût (thị hiếu tồi). Nó giết chết vẻ đẹp của các nét gạch bóng. Cháu khó mà tìm được một vết di tay cố ý trong các dessin của Leonardo, Michelangelo, Botticelli, Dürer, Ingres. v.v
A:

Cái từ “phong cách” (style) là cháu diễn đạt đúng với bối cảnh quan niệm của những người học vẽ ở khu vực có nền hội họa và giáo dục hội họa chất lượng thấp theo như những gì cháu biết được, mà ở đây cụ thể là chính Việt Nam.

Bác có thể tưởng tượng là ở VN học sinh học mỹ thuật cực kỳ thiếu những tài liệu hay và những tác phẩm đẹp trong bảo tàng mỹ thuật. Thế nên, ví dụ như một học sinh mua một sách dạy vẽ của Tàu ở các hàng họa phẩm, hay lên mạng xem tranh của sinh viên Nga, hoặc xem video của các họa sĩ Mỹ, cộng thêm kiến thức nghèo nàn về ngoại ngữ, văn hóa, lịch sử, thì đấy là những bàn đạp để những học sinh ở VN nhái lại những “kiểu cách” (manner). Sau khi đã gây đủ ấn tượng với bạn bè và cộng đồng, họ coi đấy là định hướng cho cả con đường sáng tác của họ. Đáng nhẽ những thứ đó cần được hiểu là những “cách tiếp cận” (approach) hay “tiến trình” (procedure) thì chúng lại bị lạm dụng trở thành “phong cách” trong nền hội họa nhiều người mù mờ.

Thậm chí, nếu bác có dịp tiếp xúc với một sinh viên năm cuối, hoặc một cựu sinh viên bất kỳ từ trường MT.., đặt anh ta trước một người làm mẫu, cháu chắc chắn một điều là có khả năng anh này không biết vẽ hoặc sẽ lại vẽ kiểu đo đạc, phạt mảng, một “phong cách” mà rất nhiều sinh viên MT.. tự hào là kiểu Nga và cấu trúc rõ ràng, nhưng toàn sai về giải phẫu học, đâm ra sinh viên MT.. giỏi nhất là vẽ … tượng người bằng gỗ, theo cháu là như vậy.

Thực tế là cháu cũng theo dõi những cậu sinh viên xuất phát từ nhiều nền giáo dục Âu, Mỹ và cả người Trung Á tự học. Việc lúc đầu, trong thời buổi hiện đại với lượng sách dạy vẽ đa dạng, một người học vẽ sớm bắt đầu với những dạng diễn giải cấu trúc là điều dễ hiểu. Nhưng khác với sinh viên VN, họ rất cởi mở trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động bổ sung thêm về lịch sử hội họa. Các anh ở châu Âu có điều kiện cũng hay rủ nhau lái ô tô đi thăm các bảo tàng lớn, nơi có các tác phẩm cổ điển. Họ cũng chả ngại học những môn như giải phẫu. Giải phẫu học là thứ mà ở VN cứ chém gió khi ngồi uống nước chứ thực sự cũng chả ai thèm học, và muốn học thì cũng không được vì đa phần sinh viên mỹ thuật dốt ngoại ngữ, cũng như đa phần xuất thân từ tầng lớp học sinh yếu văn hóa, mang nặng tư tưởng phản giáo dục, coi hội họa như một phương tiện, để nâng tầm họ bằng ảo tưởng năng khiếu sau bao năm bị “hành” ở bậc phổ thông. Một số ít trong họ chắc cũng sẽ có khả năng chép được vài bức giải phẫu, nhưng rồi nhanh chóng thôi, họ cũng chỉ dừng ở đấy, đem ra làm màu làm mè với bạn học, để thành một sự đặc biệt, và lại quay vòng áp dụng vào cuộc đời sáng tác, nhưng tuyệt nhiên họ, vì không đọc, nên chẳng biết đến những điều cơ bản nhất của giải phẫu học cơ thể người.

Cháu đã từng xuất phát từ một môi trường giáo dục hội họa như vậy, rất hỗn loạn. Nhờ bác, mà cháu đã chắt lọc loại bỏ được gần hết những nhận thức sai trong quá trình cháu tiếp xúc làm quen với việc vẽ trong mấy năm vừa rồi. Bây giờ mới có thể gọi là cháu chính thức học cách vẽ cho đúng.

Với tuổi cháu nhiều người thấy cũng có gì đấy hơi muộn, nhưng cháu cũng chả quan tâm lắm; việc vẽ bây giờ đối với cháu là khá vui. Trái ngược hoàn toàn với những năm trước khi cháu thực sự là không nuốt nổi những quan niệm kỳ quặc quanh trường MT.. Một thời gian dài cháu cảm thấy rất bức bối vì suy nghĩ của mình khác hẳn với những thầy, đàn anh, và bạn học trong xưởng, những người luôn miệt mài vẽ xong bài để được chấm điểm, để đậu vào trường.

Thật tốt là sau khi được bác tiếp chuyện và giải đáp về câu chuyện lớn nhỏ của hội họa, của kỹ năng thì cháu cảm thấy được khai sáng và tự tin lên rất nhiều.

N.Đ.Đ:

Học vẽ không bao giờ là muộn.
Wassily Kandinsky từ bỏ chức danh giáo sư luật năm 30 tuổi để bắt đầu học vẽ.
Gauguin bắt đầu học vẽ năm 25 tuổi. Van Gogh – năm 27 tuổi.

A:


Thế coi như cháu xuất phát ngang với Gauguin ạ, ha!
Mấy hôm nay cháu hỏi han, làm phiền bác nhiều, chúc bác một cuối tuần vui vẻ ạ.

____________

[1] Xem Nguyễn Đình Đăng, Leonardo học sơn dầu từ ai?